Sài Gòn nổi nhớ

Ngày đăng: 22/12/2017 12:27:19 Sáng/ ý kiến phản hồi (11)

Một lần về Sài Gòn dự đám tang một anh vừa “gãy cánh”. Đám tang chắc chắn buồn rồi, riêng đám tang này thật thảm sầu, thật yên lặng, thật đơn độc, không có bất cứ người thân nào ngoài chị và bạn của anh. Chị không khóc, thật can cường, vững vàng.

Trước khi đi, tôi đến phòng tài chánh lãnh lương trước. Dự lễ an táng xong, tôi đến chợ Tân Định, trích nửa tháng lương, mua “nhu yếu phẩm” mang đến cho em bé. Vừa đến Sài Gòn tôi đã đến căn nhà này rồi, đúng ra là một túp lều thật nhỏ trong một con hẻm trên đường Hai Bà Trưng. Bước vào nhà, biết được chị vừa sanh em bé, tôi ngập ngừng mãi, không biết lựa lời như thế nào, nói cho chị biết hung tin. Chính chị lên tiếng trước, giúp ngược lại tôi thoát qua những phút giây khó nói nhất. Chị cho biết, chị đã biết tin rồi, một người bạn thân của anh đã đến cho chị biết anh đã mất và không nói gì thêm. Anh về báo mộng cho chị, toàn thân bị cháy. Tôi không hề biết anh bị cháy và lúc đó cũng khá ngạc nhiên khi thấy chị quá bình tỉnh. Sau đám tang mới biết, chị không bình tỉnh, cũng chẳng có người thân nào bên cạnh để an ủi.

Chị nhận quà và nói, chị phải hoàn tiền lại, vì lương lính thường thiếu trước, hụt sau. Nói với chị, yên tâm đi, nhà tôi cũng không giàu có gì, có thể má tôi nghĩ, đã là lính thì chẳng có ngày mai, mỗi tháng chu cấp cho tôi nhiều lắm. Chị đừng lo tôi thiếu, làm lính, chứ chưa bao giờ “à la ghi”

Đứng nhìn em bé một hồi, tôi hỏi chị:

– Cho em đứa bé này đi. Chị trố mắt nhìn tôi, hỏi:

– Làm sao em nuôi?

– Mang về mượn má nuôi. Chị lắc đầu nói:

– Em muốn ế vợ hả, em mang em bé này về nhà, không cô nào dám ưng em nữa. Chị hiểu ý em rồi. Em nghĩ, chị còn trẻ lắm, rồi chị sẽ tái giá. Sanh một đàn con với chồng mới, bỏ bê đứa bé này. Em lo sợ, nó sẽ có đời sống bất hạnh. Em yên tâm đi. Dù gặp bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào chị cũng không bỏ nó bơ vơ đâu. Em thương nó một, chị thương nó nghìn lần. Chín tháng mang thai, mệt lắm em ơi, mệt lả người. Sanh nó ra đau lắm, đau như bị xé ra từng mảnh da, mảnh thịt.

Một tí sau, trước khi ra về tôi đến gần nhìn em bé thật lâu. Bé đang ngủ ngoan, bé đâu biết được, bé đã mất mát gì. Chị bước lại gần nói, em thương nó, cho em bồng nó tí đó. Rồi chị sẽ nói cho em nghe một chuyện riêng tư, lẽ ra chị không nên nói cho ai biết, nhưng chị nói cho em nghe, em sẽ không còn lo gì cho đứa bé. Tôi trả lời chị, tôi không biết bồng em nhỏ, sợ em bé bị té. Chị nói, đến ghế ngồi đi, đưa tay ra hứng, chị mang đứa bé đến cho em bồng một tí.

Đứa bé nằm trên tay tôi, vẫn ngủ yên lành. Tôi cúi xuống hôn đứa bé. Chị la lên, đừng hôn nó. Đã trể rồi, tôi đã hôn em bé rồi. Tôi hỏi lại chị, sao vậy? Chị trả lời, bé chưa đầy tháng. Xôi chè đầy tháng, nhiều người còn không ăn. Bé chưa đầy tháng, nhiều người  gớm lắm.

 

Theo lời chị kể, ngày chị sanh, anh về phép, nhìn đứa bé, tỏ vẻ thất vọng, vì bé là gái. Sau 3 ngày anh ra đi, chị biết anh có bảy ngày phép, những ngày còn lại anh đi đâu. Chắc chắn đi tìm người đàn bà khác, mong kiếm đứa con trai. Bác sĩ cho chị biết chị mang thai con gái, chị không nói cho anh nghe, sợ anh bắt chị phải phá thai. Trước đó vô tình chị nói, bác sĩ khuyên chị chỉ nên sanh một đứa con thôi. Sau ba ngày trầm ngâm, anh ra đi, chị biết mất anh rồi, chuẩn bị trước, sẳn sàng sống đơn độc nuôi con.

 

Chỉ sống một thời gian ngắn ở Sài Gòn nhưng Sài Gòn đã để lại trong tôi nhiều kỹ niệm. Ngày xưa, có lần từ Vĩnh Long đến Sài Gòn, nhìn lại nền nhà cũ, vòng quanh xóm, không ghé nhà ai. Đến nhà cô bạn thân và tốt ngày xưa bên kia đường. Bạn thật nhé, cũng không gõ cửa, nhìn tí. Đi trở ra Xóm Gà, đi theo con đường xeo xéo gần đến Phú Nhuận, nhìn lại nơi ngày xưa thường hẹn với bạn, lòng buồn rười rượi. Đến phở Quyền, ăn xong, xuôi đường đến Lăng cha Cả, nhìn bộ TTM ngày xưa, cổng Phi Hùng, Phi Long, gậm nhấm nỗi buồn, rồi quay về Vĩnh Long.

Ngày xưa khùng quá hả. Bây giờ thường nhớ về quê, nhớ Sài Gòn nhiều nhất. Trong những nỗi nhớ về Sài Gòn, nhớ lại cô bé chưa tròn tháng, lúc đó cũng gần Giáng Sinh. Bây giờ bé đang ở đâu? Cuộc đời bé có bình yên không?

Nguyễn Hoàng Hưng

 

 

 

 

Có 11 bình luận về Sài Gòn nổi nhớ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Một câu chuyện buồn.

    Càng ngày, Hoàng Hưng viết càng cứng tay hơn, bớt chi tiết thừa, có chọn lọc.

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn chị. Chỉ hên thôi, viết một mạch, không dám đọc lại hai lần. Đọc lại buồn lắm. Ngày xưa nhiều lần, từ Cầu Mới lên Vĩnh Long, lang thang đếm nỗi sầu, ghé quán cóc nào đó uống ly cà phê, lên xe trở về Cầu Mới.

  2. Bạch Lộ NK79 nói:

    Nỗi nhớ SG của anh Hoàng Hưng  thấm thía về tình người… về thời cuộc và số phận con người! Đọc xong nghe buồn rười rượi huynh ơi!!!

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Bài viết của anh thật cảm động , một cuộc đời một số phận . . . một nổi nhớ về dĩ vãng xa xưa khiến người đọc cảm thấy bùi ngùi đâu đó trong góc khuất về người,về ta.

  4. Hồ An Nhiên nói:

    Đọc xong thấy buồn quá . Cũng một kiếp người . Đứa bé vui hay không phần lớn nhờ vào tình thương và bản lãnh của người Mẹ  . Nếu có duyên biết đâu một ngyà nào đó gặp lại hai mẹ con

    • hoàng Hưng nói:

      Cám ơn An Nhiên. Biết đâu đã gặp rồi nhưng không nhận ra nhau. Đại hội của Tống phước Hiệp năm 2004, anh Trần văn Trưởng ngồi gần anh Lê quang Hài, hai anh học Tống phước Hiệp từ thời 52, 53 gì đó, và hôm đó hai anh không nhận ra nhau. Khi gom lại danh sách những người đã dự đại hội, và đã đọc bài của anh Trưởng nhắc đến anh Hài. Gọi điện thoại gọi anh Hài, biết đúng hai anh là bạn. Gọi cho cho anh Trưởng biết, hai anh gọi thăm nhau.

  5. Một Lúa nói:

    Chào Hoàng Hưng,

    Tôi có người anh là con một người dì lớn hơn má. nhà ở CẦN THƠ. Tôi nhớ mang máng vào khoảng chừng năm 65-66, anh lái Cessna quan sát và cũng gãy cánh tại Chương Thiện. Tuy cấp bậc  trung úy mà đám tang anh thật long trọng với số người rất đông trên xe khách, xe dân sự và quân sự đưa tiễn anh về nơi an nghĩ. Lúc đó tôi còn nhỏ,  chưa có cảm nhận của người mất đi tình thân.

    • hoàng Hưng nói:

      Hội Ái Hữu Tống phước Hiệp ở Cali đã có hội trưởng mới là thầy Nhàn. Thầy Nhàn dự trù năm 2019 sẽ làm một đặc san. Một Lúa cho xin bài nghen. Cám ơn nhiều.

  6. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay., chân thật luôn  thể hiện tâm lòng đôn  hậu, vui tính  tốt bụng  của tác giả ( người đọc  lúc nào cũng  dễ  tìm thấy điều đó   trong đa số bài của  anh ! ) , đáng trân trọng anh ÚT  Hoàng Hưng  thật  !
    Hoành Châu (Gia đình C  )

Trả lời Hồ An Nhiên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác