DỊCH THUẬT KHÔNG CHỈ GIỎI NGOẠI NGỮ LÀ ĐỦ.

Ngày đăng: 4/06/2018 10:00:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Gần đây có 2 tác phẩm: L’indo-Chine française và bộ Monographie de la province… được dịch và xuất bản. Đây là một trong những tài liệu quan trọng cho dân trong ngành. Nhưng khi dịch tác giả chỉ sử dụng từ phổ thông, nên tác phẩm được dịch đọc cứ đều đều không thấy được đặc trưng, thành ra mất đi cái hồn của nguyên tác.

Việt Nam và Pháp là 2 nền văn hóa khác nhau “1000 dặm” nên hệ thống từ ngữ giữa 2 nước cũng rất khác xa nhau ngoại trừ những từ ngữ cơ bản: đi đứng, ăn ở, nhà cửa, xe cộ… Còn lại, lớp từ ngữ thiên về văn hóa nếu không phải là người am tường về văn hóa bản địa thì không thể nào dịch tốt được.

– TRƯỜNG HỢP 1, Một số từ mà ở Việt Nam có nhưng ở Pháp không có từ tương đương, buộc họ phải dùng cụm từ mô tả:
Ví dụ 1: PART DE PROPRIÉTÉ APPARTENANT À UN ÉTRANGER DU VILLAGE = từ chuyên ngành là “PHỤ CANH”
Trường hợp này nếu dịch: RUỘNG ĐẤT THUỘC SỞ HỮU CỦA NGƯỜI NGOÀI LÀNG, dịch như thế này thì không sai nhưng không thấy được sự đặc trưng về văn hóa bản xứ.

Trường hợp tương tự, ví dụ 2: SEMIS DU RIZ DANS L’EAU được dịch là GIEO LÚA TRONG NƯỚC, nhưng ở Đồng Tháp Mười phải dịch là XẠ NGẦM mới phù hợp. Đây là một cách gieo giống đặc trưng ở Đồng Tháp Mười đối với ruộng thấp, không phải nơi nào cũng có.

Ví dụ 3: INSTALLATION D’UN PIONNIER (Trích “Le développement rural de la plaine des Joncs au Vietnam”)
Từ này, lúc đầu tôi không biết cách nào để dịch cho đúng nghĩa, hỏng lẽ dịch là SỰ SẮP ĐẶT CỦA NGƯỜI KHAI HOANG? Hết tra từ điển, rồi tới hỏi người có chuyên môn cao về ngoại ngữ (nói tiếng Pháp như bẻ củi) nhưng tất cả đều không như ý.
Cuối cùng, đọc lại các tài liệu cũ, vô tình tôi thấy 1 tấm hình và phía dưới có chú thích với dòng chữ như trên. Lúc này tôi mới biết cụm từ này = CẤT TRẠI.
CẤT TRẠI, “công việc” phổ biến nhất của những người đi khai hoang thời kỳ đầu, và đi ruộng… ở Đồng Tháp Mười. Do công việc CẤT TRẠI của ta khác hoàn toàn về tính chất với CẮM TRẠI của người Pháp nên họ không dùng từ LE CAMP mà buộc phải dùng cụm tự để mô tả như trên.

– TRƯỜNG HỢP 2, PHIÊN ÂM hoặc PHIÊN ÂM MÔ TẢ, trường hợp này phổ biến ở giai đoạn đầu khi người Pháp sang xâm lược nước ta, do họ không am tường một số địa danh Việt nên họ dùng tiếng Pháp để phiên âm. Trường hợp này là “bất khả tri” nếu không đọc được các tài liệu cũ.
Ví dụ 4: Faïfo, Vaïco, Haute Cochinchine…

KẾT LUẬN: Giỏi tiếng Pháp chưa chắc có thể dịch tốt, nếu như không am tường văn hóa bản xứ.
Dịch thuật là công việc khó khăn, vất vả và mất thời gian…

Nên các vị nào mà chủ trương dùng cụm từ NHÀ SÀN TRÊN CỌC để thay thế NHÀ SÀN là phản văn hóa.

Lâm Chí Dĩnh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác