VỀ LONG HỒ – GẶP KÉP LÃO HÁT BỘI

Ngày đăng: 27/08/2018 09:12:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Thưở còn đi học, tui bị mê mẩn khi đọc tác phẩm hát bội giữa rừng của nhà văn Sơn Nam. Trong đó, ông kể về một chuyến lãng du tại Rạch Khoen cà tưng thuộc Vũng Liêm. Trở về Sài gòn , ông đã ghi tặng cho đời câu chuyện bất hủ khi được mãn nhãn thưởng thức những đêm hát bội giữa rừng thật lý thú.
Thú thiệt..Vì đam mê câu chuyện này, nên tui từng lầm lũi , lò mò phóng cái xe cà tàng về Vũng Liêm, hỏi dò địa danh Khoen Cà Tưng nằm ở đâu , đặng tìm tới. Tôi ngắm con rạch mênh mang, rồi lắng đọng trái tim, nhắm mắt tưởng tượng cảnh hát bội giữa rừng bần đen sẫm nhưng rực sáng như một cây thông Noel khổng lồ bởi hàng ngàn chú đóm đóm lãnh việc thắp nến cho dân miệt quê xưa, khi họ hồ hởi bơi xuồng, chèo ghe len lỏi từ mọi nơi, vượt con nước phù sa ngầu đục, tìm đến thưởng thức môn nghệ thuật cổ truyền của cư dân Nam bộ trong thế kỷ trước..
Tuy nhiên, cho tới bây giờ , dù gặp cả những vị cao niên người Hoa, Khmer cho đến người Việt sinh sống ở Vũng Liêm, không ai nhớ ra địa danh này chút xíu nào ráo trọi..
Chuyện địa danh Khoen Cà tưng thôi thì đành xếp xó..Ơn trời thương, cuối cùng, giấc mơ đi tìm đoàn hát Bội có lịch sử cả trăm năm của tôi đã toại nguyện..

Năm ngoái , trong sự kiện ngày hội du lịch TP.HCM, tôi có duyên được gặp các nghệ nhân của gánh hát bội Đồng Thinh. Từ lời mời của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long do anh Minh làm trưởng đoàn. Những nghệ sĩ dân gian này đã đùm túm kéo lên Sài gòn, biểu diễn những trích đoạn từng được người dân miệt vườn yêu thích cả thế kỷ với các vở như Tiết Giao đoạt ngọc, Phụng Nghi Đình, San Hậu, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Phàn Lê Huê báo phu cừu, Trảm Trịnh Ân, Chung Vô Diệm, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu….
Sau này, đoàn còn tập thêm vài trích đoạn từ các kịch bản do đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và Minh Tơ cung cấp.
Hỏi thăm nghệ sỹ Vũ Linh Tâm – vai kép chính và cũng là đệ tử chân truyền nổi tiếng của gánh Đồng Thinh, nơi gia đình anh đã có 5 đời theo nghiệp hát.
Trò chuyện với nghệ sĩ Vũ Linh Tâm trong gương mặt chưa kịp tẩy trang, ông cho biết; Nghiệp hát Bộ đã gắn bó với gia đình có lịch sử gần 120 năm.
Thưở ấy, trên mảnh đất Vĩnh Long xưa, chú bé Vũ Linh Tâm ở độ tuổi 13 đã lãnh vai quân sĩ cầm cờ hiệu chạy múa trên sân khấu và tuổi thơ của ông luôn được lấp đầy bởi những tuồng tích, những bộ trang phục cồng kềnh, những đôi hia ngồ ngộ, những chiếc mão gắn lông trĩ cao vút , và những bộ tóc , râu giả mang các màu sắc ngũ hành rực rỡ..
Từ đó, ông đã gắn suốt tuổi thơ của mình trong tiếng vỗ tay reo hò giữa tiếng kèn, tiếng trống rình rang trong ánh đèn sáng trưng nóng ngộp tại các lễ hội cúng thần ở các đình làng cổ kính.
Dần dần, tiếng đồn lan xa, gánh hát bội Đồng Thinh được mời đi khắp các tỉnh lân cận để diễn cho bà con trong những dịp kỳ yên cúng tế. Tuy vậy, nếu Vũ Linh Tâm xuất sắc trong vai kép chính, chuyên đóng các vai độc làm điểm nhấn cho các tuồng tích thì người cầm trịch cho đoàn hát bội Đồng Thinh suốt bao năm nay phải kể đến chính là bầu Răng- người đã gìn giữ thương hiệu đoàn hát bội Đồng Thinh suốt hơn nửa thế kỷ với bao cay đắng mật ngọt trong đời.
So với Vũ Linh Tâm,  bầu Răng là bậc sư huynh bởi thâm niên tay nghề cao hơn một bậc. Nửa thế kỷ trước, khán giả mộ điệu hát bội Nam bộ không ai xa lạ với ông bầu Răng của gánh hát Đồng Thinh (H.Mang Thít, Vĩnh Long).
Là con nhà nòi trong lĩnh vực hát bội, cả ông nội, cha ông, rồi đến đời ông đều theo nghề bầu hát. Mấy chục năm làm kép, làm bầu, bầu Răng đã cùng gánh hát Đồng Thinh đi khắp Bắc Nam, sang đến tận Mỹ diễn những tuồng tích nổi tiếng như: San Hậu, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Phụng Nghi Đình, Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ…
Mân mê bộ áo giáp, mão, lông công của võ tướng, bầu Răng hồi tưởng lại quá khứ vàng son: “Hồi xưa bà con mình mê hát bội lắm. Gánh Đồng Thinh đi tới đâu, người ta kéo nhau rần rần coi tới đó”. Hồi đó, mấy chục thành viên của gánh Đồng Thinh, cả đàn ông, đàn bà, con nít rong ruổi khắp miệt Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… để phục vụ bà con.
Đường xá ngày xưa rất xấu, đi lại khó khăn, có lúc đoàn di chuyển bằng cộ (xe trâu), có lúc chèo ghe tam bản vẹt lục bình, ô rô mà đi.
Mắt ông không giấu được niềm vui khi nhớ lại mỗi lần ghe gánh hát vừa cập bến, “Hương chức làng” đã mặc áo dài, khăn đóng, tàn lọng chỉnh tề đợi thỉnh tổ.
Còn “ông nhưng” của gánh đi trước bưng bàn thờ, kế đó, đào, kép bước theo sau vào đình trong tiếng trống kỳ rục rục, tung tung giòn giã.
Những đêm diễn ấy kéo dài đến tận 2 – 3 giờ sáng.
Và người dân miệt quê xưa, họ cứ tha hồ thả cảm xúc của mình, cùng yêu, ghét, khóc, cười, tức giận thỏa thuê với những Lữ Bố, Điêu Thuyền, Trịnh Ân, Lưu Kim Đính , mê mẩn hò reo khi thấy chàng kép Lữ Bố múa may bài võ quyền hoặc bật khóc khi chứng kiến cảnh nữ tướng Kim Đính đã phải quỳ lê dài trên sân khấu đến rã mồ hôi đầy mặt.
Tuy vậy, quá khứ vàng son ấy cũng chỉ là áng mây lấp lánh. Chúng chợt bay mất khi thời cuộc thay đổi.
Sau năm 1975, như mọi các gánh hát khác. Cuộc sống của các diễn viên gánh hát bội Đồng Thinh rơi vào giai đoạn khó khăn. Trước tình cảnh ấy, chàng kép chính kiêm ông bầu Răng đã phải dắt cả gánh đi hát dạo “cứu đói”.
Trên chiếc ghe bầu cũ rích, gánh hát bội Đồng Thinh phải lưu lạc và cắm sào trên những nhánh sông khắp miền Nam suốt mấy tháng trời. Thậm chí có kỳ dài đến cả năm, gánh hát vẫn không thể về Vĩnh Long vì “đói quá”.
Để tồn tại và đắp đổi lửa nghề, bầu Răng và các anh em trong đoàn vừa hát bội phải vừa bán hàng rong, làm mướn kiếm từng đồng, từng cắc sống qua ngày.
Ngày ấy, bà con miệt đồng miệt vườn cũng kham khổ như các nghệ sĩ, cho nên bà con coi hát không có tiền trả đoàn. Vậy là bà con bàn cách như sau: thôi thì ai có gì thì cho đoàn hát cái nấy.
Vậy là người thì cho gạo, hột vịt, người cho nước mắm đồng, người thì đi kéo đường mía gửi cho gánh hát cả khạp. Riêng cá tôm thì ê hề trên sông, nên chất đạm cho đoàn chính là những chú cá lóc nướng trui thơm lựng, giúp các nghệ sĩ no bụng suốt đêm để hát và diễn bộ để giữ nghề.

Bầu Răng bồi hồi: Có lần gánh hát “đậu” lại ở một cù lao tuốt miệt Trà Vinh suốt một năm, vì thiếu thốn nên gánh hát đã ăn hết cả một bàu bông súng.
Rồi những lần giỗ tổ mà không có đồ cúng sung túc, anh em trong đoàn chỉ biết nhìn nhau chảy nước mắt.
“Nghề hát bội cực khổ trăm bề nhưng anh em chúng tôi đã nguyện hết lòng theo nghiệp tổ”, bởi đã là nghiệp thì phải trả nợ mà thôi. Bầu Răng khẳng khái ..
Nghe ông nói, một cảm xúc chợt dâng trào trong tim tôi.
Đúng vậy ! cuộc đời này mỗi con người sinh ra đã vận cho mình một nghiệp đeo mang..Vì vậy, ngoài việc vui vẻ trả nợ đời..
Trộm nghĩ, cuộc sống là một không gian bao la, phận đào kép của một gánh hát bội có lịch sử hơn trăm năm..Nay sao u hoài bởi lớp trẻ Việt đang mong hòa mình với thế giới, du nhập các nền nghệ thuật phương Tây mà quên đi hòn ngọc quý của ông bà để lại..Nhưng để thương hiệu hát bộ Đồng Thinh tồn tại, rất cần sự chung tay của chính quyền và khán giả.

Dương Thủy

H2

h3

h4

Có 2 bình luận về VỀ LONG HỒ – GẶP KÉP LÃO HÁT BỘI

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Hồi 8,9 tuổi, tôi cũng theo bà ngoại tôi coi hát bội ở đinh làng Mỹ An Hưng hoài, nhưng không biết gánh hát tên gì cả. Kỷ niệm coi hát bội mù mờ trong trí nhớ!

  2. Văn Năng nói:

    Đọc bài này làm tui nhớ lại lúc mình còn nhỏ.

    Hồi đó hay chọc nhau đi coi gánh hát Đồng Khinh. Hỏi gánh đó hát ở đâu thì nói láy lại là hát ở Đình Không tức là không có gánh hát nào cả, chỉ có mỗi cái đình không thôi.

    Hỗng biết câu nói láy đó có liên quan gì tới gánh hát Đồng Thinh không?

    Thời tui coi hát bội thì gánh hát đã ế lắm rồi. Gánh hát diễn buổi trưa có khoảng vài chục người ngồi coi. Hát được mấy buổi ế quá nên đoàn hát bội dọn đi hát chỗ khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác