Bờ Xáng Quê Tôi
Năm 1963, tôi học lớp nhất (bây giờ gọi là lớp 5) tại trường Tiểu học Cộng đồng quận Tam Bình, lớp do cô Hương làm chủ nhiệm. Trên 200 đứa học trò của 5 lớp nhất chúng tôi lẽ ra là đàn anh của ngôi trường cấp tiểu học, nhưng chúng tôi phải nhường vị thế đó cho một lớp Tiếp liên. Là nơi có ba mươi mấy cựu binh vì vô tình để trượt cuộc thi tuyển vào đệ thất (lớp 6) khóa năm trước, các anh chị phải ngồi lại ôn bài chờ keo tới.
Khoảng nửa niên học, tôi được thầy cô cho tham dự một cuộc thi toàn trường về khoa học thường thức. Cuộc thi mới mẻ ở xứ quê được tổ chức dưới sự hợp tác giữa ban giám hiệu và viên cố vấn quân sự đầu tiên của quận là đại úy Bohannon. Cô chủ nhiệm nói với chúng tôi, để công bằng cho mọi trình độ, bài thi viết có 2 câu trong giáo khoa và 2 câu hỏi thông thường. Mà thiệt, tôi còn nhớ một câu tuy không lập lại y khuôn, nhưng không thể trật nhiều lắm. “Em cho biết cách làm các loại đường mía ở quận Tam Bình”.
Thời đó quận Tam Bình đã có một số cơ sở nấu đường, ép mía chạy bằng động cơ dầu cặn, bà con hay gọi là lò đường. Chúng được xây dựng dọc theo một khoảng sông Mang Thít. Không nhớ lúc nào, bọn học trò tụi tôi đi trên con đường cặp theo mé sông phía trước cổng trường thì có lúc ngửi được mùi đường nấu, đoán chắc là từ bên kia sông. Hoặc những buổi chiều chập choạng, có thể thấy những tàn tro đỏ rực túa lên từ miệng cái ống khói lò đường bên phía cù lao ấp Tường Trí. Hiểu biết về lò đường của tôi còn thêm vào chuyện những lần theo ba má đi tàu đò Tam Bình-Cần Thơ. Chuyến về gần tới chợ quận, tôi hay nghe hành khách kêu gần giống nhau: “Ghé cho lên lò đường ông (Năm hay ông Ba) nghen chú tài công”. Mỗi bến như vậy có khi lên xuống năm-ba người. Anh tôi nói: Mấy người ở dọc theo kinh sau thường đi nhờ các cây cầu nhũi dưới bến sông của những lò đường, họ đở vất vả hơn là đứng trên mũi đò trèo lên mé sông cao vòi vọi của bờ xáng, mùa nầy đi theo lối mòn xuyên qua rẫy thì dễ bị lá mía cứa đứt da.
Vì sông lớn ngăn trở mà một thằng con nít ở chợ như tôi chưa từng có dịp tìm hiểu tận mắt cách làm ra các loại đường mía. Chán nản rồi quyết định bỏ trống câu cuối để tránh trả lời sai đề sẽ bị loại như lời cô chủ nhiệm cảnh cáo về điều lệ cuộc thi này. Phòng thi im lặng đến dễ sợ, tôi nghe tiếng tôi vừa nuốt nước bọt. Mới hôm qua, má sai đi tiệm tạp hóa gần nhà, trên đường về tôi mở sợi dây lác để thử chất ngọt thơm dẽo dẽo, hạt cát ngọt màu nâu đỏ trong túm lá môn.
Vị giám khảo phụ trách phòng thi nhắc giờ và kêu trò nào làm xong thì úp bài trên bàn và không được góp trước. Ngồi không cảm thấy buồn buồn, nghĩ lan man rồi chợt nhớ và cố gắng moi trí để hình dung cái lò đường nhỏ mà tôi gặp thoáng qua. Một buổi trưa cách hôm đó hơn năm, tôi và người chị tình cờ vào trú mưa trên đường đến nhà thân thuộc bên bờ xáng cù lao Tường Lễ. Bằng ký ức thuở 10 tuổi, tôi viết lại cách làm đường mía đã rất đơn giản của cái lò đường chạy bằng sức đẩy tới của hai con trâu mang cây cán trên vai đi vòng vòng để lăn bộ “che” ép mía có cốt trục dựng thẳng đứng thay vì các bộ ống cán có cốt nằm ngang như kiểu các xe nước mía. Rồi như khơi đúng mạch, tôi viết thẳng vào tờ giấy thi các hoạt động của người và trâu bên trong cái lò ép mía nấu đường trống lõng bốn bề, mái lợp lá trên giàn cột kèo bằng cây vườn như thân dừa lão và những cây u, sắn, cau, tre. Tôi còn tán thêm việc tôi đứng sát cây cột chái bằng thân đủng đỉnh đầy lông măng đứng chôn chân, nó trổ buồng bung trái lòng thòng ở một nách lá đã bị róc trụi. Chưa chịu hết, tôi say sưa đưa vào bài thi cái mùi sân đất bị trâu dẫm, mùi rơm cỏ tươi và mùi khai của phân trâu hoà quyện lạc điệu với khói đường thơm bốc lên từ ba cái chảo sôi ùng ục ở một góc trại. Hôm nay, tôi chưa nghĩ ra bất cứ lý do gì khiến cho bài thi của tôi không bị giám khảo gạch chéo vì lạc đề, mà kết quả còn làm cho tụi bạn học và các anh lối xóm không ai tin nổi.
Trường Tiểu học Cộng đồng cách văn phòng quận không xa. Trong thời xóm làng còn thanh bình nhàn hạ. Bọn chúng tôi hay có dịp đi cùng thầy và mười mấy bạn đến chỗ cố vấn Mỹ ở trong khuôn viên quận, theo lời ông ấy hứa dạy Anh ngữ vỡ lòng cho đứa nào thích học. Một lần tò mò nhìn tấm bản đồ quân sự treo tường của viên cố vấn, tôi thấy con sông Mang Thít phía trước mặt chợ quận chúng tôi còn có tên Nicholais Canal. Đem thắc mắc về hỏi các anh lớn ở xóm và sau nầy góp nhặt từ những thân thuộc được truyền miệng qua nhiều thế hệ:
“Sửa tạo con sông trời sanh Mang Thít chỉ là phần rất nhỏ trong kế hoạch lớn của người Pháp. Chính phủ Pháp bỏ tiền ra gọi thầu các công ty đào kênh ở Pháp sang Việt Nam khai thác việc phát triển thuỷ lợi nhằm hai mục đích rõ ràng: Thuận tiện cho ghe tàu quân sự lưu thông trên sông ngòi miền Nam. Mục đích thứ hai là dẫn thuỷ nhập điền để dân cư phát triển diện tích ruộng lúa hiệu quả nhất. Trong chương trình từ vàm Mang Thít đến Trà Ôn trên thủy lộ chiến lược Sài Gòn-Cà Mau. Người Pháp sử dụng nhiều loại xáng cơ khí dùng vét sâu lòng sông thiên nhiên và để đào sông xuyên ngang đất nạc. Kỷ thuật xáng gàu được áp dụng từ ngã ba Ông Đệ đến Chợ Cũ thuộc quận Tam Bình thẳng tới Trà Ôn. Tiền bối nào sanh vào các thập niên cuối hoặc đầu của thế kỷ 20 trong vùng đó, chắc chắn có dịp nghe hoặc thấy 2 chiếc xáng đào sông rất “tàng tài”. Một chiếc xáng có tên là Loire mà người bình dân thích gọi “La” theo nghĩa ồn ào, chứ không chú ý đó là tên một con sông dài nhất nước Pháp. Còn Nicholais là tên của viên kỹ sư trưởng người Pháp trên đoàn xáng. Do đó mà các bản đồ hành chánh và quân sự của người Pháp, họ đổi tên sông Mang Thít thành Nicholais Canal.
Hình thức của xáng gàu là chiếc guồng tròn có 2 khung thép rẻ quạt kết cấu song song. Phức hợp được thiết kế cặp hông trái hoặc hông phải vỏ tàu để nạo đất từ đường tim giữa kênh đến một trong hai bờ mà nó “thuận tay”. Một phần guồng chìm sâu đáy sông và thò ra khỏi mũi đã bị cắt bớt phần nhọn của chiếc tàu sắt thuôn dài lườn phẳng có trọng tải vừa phải. Thay vì giống như giàn xa quạt mượn sức nước của dòng suối để chuyển vận nước lên cao hơn. Guồng của chiếc xáng chuyển động nhờ sức máy trong tàu kéo bánh xe trớn nơi phần cốt guồng luồn xuyên qua thân tàu. Trên vòng tròn lớn nhất và nằm trong lòng hai bộ nan sườn của giàn khung guồng là chỗ treo những chiếc gàu thép nạo đất có dung tích khoảng từ 1/4 đến 1/3 mét khối tùy theo sức máy.
Guồng nạo từ dưới lên và mài múc theo chiều qua lại vào khối đất nạc trước mũi tàu. Đất trong gàu múc có chứa ít nước được guồng đưa lên cao trút ập vào cái máng hứng có giàn giá cố định để chuyển hướng đổ xuống về một phía bờ sông. Trên bờ và dưới tàu có gần trăm công nhân cơ hữu của công ty xáng được huấn luyện thành thạo để giữ cho hệ thống hoạt động liên tục trong các nhiệm vụ nối và dời các máng tuôn đất gát trên các giàn trụ đứng có bánh xe, di chuyển các đường ray xe goòng dùng tải đất ra xa, cắt gọn và cung cấp củi khô trên bờ xuống tàu để đốt nồi sú-de máy hơi nước, vân vân…
Trước đó mấy tháng, đã có hàng trăm dân phu địa phương chặt dọn phá hoang một lộ trình bề ngang hơn trăm mét để các kỷ sư và chuyên viên trắc địa cắm bông tiêu dòng kênh và vùng tản đất hai bên bờ kênh. Khi xáng bắt đầu đào, dân địa phương lại được huy động dùng sức người chuyền hoặc khuân vác giỏ sọt tản số đất ra xa khỏi bờ. Nhưng cố gắng đến đâu, số đất đào sông của loại xáng nầy cũng không tránh được tình trạng gần bờ thì đùn cao vòi vọi và thấp dần ra xa. Từ đó mà có thêm những danh từ như “cơi Một, cơi Hai, cơi Ba” để chỉ thế đất trên những vùng bờ xáng.
Tàu múc tiến sâu vào đất liền theo các cọc tiêu hướng dẫn và bởi sợi cáp được neo cột xa phía trước mũi, lực giúp gàu xúc luôn tiếp xúc bờ đất và tàu rút tới chầm chậm theo bộ “tời” quấn cáp, chứ không dùng chân vịt đẩy tàu. Và di chuyển qua lại bằng hai cáp chằng hông. Đào được độ dài qui định, tàu quay ngang hướng mũi vô phía bờ sông trách nhiệm và gọt “thềm lục địa” của mé sông đúng hình miệng bát theo độ nghiêng vòng guồng của xáng.
Do tiếng máy ầm ì và các trục cốt chuyển động phát ra âm thanh ma sát cò két đinh tai. Trong bán kính 5-7 trăm mét có khi đến 1-2 cây số dưới gió, từ 5-6 giờ sáng là làng xóm bắt đầu nghe nó ‘la’ cho đến xế qua nửa chiều mới chịu nghỉ sớm cho công nhân vô dầu mỡ máy móc, sửa sang dụng cụ, ăn uống ngủ nghỉ cho ngày mai vất vả”.
O
o o
Sau 1975, tôi vẫn là em út của các “anh lớn” ở xóm Chùa. Chúng tôi trở về xóm cũ với sứt mẻ và thiếu vắng sau một thời túa ra vạn nẻo quê hương. Và chuyện 5 châu, chuyện thiên hạ thiên thượng vẫn tiếp tục tuôn ra trong những lúc anh em có dịp ngồi lại. Những năm đó, các khu công nghệ mía đường có tầm cở như Hiệp Hoà và Quảng Ngãi bị ngừng trệ vì sự thay đổi lớn lao về chính sách kinh tế và máy móc hư hỏng. Lượng đường cát Cuba có giới hạn trong việc cung cấp cho cả nước. Tất cả là những nguyên nhân đem đến cơ hội vàng cho những vùng trồng mía như Tam Bình, Trà Ôn, Cái Côn và Phụng Hiệp. Là địa phương có những bờ xáng bao la và phì nhiêu, di sản phụ trong thuỷ trình chiến lược có từ thời thực dân Pháp. Nguồn kinh tế hiếm hoi trong thời khó khăn đó đã giúp cho nhiều nông dân trồng rẫy mía được thu nhập rất cao. Hệ thống thương lái và ngành chế biến đường mía bùng phát và giàu lên khá nhanh cho đến đầu thập niên 1990.
Từ thuở ông bà di dân về phương Nam khai hoang mở đất, chợ Tam Bình đã hai lần tìm cho mình nơi ổn định. Lần thứ nhất là Ba Kè và lần thứ hai là Chợ Cũ, hai nơi đều nằm cạnh dòng sông Mang Thít ở ngay hai đầu còn suôn của khoảng sông thiên nhiên ngoằn ngoèo đi xuyên ấp Tường Nhơn, Tường Lễ của xã Tường Lộc, rồi đi ngang Cái Sơn của xã Mỹ Thạnh Trung đến cua Ông Đốc, mới trổ ra cầu Hàn. Khi người Pháp đào con kênh thẳng từ ngã ba Ông Đệ tới Chợ Cũ và múc thẳng Trà Ôn, người dân ít khi sử dụng đoạn sông cũ, điều khiến cho nó khi sanh ra đã mang thân ẻo lả, càng ngày càng hẹp cạn khó đi. Mọi người tụ đến lập chợ Tam Bình ven bờ một khúc sông mới của dòng Mang Thít, dân chúng an cư phát triển cho đến bây giờ, vị trí gần như trung điểm hai khu chợ cũ trước đó.
Hôm nay, cây mía không còn giữ địa vị dẫn đầu trong kinh tế nông nghiệp quê tôi. Mưa gió và sóng nước gây cho một số diện tích cơi một trên bờ xáng bị xói mòn tuôn lở về sông. Cơi hai và cơi ba vẫn còn cao hơn mặt ruộng nhưng không còn được xem là rẫy. Bà con xẻ mương lập nên những vườn cam sành xanh rì, rể cam hấp thụ thổ nhưỡng được bồi tạo bằng phù sa mầu mỡ của dòng Mang Thít mà nuôi cây sanh trái to và ngon ngọt nổi tiếng.
Hoa cam đã thay mùi mật đường mía năm nào, hương cam sành Tam Bình theo gió đồng để lang xa khỏi một miền quê.
Một Lúa
Nhớ ngày cùng cha mẹ anh chị em vui sống dưới mái ấm gia đình. Nhớ ngày học đánh vần ê a quốc ngữ. Nhớ thầy cô vỡ lòng và trao cho hiểu biết. Nhớ quê nghèo và bạn bè thân thuộc thôn xóm. Nhớ con sông ngược xuôi cuồn cuộn. Nhớ những gáo nước múc uống ngon lành từ dòng sông đùng đục hiền hoà…
Kính mời quý thầy cô và đàn anh trưởng bối, kính mời các bạn và anh em thân tộc xem những dòng tâm tình trong truyện ngắn “Bờ Xáng Quê Tôi” như một lời cảm ơn cho tất cả
Cám ơn tác giả cho đọc một bài viết rất giá trị.
Hồi năm 45, ông ngoại hoàng Hưng bị mổ bụng tại cầu tàu Tam Bình, và được chôn trên bờ xáng. Nghe anh Lưu vĩnh Khương nói, người mổ bụng ông ngoại sau bị điên
Bạn Hoàng Hưng,
Những nạn nhân trong các năm đó và sau nầy thì làm sao kể xiết hả bạn!
Kỷ niệm ấu thơ bao giờ cũng đẹp và được giữ mãi trong tâm trí. Từ những kỷ niệm khó quên, tác giả cho chúng ta biết thêm về cảnh vật cũng như lịch sử của vùng miền nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Với cách viết nhẹ nhàng, cẩn thận trong từng chi tiết, Một Lúa đã lôi cuốn người đọc đến chữ cuối cùng. Hãy tiếp tục khả năng thiên phú của mình để chia sẻ cùng bạn đọc trang nhà.
Thưa cô,
Em tình cờ nói chuyện với anh bạn ở ấp Nhà Thờ (cạnh sông Mang Thít) sau khi bài nầy đăng vài ngày. Ảnh cho biết thêm vài chi tiết do ba ảnh kể lại lúc sinh thời thì việc đào kênh đi ngang Tam Bình vào khoảng sớm trể 1920. Lúc đó ba của ảnh ở Sa Rài, cách 2 km mà có khi nghe tiếng 2 máy xáng nầy la cò két.
Mỗi người gắn liền với một vùng đất, nơi người ấy được sinh ra, lớn lên. Vùng đất ấy chúng ta vẫn gọi là quê hương. Viết về quê hương như một lời cám ơn. Viết để tự hào, viết để bạn bè biết về quê hương mình, viết để trong tim luôn đau đáu với quê hương.
Chào bạn Hoàng Long,
Cảm ơn bạn nhiều nhé!
Bài viết rất giản dị, chân chất và sâu sắc, cuốn hút người đọc! Cám ơn anh đã cho chúng tôi biết tường tận cách múc đất của xáng, biết cách làm đường kiểu xưa, biết được những hoạt động vui chơi, học tập ở tuổi thơ của anh và chúng bạn…! Tôi đang nghe mùi mật của đường mía, mùi hoa cam…thoảng đâu đây!
Mong anh luôn vui, khỏe, để sáng tác dồi dào nhé!
Cảm ơn bạn Mỹ Nhung!
Không ngờ cái tánh tò mò mà hồi nhỏ bị rầy là không phải chuyện của mình, cũng có dịp để nói!
Bài viết anh rất tình cảm .một thứ tình cảm sâu nặng đối với quê hương . hai tiếng quê hương mà cả đời không quên được dù có ở bất cứ nơi trên trái đất nầy .Đọc bài anh viết chúng em hiểu biết thêm nhiều thứ, cách làm đường ngày xưa . .. những địa danh của quê hương. Ba Kè là quê ngoại của em thuở nhỏ em củng hay về thăm Ngoại . Rất thích những bài viết của anh nói về quê hương, về tuổi thơ vì chúng em thấy mình ờ đâu đó trong bài viết của anh .
Chào bạn Võ Thị Lài
Tui rất muốn viết về những nơi mình từng đi tới, nhưng sự hiểu biết quá ít!
Bài viết với những hồi ức tuổi thơ từ năm học lớp nhất (10 tuổi), từ thuở cây mía làm đường với dụng cụ thô sơ… đến những chiếc xáng sửa tạo con sông trời sanh Mang Thít; đời sống của người dân Tam Bình qua các giai đoạn, trên hai bờ xáng… Một bài viết thật ý nghĩa, mà như tác giả nói, là một lời cảm ơn của người con xa xứ đối với quê hương mình. Cảm ơn anh Một Lúa về một bài viết hay. Chúc anh luôn khỏe.
Chào và cảm ơn My Nguyễn!
Lúc nào tui cũng cảm thấy thiếu sót điều gì đó không rõ. Không biết phải vì đảo vòng vòng tìm kiếm hoài mà tui bị bè bạn cho là tham lam. hihi