Nhật ký ngày tết (kỳ 3)
Ngày mùng 6: Đi ghi danh niên học 2018-19 cho Tommy và Gia Bảo. Bắt đầu niên học 2017-18, lớp 6 không còn nằm trong hệ thống tiểu học nữa, nên phải tìm trường khác cho Tommy vào năm tới. Những năm trước trường Middle School chỉ có lớp 7 và 8, bắt đầu năm nay lớp 6 chuyển qua học chung với lớp 7 và 8. Từ lớp 9, 10, 11 và 12 gọi là High School.
Năm học đệ lục, có giờ trống xuống cầu tàu chơi, gặp ông lính hải quân Mỹ hỏi, học ở đâu, tôi trả lời, Tống phước Hiệp High School. Ông Mỹ hỏi đi hỏi lại, tôi vẫn trả lời như cũ. Ông Mỹ vẫn còn thắc mắc, tôi không hiểu tại sao, đến khi qua Mỹ mới hiểu.
May mắn, thành phố này vừa mở trường “tiểu trung học” từ lớp 1 đến lớp 12, nên xin cho Gia Bảo chuyển trường, học cùng trường với Tommy, tiện việc đưa đón.
Vừa ghi danh cho Tommy và Gia Bảo vào trường “tiểu trung học,” ngẫm nghĩ lại, trường của Tommy và Gia Bảo đang học được chấm điểm A sáu năm liên tục. Bỏ trường này cảm thấy tiếc, nên trở lại trường cũ ghi danh cho Gia Bảo năm tới vẫn ở lại trường này học lớp 4.
Không biết nhờ thầy cô trường này dạy giỏi, hay đến lúc trí óc hai đứa phát triển khá. Mấy năm trước buổi tối kèm hai đứa làm bài tập cực lắm, năm nay không cần kèm nữa, hai đứa có thể tự làm bài. Mỗi tuần Gia Bảo có 20 chữ chánh tả, chia ra làm hai lần học. Gia Bảo học mười chữ trong năm phút, cho Gia Bảo thực tập viết lại, có khi viết sai một hay hai chữ, nhưng sau đó những chữ đã viết sai, Gia Bảo lại nhớ dai hơn.
Tommy mỗi tuần có 25 chữ, về nhà không cần phải học nữa, trong lớp thầy cho thực tập đã thuộc hết rồi. Năm nay là năm học thứ tám của Tommy được học với thầy, và biết thêm trong tiếng Việt có chữ “Thầy”. Thầy của Tommy rất thương học trò. Có lần Tommy bỏ quên bài tập trong trường, Tommy lo lắng, nóiTommy gởi email cho thầy biết. Thầy trả lời, Tommy ngủ ngon, đừng lo lắng. Thầy tin tưởng Tommy làm bài này dể dàng. Ngày mai thầy sẽ không phạt, dành 20 phút cho Tommy làm bài. Tommy rất thương thầy, mua kẹo chocolate, để dành một cây tặng thầy. Nói với Tommy, thầy không ăn đâu, đừng tặng thầy. Vậy mà Tommy đem vô lớp, và không biết nói với thầy như thế nào, mà thầy ăn.
Ngày xưa ở Việt Nam khi mới học Anh văn, thường phải viết thêm chữ phiên âm theo lối phiên âm quốc tế hay của giáo sư Lê Bá Kông. Tommy học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nên không có phần phiên âm. Năm nay, thầy cho chữ phiên âm, và Tommy phải viết ra chữ nguyên mẫu. Mới đầu Tommy vất vả lắm, có lần Tommy bí một chữ và cầu cứu, bước đến xem, thấy chữ đó quá dễ. Nói với Tommy, những chữ khó viết được, chữ “daughter” này quá dễ sao viết không được.
Gia Bảo ngồi kế bên hỏi, “daughter” là gì? Giải thích với Gia Bảo, Gia Bảo là “boy,” chị Nhi là “girl.” Gia Bảo là “son” của Thái, chị Nhi là “daughter” của cô Nga. (Không biết giải thích như vậy ổn không thầy Nguyễn Hoàng Long?)
Ngày mùng 7: buổi chiều con dâu về sớm, và chở Tommy, Gia Bảo đi học võ, học xong Tommy đòi đi chợ Walmart mua đồ chơi. Đi một vòng Walmart nghe một cô bé khoảng 5 tuổi đang líu lo tiếng Việt. Con dâu, Tommy, Gia Bảo đi đến chỗ cô bé. Hai bên làm quen, sau một hồi trò chuyện, mẹ cô bé tâm sự, cô là mẹ “đơn thân” sống với đứa con trong một căn phòng thuê, năm nay chưa được thưởng thức mùi vị Tết. “Thịt mỡ dưa hành” ở nhà còn nhiều, con dâu mời cô về nhà cùng hưởng không khí Tết gia đình.
Có rất nhiều người Việt Nam nơi đây gặp nhau và kết bạn tại ngôi chợ này, nhưng có một cô Việt Nam, nghe nói cô này học cao lắm, có bằng Master, không bao giờ muốn gặp người Việt Nam. Mấy năm trước cô Master ghi danh cho con cô học chung trường với Tommy. Hiệu trưởng đưa con của cô Master ngồi chung lớp với Tommy và con của cô giáo dạy toán ở trường trung học. Cô xin với hiệu trưởng đổi con của cô qua lớp nào không có người Việt Nam. Hiệu trưởng trình lại phòng Giáo Dục, và phòng Giáo Dục quyết định không nhận con của cô Master học ở bất cứ trường nào trong sáu trường tiểu học trong thành phố. Cuối cùng cô Master phải cho con của cô học trường tư, vì trường này gần trường học võ của Tommy, nên thỉnh thoảng tôi thấy cô Master, nhưng lờ đi để khỏi làm phiền cô Master.
Cô làm mẹ “đơn thân” này là cô thứ ba đến nhà. Cô đầu tiên quê ở một làng miền biển gần Huế, cô kể lại chuyện tình 16 thật thơ mộng, kết quả chuyện tình là một đám cưới khi cô vẫn còn 16. Kết quả chuyện tình mặn nồng, ba đứa con lần lượt chào đời. Khi đứa con gái lớn vừa vào trường Dược, niềm vui chưa lâu, nỗi buồn ập đến, chồng cô thay lòng đổi dạ, quen người con gái còn khá trẻ. Cuối cùng phải bán nhà chia đôi, cô lãnh phần nuôi con. Cô không kể rõ, còn đang tranh chấp vấn đề gì đó, ba, bốn năm vẫn chưa xong. Cô không dám mua nhà khác, từ hồi cô bán nhà đến giờ giá nhà tăng khoảng một trăm ngàn.
Cô thứ nhì quê gần Phan Rang, tuổi cũng khoảng trên 40 như cô thứ nhất, cũng có ba con. Cô không kể rõ tại sao chia tay với chồng, chỉ nghe cô kể chồng cô về Việt Nam cưới vợ, nhỏ tuổi hơn đứa con gái. Có lần tựu trường đứa con cô gọi điện thoại xin tiền cha mua sách vở, chồng cô trả lời với đứa con: “Bây giờ ba đã có gia đình riêng, ba không cho con tiền nữa được, ba phải lo cho gia đình riêng của ba.”
Cô này kể lại cuộc đời cơ cực từ nhỏ, nghe, lòng đầy thương cảm. Số phận đứa con lai, không được chấp nhận ở làng cô. Cuộc đời thật hẩm hiu, nhiều lúc không có người mướn làm, đêm nằm ngủ với bụng đói, chỉ ước mơ một củ khoai nho nhỏ. Sáng ra đồng làm cũng với bụng đói, đến trưa chủ mới cho chút gì ăn.
Chắc hồi nhỏ cô phải giỏi giang lắm để kiếm sống, bây giờ ba đứa con của cô thừa hưởng được tính giỏi của mẹ. Đứa con gái lớn vừa đi học, vừa đi làm, phụ mẹ đùm bọc hai đứa em. Đứa con trai kế, rất đẹp trai, mới học lớp mười đã xin vô siêu thị gần nhà làm. Đứng nhìn cháu làm, đẹp mắt. Người thu ngân tính tiền xong, cháu lấy hàng để vào bịch, chất vào xe, giao xe cho khách hàng, tươi cười nói, cám ơn. Chạy qua quầy kế tiếp tục.. Cháu làm việc thật nhanh nhẹn, có nhiều bà Mỹ thích quá, lấy ra năm đô nhét vào túi cháu.
Mới quen nên cô làm mẹ đơn thân chưa tâm sự nhiều. Cô ăn xong, cô 9 gởi biếu nửa ký bì, hủ dưa cải, một ít thèo lèo của Nguyễn Tuyết. Cô này cũng khen thèo lèo của Nguyễn Tuyết ngon. Năm nào Nguyễn Tuyết cũng gởi 5 – 6 hộp thèo lèo, nợ Nguyễn Tuyết nhiều quá rồi, năm tới cứ gởi tiếp, nợ chồng chất nợ, biết sao giờ.
Ở nhà còn đòn bánh tét cuối cùng biếu luôn cho người mẹ đơn thân. Hồi tết dương lịch những chợ ở đây hạ giá hàng khá nhiều, cô 9 mua dự trử đầy cả mấy tủ lạnh, không còn chỗ để dự trử lá chuối. Giờ chót đi mua không đủ lá chuối gói bánh gởi về Cali như mọi năm.
Người mẹ đơn thân kiếu ra về, đứa con không chịu về, muốn ở lại chơi với Tommy và Gia Bảo, phải năn nỉ nhiều lần bé mới chịu về.
(còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Hưng
Hai đứa cháu nôi anh Hưng dễ cưng quá, em toàn cháu nội gái nên nhìn 2 cu tí thấy mê.
Cám ơn Lài. Chị Lưu Phương cũng thích hai đứa này. Ở thành phố đang ở rất nhiều người Mỹ biết Tommy và Gia Bảo, thỉnh thoảng gặp lại, một vài người bước lại nói, “Mấy tháng không gặp, hai đứa lớn nhanh quá.” Hôm qua dẫn hai đứa đi sở thú, ông Mỹ bước đến nói, “Đi lòng vòng, gặp lại hai đứa lần thứ ba rồi”
Anh Hoàng Hưng thật hạnh phúc khi có hai cháu nội thông minh, học giỏi… Đọc bài viết thấy được tình cảm của người VN trên đất Mỹ, đối với nhau rất gần gũi, thân thương… Vậy là anh Hoàng Hưng cùng gia đình đã ăn Tết đến mùng 7 rùi, vui anh nhé!
Cám ơn Miền Nam nghen. Kể chuyện này ra, Miền Nam chắc chắn cười. Hồi mẹ Gia Bảo mang bầu Gia Bảo được 7 tháng, lúc đó con và dâu đã qua Arizona. hoàng Hưng, cô 9 và Tommy còn ở Cali. Cô 9 nói, sanh Gia Bảo ra, không biết ai tắm cho Gia Bảo nữa. Nói với cô 9, vái đi, vái cho được nghỉ việc, tất cả về Arizona ở, mỗi ngày tắm cho Gia Bảo. Cô 9 và con dâu đều là con út trong gia đình, không ai biết tắm cho em bé. Tháng sau được nghỉ thiệt, và mỗi ngày tắm cho Gia Bảo đến bây giờ.
Hai cháu trông nhanh nhạy , tinh thông ,,hạnh phúc thay cho gia đình nào ” cháu hơn ông là nhà có nóc ! “,,,,Chúc ông bà sống lâu hơn trăm tuổi nhé ! Hihi
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )