Hương cau
Có người nói cau không có mùi hương. Tôi nghĩ có lẽ vì anh ngửi hoa cau khi hoa cau chưa hé nhụy. Hoa nào cũng vậy, khi còn nụ búp, chưa thể tỏa hương thơm. Hương hoa cau không nồng như hoa hồng, không ngọt ngào như hoa lý, không thơm ngát như hoa lài, hoa cau chỉ thoang thoảng, có lẽ vì cây cao, hương thơm theo gió đưa đi, nên cũng theo gió, khi xa, khi gần, khi thấp, khi cao. Những lần về quê nội, đêm đêm tôi nằm gần cửa sổ, nhìn ra sân, cây cau trông ốm yếu, ngọn cao vút, cành lá vươn mình trong ánh trăng, thấy sao cau cô độc lạ lùng. Thỉnh thoảng ngửi mùi hương phảng phất, không nồng nàn, không ngạt ngào nhưng lại khiến tôi ngây ngất.
Cây cau ốm yếu cao lêu khêu kia từ thuở nào đã trở thành văn hoá, biểu tượng của người dân Việt? Với người Việt, cau luôn đi đôi với trầu, như một cặp không thể chia lìa. Tôi nói với-người-Việt vì những nước đông nam á cũng ăn cau (cau mọc trên địa bàn này), nhưng họ chỉ ăn cau mà không có trầu. Tôi thấy trong phim ảnh Đài loan, thanh niên nhai cau bỏm bẻm. Nếu nhai cau có thêm trầu thì nước nhổ ra không có sắc đỏ, phải têm thêm vôi. Chẳng vậy mà ca dao diễn tả đầy đủ những thứ kèm với cau trầu :
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này têm những vôi tầu
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay
Trầu này ăn thật là say
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ mong.
Mặn nhạt thì tôi chưa thấy, nhưng say, cay và nồng thì tôi đã nếm. Ngày còn nhỏ thấy bà vú cứ nhai cau trầu bỏm bẻm, tôi hỏi ngon không bác? Bác trả lời không ngon sao làm người ta ghiền được? Ngồi trò chuyện với bác, tôi dành phần têm trầu, gói trầu rồi len lén bỏ vào miệng nhai. Ôi! Sao nó cay đến vậy, vị trầu cay, pha với vị chát của hột cau, dai dai của vỏ cau, càng nhai càng thấy thích, nhất là khi nhổ ra, nước cau trầu đỏ thắm. Vài ba ngày tôi lại len lén lấy cau trầu của bác ra ăn, riết cũng thấy … ghiền như bác nói.
Cau trầu được đưa vào ca dao Việt nam rất nhiều. Nhớ nhau, xa nhau, thương nhau, giận nhau, ghét nhau … đâu đâu cũng thấy thấp thoáng hình ảnh trầu cau.
Người ta gởi sự thương ghét vào trái cau, miếng trầu :
Thương nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, khách tới nhà thường được mời ăn cau trầu, uống trà. Cau được cắt làm hai, rồi miếng nửa đó cắt làm ba, vị chi là 6. Bình thường mời khách, trái cau cắt ra làm 6. Nếu cắt nhỏ quá thì nhai lỏng lẻo trong miệng (hà tiện quá!), vì vậy khi thương thì người ta chỉ cắt trái cau làm ba để nhai đầy miệng, nhưng khi ghét, khách tới nhà, không thể không mời cau trầu, trái cau lúc này được cắt ra làm 10 phần!!!
Thi sĩ Nguyễn Bính còn dùng giây trầu hàng cau để nói lên sự thương nhớ người yêu của mình (chỉ cách nhau có một thôn mà thôi):
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
Thật là một lời tỏ tình nhẹ nhàng, lãng mạn. Nguyễn Bính thường làm thơ lục bát nên thơ Nguyễn Bính phảng phất như lời ca dao, vậy mà thơ Nguyễn Bính khi đọc lên thấy thanh thoát, không làm cho người đọc cảm thấy mình đang đọc ca dao.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu vì sao trái cau, ngọn trầu lại là tài sản văn hoá của dân tộc Việt nam? Chắc trong chúng ta không ai là không biết truyện cổ tích trầu cau, truyện đã trở thành huyền sử của dân tộc Việt. Huyền sử là một loại sử theo truyền thuyết, và theo truyền thuyết, buồng cau, giây trầu trở thành sợi giây gắn bó cặp đôi nam nữ nên duyên vợ chồng.
Truyện rằng :
Ngày xưa có gia đình họ Cao, sinh được 1 cặp anh em, mặt mày giống nhau như đúc, khiến nhiều người không phân biệt được ai là anh, ai là em. Một người tên là Tân, một người tên là Lang. (nếu đi sâu vào thêm nữa thì theo chữ Tàu 檳榔 (đọc là tân lang, bộ mộc) là cau, trong phạm vi bài này, không thể đào sâu hơn).
Cả hai quyến luyến nhau, không rời nhau nửa bước. Người anh cưới vợ. Họ cùng ở chung nhà. Để biết ai là anh, ai là em, một hôm người vợ nghĩ ra một cách, cô dọn cơm cho họ, chỉ có một đôi đũa. Đứng sau nhà, cô thấy một người nhường đũa cho người kia, cô biết ai là anh, ai là em.
Từ ngày lấy vợ, Tân không còn thân thiết với em như trước. Lang nghĩ anh đã lơ là với mình nên buồn.
Một hôm Lang và Tân ra ngoài. Khi về, Lang về trước, vợ Tân lầm tưởng Lang là Tân nên đến nắm tay, lúc đó Tân bước vào nhà thấy, sinh buồn phiền, hững hờ với Lang. Lang buồn bỏ nhà ra đi, tới bờ sông, chờ đò để qua sông, chờ mãi, chờ mãi, chờ mỏi mòn, hóa thành phiến đá.
Không thấy em về, Tân ra đi tìm kiếm, đến bờ sông, thấy phiến đá, Tân ngồi dựa vào thành đá, mỏi mòn chờ đợi, chờ mãi, chờ mãi, cho đến chết và hóa thành một cây, thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.
Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm chồng. Nàng cũng tới bờ sông, dựa vào thân cây bên phiên đá, ngồi trông mỏi mòn, chết hóa thành một cây leo, dây quấn quanh lấy thân cây kia.
Một hôm vua Hùng Vương đi ngang qua thấy cây lạ mọc bên phiến đá, thân có 1 dây leo quấn quýt bám quanh, . Vua lấy làm lạ, hỏi dân chúng quanh vùng, được nghe kể câu chuyện vợ chồng, anh em thắm thiết, đến chết không rời nhau, vua sai người cận vệ trèo lên cây hái trái xuống nhai thử. Trái có vị chát, nhưng khi nhai kèm với lá cây leo thì có vị thơm ngọt, cay cay. Vua nhổ nước cau trầu trong miệng xuống phiến đá, một màu đỏ thắm hiện ra. Ăn cả cau, trầu và vôi thì thấy … cay cay, nồng nồng và …say say.
Từ câu truyện tình vợ chồng, nghĩa anh em không dời đổi, cùng màu đỏ thắm đượm, kết hợp từ 3 thứ cau, trầu và phiến đá vôi, vua ban lệnh, kể từ đó, nhà nào có hôn nhân, phải lấy cau trầu làm lễ đính ước.
Đây là một huyền thoại, trong huyền thoại ta thấy được một chút lịch sử mờ mịt đã mất đi theo thời gian, ta thấy được nước ta dùng trầu cau để làm lễ đính ước hôn nhân từ thời Hùng Vương. Đến thời Hùng Vương thứ 18 mới bị mất ngôi qua tay An Dương Vương. An Dương Vương cũng vì gã con gái cho Trọng Thủy, con Triệu Đà, mà mất ngôi qua tay Triệu Đà. Từ Hùng Vương đến An Dương Vương, như chỉ là mất ngôi, vẫn là người Việt cai trị người Việt. Đến Triệu Đà, tuy là người phương bắc [vốn người Chân định (vùng Hà bắc Trung quốc ngày nay)], nhưng có lẽ đã Việt hoá nên dân Việt chấp nhận khá dễ dàng, cho đến Lộ Bác Đức qua đánh thì nước ta mới rơi vào thời kỳ Bắc thuộc.
Nhắc lại lịch sử để thấy, nước Việt vào thời Hùng Vương chưa bị đô hộ, đã có tục lệ lấy trầu cau làm lễ cưới hỏi, có nghĩa là đã có phong tục hẳn hòi, có cưới xin đàng hoàng. Vậy mà thời nhỏ, sao mỗi khi học sử tôi cứ gào lên rằng thì là Nhâm Diên và Tích Quang dạy dân cày cấy, lễ nghĩa, có vẻ như dân Nam không có lễ nghĩa!!! Tôi nghĩ, có lẽ dạy là dạy lễ nghĩa phương bắc. Phương bắc thời ấy đã theo chế độ phụ hệ, nước Nam còn theo chế độ mẫu hệ (vì vậy mà quan niệm đàn bà đái không qua ngọn cỏ như hai bà, kêu gọi là tất cả dân Việt rùng rùng đáp lời).
Thêm một điều nữa, dân Việt trồng lúa gạo, ăn cơm, phương Bắc trồng lúa mì, ăn mì sợi, hoành thánh, bánh bao…. Vì trồng lúa gạo cần nước nên dân Việt phương nam có văn minh lúa nước, khác hẳn phương Bắc trồng lúa … khô.
Vậy thì sao nói được Nhâm Diên dạy dân cày cấy? Người phương Nam và phương Bắc gieo trồng khác hẳn nhau. Và lại còn dạy dân lễ nghĩa!!! Lễ nghĩa và tục lệ của 2 bên khác nhau, vì vậy mà Mã Viện khi diệt xong Hai Bà, đã tâu về phương Bắc rằng, dân Nam có 10 luật lệ khác phương Bắc (chắc phải hơn 10 luật, nhưng 10 luật là đủ để phân biệt giống nòi).
Lan man từ mùi hương cau, hương cau thoang thoảng bay đến tận đời Hùng Vương, để chỉ muốn nói với người bạn mới quen rằng có nhiều con ốc (không phải mình anh) mang bên trong vỏ ốc cả một đại dương, nói như truyện Kim Dung “không nói được là không nói được”, vì vậy con ốc khép miệng cô đơn. Và anh không đơn độc đâu.
Hương Cau
27-01-2018
Ngày xưa rẩy nhà em có cả một vườn cau, lúc nhỏ em hay đi với bà ngoại lên rẩy, ngoại mướn người trèo cây cau hái trái chở về cả một xe lôi, rồi cả nhà ngồi tách vỏ, xắt từng miếng mỏng phơi khô để dành cho ngọai dùng, có những cây cau đang trổ hoa, em thích lắm mùi thơm thoang thỏang của hoa cau đến bây giờ vẫn còn ấn tượng, mỗi lần thấy cau, trầu là em nhớ bà ngọai em.
Chị ơi! lần đầu đọc bài chị viết thật xúc cảm, thật nhẹ nhàng lắng đọng đi sâu vào lòng người. Cảm ơn chị cho em được thưởng thức một bài rất hay.
Cám ơn Phi Rom cũng có những kỷ niệm xưa như HC
Sáng nay vài mươi phút như thường lệ vào trang nhà cho “đỡ ghiền”, giờ tới tết chưa dám “hó hé” sợ…lún chân, không thoát ra được. Bờ vườn nhà chưa kịp dọn cỏ đón tết, ngày tháng rớt như hoa tàn.
Gặp bài tựa đề “Hương cau” đánh trúng tâm hồn…”hoài cổ” thật thú vị, nhớ xưa quá trời, hay quá! Bài viết tóm gọn chuyện đời xưa “huyền sử Việt” thật đầy đủ, với tinh thần dân tộc trong sáng, đầy tính nhân văn độc đáo, xin thưa tác giả Hương Cau.
Cám ơn anh Phong Tâm.
Ai nói hoa cau không có mùi hương là nhận xét không tinh tế , là mũi người ấy gặp phải vấn đề lớn ! ,,, Bài viết khá hay ,, nhắc lại một chút lịch sử cho thấu đáo tình sâu nghĩa nặng của dân tộc Việt Nam , ngưỡng mộ chiêm bái tổ tiên Vua Hùng , người đã có lòng yêu mến dân tộc , quê hương , đất nước ,,đã có công dựng nước và giữ nước ,để nhấn mạnh cho em út , con cháu đời sau biết sớm , hiểu sâu sắc hơn về đặc điểm và tâm tư của người dân ở 3 vùng miền : Nam , Trung , Bắc,!,Người yêu nước là người phải hiểu sâu sắc lịch sử của ông cha , biết tự hào về trang sử oanh liệt chống giặc kiên cường của ông cha ,biết gìn giữ và phát huy để duy trì đất tổ cha ông , tiếng nói ngôn ngữ mẹ hiền ! Người làm lớn , có chức quyền phải nghe ngóng ý dân chính là ý trời , giữ mình , luyện tâm đức cho sáng , lương dân luôn cần những quan chức anh minh, trong sạch như thế!! Đừng tự ý làm bợn nhơ lịch sử để cầu vinh hưởng lợi , mất nước như chơi Huhu ,,, Cảm ơn bài viết thật ý nghĩa và mang tính giáo dục cao của chị Hương Cau nhé ~Chúc chị luôn mạnh để viết ,,,để có người cùng nghe !
Hoành Châu ~Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )
Cám ơn chị Hoành Châu. Với HC, lịch sử còn, đất nước còn.
Hương cau là một mùi thơm kỷ niệm thời thơ ấu nơi quê nhà Thanh Hoá, đúng như HC viết, đó là một mùi thơm thoang thoảng và rất nhẹ…từ hương cau lan man sang sự tích “trầu cau” mà thế hệ chúng ta hầu như ai cũng biết và có một bài hát mà tôi còn nhớ vài câu “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai, ôi ta buồn ta đi quyên sinh cũng vì ai?” để kể lại sự tích này.
Chúng ta cũng hãnh diện vì từ thời vua Hùng đã có một nền văn hoá vững chắc và những tập tục riêng biệt của dân tộc Việt. Cám ơn HC đã nhắc để chúng ta còn nhớ lại ít nhiều những trang sử tưởng chừng như đã bị quên lãng vì thời gian.
Em nghĩ thời của chúng ta không ai quên môn lịch sử cả vì khi vào lớp, đầu giờ học, lớp nào cũng bắt đầu bài hùng ca của lớp. Em nhớ lớp ba, bọn em hát bài Bạch Đằng giang, lớp nhì bài Hoa Lư, lớp nhứt hát bài Thăng Long.
Sao em thương những bài hát đầu giờ học quá chừng.
Cám ơn chị Hương Cau. Giờ thì tôi đã “ngữi” được hương hoa cau rồi.
Vì nói với anh Hoàng Long chưa hết lời nên có bài này. Tôi yêu sử Việt từ khi nghe cô giáo kể chuyện, lớp năm, lớp tư thời đó chưa có sách sử viết, chỉ có sách bằng tranh và nghe cô giáo kể huyền sử. Lên lớp Ba có quyển sách sử, tôi lật ra đọc hàng ngày. Các bài hát lịch sử tôi thuộc lòng. Yêu trang sử Việt nên yêu nước Việt thật nhiều. Cám ơn anh đã “ngửi” được mùi hương cau.
Bài viết của chị Hương Cau thật ý nghĩa và vô cùng sâu sắc. Chị đã dẫn từ mùi hương hoa cau thoang thoảng đến “miếng trầu là đầu câu chuyện”, rồi sự tích trầu cau… Một bài viết rất hay, rất thú vị trong mùa Xuân đến. Mong được đọc nhiều bài viết của chị. Chúc chị đón một mùa Xuân an lành, hạnh phúc.
Cám ơn My Nguyen, đây là chủ đề HC rất thích. Nếu các bạn không chê, HC thỉnh thoảng sẽ đề cập đến. Ai hỏi HC, VN có gì để hãnh diện, HC nói, có Hưng Đạo Vương được đưa vào quân sử thế giới với trận Bạch Đằng giang lẫy lừng.
Chào Hương cau,
Hồi tôi ở ấp 5, đất vườn không bao nhiêu mà cũng trồng 1 cây cau cho có với người ta. Thời đó chỉ có 1 giống cau cao. Và bởi trồng chen chút mà cây cau vườn tôi phải vươn lên khỏi các bóng râm lá chuối để trổ hoa kết trái giữa lừng trời. Không ăn trái cau cũng không biết leo, lâu lâu tôi đứng dưới gốc cau nhìn lên những ổ chim đóng ở các bẹ của tàu cau. Cảm ơn tác giả viết xuống những truyền thuyết và các chi tiết sử liệu hay như vậy. / Có lẽ tôi không có nhu cầu về cau, nên chưa biết cảm giác nhận miếng cau bổ 6, bổ 3, hay chẻ ra đến 10! hihi
Anh Một lúa à, mấy bài viết của anh cũng ghi lại những dấu tích đang mất và sẽ mất. Anh đã ghi lại và giữ gìn trong trang viết của anh. Tôi rất thích đọc những dấu tích xưa mà anh đã viết.
Thời ấu thơ mỗi ngày chơi đùa trong vườn cau của bà cố, cạnh nhà bà nội, cạnh bờ sông Mang Thít. Không khí trong lành, đầy bóng mát, thoang thoảng hương cau. Thật là nơi lý tưởng để chơi đùa. Dùng mo cau làm xe kéo. Mang mo cau về cắt làm quạt. Có bị đòn thì lấy mo cau . .