Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 5) 

Ngày đăng: 17/11/2017 08:13:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Hai Thành nhận bức  điện tín hỏa tốc của ông chủ Dìn ngay trong buổi làm việc chiều thứ Hai. Đọc nội dung tin  nhắn, anh cảm nhận được thái độ lo lắng hốt hoảng ba anh.  Sự việc nghiêm trọng đã lấy đi tánh điềm tỉnh cố hữu của ông.

Hai Thành không ngờ thằng em mà lúc nào anh cũng nghĩ nó ngoan hiền,  là nhân tố thích hợp để kế thừa thương nghiệp chành gạo Dìn Ký. Ngôi sao sáng  trong tâm trí  anh  bỗng dưng  bỏ nhà ra đi chưa rõ nguyên do. Hai Thành  hy vọng Út Kỉnh  giận dỗi ra ngoài ở  tạm  một chỗ nào đó, chứ anh  không dám nghĩ xa hơn.  Anh cũng mong  số rất đông  bà con nội ngoại,  bang hội họ Trần và bạn bè quen biết với ba má ở chợ Sóc Trăng sẽ sớm tìm ra thằng bé.

Khởi hành  từ Mỹ Tho lúc sáng sớm thứ Ba, Hai Thành lái chiếc xe mượn của sếp chạy thẳng  về Sóc Trăng. Gió sông Tiền và sông Hậu thổi lồng lộng giúp anh dịu mát một chút  lúc xe nằm trên các phà máy vỏ thép  có  trọng tải 50 tấn ở Mỹ Thuận và Cái Vồn. Hai Thành không còn tâm tư mà quan sát cảnh vật một ngày nắng đẹp cuối xuân.  Anh  bước vào nhà lúc hơn 12 giờ trưa, ông chủ Dìn ngồi nơi phòng khách với mặt mày méo xệch.

– Ba khoẻ không. Có tin gì của Út Kỉnh chưa ba?

– Không  có một chút manh mối gì, ba đang nóng lòng chờ đợi.

– Chờ tin cảnh sát?

– Ba chưa báo  cảnh sát. Ba nghi là  thằng  Kỉnh bị bắt cóc, ba chưa báo cảnh sát là muốn thương lượng trực tiếp với bọn gian tặc.

– Ba là dân sự, ba muốn giải quyết chuyện riêng tư theo kiểu giang hồ hay bằng mọi cách. Con là viên chức chính phủ, con không thể chấp nhận hay dính líu cách làm đó mà phải tôn trọng pháp luật. Ba muốn con ở đây giúp ba, thì để con đi báo ngay, tính ra đã quá thời gian luật định. Nếu ba không đồng ý thì con không  dám trái lời ba, nhưng xin phép ba cho con trở lên Mỹ Tho trong đêm nay.

Ông chủ Dìn trầm ngâm:

– Ba biết gây khó cho con, nhưng cho ba chờ đến trưa mai.

– Dạ được, bây giờ con xin phép được qua nhà các bạn con để nhờ họ dò la xem có manh mối gì không. Tối nay con ngủ nhà bạn, ba nói chị bếp  đừng bận tâm việc ăn uống của con.  Trưa mai con về đây  để đi với ba đến sở cảnh sát trình báo. Lần con về nhà hôm tết,  ba nói thằng Kỉnh không còn la cà mấy nơi  chơi  bi-da, cờ tướng.  Vậy gần đây thằng Kỉnh đi học về  ở nhà hay tới chỗ nào khác.

– Dì Thuần nói thằng Kỉnh thường ở nhà nhiều hơn lúc trước.

– Con mời ba đi với con ra ngoài một lát,  con có việc riêng.

Hai Thành đưa ông chủ Dìn trở lại nhà,  anh ta vội vả lái xe tìm những người bạn để nhờ họ  chia nhau hỏi thăm những nơi mà cậu Kỉnh từng lui tới trong vòng 6 tháng gần nhất. Còn anh ta đến trường của cậu Kỉnh cũng là chốn cũ đầy kỹ niệm.  Ngôi trường mà người ta hay gọi là trường Hoa kiều, nơi mà anh theo học các  chương trình Hoa, Pháp, Anh và Việt ngữ ở bậc trung học  đệ nhất cấp như cậu Kỉnh bây giờ. Từ văn phòng giám hiệu bước ra, Hai Thành vỡ lẽ việc cậu Kỉnh học rất tệ gần suốt cả niên khóa. Thơ của trường gởi phụ huynh và thầy giáo tới nhà mấy lần cũng không giúp cậu Kỉnh học khá lên. Mọi người đinh ninh vết thương  tâm lý quá lớn khiến cậu Kỉnh sa sút việc học hành. Họ hy vọng gia đình và học đường an ủi sẽ giúp cậu hồi phục.

Hai Thành  trở về nhà một người bạn để ăn chiều và hội với những người bạn khác. Anh được nghe một tin mới, cậu Kỉnh không còn la cà các chỗ ăn chơi mà hay đến chỗ  ở của anh Tư Tam Quốc. Nhiều người biết anh Tư  là tay kéo đờn cò trong ban nhạc lễ cúng kiến ma chay, anh ta còn có ngón đàn lục huyền thiện nghệ và giọng ca ngọt ngào truyền cảm.  Anh Tư có tư cách, là người  được  gia huấn và  không mang tai tiếng xấu. Một người bạn đi với  Hai Thành đến ngôi đình mà anh từng nghe là nơi thờ phượng các người có công lớn trong thời khai hoang mở đất và các vị võ tướng  triều Nguyễn  đã  ngã xuống trên vùng đất này.

Hai Thành gặp người thanh niên quá lứa tạm trú độc thân nơi căn nhà khói, anh cười niềm nở:

– Chào anh! Tôi là Hai Thành, anh của thằng Kỉnh. Xin hỏi anh có phải anh Tư Tam Quốc.

– Cậu kiếm đúng người. Tôi là Tư Tam Quốc kéo đờn cò  trong ban nhạc lễ Bảy Rùm,  kiêm luôn nghề đờn ca tài tử và kể các tích xưa theo sách.

– Thằng Kỉnh em tôi có chuyện không vui. Tôi nghe người ta nói thằng Kỉnh có đến đây mấy ngày gần đây. Vì việc gấp phải mạo muội làm phiền anh giờ nầy, mong được  anh Tư giúp đỡ.

– Tôi quý mến cậu Kỉnh lắm,  không hiểu chuyện không vui gì cho cậu ấy. Tôi sẵn sàng  giúp cậu ấy trong hiểu biết của tôi.

– Em tôi bỏ nhà đi từ sáng Chúa nhật,  bây giờ là tối thứ Ba, tính ra đã gần 60 tiếng mà   Anh Tư gặp thằng Kỉnh lần sau cùng là khi nào?

– Chiều thứ Bảy trước ngày Chúa nhật mà cậu Hai vừa nói. Cậu Kỉnh ghé cho tôi gói cà phê và gói trà còn đây nè. Hôm đó thấy cậu Kỉnh buồn buồn, mà thường khi thì cũng buồn buồn như vậy, nhưng tui bông đùa vài câu thì cậu vui liền. Tôi hỏi tiền ở đâu mà mua đồ, cậu nói mới đập ống hồi trưa.  Chiều thứ Bảy  tui đi đám về có dùng chút ruợu, tôi nhớ là nằm trên giường trả lời cậu Kỉnh hỏi kế “Kim thiền thoát xác” có công dụng gì. Tôi nói người ta nghiệm việc con sùng thun thun nhũi nhũi  ăn chất mục rã trong đất, đúng ngày giờ thì nó mọc chân mọc cánh leo lên cây lột xác để thành con ve sầu mình mẫy xanh lè cứng ngắc kêu e e suốt ngày hè và hút nhựa cây để sống. Kế mưu đó dùng để  thay đổi thân phận và bề ngoài để tránh kẻ thù không nhận ra mà truy đuổi. Tôi còn nói thêm kế nầy có thêm biến kế, là con ve phải quên mình xuất thân từ con sùng để sống tốt  kiếp ve. Hoặc là mình phải đóng giả con ve vì một lý do để qua ải hay vào nơi đất  giặc, nhưng khi gặp người cùng phe cánh thì mình phải nhớ rõ kiếp cũ là con sùng đất. Có lẽ thấy tôi say ruợu nói lộn tới lộn lui, cậu Kỉnh chào ra về và hẹn tôi sáng Chúa nhật trở lại, nhưng không hề đến.  Mấy hôm nay rảnh, tôi  ngóng trông cậu Kỉnh đến chơi.  Tối nay nghe  cậu Hai nói việc cậu Kỉnh, tôi nghe mà buồn như người thân của tôi gặp chuyện.

– Khi nghe thằng Kỉnh hỏi như vậy, anh Tư có nghi ngờ gì không?

– Cậu Kỉnh là một đứa bé mới lớn, lanh lợi sáng dạ, óc tò mò và  thích tìm hiểu xã hội và thế giới võ lâm kiếm hiệp, thế thôi. Cậu Kỉnh thích đọc sách, lâu lâu cậu cũng hỏi tôi như vậy rồi hai anh em luận bàn, có khi cũng tranh cãi hăng hái về những chiêu thế đối xử trong xã hội. Có nhiều lúc tôi cũng giật mình nghe cậu  nhận định  phân tích tâm lý nhân vật trong truyện một cách chín chắn. Tôi cảm thấy cậu Kỉnh không còn non nớt để bị người ta dụ dỗ hay chỉ vì bốc đồng mà sinh liều. Nhưng nguyên nhân ra đi  thì không thể đoán ngay được.  Tôi chưa từng nghe cậu ấy có ý muốn bỏ nhà ra đi, nếu tôi nghe hay đoán được thì cũng khuyên nhủ cậu bỏ qua ý định. Bản thân tôi mồ côi cha mẹ lúc mới lên 10, lớn lên nhờ nội ngoại phụ lực nuôi dưỡng, dạy chữ và truyền nghề đờn ca.  Đến 17 tuổi, tôi mới ra đời mưu sinh bằng ngón đờn giọng ca và chút nghề kể tích xưa chuyện cũ.  Kéo đờn cho đám tang hay đám cúng, gia cảnh người ta có tang thương nhưng người phục vụ vẫn ăn uống ba bữa, ra về có tiền chủ nhà  bỏ dĩa không nhiều thời ít. Mình không thấy gian lận hay hổ thẹn lương tâm là đủ. Ngay cả bây giờ tôi đã 30 mà còn nhờ cậu tôi là ông cai đình bảo đảm với ban Quản trị xin cho tôi ở nhờ nơi đây cũng 6-7 năm rồi. Biển đời sóng gió, làm sao tôi nỡ nhìn cậu Kỉnh phiêu bạt lúc còn quá trẻ. Bây giờ kết  lại những trao đổi rời rạc từ ngày quen biết cậu ấy, tôi linh cảm cậu Kỉnh có chủ tâm cho việc ra đi nầy.

Hơn một giờ đồng hồ nói chuyện với anh Tư để tìm hiểu tâm lý và cái nhìn về  em mình, một trong những suy nghĩ của  Hai Thành là em mình ‘cua răng’ với dì Thuần mà ba thì lo chuyện làm ăn khiến cậu buồn chán thất chí  bỏ đi.  Hai Thành bỏ chương trình ngủ nhờ nhà bạn,  đêm nay anh phải về nhà để nói ba mình  những suy luận mà anh cho rằng  cậu Kỉnh có thể  không bị  bắt cóc.

Trong phòng riêng của căn biệt thự, Hai Thành lần lượt trình bày cho ba anh những gì anh Tư  tuôn ra, hay đúng hơn là những tâm sự hoặc thắc mắc của cậu Kỉnh tỏ bày với anh Tư suốt thời gian qua. Nhiều sự thật hiển nhiên làm cho  Hai Thành tin rằng dì Thuần moi móc bất cứ chuyện gì của cậu Kỉnh, chứ không bao giờ dì đả động việc học hành của nó.

– Ba thấy anh Tư nói đúng không? Gần hết năm học mà ba có biết thằng Kỉnh học hành ra sao?

– Ba giao dì Thuần trông coi việc học của Út Kỉnh. Bởi ba nghĩ dì phải nhớ ơn má của con gởi tiền về quê cho dì học chữ lúc dì 13-14 tuổi đến tá túc nhà ngoại con. Mẹ còn kiếm nơi đàng hoàng cưới dì,  chẳng may người đó bị tai nạn mất sớm. Mẹ con đâu có lỗi gì với dì Thuần.

– Vậy ba nghĩ  tại sao dì đã không thế vai trò người mẹ mà lại làm lơ với thằng Kỉnh như tuồng  thấy chết không cứu.

– Nếu thật như vậy, thì dì Thuần có ý gì?

– Ý gì con chưa biết, nhưng dì khó khăn với Út Kỉnh  trong sự chọn lựa vấn đề riêng rẽ, gợi  cho con chút thắc mắc.

Hai hàng lông mày của ông chủ Dìn nhíu lại trong một thoáng đăm chiêu. Lâu nay  ông là người thâm trầm ít nói, vì vậy khó ai biết ông suy nghĩ hay toan tính những gì.

(Còn tiếp) 

Một Lúa 

Có 11 bình luận về Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 5) 

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Phần 5 nầy lại càng hấp dẫn ,tác giả cho thấy quá trình cậu Hai Thành trở về khi nhận tin của cha Câu . Và Cậu Hai Thành đã biết được một phần nguyên nhân em Cậu bỏ nhà ra đi . Hy vọng tập sau  gia đình chú Dìn tìm gặp cậu Kinh . Nhìn chiếc phà nhớ một thời qua phà Mỹ Thuận , phà Cần Thơ .

  2. Hoành Châu nói:

    Đoạn 5 lần ra manh mối , bài viết  hay , xét đúng tình cảm  tính cách nhân vật ,đoạn gần cuối tình tiết khá hấp dẫn ,,,,,,, cảm thông chờ thêm hồi cuối nữa   Hihi
    Hoành Châu(Gia đình C  )

  3. My Nguyen nói:

    Hai Thành là người có nhận thức tinh tế, đang lần ra manh mối sự mất tích của Út Kỉnh. Có thể nguyên nhân sâu xa từ nội bộ gia đình? Hạ hồi phân giải. Hi hi…

  4. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Câu chuyện càng về sau càng hấp dẫn lôi cuốn người đọc theo sự hiểu biết của một công chức như Hai Thành chắc sẽ tìm ra manh mối cậu út Kỉnh .Chờ xem phần sau câu chuyện đang hấp dẫn của anh Một Lúa.

     

  5. Phan Lương nói:

    Hai Thành là người hiểu biết lý lẽ , dámt niis thẳng , nói thật . Không biết  chú Dìn có suy nghĩ. thế nào về bà vợ kế của  mình .khi nà nghe con trai là Hai Thành chỉ trích sụ vô trach nhiệm của bà mẹ kế là dì Thuần

    Câu chuyện hấp dẫn , lôi cuốn lăm rùi nhe anh Lúa

  6. Một Lúa nói:

    Bạn trẻ Phan Lương,
    Lóng rày có hay ghé Mỹ Thạnh không?

    • Phan Lương nói:

      BT cũng nghĩ  hưu rùi

      Chắc ít bửa em qua Mỹ Thạnh Trung để thăm bạn ấy

      Mưa bão hôm 18/11 đã phá hũy hoàn toàn đường truyền internet nhà em rùi, nên em không vào trang nhà được nửa rùi

      Em đăng ký xài 3G nhưng sóng 3G yếu ko vào trang web đọc bài được

      Có gì anh post fb em xem với nhe

      hi hi

Trả lời VÕ THI LÀI Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác