TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG – MÓN NGON XỨ THANH
Làm sao mà định nghĩa hết được quê hương là gì, nhất là đối với những người đã cao tuổi đang ở xứ xa mà lòng luôn hoài vọng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, dù rằng bây giờ vật đổi sao rời nên quê hương chỉ còn hiện hữu nơi tâm trí, qua những kỷ niệm còn giữ lại được của một thời xa thật xa….
Có thể như Đỗ Trung Quân để thấy:
Quê hương là chùm khế ngọt,
Cho con trèo hái mỗi ngày,
hoặc: Quê hương là vàng hoa bí,
Là hồng tím giậu mồng tơi,
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi,
Thanh-Hoá, quê nội của tôi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong sáu năm đầu đời đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm sâu đậm, khó quên.
Dù còn ở lứa tuổi ấu thơ, tôi đã đón nhận quê hương bằng tất cả mọi giác quan của mình, ngắm nhìn cảnh vật, cây cỏ, hoa lá; nghe tiếng chim hót, tiếng ve, tiếng dế và thường đi vào giấc ngủ trong bản hợp ca của cóc nhái, ểnh ương; hít thở mùi hương nhẹ nhàng của hoa cau, hoa ngâu, hoa thiên lý, mùi thơm nồng nàng của hoa bưởi, hoa dẻ….và nhất là được thưởng thức những món ngon của quê nhà. Từ những quả nhót chua, vàng mọng, miếng hồng ngâm ngọt ngào đến những chiếc bánh khoái Nguyệt-Viên thơm lừng, miếng chả tôm béo ngậy, cái bánh dẻo (bánh cuốn) nhân tôm tươi không đâu sánh được.
Dù xa quê nhưng chúng tôi may mắn luôn được sống trong vòng tay của đại gia đình nên một số phong tục, tập quán của quê hương vẫn còn được gìn giữ, nhất là trong vấn đề ẩm thực.
Với tài nấu nướng, cô tôi (chị của ba tôi) đã cho chúng tôi những bữa cơm gia đình đầm ấm với những món ăn giản dị hàng ngày nhưng không kém phần ngon miệng.
Bánh khoái Nguyệt-Viên, chả tôm Thanh-hoá hoặc bánh dẻo nhân tôm tươi
được coi là những món cầu kỳ nên chỉ trong những dịp đặc biệt mới được cô làm cho mọi người thưởng thức.
Bánh khoái làm bằng bột gạo, pha với nước chè (trà) và nước mắm được đổ trên cái chảo bằng đất nung. Nhân bánh là thịt chim le le băm chung với cá rô tươi, với thật nhiều hành hoa (hành lá), mùi (ngò rí) cùng các gia vị như tiêu, muối, đường, nước mắm trộn chung với hột gà hoặc hột vịt. Có trứng trộn vào để cho mọi thứ sẽ quyện vào nhau và khi bánh chín, nhân không bị rã rời.
Tại Saigon vì không tìm được chim le le nên cô dùng thịt vịt hoặc thịt heo để thay, tuy vậy không phải vì thế mà kém phần ngon. Chúng tôi một lũ trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng lại ăn như “hùm” (cọp) làm cô dùng hai ba chảo rang mà đổ vẫn không kịp. Món ăn ngon của cô đã được chị em chúng tôi ghi vào tiềm thức nên dù ở ngoại quốc, chúng tôi vẫn tiếp tục những công thức của cô để làm món ăn gợi nhớ quê hương. Le le và cá rô được thay bằng thịt heo và tôm tươi đông lạnh; chảo đất nung được thay bằng chảo chống dính Teflon cho hợp tình, hợp cảnh.
Hình 1/ Bánh khoái Nguyệt-viên
Năm 2013 chúng tôi, một phái đoàn thân tộc gần 20 người từ Âu, Úc, Mỹ đã hẹn nhau cùng với mẹ tôi, lúc ấy đã 90 về thăm quê nội sau hơn nửa thế kỷ. Mặc dù “thương hải biến vi tang điền”, cảnh cũ, người xưa nay còn đâu nữa nhưng dù sao thấy lại quê hương nên nỗi nhớ cũng được nguôi ngoai phần nào.
Tại thị xã Thanh Hoá, chúng tôi đi tìm những món đặc sản ngày xưa của quê nhà. Hai chị lớn dưới sự hướng dẫn của người bà con bản xứ thành thạo đã bỏ công truy lùng trước đó một ngày rồi sau đó mới cho phái đoàn thưởng thức món ngon vật lạ.
Kết quả, món bánh khoái Nguyệt Viên thì không tìm đâu ra.
Món chả tôm lại quá tệ, mặc dù được ăn tại một quán nổi tiếng về món đặc sản này. Tôi vẫn nhớ đến những miếng chả tôm của cô và của mẹ, được làm bằng tôm tươi, bóc vỏ và giã trong cối đá, trộn lẫn với mỡ heo thái nhỏ và một ít tôm đập dập thái miếng cùng với gia vị.
Hỗn hợp này được bỏ vào một miếng bánh phở và cuộn lại thành cuộn tròn hoặc hơi dẹp, nhỏ hơn cái bánh cuốn, rồi cho vào vỉ sắt hoặc gắp tre mà nướng trên lửa than cho đến khi chả có màu vàng ươm là được.
Bánh dẻo (bánh cuốn) rất ngon, là loại bánh duy nhất mà chúng tôi thật sự hài lòng khi được thưởng thức lại nơi quê nhà. Bánh ngon vì chỉ có nhân tôm tươi thơm, ngọt đậm đà, hoặc nếu muốn thì thêm một ít thịt heo bằm nhỏ. Đặc biệt là bột bánh mềm mại, giai dẻo nên khó có loại bánh cuốn nào sánh được.
Hình 3/ Bánh dẻo (bánh cuốn) nhân tôm tươi
Mới đây tôi vào thăm ông Google, công thức món bánh khoái Nguyệt Viên của ông làm tôi thất vọng não nề, món ăn hầu như bị biến đổi quá xa với vật liệu và cách làm thuở xưa nên có thể coi là đã bị thất truyền.
Cũng chẳng có gì lạ vì người Việt chúng ta ngày xưa đâu có ghi chú công thức các món ăn trong sách vở, tất cả đều học bằng mắt thấy, tai nghe từ thế hệ này tiếp nối thế hệ kia để bảo trì những kiến thức của ông bà truyền lại.
Hơn nửa thế kỷ bị đứt đoạn, mấy chục năm liên tiếp, người dân không đủ ăn lấy đâu ra để làm những món vừa đắt tiền vừa tốn công cho con cháu thưởng thức cùng ghi nhớ. Thế hệ của cô chúng tôi đều đã ra người thiên cổ từ lâu nên ngày nay thế hệ con cháu nơi quê nhà có mấy ai còn biết được chính xác cách làm những món ăn quê hương cầu kỳ như thế. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp để giới thiệu công thức cùng cách thực hiện các món ăn đã kể trên với quý vị đọc giả.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ sáu của trang nhà, xin gởi một chút tình tự quê hương và chúc trang nhà càng ngày càng vững mạnh để tình thân giữa các cựu học sinh TPH cũng như giữa các thân hữu luôn luôn bền chặt và lan rộng khắp nơi.
Lê-Thân Hồng-Khanh
Hình 2+3: nguồn net
Một phút nhớ về quê nhà qua những món ăn đã được bàn tay khéo léo của thế hệ cô, mẹ và những bậc trưởng thượng làm ra cho mình thưởng thức , những ngày thơ.
Sợ một mai, những người lớn tuổi ra đi, món ngon ngày xưa không được lưu giữ , đề nghị , với niềm đam mê nấu nướng, bạn in sách , dạy nấu ăn, những món đặc thù vùng miền, để truyền lại thế hệ nối tiếp. Được không bạn ?
Cô ơi! Bài viết của Cô thật đậm đà tình quê hương, dù xa xôi cách trở vẫn luôn nhớ về. Các món ngon xứ Thanh như: Bánh khoái Nguyệt Viên, chả tôm Thanh Hóa, bánh dẻo nhân tôm tươi, qua lời kể của Cô và xem hình ảnh thật là hấp dẫn. Mong rằng những món ăn truyền thống này của xứ Thanh sẽ được lưu truyền, không mai một. Dưới bàn tay khéo léo và sự chịu khó của Cô, em nghĩ Thầy Cô sẽ luôn thưởng thức được những món ngon của quê nhà trên đất khách. Em kính chúc Cô luôn vui với việc chế biến món ăn cho gia đình…
Nhìn cách chế biến món ăn hấp dẫn , sạch đẹp, bổ dưỡng là thích ngay …đúng là hương vị quê nhà ,,,quý thay .Cảm ơn cô nhé
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C )
Bạn Trầm Hương ơi,
Cùng các em My Nguyen và Hoành Châu,
Cám ơn bạn và hai em đã cảm thông với nỗi nhớ quê hương của một người có “tâm hồn ăn uống” như tôi. Dù ở xa quê vạn dăm nhưng hương vị món ngon quê nhà vẫn không phai lạt.
Đề nghị của Trầm Hương to tát quá nên chắc chắn là không thể thực hiện được vì việc nấu ăn của tôi rất hạn chế trong một số món của quê nội và quê ngoại mà thôi. Tôi thực sự mãn nguyện vì đã có thể giới thiệu kiến thức nấu nướng của tôi với các em cựu học sinh TPH cũng như quý vị đọc giả của trang nhà và rất vui khi nhận được sự ủng hộ của Trầm Hương, My Nguyen và Hoành Châu ở đây.
Xin cám ơn tất cả.
Em rất thích khi xem bài viết của Cô, các loại bánh rất hấp dẫn cũng dễ chế biến .Bánh khoái nhân làm bằng thit le le ,ở miền tây con le le cũng nhiều .Nhưng ở nhà em có nuôi vịt trời ,lớn lắm là khoảng 1k thịt cũng gần giống le le đễ hôm nào em làm thử. Kinh chúc Cô nhiều sức khỏe .
Khi nào Lài muốn làm Bánh khoái Nguyệt viên thì mail cho cô, cô sẽ chỉ cho em cặn kẽ hơn. Lâu nay ít thấy em trên trang nhà, cô gởi lời thăm em và gia đình.