TUYẾT ĐẦU MÙA

Ngày đăng: 17/10/2017 08:24:00 Sáng/ ý kiến phản hồi (20)

Sau những ngày nắng nhẹ, mùa thu vẫn còn hiện diện trên những hàng cây lá vàng rực rỡ ven đường đi. Thế mà chỉ sau một đêm, sáng ra thức dậy tôi hoảng hồn khi thấy tuyết trắng xóa chung quanh nhà, trên những cánh cây, trên thảm cỏ trước và sau vườn giống như có bàn tay ai rải lên một lớp cát trắng dày. Phải nói là tôi hoảng hồn vì từ nhỏ cho đến bây giờ tôi chưa thấy tuyết bao giờ. Có chăng cũng chỉ là trên những bức ảnh chụp mùa đông ở các nước phương Tây. Nhưng bây giờ là mùa thu, mới hôm qua còn nắng hanh và cây cối quanh nhà còn vàng rực rỡ. Có một vài loài cây lá đỏ rực như màu lửa cháy. Thường thì cây phong vào mùa thu thường có màu lá đỏ mà một lần đi du lịch vào mùa thu ở Trung quốc tôi đã được thấy. Khi còn đứng lớp dạy truyện Kiều tôi thật sự rung động trước hai câu thơ Nguyễn Du viết về mùa thu – khi Kiều tiễn Thúc Sinh lên đường với bao nhiêu lo âu và trăn trở về một tương lai nhiều bất trắc còn ở phía trước:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Hai câu nằm trong số những câu thơ hay nhất trong truyện Kiều, xứng đáng đưa nhà thơ lên vị trí đại thi hào của dân tộc.
Đang giữa mùa thu vàng như thế, bỗng môt hôm con gái tôi bảo: “ Ngày mai, thứ hai có tuyết đấy me.” Phải nói là tôi rất mừng vì dễ gì có tuyết vào tháng mười. Denver – chỗ tôi ở – là một thành phố cao nguyên, cao hơn mực nước biển 1.500 mét ( cao gấp rưỡi Đà Lạt ),thường thì có một đợt tuyết đầu mùa vào tháng mười một. Có lẽ ông trời chiếu cố, cho tôi được thấy tuyết trước khi trở về Việt Nam. Chỉ tiếc là khuya chủ nhật đầu ngày thứ hai, tuyết rơi chắc là dữ dội lắm mà tôi không biết để thức coi. Đến sáng thì vẫn còn mưa tuyết nhưng chỉ là những bông tuyết nhỏ, phất phới như bông gòn rơi suốt từ sáng đến ba giờ chiều thì chấm dứt đúng như dự báo. Dễ gì có dịp chụp hình tuyết nên tôi mặc áo ấm, đi ủng rủ hai đứa cháu ngoại ra ngoài chụp hình. Tưởng là lạnh lắm – vì tôi vốn nhác lạnh – nhưng thấy cũng còn chịu đựng được. Nghe nói nếu tuyết rơi vào mùa đông thì lạnh lắm, nhưng bây giờ vẫn còn là mùa thu nên cũng không đến nỗi lạnh cóng. Tôi nghĩ đến những người homeless – những người lang thang cơ nhỡ – trong cái lạnh thấu xương của nước Mỹ những ngày đông lạnh giá mà không khỏi chạnh lòng. Có khi họ nằm trong một cái thùng cạc tông, có khi lạnh quá không thể chịu nổi họ cứ đi suốt trên những chuyến tàu điện, đến trạm nầy lại đi tiếp đến trạm khác như thế suốt đêm. Dù sao thì trên tàu điện có máy sưởi vẫn ấm áp hơn cái lạnh ngoài trời. Tôi có đọc ở đâu đó chuyện một người đàn ông ở nước Mỹ bị vỡ nợ, nhà cửa bị ngân hàng tịch thu, vợ bỏ, chỉ còn anh và một cô con gái mười ba tuổi sống cảnh lang thang không nhà. Anh và cô con gái cũng trốn rét trên những chuyến tàu đêm như thế. Phần lớn trên những toa tàu là những người homeless, hai cha con ngủ gà ngủ gật cùng những con người lang thang cơ nhỡ. Tuy nhiên anh vẫn cố gắng cho con gái tiếp tục đi học. Những đêm mùa Hạ nằm ngủ ngoài trời, anh nằm phía ngoài, con gái nằm phía trong một vĩa hè nào đấy, nhưng anh bằng mọi cách cố dấu đứa con gái để nó không lọt vào tầm mắt của những kẻ bất lương. Nếu không như vậy không biết số phận nó sẽ như thế nào. Nhưng cuối cùng thì câu chuyện lại kết thúc có hậu. Một hôm hoàn cảnh sống lang thang cơ nhỡ của anh đã lọt vào mắt một người đàn bà có chân trong một tổ chức từ thiện, từ chỗ thương cảm cháu bé, bà đã giúp cho cha con anh một chỗ ở tử tế để ổn định cuộc sống. Cuối cùng thì Bồ tát cũng đã xuất hiện giữa đời thường và tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên trên thế giới nầy còn bao cảnh đời lang thang cơ cực nữa, không phải ai cũng may mắn như anh !
Hai hôm sau ngày tuyết rơi, trời nắng chang chang, nhưng tuyết vẫn chưa tan hết. Những tảng tuyết vẫn còn bám trên cành cây trông như những bông hoa trắng xóa. Trên cỏ xanh vẫn còn nhiều mảng tuyết lớn. Nhiều nhất là trên mái nhà, nhà nào cũng như lợp bằng tuyết trắng. Thật thương cho những cây lá vàng , mới hôm trước vẫn còn vàng rực, thế mà hôm nay oằn mình dưới tuyết lạnh. Trời nắng nhưng tuyết đang tan nên vẫn lạnh ngắt. Buổi chiều tôi lang thang ngoài trời trong lớp áo ấm dày, ngang qua những ngã ba, ngã tư mặc dù khoảng cách vẫn còn hơi xa, đủ cho những chiếc xe hơi rẽ phải hoặc trái, nhưng người Mỹ lịch sự vẫn dừng lại chờ mình băng qua đường rồi họ mới cho xe chạy đi. Khiến mình cảm thấy ngại, vội vàng băng nhanh qua đường. Đúng là một đất nước văn minh.Chả bù cho giao thông ở Việt nam – nhất là Sài Gòn !
Tuy nhiên, không đâu bằng quê nhà, ở đâu đó, trong tận cùng tâm thức , trong những buổi chiều vàng vọt của mùa thu, kẻ xa nhà vẫn nhói lên một nỗi niềm luyến nhớ quê hương:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
( Đường thi )

VƯƠNG HOÀI UYÊN
( DEN VER- USA. 16.10. 2017 )

                                                             Tác giả trước nhà

Có 20 bình luận về TUYẾT ĐẦU MÙA

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết  khá hay ,thật cảm động,,,  thi nhân  bộc bạch  tâm tình ,nỗi lòng  của  mình   trước cảnh quan mùa đông nơi đất khách , chạnh nhớ về  mùa thu đẹp  mơ màng  trên  quê hương mình ! Cảm ơn  tác giả Vương Hoài Uyên  nhé
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Cảm nhận lần đầu tiên của Vương Hoài Uyên về mùa thu, về cảnh tuyết đổ nơi xứ người

    thật thơ mộng với lối viết nhẹ nhàng và chứa chan tình cảm. Tôi thích thú vì được đọc một đoản văn hay, hy vọng tác giả sẽ còn tiếp tục sáng tác để bạn đọc trang nhà được thưởng thức thường xuyên những bài thơ, những đoản văn của một cây bút có tài năng.

  3. Nguyễn Gương nói:

    Đọc bài viết tôi nghe xúc động nhiều. Tâm tình tác giả nhớ nhiều về quê hương giữa không gian tuyết trắng., nơi xứ lạ quê người..ơi tình cảm của người xa xứ..

    • NHA nói:

      Vốn rất thích thơ của Vương Hoài Uyên đã đăng trên trang nhà, tôi đã tìm hiểu trên Internet, thấy có nhà thơ Vương Hoài Uyên, vốn là nhà giáo dạy văn tại Nữ Trung học Quảng Ngãi<trước 1975> và THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng<sau 1975>, là Hội viên Hội Nhà Văn… đang sống tại Sài Gòn; tôi không rõ có phải là Vương Hoài Uyên tác giã bài văn TUYẾT ĐẦU MÙA này không?

       

      Nếu đúng thì nhà thơ/ nhà văn Vương Hoài Uyên chỉ là người đi thăm con gái ở Hoa Kỳ, chứ không phải là người xa xứ …đó Nguyễn Gương ạ.

      Vã lại trong bài này có câu: “Có lẽ ông trời chiếu cố, cho tôi được thấy tuyết trước khi trở về Việt Nam”

      • Luong Minh nói:

        Trang nhà có một độc giả tuyệt vời tuyệt vời như anh NHA. Đọc kỷ tác phẩm , hiểu rõ tác giả, đó cũng là cái thú. Gần đây, bạn bè tôi thường gửi qua email những câu chuyện hay, không biết vô tình hay hữu ý những truyện đó lại không có tên tác giả, thế là tôi tìm. Khi tìm được cũng thấy khoái như giải được bài toán vậy.

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Sự trải nghiệm tuyệt vời

    Tôi thường mong như thế

    Thích thật, nhà thơ !

  5. “Ra đi ta nhớ quê nhà

    Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”

    Quê nhà “yêu thương” từ những điều rất “bình dị, đời thường”. Nhớ mãi quê hương dù ở bất cứ nơi đâu. Cuộc sống đâu chỉ có “bánh mì”, mà còn cần cả “hoa hồng”. Thấm đượm tình yêu quê hương, trong đó có tình người (cảm thương homeles) .  Không như ai đó chỉ thấy xe hơi, nhà lầu,…nơi đất khách. Đồng cảm với HOÀI UYÊN.

    “…Về đây nghe em về đây nghe em

    Về đây cùng khóc trên sông nước buồn

    Chở lòng người trở về quê hương

    Chở hồn mình vào dòng suối mát

    Chở thật thà vào lòng dối trá

    Và nhặt hoa xin tạ chút ơn

    Hạnh phúc khi đã gặp nhau”

    xin trích nhạc: Trần quang lộc, Thơ: A Khuê

    Bài VỀ ĐÂY NGHE EM thay lời muốn nói , đồng cảm với tác giả

     

     

  6. My Nguyen nói:

    Mình chỉ biết Vương Hoài Uyên qua những bài thơ sâu lắng mượt mà. Nay lần đầu đọc đoản văn của chị, nghe thật chân tình, tha thiết làm sao! Ngắm tuyết rơi lần đầu, một trãi nghiệm vô cùng thú vị, chị lại không quên đến những người cơ nhỡ, không nhà…và nỗi nhớ quê hương.

    Cảm ơn tác giả về một đoản văn hay.

  7. Vương Hoài Uyên nói:

    Chân thành cảm ơn quý độc giả : Hoành Châu, Lê Thân Hồng Khanh, Nguyễn Gương, Nha, Nguyễn thị Hạnh, Đời Là Vô Thường, Mỹ Nguyên… Vương Hoài Uyên rất vui và cảm động vì quý độc giả đã đọc và chia xẻ, đồng cảm với Hoài Uyên về trang tạp bút TUYẾT ĐẦU MÙA trên trang web. quen thuộc. Đây là tâm tư, suy nghĩ rất thật của tác giả trước cái lạnh đầu mùa đông ở nước Mỹ. Từ cái lạnh lẽo của mùa đông, tác giả chạnh lòng nghĩ tới những cảnh đời cơ nhỡ. Ở đâu trên trái đất nầy cũng có những cảnh sống lang thang cơ nhỡ chứ không phải nước Mỹ là thiên đường thì tất cả dân Mỹ đều sung sướng. Đó là thông điệp tác giả muốn gửi đến cho những ai đồng cảm với mình.
      V.Hoài Uyên cũng rất cảm ơn anh NHA đã chia xẻ với độc giả một chút tiểu sử của Vương Hoài Uyên. Tuy nhiên bên cạnh những điều đúng, thì cũng có những điều không đúng, ví dụ như anh nói Vương Hoài Uyên trước kia dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi, xin đính chính : Vương Hoài Uyên dạy TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC ĐÀ NẴNG chứ không phải Quảng Ngãi. Anh nói Vương Hoài Uyên đi thăm con gái ở Hoa Kỳ chứ không phải người xa xứ. Xin đính chính : điều nầy thì nửa đúng, nửa sai. Vương Hoài Uyên lần nầy đi định cư chứ không phải đi thăm con gái. Mà đã đi định cư thì đúng là người xa xứ rồi, vì theo luật bây giờ mỗi năm chỉ được về thăm nhà vài ba tháng thôi, chứ không phải đi tự do như trước nữa. Còn 1 điều nữa anh Nha thắc mắc :” KHÔNG RÕ CÓ PHẢI VƯƠNG HOÀI UYÊN LÀ TÁC GIẢ BÀI VĂN TUYẾT ĐẦU MÙA NẦY KHÔNG ?”. Xin thưa bài văn ký tên rõ ràng là Vương Hoài Uyên, làm gì có chuyện mạo danh đường đột như thế ?  mà trên văn đàn Việt Nam hiện nay chỉ có một mình tôi ký tên Vương Hoài Uyên mà thôi, không có chuyện trùng bút danh. Dù sao cũng cảm ơn anh rất nhiều. Thân mến.
    Vương Hoài Uyên.

    • NHA nói:

      Dạ thưa nhà thơ Vương Hoài Uyên,

      -“Vương Hoài Uyên trước kia dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi<trước 1975>”: Tôi viết lại bằng trí nhớ nên lầm<Quảng Ngãi>là sinh quán của tác giã. Thành thật xin lỗi.

      -Do Google Search bảo Vương Hoài Uyên hiện đang sống tại TP HCH và dựa vào câu:”Phải nói là tôi hoảng hồn vì từ nhỏ cho đến bây giờ tôi chưa thấy tuyết bao giờ.” và“Có lẽ ông trời chiếu cố, cho tôi được thấy tuyết trước khi trở về Việt Nam” nên theo sự ngu ngơ của tôi nghĩ rằng thì là tác giã đi thăm con gái, chứ sự thật rằng tác giã ĐỊNH CƯ nghĩa là ở luôn ở Mỹ là điều chỉ có tác giã nói ra thì tôi mới biết thôi. Cám ơn.

      -” KHÔNG RÕ CÓ PHẢI VƯƠNG HOÀI UYÊN LÀ TÁC GIẢ BÀI VĂN TUYẾT ĐẦU MÙA NẦY KHÔNG ?” Đây là một câu nói “như cái lối thoát” nếu có sự trùng tên, tôi làm sao biết chắc chỉ có một Vương Hoài Uyên mà dám khẳng định, nhất là lần đầu tiên mạo muội tìm hiểu về thân phận tác giã …trong “́thế giớì vô ̣hình mênh mông Internet”.

      Vậy xin tha lỗi cho tôi những sai sót <không cố ý> và xin cám ơn tác giã đã đính chính những sai sót đó.

      Đa tạ.

      NHA

  8. VÕ THI LÀI nói:

    Bài viết rất hay, rất cảm động qua bài viết cho thấy tác giả có một tậm hồn dạt dào tình cảm ,làm người xa xứ nhớ lại mùa thu qua đi vội vả ,một mùa động lạnh giá gợi nhớ mọi điều trắc ẩn trong cuộc sống .Nhìn hình tác giả che dù đứng trước nhà xung quanh toàn là tuyết mình thấy lạnh quá ,nhưng trông tác giả rất đẹp. Cám ơn Hoài Uyên đã cho tác giả đọc một bài viết hay.

  9. Vương Hoài Uyên nói:

    Cảm ơn bạn Võ thị Lài, một độc giả thường xuyên có phản hồi với tác phẩm của V.H.Uyên. Xin gửi đến bạn lời tri ân sâu sắc và chúc bạn luôn an bình. Nhân đây cũng thưa anh Nha, Google viết ” VHU đang sống ở Sài Gòn ” là đúng.Vì trang Web nầy có lâu rồi. Mà trang web nầy Google chủ yếu dựa trên tiểu sử và chân dung của tác giả đăng trên Newvietart.com ( một tờ báo điện tử của Việt kiều Pháp ). Trang web nầy do Google soạn thảo từ bao giờ thì VHU. cũng không biết, chỉ tình cờ biết cách đây 7 năm do bạn bè mách. Một lần nữa cảm ơn anh Nha nhiều, vì dù sao cũng được anh…quan tâm.

    VƯƠNG HOÀI UYÊN

  10. Neang Phi Rom nói:

    Anh NHA kính mến! Anh thật tuyệt vời, rất đáng khâm phục, em rất vui khi trang nhà có một người anh như anh. Kính chúc anh sức khỏe, nhiều niềm vui. Thân kính. Phi Rom

  11. Bài viết hay quá! Chúc tác giả luôn hạnh phúc và có nhiều bài viết như thế này ạ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác