Chuyện Gà Năm Tuất

Ngày đăng: 18/02/2018 09:13:21 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đêm 29 tháng Chạp  vào lúc chưa được gọi là khuya lắm, Tám tui miên man theo tiếng vòi nước pha bọt khí reo vui trong nhiệm vụ thanh toán đống chén dĩa ngỗn ngang của bữa tiệc mới vãn tuồng hồi chiều. Có tiếng quen thuộc vang lên kế bên, Lúa tui tạm ngưng dòng tư tưởng và nhanh tay bật cần xì-tóp  dòng nước.

– Sáng mơi ông thức lúc nào thì kêu tui dậy luôn một thể.

Tám tui bất ngờ và chưa kịp hỏi lại, giọng nói ấy nhẹ nhàng du dương hơn:

– Chương trình hơi khác hơn ngày thường là cà phê xôi bắp điểm tâm phải xong trước khi đưa cháu nội đến trường. Sẵn ngồi xe, ông chạy luôn ra tiệm mua thêm chút hàng theo cái ‘shopping list’ dưới xâu chìa khóa. Mấy ngày nầy, tui kêu gì thì ông ráng mần ơn mua cái gì. Đừng ra đó ngó người sang mua sắm rồi ngỡ mình là cháu đại quan mà quên xuất thân là con nhà lính lác. Hồi ở đảo, thầy cô dạy ESL nhắc đi nhắc lại: “Vật gì cần mới mua, vật muốn thì đừng mua nghen cô bác”. Câu cẩm nang có hơn chục chữ mà quên hoài mới khổ. Sáng mơi hơ-ni đi chợ thẳng một lèo cho nhanh, về tới nhà xin phép dượng Mạc nghỉ mở ‘phây’ một bữa để giúp tui dọn dẹp nhà cửa ăn tết. Chơi phây-búc hoài mà có thuộc lòng các câu danh ngôn đại loại như: “Không giúp được người ta thì thôi, đừng nên gây thêm rắc rối”

Câu đó chưa đọc lần nào, nhưng câu nầy nghe quen lắm nè: “Nếu không khả năng giúp đở bà con bằng vật chất, thì cũng nên giúp người bằng lời nói chẳng mất tiền mua”

– Anh Tám của em tỉnh dùm giấc mộng câu like. Ai từng chơi ‘game Hay Day’ thì có biết mấy cái trò ảo mà bà con đối đãi hạn hẹp với nhau y như thời gạo châu củi quế. Bây giờ muốn nghe bản nhạc Ly Rượu Mừng hay không, tui đãi?

– Hết xỉn nhưng đầu óc còn xà quần, cho nghe bản nào không có chất rượu.

– Ờ nè, năm Đinh Dậu tui thấy hơ-ni có tựa chuyện gà. Tui lén xem 7-8 tập mà chưa gặp con gà nào cục…tác hay ò…ó…o. Năm Mậu Tuất nầy, ông có định viết bài mở hàng gở gạc không? Tui  lượm được  vài tựa bài đề nghị như chó phèn năm Tuất hay con vện năm nào, chẳng hạn.

– Quê hoài vậy ta. Năm rồi, tui định trong bụng phần tiếp theo loạt  bài sẽ nói về con gà ‘tử mị’ một thời vang danh và những tuyệt chiêu tương kế tựu kế của ông cố Sáu và người sư kê. Trước khi viết bài, tui gọi về chú M ở Mỹ Thạnh hỏi thăm một số tư liệu của dòng tộc, lúc đó mới té ra chuyện khác. Chú M kêu tui ngưng vụ con gà, chờ chú tìm thêm tin tức liên quan đến  một nghĩa sĩ trong dòng họ mình ở vùng Cái Sơn, người từng đi theo cụ Phan Bội Châu qua Nhật tham gia phong trào Đông Du cùng thời với ngài Cường Để.

– Ủa, con gà ghê gớm nào mà dính líu đến chuyện cách mạng Đông Du?

– Chuyện dài dòng như vầy: Trong số những người cháu kêu ông cố của tui bằng chú, có một người đi theo nhà cách mạng Phan Bội Châu. Vị tiền bối mà cở tụi tui phải kêu là ông bác Năm là một trong 23 người cùng quê quán Vĩnh Long, tên đề trong danh sách khoảng 200 thanh niên ưu tú trên cả nước, từng bí mật sang Nhật từ những năm 1905. Đến năm 1909, người Pháp ép buộc chính phủ Nhật không được chứa chấp những người Việt Nam yêu nước và ham học hỏi đó. Phong trào Đông Du tan rã, ông bác Năm của tui theo các đồng chí vượt biển qua Quảng Châu, Trung Quốc. Thời đó nhà Thanh yếu nhách, chính phủ của họ bị Liên minh Tám nước Âu Mỹ khống chế về chính trị, người Trung Hoa không thể ngăn cấm mật thám Pháp truy đuổi các người “âm mưu nguy hại cho Pháp” ngay trên nước họ. Trong nhóm thanh niên trốn chạy tan tác, có người làm việc cho chính phủ Trung Quốc để tránh bị bắt bớ, có người trở lại Nghệ An tiếp tục hoạt động phong trào Duy Tân. Ông bác của tui về Bắc rồi tìm cách trở vô Nam với nhiệm vụ gì thì không ai rõ. Trên bước đường về Nam, ông ấy học được nghề sư kê như một giang hồ lãng tử, mục đích qua mắt mật thám Pháp. Ông bác Năm trở về Tam Bình sau nhiều năm biệt dạng, ông cố Sáu là người đầu tiên mà ông bác Năm đến gặp và tâm tình suốt buổi chiều. Trước khi đi qua Xiêm hoạt động với những người bạn, ông bác Năm tặng ông cố Sáu một con gà chuối nhỏ, nói rằng nó là con dòng cháu giống thần kê của Nguyễn Lữ ở Qui Nhơn. Con gà còi cọc sau nầy là con ‘tử mị’ vô địch thủ.

– Chỉ có con gà nhỏ xíu mà hơ-ni dẫn tui qua Nhật, rồi xẹt ngang Quảng Châu, ngoéo  trở  lại  Nghệ An, ghé qua Qui Nhơn rồi lần hồi về tới Tam Bình. Đoạn đường dài như vậy, chắc là đủ chất để biên vài tập cho màn hai.

– Hi hi! Phải ráng rửa chén cho có cơm ăn trước đã, lấy  sức mà biên với chép!

– Ông Chín Hựu có thật hay giả?

– Là người thật, tên giả. Ông ấy  là thợ đan lờ lợp bắt cá và lồng nhốt gà ở vàm Bằng Tăng, nhân vật trong phần đầu cốt truyện. Vì vô tình khiến cho Ba Chát lỡ tay chém thằng em Tư Chiếc. Để tránh bị trả thù, Chín Hựu phải đầu quân làm sư kê cho ông Cố, nghe nói về sau giúp đỡ ông cố nhiều việc.

– Như việc gì, kể ra nghe chơi.

– Còn nhớ lý do Ba Chát hận Chín Hựu tận xương? Hắn nén lòng không bén mảng đến nhà Chín Hựu toan tính chuyện trả thù. Hắn giả vờ như người chí thú làm ăn để che dấu quá khứ cướp bóc khét tiếng mà hắn nghĩ là chưa ai khám phá. Sau trận đọ mưu đấu kế, Ba Chát biết rằng hắn khó thắng Chín Hựu. Với lại Chín Hựu đã đầu quân dưới trướng ông cố Sáu là người giàu thì không dễ rình mò ám hại. Thêm nữa là hệ thống chính quyền thôn xóm phát triển và luật pháp cai trị mỗi ngày thắt chặt để an dân. Ba Chát chỉ còn một cách lòn lách nịnh nọt làm tay chân tín cẩn cho bá hộ C ở Bình Phú là người có chút xích mích ông cố Sáu. Những năm sau đó, người ta nghi ngờ Ba Chát mưu sĩ góp sức trong kế hoạch giăng bẫy đánh ông cố Sáu những đòn chí mạng liên hoàn, tan nhà nát cửa như chơi.

– Bắt đầu hồi hộp rồi nghen! Ông tiếp tục rửa chén vừa kể chuyện, tui pha một ly nước trái tắc hái trên cây, vị chua  chất the giúp cháu trai ông cố Sáu được thông cổ.

– Vùng đất Ông Đốc dài lên Chòi Mòi khi xưa không biết tên gọi là gì, chỉ nghe nói nơi đó có ông đìền chủ T dựng lên một trường gà trong sân vườn dưới những bóng râm mát mẻ. Hàng năm, ông chủ T mở trường cho các ông cả, chủ, hội đồng  mang gà đến đá từ trước tết qua khỏi thanh minh. Trường gà cách nhà ông cố Sáu chưa tới 3 cây số. Vì vậy mà ông rảnh rổi  sáng đi chiều về bằng chiếc ghe hầu 4 chèo, chứ không ở lại qua đêm như các nơi xa hơn. Hôm đó cáp được độ gà quá lớn. Ông bá hộ C ở Bình Phú lên Long Xuyên cầu viện con Ô ‘Linh kê’ mang về thách đấu con Điều ‘Tử mị’ của ông cố Sáu. Theo kinh nghiệm dân gian, con điều tuy là thần kê cả năm rồi bị  ế độ, nhưng sắc lông đỏ của nó cầm mạng Hỏa thì khắc kỵ với mạng Thuỷ của con Ô linh kê. Ông cố Sáu cũng hiểu điều thất thế theo phép ngủ hành. Nhưng ông biết một bí mật, điều kiện giúp ông tuyệt đối tin tưởng con Thần kê mà tuyên bố chấp sổ, nghĩa là trao quyền đối phương kêu độ không giới hạn. Hôm đó các sư kê coi tướng và xem vãy quá chậm chạp kỹ luỡng để quyết định chấp cựa hay chấp tiền. Những người có trách nhiệm ‘làm dĩ’ lấy xâu của trường gà bận rộn vô sổ và thu tiền cá độ của các tay em hai phe nghe tin độ gà lịch sử kéo tới rần rần. Vừa xong việc ghi chép cá cược quăng bắt chính thức thì trời quá xế trưa. Ông cố Sáu và bá hộ T cùng lo ngại là trận đấu bắt đầu quá trể sẽ kéo dài đến tối mịt, hai ông đồng ý đình chỉ độ gà cho đến sáng mai và cam kết giữ y các luật chơi trước mặt ông chủ trường gà và các chủ gà khác làm chứng.

Ông cố dặn đoàn tuỳ tùng, khi ghe về đến nhà phải lo ăn cơm chiều rồi lo ngủ sớm để thức sớm cho độ lớn ngày mai. Trời vừa chạng vạng thì gian nhà trên của ông cố trở nên im lìm. Đột nhiên người quản gia từ nhà sau đi lên nhanh như gió, hấp tấp gõ cửa phòng ông cố. Chỉ trừ những việc hệ trọng có thể chết người, chứ lâu nay không ai dám phá giấc ngủ của ông cố. Mấy chục năm đi theo ông cố từ lúc còn là thiếu niên mồ côi, đêm đó là lần đầu tiên chú Ba quản gia sợ hãi tột độ, chú đứng bên giường ông cố nói với giọng hối lỗi pha lẫn nghẹn ngào.

(Còn tiếp)

Một Lúa 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác