TÒA LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN II)

Ngày đăng: 20/05/2018 08:14:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Nhờ kết bạn với Lili mà tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Sau khi đã uống xong cà phê sữa điểm tâm, tôi với hai vị thợ săn rời nhà trong buổi sáng tinh mơ thì đã thấy Lili ngồi sẵn trên cỏ, dưới gốc cây vả, đang sửa soạn ba tá bẫy chim mà hắn sở hữu. Phần tôi thì cha tôi đã mua cho khoảng hai mươi bốn cái trong tiệm buôn tại Aubagne, những thứ mà người ta bán với danh hiệu giả là bẫy chuột. Tôi lại thích những chiếc bẫy lớn đặc biệt dùng để bẫy chim trĩ. “Không được”, cha tôi nói, “không hợp lý chút nào khi đặt bẫy để bắt loại chim quý như vậy”

Tôi thì trách là khi ông dùng súng để bắn chết những con chim vô tội đang bay trên không mới là vô lý hơn.

                                                     Hình 1/ Các loại bẫy chim

“Nhưng mà chim trĩ vừa khôn vừa khéo nên nếu mắc bẫy nó có thể tự mình thoát bẫy được”

“À, có thể đúng đấy”, ông nói, “Nhưng dù sao đi nữa, cái bẫy cũng không phải là thứ vật dụng chính đáng. Ngoài ra còn có thêm một lý do là cái lò xo của bẫy này xập xuống thật mạnh nên có thể gây thương tích cho mấy ngón tay của con”

Tôi lập tức chứng minh cho ông thấy và ông phải công nhận là tôi có thể sử dụng các bẫy này một cách dễ dàng. Tôi nài nỉ mãi nên cuối cùng ông phải nói khẽ:

“Mấy cái bẫy này đắt quá”

Tôi làm bộ như tôi không nghe thấy, kêu lên một cách thích thú và chạy ùa đến chỗ có chiếc ná mà giá chỉ ba xu.

Mấy cái bẫy chuột không lớn hơn cái dĩa nhỏ của tách trà vậy mà lại có công dụng rất hiệu nghiệm. Nó ập thật mạnh xuống cổ của con chim mà ngay cả những loại chim lớn như chim Amsel cũng khó lòng mà thoát ra được.

Trong khi lùa thú đến cho các vị thợ săn, chúng tôi cũng đặt các bẫy trên mặt đất cạnh vách đá cao, trên các cành cây uốn phẳng hay trong đám lá của cây Pistazie mà Lili gọi là “cây chùm trái nhỏ”. Loại cây thật đẹp thường thấy trong các bài hát của các mục đồng, có chùm quả màu đỏ, hột mầu xanh mà các loài chim đều thích.

                                      Hình 2/ Cành Pistazien đầy quả và hột Pistazien

Một cái bẫy đặt trong đám lá rối bời của cây này, chắc chắn sẽ bẫy được một chú Goldammer, một chú Amsel, một chú chim chích hay đôi khi có cả chú Drossel nữa.

Suốt buổi sáng chúng tôi đặt bẫy ở khắp nơi và leo lên tới tận đỉnh núi cao cho đến khi nhóm bốn người chúng tôi ngừng tại nguồn nước hay trong bóng râm của một cây thông để dùng cơm trưa.

Các túi săn thường được chất đầy thức ăn, vậy mà chúng tôi ăn cho đến hết không còn một mảnh vụn. Trong khi chúng tôi thưởng thức món trứng chiên với cà tô mát, nguội nhưng ngon tuyệt thì mấy miếng sườn đang được nướng trên lửa mà củi là cành của cây hương thảo. Đôi lúc miệng đang đầy thức ăn, chú Jules với lấy cây súng và bắn lên trời, xuyên qua các nhánh cây nhắm vào vật gì mà chẳng ai nhìn thấy, để rồi một con chim cu vòng, một con pirol hoặc một con diều hâu rơi phịch xuống. Đến khi tất cả thức ăn chỉ còn lại mấy miếng xương đã được gặm nhẵn và mấy miếng vỏ của phô mai thì các vị thợ săn nằm duỗi dài trên cỏ ngủ trưa, trên mặt đắp một cái khăn để ngăn ruồi muỗi. Trong khi đó, chúng tôi leo lên vùng vách đá cao để đi kiểm các bẫy chim.

Chúng tôi nhớ rõ tất cả mọi nơi, mọi cây cối, mọi bụi rậm, mọi tảng đá và từ xa, chúng tôi nhận ra ngay được cái bẫy nào đã không còn ở chỗ cũ nữa. Tôi hồi hộp chạy nhanh đến nơi, giống như người đánh bẫy thật sự chờ đợi thấy một con chồn hoặc một con chồn bạc đang mắc trong bẫy.

Hầu như bao giờ tôi cũng tìm thấy ở dưới gốc cây hoặc dưới chân của chồng đá một con chim bị chết nghẹt với vòng thòng lọng quấn quanh cổ. Nếu không thấy gì thì sự hồi hộp lại càng tăng cao, giống hệt như khi người chơi đánh số lotto mà ba con số đầu của vé số đã gọi trúng, đang căng thẳng để chờ được nghe gọi con số thứ tư.

Cái bẫy càng được kéo đi xa thì con vật trong bẫy càng lớn, chúng tôi đập vào các bụi rậm và lùng tìm một cách kỹ càng khắp mọi nơi chung quanh.

Thường là chúng tôi tìm thấy một con chim Amsel thật đẹp, một con Alpendrossel thật lớn, một con Holztaube, một con chim cút hay một con Hähe.

                            Hình 3/                            Các loại chim

                 (1) Feldammer – (2) Drossel – (3) Amsel (sáo) – (4) Häher – (5) Trĩ

 Và rồi lại có khi không tìm ra được cái bẫy, có lẽ cái bẫy lẫn con mồi đã bị một con diều hâu sớt đi khi nó quan sát thấy con mồi đang đập cánh để tìm cách thoát chết. Cũng có khi có những trường hợp thất vọng đáng buồn cười: một con chuột mập ú, một con tắc kè khổng lồ, một con cuốn chiếu màu mật ong. Một ngày nọ, sau một hồi tìm kiếm đầy hy vọng, chúng tôi thấy một con chim cú. Nó đứng thẳng trên hai chân màu vàng, xù lông để nhảy trong lúc cái bẫy còn đeo quanh cổ. Gần như bị ngẹt thở nó kêu lên một cách tức giận và đón chúng tôi bằng một nét mặt dữ dằn với cặp mắt có lông bao quanh mở toác. Khi tôi dụt dè tiến lại gần, nó thực hiện một cú nhảy cao thật lạ kỳ; nó đưa hai chân lên cao, dùng móng chân bám vào cái bẫy và loạng choạng rớt ngồi lên đuôi. Nếu nó chỉ nắm vào một bên của sợi dây đồng thì chắc chắn là nó đã thành công để tự giải thoát, đàng này nó lại kéo luôn cả hai sợi dây cùng một lúc nên bây giờ sợi giây lại cuốn chặt hơn vào cái cổ mỏng manh đã bị thương sẵn.

Cái chết sắp đến làm nó phải há mỏ ra. Sau đó nó dùng hết sức mạnh cuối cùng để đẩy cái bẫy và với cái đẩy mạnh đó, đầu của nó bị dứt ra luôn. Trái lông tròn bắn lên trên không khiến người ta có cảm tưởng là từ đó nó sẽ bay đi nhưng nó lại rớt xuống đám đá cuội, mỏ chổng lên trời, cặp mắt còn mở to vì kinh ngạc.

Sau này khi học ở trung học, lúc thầy Laplane giảng, con cú là con chim của Minerva và là biểu hiệu của sự thông thái, tôi bật cười to lên nên đã bị chép phạt cách chia bốn động từ, với đầy đủ tất cả các thì.

Sau khi thăm bẫy lần đầu, chúng tôi phải chờ năm sáu tiếng để các bẫy có đủ thời giờ làm việc. Sau buổi trưa, chúng tôi đi khảo sát các hang động, hái tỏi dại ở Escaouprès hoặc hái hoa Oải hương ở các sườn đồi vùng Taoumé. Chúng tôi thường nằm tận trong các bụi cây dưới cây thông lớn bởi vì chúng tôi cũng muốn giống như các con thú là quan sát mà không cho ai thấy. Chúng tôi trò chuyện khẽ với nhau cả tiếng đồng hồ.

Lili biết đủ thứ, chẳng hạn thời tiết sẽ ra sao, nơi có nguồn nước, ở vực nào có thể tìm được nấm, nơi mà các loại rau trái dại như rau diếp, mận, hạnh nhân mọc.

Hắn ta cũng tìm ra được những cây nho giữa những bụi rậm mà không bị các con bọ nho phá hoại nên đã ra trái chín, tuy hơi chua nhưng ngon tuyệt. Hắn làm sáo ba lỗ bằng khúc sậy hoặc là hắn ta lấy một cành clemantis khô, cắt ra một khúc và vì trong gỗ có nhiều đường ngầm xuyên qua nên người ta có thể dùng để hút như xì gà.

Hắn ta chỉ cho tôi cây Brustbeerbaum ở Pondrane, cây Eberesche cong ở Pécatory, cây dâu tây ở La Garette và trên đỉnh cao của Tête Rouge hắn chỉ cho tôi tảng đá biết hát. Giống như một cây nến đầy lỗ hổng và rãnh, tảng đá này đứng ngay bờ của vùng đá cao. Một mình trong sự yên tĩnh đầy ánh mặt trời, tuỳ theo cơn gió thổi đến, tảng đá sẽ hát những bài ca của mình.

Nằm úp bụng trên cỏ Baouko và Thymian, tay ôm cả hai phía và ép tai vào mặt phẳng của tảng đá, chúng tôi nhắm mắt để lắng nghe. Khi gió Mistral thổi tới thì tảng đá chỉ cười; nếu gió thổi lồng lộng phát ra tiếng kêu của một con mèo đi lạc. Gió của mưa thì chẳng lý thú gì nên tảng đá báo trước bằng những tiếng thở dài, tiếp đó là những tiếng thì thầm. Từ đó vọng lên tiếng tù và buồn thảm kéo dài, tưởng chừng như phát xuất từ tận rừng sâu ướt át.

Khi gió trinh nữ thổi tới, âm nhạc thực sự được phát ra. Người ta có cảm tưởng đang nghe một một bản hợp ca của ca đoàn nữ, những người trang phục như các bà bá tước, cùng cúi chào một cách thanh lịch. Cuối cùng tiếng sáo thuỷ tinh bay tận lên mây để họa theo một bé gái đang ngồi ca bên bờ suối.

Lili không tưởng tượng được những hình ảnh trên nên khi bé gái hát thì hắn ta nói, đó là tiếng hót của Amsel hoặc Drossel, tuy nhiên hắn đâu có lỗi gì khi tai của hắn “bị mù”, điều này cũng không làm tôi bớt thán phục hắn.

Để cám ơn hắn đã tiết lộ cho tôi biết bao bí mật, tôi kể cho hắn nghe về thành phố, về những cửa tiệm mà người ta có thể mua tất cả mọi thứ hàng, về các cuộc triển lãm đồ chơi vào dịp Giáng sinh, về cuộc rước đuốc của binh đội mười bốn, về quang cảnh thần tiên của hội chợ, nơi tôi được đáp tàu lượn siêu tốc, lên cao xuống thấp. Tôi bắt chước tiếng bánh xe rít trên đường rầy, tiếng kêu thét sợ hãi của hành khách và Lili cùng thét lên với tôi.

Ngoài ra tôi còn nhận được là Lili vì thiếu hiểu biết nên coi tôi như một nhà thông thái. Tôi cố gắng để chứng minh ngược lại với cha tôi bằng cách dùng kỹ thuật tính nhẩm mà tôi đã sửa soạn rất cẩn thận để dạy cho Lili bản cửu chương chia cho đến mười ba lần mười ba khiến hắn ta rất biết ơn. Tôi cũng tặng cho hắn một số chữ trong bộ sưu tập của tôi; ban đầu là những chữ ngắn, sau đó là những chữ dài, tôi còn dùng tay không hái lá ngứa để cho hắn hiểu chữ “bong bóng nước” cũng như chữ “người có quyền đại diện”, một chức vị mà tôi đã cấp một cách thiếu chính xác cho ông cảnh sát trưởng miền quê.

Cuối cùng tôi tặng hắn một tờ giấy có chữ viết rất đẹp “chống lại hiến pháp”. Khi hắn ta đọc được chữ này, hắn ta khen ngợi tôi nhưng cũng là dịp để hắn cho tôi biết là hắn sẽ không dùng chữ này thường xuyên; điều này chẳng làm tôi buồn lòng vì mục đích của tôi không phải là làm cho số vốn ngữ vựng của hắn phong phú thêm mà chỉ là để cho sự ngưỡng mộ của hắn tăng lên, một khi các chữ càng ngày càng dài ra.

Tuy thế câu chuyện của chúng tôi bao giờ cũng trở lại việc săn bắn. Tôi phải kể đi, kể lại những chuyện của chú Jules. Lili dựa vào một cây thông, hai tay vòng trước ngực, miệng nhai một lá fenchel và nói với vẻ mặt nghiêm trọng: “Và bây giờ bạn kể cho tôi nghe chuyện chim trĩ chúa một lần nữa….”

Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như hiện giờ, tuy vậy đôi khi trong lúc đang leo lên ngọn đồi cao, tôi cảm thấy lương tâm mình bị cắn rứt vì đã sao lãng với Paul, đứa em bé nhỏ của tôi. Hắn ta không hề than phiền nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp khi nghĩ đến sự cô đơn của hắn. Cũng vì lý do đó tôi quyết định sẽ đem Paul theo tôi đi săn một lần cho biết.

Tối hôm trước, tôi báo cho hai vị thợ săn (cha tôi và chú tôi) là sáng sớm hôm sau, Lili và tôi sẽ không theo hai ông đi săn như thường lệ mà chúng tôi sẽ đem Paul đi cùng và hẹn tất cả sẽ gặp nhau tại nguồn nước Passe-Temps để ăn trưa. Hai người có vẻ thất vọng và tìm cách thuyết phục để chúng tôi đổi ý định nhưng không thành.

Dù không nói ra nhưng tôi cảm thấy hả hê vì ngày đi săn đầu tiên tôi đã không được phép đi cùng, vậy mà đến bây giờ họ lại lấy làm tiếc khi không có tôi tháp tùng. Tôi đã trở thành một nhân vật không thể thiếu được…!

Thật giống y như việc ngày nay chúng ta luôn kêu gọi sự trợ giúp của người Mỹ, trong khi ngày xưa chúng ta đã xua đuổi ông cha của họ ra khỏi nước vì lý do chính trị hoặc tôn giáo.

Sáng sớm hôm sau vào lúc sáu giờ, tôi lôi cổ Paul dậy trong lúc hắn ta còn đang ngái ngủ nhưng quá hứng khởi vì cuộc phiêu lưu đang chờ đợi nên Paul can đảm gắng bước để theo kịp chúng tôi.

Khi đến Petit Oeil, trong chiếc bẫy đầu tiên chúng tôi thấy một chú chim chích bị mắc vào. Paul gỡ chim ra khỏi bẫy, nhìn chú chim rồi nước mắt đầm đìa

– “Nó chết rồi! Nó chết rồi!”

– “Dĩ nhiên rồi”, Lili nói. “Cái bẫy để giết chim mà”

– “Em không thích vậy! em không thích vậy! Làm cho nó sống lại đi!”

Paul tìm cách thổi vào mỏ chú chim và ném nó lên cao với mục đích giúp chú chim bay được một cách dễ dàng trên không, nhưng ôi thôi, chú chim đáng tội đó lại rớt bịch xuống đất, chừng như từ khi cha sinh mẹ đẻ chú ta không hề có cánh.

Paul nhặt đá và ném về phía chúng tôi, hắn ta tức điên lên làm tôi phải ôm chặt hắn trong tay để ẵm hắn về nhà.

Tôi xin lỗi mẹ tôi và lấy làm tiếc vì phải để Paul ở nhà một mình.

– “Con không cần phải lo cho Paul gì cả”, mẹ nói, “Paul chơi cả ngày với em gái, thương em và chịu khó với em lắm, phải thế không Paul?”

– “Dạ đúng rồi, mẹ ạ.”

Quả thật hắn ta chơi cả ngày với em bé. Hắn ta đem một nắm dế mèn bỏ vào trong những lọn tóc quăn của em làm chúng nhảy lung tung trên đầu em bé. Em bé sợ xanh mặt nhưng miệng vẫn cười. Hoặc là kéo em lên và đặt em ngồi trên một nhánh chia đôi của cây olive, cách mặt đất chừng hai thước rồi giả vờ bỏ đi, để em bé một mình chơ vơ trên cành cây cao. Một lần vì sợ quá nên thay vì leo xuống, em bé lại leo tiếp tục đến cành cây cao nhất. Từ xa, mẹ tôi thất kinh khi nhìn thấy khuôn mặt của con gái mình hiện ra giữa đám lá olive màu bạc.

                        Hình 4/                                                        Cây olive cổ thụ

Bà dùng thang và với sự trợ giúp của Rose, em gái bà, để đem em bé xuống, giống y như cảnh lính cứu hoả cứu con mèo nhỏ thích phiêu lưu leo lên cây cao. Paul biện bạch là em bé đã trốn hắn để leo cây. Từ đó em bé nổi tiếng leo trèo giỏi chẳng khác gì các chú khỉ con.

Đôi khi hắn ta bỏ mấy quả ngứa vào phía trong lưng áo của em bé làm em ngứa nên khóc thét lên nhưng người lớn không biết lý do, cũng vì thế em mang tiếng là hay khóc nhè.

Để giữ cho em im lặng, hắn ta nhét đầy nhựa cây hạnh nhân vào miệng em hoặc cho em mút kẹo cam thảo màu đen, loại kẹo này hắn ta không mua ở tiệm thuốc tây mà là phân của một con thỏ rừng nào đó mà hắn ta nhặt được. Cùng đêm hôm đó hắn phải thú thật với tôi về hành động “anh hùng” của hắn ta vì sợ em bé bị ngộ độc.

Tôi trấn an bằng cách kể cho hắn nghe là khi hắn còn nhỏ, tôi cũng đã từng cho hắn thưởng thức những hạt phân dê đen và ấm thay cho những quả olive và hắn đã ăn một cách ngon lành.

Thích thú vì điều tôi vừa kể, hắn ta không còn lo lắng gì nữa và cứ tiếp tục những trò đùa tinh quái như thế với em bé.

Giống như văn hào Shakespeare đã viết “Tội ác sẽ ra ánh sáng”, có nghĩa là làm bậy thì một ngày nào đó cũng sẽ bị phanh phui ra.

Một buổi chiều kia, trở về nhà sau chuyến đi săn, tôi tìm thấy Paul đang nằm trong phòng và nấc lên từng hồi một cách thảm thiết trên gối. Thì ra hôm ấy hắn ta đã khám phá ra một trò chơi rất đơn giản…

Hắn ta véo thật mạnh vào mông của em bé, đau quá nên em khóc thét lên. Hắn ta chạy nhanh vào nhà và kêu to: “Mẹ ơi, nhanh lên, em bé bị ong chích!”

Mẹ tôi phải chạy nhanh hai lần, tay cầm bông gòn và thuốc, cố nặn và dùng móng tay để khẩy cái kim chích không hề hiện hữu của con ong ra. Em bé càng khóc to lên vì đau làm hắn ta càng thích chí hơn.

Nhưng hắn ta lại phạm vào một lỗi lầm thật lớn là đã lập đi lập lại trò đùa này nhiều lần khiến mẹ tôi đâm ra nghi ngờ. Sau đó, mẹ bắt được quả tang trong lúc hắn ta đang thực hiện mưu đồ một lần nữa. Thế là hắn ta ăn một cái bạt tai và tiếp theo là roi đòn của mẹ. Hắn ta can đảm hứng chịu hình phạt nhưng những lời răn dạy sau đó của mẹ đã làm hắn ta tan nát cả cõi lòng. Cho đến buổi cơm tối lúc bảy giờ mà hắn vẫn còn đau khổ đến nỗi không thể nào nuốt trôi được món tráng miệng. Em gái bị hắn hành hạ nhưng vẫn biết ơn, đẩy chén kem caramel của mình sang cho hắn với cặp mắt rớm lệ vì đồng cảm với hắn.

Từ lúc biết rõ là hắn ta tuy phải ở nhà nhưng chẳng buồn chán chút nào, lương tâm tôi không còn bị cắn rứt nữa. Tôi để yên cho hắn tiêu thì giờ bằng những trò tinh nghịch của hắn…

Vào một buổi sáng, khi chúng tôi lên đường, bầu trời chừng như xuống thấp, trên các chỏm núi dường như chỉ có màu đen, riêng một chút màu đỏ nhạt hiện ở phương đông. Từ phía biển một luồng gió lạnh thổi về, đẩy những đám mây đen trôi lững lờ. Cha tôi bắt tôi phải khoác thêm một chiếc áo khoác ngoài bằng len choàng trên chiếc áo sơ mi cũng như phải đội thêm cái mũ. Lili cũng đội mũ bê rê.

Chú tôi nhìn bầu trời rồi khẳng định: “Trời không mưa đâu. Thời tiết này cũng thích hợp để đi săn.”

Lili nháy mắt tôi và nói khẽ: “Nếu chú uống hết tất cả nước từ trên trời đổ xuống thì chú phải đi tiểu cho đến Giáng Sinh cũng chưa hết.”

Tôi thấy câu nói của Lili thiệt là thú vị. Lili nói với tôi một cách hãnh diện là hắn học được nơi Baptistin.

Buổi sáng trôi qua bình thường nhưng đến khoảng mười giờ thì mưa đổ xuống trên vùng đá cao Taoumé. Cơn mưa kéo dài chừng mười phút, chúng tôi trốn mưa dưới những cành cây thông rậm rạp. Cha tôi lợi dụng lúc này để nói cho chúng tôi biết là, trong cơn giông tố, không bao giờ nên trú ẩn dưới cây. Không có sấm sét, chẳng bao lâu chúng tôi tới nguồn nước Baume-Sourne và ăn trưa tại đó. Dọc đường, chúng tôi đặt chừng năm chục cái bẫy và hai vị thợ săn bắn được bốn con thỏ rừng, sáu con chim trĩ.

Trời sáng hơn một chút và chú Jules bảo đảm:

“Trời sáng lại rồi, coi như hết mưa.”

Lili lại nháy mắt cho tôi lần nữa, nhưng hắn không nhắc lại câu nói.

Sau khi chúng tôi lùng khắp thung lũng Jardiniertal mà chẳng thu được gì cả, hai vị thợ săn bỏ chúng tôi để đi về hướng Passe-Temps trong khi chúng tôi leo lên vùng săn cao hơn của chúng tôi.

Trong khi leo lên bờ đá, Lili nói:

“Tụi mình chẳng cần vội vã. Mấy cái bẫy càng để lâu càng tốt.” 

                                                     Hình5/                    Bụi cây Weissdorn

Hai tay để dưới gáy, chúng tôi nằm duỗi dài giữa các bụi Weissdorn rậm rạp dưới cây Eberesche.

“Có thể”, Lili nói “chiều nay chúng ta sẽ bẫy được chim Alpendrossel vì hôm nay đã bắt đầu vào thu”

Tôi sững sờ.

(Còn tiếp)

Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển sang tiếng Việt từ:

Bản dịch tiếng Đức “Die Kindheit in der Provence” của Pamela Wendekind

Nguyên bản: Le Chateau de ma Mère của Marcel Pagnol

 

 

Có 1 bình luận về  TÒA LÂU ĐÀI CỦA MẸ TÔI (PHẦN II)

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết ở  đoạn này hấp dẫn thiệt , hai bé  có ý chí độc lập ,  gan dạ , tách ra đi riêng , chỉ hẹn chỗ ăn trưa cùng cha chú   ,,, kinh nghiệm đã dạy cho hai bé dạn dày , chịu đựng ,, dần dần ta thấy  Marcel càng tỏ ra say sưa  thích thú được bạn truyền nghề đặt bẫy ,,, Hihi .  Đợi bài hay lần  tới nữa cô ơi  Chúc cô an lạc . Con chúc bà vui khỏe để theo dõi  truyện dịch dài kỳ  của Hồng Khanh  , bà nhé
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển  (Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác