CHÁO LÒNG ĐÔNG AN (Món ngon Long Xuyên)
Năm 1973 tôi chuẩn bị thi tú tài II, trong nhà có hai bạn Bình lớn và Bình nhỏ ở để cùng học thi, ngoài ra còn có LXC là anh họ của tôi, thêm năm anh em trai của tôi là tám người, chen nhau trong căn nhà nhỏ bé của bố mẹ. Thường thì chúng tôi học đến 1 giờ sáng mới đi ngủ, khi nào nghe tiếng heo kêu từ phía chợ Đông An là biết đến giờ nghỉ. Một đêm, chúng tôi hẹn nhau thức đến sáng luôn xem sao, thế là sau khi nghe tiếng heo kêu, đến 2 giờ thì chúng tôi bảo nhau đi ăn cháo. Bình lớn diện bộ quần áo trông thật ngầu : quần của sinh viên sĩ quan Thủ Đức, áo băng-lông, nó xỏ chân vào đôi giày bec-de-canard của bố tôi, lấy thêm cái soi đen, trông như tay anh chị ở cầu ba cẳng. Chúng tôi đi bộ từ nhà, qua cầu Hoàng Diệu, vào một quán ven sông, đối diện với chợ Đông An. Giờ này vẫn còn thưa khách, nồi cháo nghi ngút bốc mùi thơm, kích thích vị giác của đám thanh niên chúng tôi. Mỗi thằng ăn luôn hai tô cho khỏi xót ruột, thế là tỉnh táo luôn đến sáng không ngủ nữa.
Năm sau, khi đang học nhất niên ở trường Sư phạm Long Xuyên, đến ca trực đêm của lớp tôi, sau khi nô giỡn thỏa thích, đến 1 giờ sáng chúng tôi băng qua khu nghĩa địa thành phố, đi tắt vào chợ Đông An. Chợ vắng teo vì chưa làm heo, chúng tôi nằm vạ vật trên các kệ bán hàng ngủ lim dim. Các đồ tể xuất hiện, heo được mang đến thật nhanh, mỗi con bị trói bốn chân không nhúc nhích được, bị khiêng đặt ngửa trên cái bệ xi măng. Đang kêu eng éc, loáng một cái, lưỡi dao của đồ tể đã chặn tiếng kêu lại, huyết heo chảy ra ồng ộc, được hứng vào cái xô để sẵn có pha bột gạo, vừa đầy thì heo cũng đã hóa kiếp, được lật sang một bên, tiếp tục con khác lên bệ tế thần. Một đên mỗi tay đồ tể ra tay hóa kiếp cho khoảng 20 con heo, nhanh gọn và chóng vánh. Heo sau đó được mổ ngay để lấy bộ đồ lòng, mỗi tay đồ tể được 2-3 bộ miễn phí. Sau khi bắt phèo xong, họ mang vào gởi nồi cháo (gạo rang) đang sôi sùng sục trong quán, có chừng một chục bộ đồ lòng được nấu trong nồi cháo này, hèn gì mà không ngon, ngọt sao được. Đến gần sáng thì chủ quán vớt ra, bày ra đĩa cho các đồ tể nhâm nhi với rượu đế. Được chứng kiến công đoạn làm heo, nấu cháo từ đầu đến cuối, chúng tôi đứng ngây người ra xem. Ngồi quanh cái bàn tròn, quán thật tuyềnh toàng, gió sông lành lạnh, ăn tô cháo nóng hổi, cảm nhận được vị mềm béo của phèo, bùi bùi của gan, sần sật của cuống họng heo, dai dai của bao từ, huyết lòng quyện trong cháo, một chút giá, bún, chấm nước mắm chua ngọt, thật là tuyệt trần.
Nhiều người bạn ở xa về hay nhắc đến cháo lòng Đông An, nhưng nay chỉ còn là hoài niệm, nơi này đã hoàn toàn mất dấu, dãy hàng quan ven sông nay biến mất, bờ kè được làm kiên cố và thoáng mát hơn. Bây giờ nhiều nơi ở Long Xuyên có bán cháo lòng, nhưng có lẽ chẳng thể nào bằng cháo Đông An nức tiếng một thời. Tôi nghiệm ra vị ngon đặc sắc của cháo Đông An, đó chính là nguyên liệu được chế biến ngay sau khi làm heo xong, tất cả còn tươi nóng, mọi tinh túy đều trút vào nồi cháo đêm khuya.
Nhiều khi trong giấc ngủ nửa đêm về sáng, tưởng như còn nghe tiếng heo kêu, nhưng chỉ là viễn mơ. Thời tuổi trẻ của chúng tôi với món ngon Long Xuyên, chỉ còn là quá khứ không bao giờ trở lại.
Ngô Lâm Viên
(Hội Khuyến Học TP.Long Xuyên)
Nghe tác giả kể bắt thèm.
Mỗi món ăn đặc biệt của một vùng bao giờ cũng kèm theo biết bao nhiêu kỷ niệm một thời của những người đã từng sống ở nơi đó, nhất là những kỷ niệm của những ngày xưa còn trẻ….
Cám ơn Ngô Lâm Viên đã chia sẻ với bạn đọc món cháo lòng Đông An mà tiếc thay ngày nay chỉ còn trong kỷ niệm.