TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH

Ngày đăng: 5/02/2018 05:31:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Vĩnh Long – Vùng đất không núi đồi, địa hình lòng chảo, đất đai màu mỡ, những con sông và kênh rạch ngang dọc tạo giao thông thuận lợi, hun đúc linh khí đất trời.
Năm 1698 Lễ Thành Hầu vào kinh lược, toàn bộ đất mới phương Nam mang tên Gia Định phủ, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt Vĩnh Long là thủ phủ của Châu Định Viễn (1714) bao gồm Bến Tre, Trà Vinh thuộc Dinh Long Hồ. Đến năm Đinh Sửu (1757) chuyễn đến xứ Tầm Bào, xây dựng Thành Long Hồ, nay là Thành phố Vĩnh Long. Dinh Long Hồ dân cư đông đúc, giao thương phát đạt trở thành trung tâm quan trọng thời bấy giờ ở phương Nam.
Vĩnh Long từng là chiến trường ác liệt suốt mười năm giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân chúa Nguyễn (1776-1787). Tại sông Mang Thít (Vĩnh Long) Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút do Nguyễn Ánh cầu viện.
Sau đó Vĩnh Long được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. Từ năm 1806 (Gia Long) được gọi là tỉnh Vĩnh Long cho đến ngày nay.

***
Tôi cầm trên tay “Tuyễn tập thơ văn TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH”, quyển sách thứ hai của trang nhà: tongphuochiep-vinhlong.com, do các cựu học sinh trường Trung học Tống Phước Hiệp sáng tác, gởi trọn nỗi niềm về trường xưa, thầy cũ thông qua Hội đồng biên soạn: Phong Tâm – Lê Thân Hồng Khanh – Phạm Thị Trí và nhà báo Lương Minh thực hiện.
“Tình cờ rất đỗi tình cờ
Dáng em thiếu phụ ai ngờ tương tư”
(Rất đỗi tình cờ – Phạm Tương Như)

Ngôi trường Tống Phước Hiệp đã nỗi danh từ xa xưa, khi còn mang tên Elémentaire Superieur , bên hông tiểu chủng viện Xuân Bích, đối diện Thánh Thất Cao Đài Vĩnh Long trên đường Nguyễn Thái Học. Đến năm 1949, trường được mang tên Collège de Vinhlong (Trường Cao Tiểu Vĩnh Long), rồi Trung học Nguyễn Thông (1954). Đến năm 1961 trường Trung Học Nguyễn Thông chính thức mang tên vị công thần nhà Nguyễn: Tống Phước Hiệp.

Biết bao người ly hương, nhớ về ngày cũ, nơi xưa:
Em về chợ nổi Phong Điền
Mong vơi đi những ưu phiền tháng năm
……
Lục bình theo nước lênh đênh
Cuối chiều tắc ráng mông mênh giữa dòng”
(Em về chợ nổi Phong Điền – Loan Anh)

Ngoài kia trời đã sang mùa, những ngày cuối năm Đinh Dậu nghe lòng bâng khuâng, nhớ nhung gì đâu không tên, không họ. Ký ức tuổi thơ chợt ùa về, Cầu Ngang, Trà cú, Vũng Liêm, Long Hồ, Tiểu Cần, Mang Thít, Cầu Kè, Trà Ôn, cà phê Đan Thanh, rạp hát Vũ Đông … Chỉ chừng ấy thôi, khiến bao tấm lòng xao xuyến.
Những thế hệ học trò trường Tống Phước Hiệp có người đã qua thời “lục thập nhi nhỉ thuận”, nhưng tâm hồn như vẫn tuổi đôi mươi. Tình thầy trò, tình đồng môn vương vấn, thuỷ chung mãi khôn nguôi:

TÌNH GIÀ

Rồi một ngày chúng ta sẽ già đi
Tóc không còn đen da không còn mịn nữa
Dẫu thời gian hằn lên từng bậc cửa
Nhưng chắc chắn một điều em vẫn ở bên anh
Chỉ mong anh đừng để lại một mình
Em lặng lẽ bên cuộc đời cô độc
Dù chỉ là niềm vui trong thoáng chốc
Vẫn mong rằng ta yên giấc bên nhau
Mất một người… người còn lại rất đau
Ai có thể yêu anh hơn em nữa?
Trái tim yêu chưa bao giờ tắt lửa
Nó chỉ chờ để cháy bùng lên
Tuổi già mà lúc nhớ nhớ quên quên
Có những thứ chẳng bao giờ nhớ hết
Nhưng sẽ có một điều… Cho dù là cái chết
Chẳng thể làm em quên được bóng hình anh
(Tình già – Hồng Yến)

“Tuyễn tập thơ văn TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH” đã giúp tôi hiểu sâu hơn về nghề đất nung: Gốm đen, “thì ra gốm cũng có linh hồn như người, cũng do Tứ Đại hợp lại mà thành, chỉ những ai thật lòng với nó thì mới mong chạm được trái tim của nó mà thôi…”(Xứ gốm đen – Hoạ sĩ Lâm Chiêu Đồng).
Đọc đến gần trang cuối cùng, tôi giật mình vì lý giải của thiền sinh Thích Đạo Tâm:”Nếu bạn muốn uống được chung trà của thiền sư Triệu Châu hãy lắng tâm thức xuống, bạn mới thưởng thức được hương vị của trà. Nghĩa là trong tất cả mọi lúc mọi nơi, bất cứ ở đâu, tâm bạn rỗng rang không phân biệt mà nhà thiền gọi là vô tâm, thì bạn đã uống được trà Triệu Châu rồi đó.
…..

Ở Việt Nam đời Lý, Thiền sư Viễn Chiếu (999-1090), khi trả lời một vị thiện tri thức đến tham vấn đạo lý, ngài nói rằng:”Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà” Ấm trà mà ngài Viên Chiếu trao cho người lữ khách hôm qua cũng như bây giờ là ấm trà vô niệm, vô ưu, cho nên dù có đi đến bất cứ phương trời nào cũng không hề bị lầm lạc. (Ấm trà thiền – Phổ Tâm)
Khép lai trang sách lòng còn bịn rịn. Mùa xuân đã về, gợi từ cơn gió thoang thoảng mùi hoàng lan trước ngõ. Tôi chỉ là độc giả yêu văn nghệ, kính chúc “TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH”- tongphuochiep-vinhlong.com:”Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà”

Nguyễn Châu

Có 3 bình luận về TRANG NHÀ ĐẤT VĨNH

  1. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn một ý tưởng , một tấm lòng dành cho Trang Nhà đất Vĩnh ,,,
    Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển (Gia đình C  )

  2. Phan Lương nói:

    Trang Nhà Đất Vĩnh – Là niềm tự hào của Cựu học sinh Trường Tống  cùng Quý Thầy Cô và bạn bè thân hữu từ lâu đã cộng tác với Trang nhà. Càng tự hào hơn được Tác giả Nguyễn Châu đọc và cho lời nhận xét thấm tình đẹp y

    Rất cám ơn Nguyễn Châu đã nói hộ dùm tôi

  3. Hồ An Nhiên nói:

    Bài viết của tác giả Nguyễn Châu là hoài niệm đẹp nhưng pha chút buồn buồn tiếc nhớ những kỷ niệm đã qua đi. Cám ơn tác giả đã dành tình cảm rất đẹp cho Trang nhà Đất Vĩnh

Trả lời Hồ An Nhiên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác