TIẾNG SÓNG QUÊ HƯƠNG VÀ PHẬN NGƯỜI TRONG “PHÙ SA” 

Ngày đăng: 22/04/2018 02:19:55 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Trước đây , tập thơ Phù Sa của nhà thơ Lê Phương Uyên  đã được Trương Trọng Thông (Qui Nhơn) điểm qua, nay tập thơ này được nhà thơ Hoài Huyền Thanh nhận xét với góc độ chân thành của một người bạn. Chúng ta, có nhiều người chưa đọc Phù Sa, nhưng may mắn có được hai bài nhận xét về tập thơ này (LM)

Tôi biết nhà thơ Lê Phương Nguyên thật tình cờ, trong một lần cùng anh chị em gia đình Quán Văn dạo chơi vùng trời Xuân Lộc với điền trang Lộc Xuân mênh mang cây xanh lá biếc. Buổi chiều lên xe ra về nhìn dáng anh lưu luyến tiễn biệt sao nghe quá đỗi ngâm ngùi để tôi phải thốt lên câu thơ nao lòng:

                  “Phải lòng Xuân Lộc rồi sao?

                   Đất mờ bụi đỏ lòng nao nao lòng!”

Qua anh bạn thân Nguyễn An Bình, tôi nhận được tập thơ đầu tay của anh sau hơn bốn mươi năm thầm lặng sáng tác.Tập thơ có mấy câu thơ chủ đề PHÙ SA làm tôi băn khoăn mãi:

                 “Từ núi theo sông ta về cuối bãi

                   Rồi lắng mình-không góp mặt trùng dương”.

Hiểu sao cho đúng đây? Mạn đàm có bạn cho là sự nghẽn mạch của một dòng sông. Sự nghẽn mạch của một đời thơ trên dòng sông chữ nghĩa. May quá,hai câu sau gợi cho tôi thêm suy nghĩ:

                   “Ta biết rõ nơi đâu ta dừng lại

                     Xin cảm ơn –cho dù có thiên đường”

Phải chăng có một sự chọn lựa như anh Phạm Cao Hoàng đã đề cập trong lời tựa: “Tôi phải ở lại đây. Nếu mọi người ở đây đang khổ thì tôi phải ở lại chia cái khổ với mọi người chứ đâu có đành lòng mà ra đi”.Và tập thơ PHÙ SA ra đời với tâm thế của một người trọn lòng với quê hương,với người thân, với bạn bè, với đồng bào .

Tập thơ được biên tập gồm một trăm bài, con số không phải là ít mà nghe đâu còn có sự hứa hẹn tương lai với 3 tác phẩm nối tiếp.Quê hương trong thơ anh lãng đãng bóng hoàng hôn, bờ lau, lá cỏ, ngọn núi, dòng sông “Chập chùng bóng núi mờ sương trắng/Hiu hắt bờ lau ngọn gió đùa”.Một quê hương gánh chịu nhiều tang thương dâu bể “Núi sông đã nhuốm màu tan vỡ/Lạnh lắm nhân gian tiếng thở dài”.

Khơi gợi trong thơ nhiều điều, trao gửi cho người đọc bao trăn trở qua nhiều thể loại thơ nhưng có lẽ  dòng sông lục bát đằm thắm ngọt ngào  đã chuyên chở bao ý tình vương mang của tác giả. Quê hương qua cuộc bể dâu, đồng vọng đâu đây tiếng gọi đò văng vẳng trong mơ:

          Trong mơ vẳng tiếng gọi đò

     Sông khô ai vớt lên bờ đợi mưa?

Núi là núi tự ngàn xưa

    Mà nay núi đã ai đưa sang Tần…

Đau đáu lòng một trời thương nhớ

          Tận cùng sông núi về đâu?

      Còn hàng liễu rũ? Còn màu hoa tươi?

           Còn thương đau với cuộc đời,

    Đâu làng quê cũ, đâu trời riêng ta

Mượn cái tĩnh lặng của đêm trăng êm đềm,bềnh bồng khói sương và một bài thơ chợt đến trong một thế giới tâm hồn yên bình an lạc, chợt đâu đó vụt qua một bầy chim lạ làm rách nát bầu trời đêm yên ả

Mặt sông tĩnh lặng như tờ,

    Trăng lên in một bài thơ giữa dòng,

          Bầu trời xanh thắm mênh mông,

    Váng mây trôi giữa bềnh bồng khói sương:

          Có bầy chim đã lạc đường,

    Thản nhiên rạch một vết thương ngang trời

Một bầy chim lạ lạc đường phá tan bầu trời đêm nên thơ an lành .  Vì sao một bầy chim không tô điểm cho mùa xuân nên thơ, mùa xuân biêng biếc đất trời cây xanh lá cỏ như én về từ muôn ngả cho mùa xuân  xôn xao? Sao một bày chim đành tâm, thản nhiên, tai quái rạch một vết thương ngang trời . Thế thời đã khác, mùa xuân không còn nữa, thế nên:

Vào xuân sao lá vẫn rơi…

     u ám khói, mây trời quyện xa.

           Sẽ buồn rồi đến tháng ba,

      Tháng tư em bỏ quê nhà bay cao…

            Vẫy tay gởi một lời chào,

      Chỉ nghe gió bấc lẫn vào sắc thu.

Mùa thu không còn con nai vàng ngơ ngác đạp chiếc lá vàng khô, không còn nàng mây trời lãng đãng thả hồn cùng nắng thu vàng mộng mơ. Theo chân đàn chim lạ -chỉ nghe gió bấc lẫn vào sắc thu lạnh lùng cao ngạo

Mười năm băng giá quê người

     Biết em còn của một thời bên nhau?…

Mười năm phải cách xa, tác giả lại chọn tựa bài thơ Đã Được Mười Năm…có chăng một sự hoài mong ngày trở lại dù xa xôi cách trở

Mười  năm anh đã nát nhàu

     Nửa xa xôi ngóng, nửa đau thế tình

           Mười năm nửa cuộc hành trình

    Dở dang nửa mái tóc  xanh trên đầu

          Mười năm anh đứng tựa lầu,

  Hoài công chẳng thấy cái màu trời xanh …

Thời gian dài dằng dặc mười năm chờ đợi mà trời xanh sao chẳng thấy .Không gian ước lệ chăng? Không! Một nỗi lòng u ám khó mà khám phá, chiêm ngưỡng một không gian đẹp . Đúng vậy, người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ!

Quê Nhà Trong Ký Ức là một bài thơ lục bát khá dài với 46 câu liệt kê biết bao là nỗi nhớ : lời ru ngọt ngào của mẹ, bài thơ khai từ của cha,nhớ  bữa cơm nghèo mà thảo thơm. Bao hình ảnh hiện về:con trâu nhơi cỏ, bầy cò trắng rập rờn trên cánh đồng xa  xanh ngút mắt, lũy tre làng nơi nhen nhúm bao trò vui của tuổi ấu thơ…Khói lam chiều trong bài thơ chợt làm ta cay mắt. Quê hương ơi! Lòng ta chao chác quá! Hai mươi năm trở lại vườn xưa …mênh mang cánh cò như một lời ru từ cõi ấu thơ hiện về

Quê hương đây? Thực hay mơ?

     Khu vườn xưa đã bây giờ nghĩa trang!

          …Cuối trời góc biển,chân mây,

    Nửa đời không hẹn mà nay tương phùng.

          Nén tâm hương gửi vô cùng

    Lòng riêng dằng dặc nỗi buồn, nỗi thương…

Với tình yêu quê hương nồng nàn, là chứng nhân của bao đau thương mất mát, là người trong cuộc cảm nhận nỗi bi thương của bao phận  người . Dòng thơ hiện thực trào dâng ngổn ngang  bao nghịch cảnh, bao phận người cùng khổ trong tận cùng nỗi xót xa, người  nghèo nghèo đến cháy lưng/ Kẻ giàu giàu đến vô cùng bao la.Và trong những cuộc hội ngộ đau lòng mà người trong cuộc nát nhàu nỗi đau nghiệt ngã,

Anh gò lưng đạp xích lô;

Một bàn tay vẫy…

-xin cô mười đồng

Khách chết trân, như trời trồng

-Thưa thầy…

Bỏ chạy,

Anh không kịp nhìn.

Ngang trái quá phải không các bạn, trái ngang làm nên phản ứng bất ngờ “ Thưa thầy… bỏ chạy, anh không kịp nhìn.”

Em đứng bên thềm  với lược giắt trâm cài u hoài dáng liễu! Vì sao nên nổi?

Bởi em là Bướm Đêm, gian truân kiếm sống.

Mưa rơi trằn trọc thâu đêm

Đợi ai?

Em đứng bên thềm

Đợi ai?

Phù hoa lược giắt, trâm cài,

Phấn son giấu tuổi,

U hoài dáng xuân.

Từ phải qua:            Lê Phương Uyên- Hoài Huyền Thanh_ Sông Ba- Mỹ Lệ

Thế là Bướm Đêm đã vùi trong giấc ngủ ngày, để đêm về lược giắt trâm cài chờ đợi, đợi chờ những người không quen biết cho cuộc mưu sinh nhục nhã, nhọc nhằn:

Thế là…gió lá cành chim,

    Ngủ hoang suốt sáng thâu đêm đứng đường …

Và giấc mộng hoàn lương mãi mãi là giấc mơ không có thật:

          Nát lòng giấc mộng hoàn lương,

     Dám xin dăm tấc thiên đường mai sau.

Trong tập Phù Sa có 41 bài thơ lục bát , cỡ chục bài là thơ hai câu gói ghém một thông điệp nào  đó như  Gần và Xa :

Với muôn vạn dặm vẫn gần

        Xa xôi dù một tấc lòng cũng xa

Mượn hiện tượng thiên nhiên Mây và Trăng gởi nỗi lòng khắc khoải ngậm ngùi thế sự:

Vầng trăng chết đuối giữa dòng

        Mây không cứu nỗi cam lòng bay đi.

Tác giả bày biện cho người đọc dự cảm câu trả lời trong Hỏi Ông:

Mãi đem sự thật trên đời

    Chôn vùi dưới ánh mặt trời được sao?

Chuyện đời lực bất tòng tâm. Chuyện riêng tư cũng bụi lầm… thế thôi! Có lẽ vì thế thơ anh bàng bạc nỗi sầu nhân thế trong Vầng Dương Còn Lấm Bụi Mờ:

Thôi thì rũ áo phong sương,

    Xếp tàn y,giữ chút hương giang hồ.

          Đã không dựng được cơ đồ,

    Cầm bằng mây khói giấc mơ đổi dời…

          Mênh mông một nỗi đau đời;

    Giật mình ngoảnh lại kiếp người phù du

          Vầng dương còn lấm bụi mù

    Không soi thấu đến bể sầu thế nhân

Chắc cũng có lẽ vì thế,tôi e mình hơi cường điệu nhưng không nói ra thì … Phải chăng hình ảnh tác giả lãng đãng trong bài thơ này , mà câu trả lời còn bỏ ngỏ

Tài hoa đến tả tơi đời,

    Hồn kiêu bạc quá cõi Người khó dung.

          Đất trời cũng đất trời chung,

    Nào ai Quốc tặc Anh hùng nào ai?

Tôi đọc và cảm thơ tác giả Lê Phương Nguyên từ  tình yêu Lục Bát. Lục bát trong thơ anh nhẹ nhàng, thong dong, trữ tình, chân chất, không cố tình khai thác nghệ thuât nên mộc mạc, nên thơ.  Với  thể thơ lục bát trong tập thơ Phù Sa nói riêng và cả tập thơ nói chung dập dờn trong ta tiếng sóng quê hương và  bao phận người trĩu nặng .Mời bạn cùng  trải nghiệm thơ anh qua nhiều cung bậc cảm  xúc ở nhiều thể loai khác nữa nhé!

  HOÀI HUYỀN THANH

Thềm hạ 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác