VẲNG NGHE CHIM VỊT KÊU CHIỀU
Có một thời thơ ấu sống ở vùng quê miền Trung, nhà có vườn cây khá rộng, cuối vườn có lũy tre bao bọc, tôi đã nhiều lần nghe chim vịt kêu trong những buổi chiều tắt nắng. Loài chim nầy có tiếng kêu dài, âm thanh đặc biệt giống câu: “ Bớ thằng chăn vịt ! ”. Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi mẹ vì sao con chim vịt nó lại kêu như vậy. Mẹ tôi nói chắc kiếp trước nó là con người, từng bị thằng chăn vịt nào đó lừa lấy mất bầy vịt, nên sau khi chết đi vì tiếc nuối mà nó biến thành con chim, suốt đời kêu ơi ới đòi thằng chăn vịt trả lại bầy vịt đã bị cướp mất. Cũng giống như vua Thục, vì mất nước mà biến thành con chim quốc, kêu “ quốc! quôc! ròng rã những đêm hè oi bức. Đó cũng là cách lý giải của con người với đầu óc tưởng tượng vô cùng phong phú. Lúc nhỏ thì tôi tin vào cách lý giải đó, không hề có chút nghi ngờ. Thế còn con chim “ bắt cô trói cột ” thì sao? Không biết kiếp trước nó thù gì “ cô ” nó mà nó cứ đòi trói cột thế không biết. Điều nầy thì mẹ tôi không trả lời, nhưng mẹ tôi nói thời kháng chiến chống Pháp người ta lại nghe giọng chim ra kiểu khác: “ khó khăn, khắc phục! ”. Ôi! trong cái thời vô vàn khó khăn đó tiếng chim kêu lại trở thành lời động viên con người vượt qua gian lao chồng chất.
ảnh minh họa, nguồn Net
Nhưng có lẽ trong các giọng chim, tiếng kêu của loài chim vịt buồn hơn cả. Có lẽ vì thế mà có câu ca dao:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Lạ một điều là con chim vịt lại hay kêu vào buổi chiều, mà lại ít kêu vào buổi sáng, buổi trưa. Buổi chiều là thời điểm cuối cùng của một ngày, bao nhiêu nỗi buồn, nỗi nhớ trong ca dao cũng rơi vào thời điểm nầy:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Hay :
Chiều chiều cắp rỗ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.
Trong những buổi chiều tắt nắng, tiếng kêu của chim vịt vừa nghe như thảng thốt, vừa như nuối tiếc một cái gì đã mất, gợi lên trong lòng người nỗi đau tình mẫu tử chia lìa. Thời trẻ tuổi, bao lần nghe tiếng chim vịt kêu, tôi cũng chưa thấm thía nỗi “ bâng khuâng nhớ mẹ ”, đơn giản vì khi ấy đang sống bên mẹ, vì mẹ chưa mất. Bây giờ, có ai ngờ đang sống giữa đất Sài gòn, một ngày cách đây không lâu, tôi thảng thốt nghe tiếng chim vịt kêu chiều. Theo lời người dân quanh vùng, thì chung cư tôi ở trước kia là một mảnh ruộng, bây giờ tuy mọc lên một khu chung cư rộng lớn, nhưng trong những đêm mưa tôi vẫn còn nghe tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Về phía bên trái của chung cư, nếu nhìn từ trên những tầng lầu cao, vẫn còn thấy một đám ruộng lớn, xa xa vẫn còn những lùm cây rậm rạp. Có thể tiếng chim vịt phát ra từ nơi đó. Bao nhiêu năm rồi mới lại nghe một tiếng chim vịt kêu, nhưng bây giờ – khi mẹ già không còn nữa – tôi mới thấy thấm thía nỗi “ chín chiều ruột đau ”. Vẫn biết cuộc đời là hữu hạn, lẽ sinh tử cũng là lẽ bình thường của cuộc sống, nhưng mấy ai không buồn khi người thân vĩnh biệt ngàn thu! Kể cũng lạ, mang tiếng sống giữa đất Sài gòn hoa lệ nhưng bất ngờ chiều nay lại nghe một tiếng chim vịt kêu chiều. Biết bao nhiêu là nỗi bâng khuâng trong một tiếng chim ấy! Mấy hôm nay tôi vẫn chờ con chim kia trở lại nhưng không còn nghe thấy nữa. Có lẽ nó chỉ tình cờ tạt ngang qua – trên bước đường phiêu lãng – cái miền đất vẫn còn sót lại một chút nông thôn giữa bao nhiêu là ồn ào náo nhiệt của một đô thị lớn. Chim trời, cá nước, biết đâu mà tìm! Thế mà những con người yêu nhau vẫn tìm nhau một cách vô vọng trong ca dao:
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn biển bắc , anh tìm biển nam.
Nhớ hồi mới lớn, lần đầu tiên đọc câu ca dao nầy tôi đã rung động đến bàng hoàng vì sự xa cách mênh mông và vô vọng ấy. Giá như tôi có quyền sửa lại câu ca dao ấy:
Chim ăn biển bắc, anh tìm biển đông.
Vì sao ư? Bởi vì bắc và nam – hai phương trời đối nghịch – giá như bắc và đông, hay bắc và tây vẫn gần nhau hơn, vẫn còn hy vọng hơn. Nhưng ở đây lại là bắc và nam, đúng là vô vọng! Anh càng đi tìm lại càng xa em. Nhưng “ em ” ở đây lại ví như chim, thì sự vô vọng kia lại càng nhân lên gấp bộị! Loài chim có bao giờ sống yên một chỗ với đôi cánh phiêu bạt của mình, chưa nói đến những cuộc thiên di về nơi vô tận. Ôi! con chim trong ca dao, cũng như con chim vịt của tôi, biết bao giờ tôi mới được nghe nó kêu lại một lần, để thấy lòng “ bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau ”!
VƯƠNG HOÀI UYÊN
Một đoản văn hay, lời văn nhẹ nhàng, xúc tích. Cảm giác mang mang nhớ nhung về những kỷ niệm của một thời thơ dại nơi quê nhà qua tiếng kêu của một loài chim tưởng chừng như không bao giờ còn gặp lại nơi chốn phồn hoa.
Phải chăng đó là tình tự quê hương để nhớ đến mẹ hiền, đến căn nhà, đến khoảng vườn cây khá rộng mà nay không còn nữa. Người đọc cảm nhận được nỗi niềm của tác giả và cũng bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm xưa của chính mình.
Một bài viết gợi nhớ lại một quảng thời tuổi ấu thơ , người đọc rất ấn tượng về một loại chim Vịt với tiếng kêu bi thương giữa Sài Gòn hoa lệ thật là hy hửu . Từ tiếng chim Vịt áo nảo ấy,gợi nhớ hình ảnh mẹ thân yêu không còn nữa . Cám ơn bạn đã cho thưởng thức một bài viết nhiều cảm xúc .
Chim ở miền quê thường có tiếng kêu buồn. Mãi đến giờ tôi vẫn chưa biết tiếng chim thường kêu vào buổi sáng trên cành cao: như tiếng huýt sáo và âm thanh nhỏ dần, xa dần.Kỳ thực chim vẫn đậu. Lại có loài chim hót như nói chuyện với ai, những tiếng cuối như dặn dò , nhỏ dần.
Xin cảm ơn bạn về bài viết nhắc đến những ngày thơ ấu tươi đẹp của tôi ở quê nhà.
Bài viết hay ,người viết từng ở miền thôn quê ruộng đồng với những nhận xét tinh tếvề buổi chiều tà , về các loài chim quê ,,, liên tưởng đến người mẹ hiền yêu cuộc sống dân dã qua làn điệu ca dao xưa . Đoạn kết khiến người đọc ngỡ ngàng , cảm động trước sự đổi thay về môi sinh v à khí hậu . Cảm ơn tác giả Vương Hoài Uyên .
Hoành Châu (Gia đình C )
Chân thành cảm ơn các bạn : Lê Thân Hồng Khanh, Võ thị Lài, Nguyễn Gương, Hoành Châu đã đọc và đồng cảm tạp bút ” VẲNG NGHE CHIM VỊT KÊU CHIỀU ” của Vương Hoài Uyên. Rất cảm động vì được các bạn xẻ chia và cảm nhận về bài viết. Một lần hiếm hoi tác giả tình cờ được nghe tiếng chim vịt kêu chiều từ lầu 8 một chung cư tại Gò Vấp, Tp HCM. Một khoảnh khắc tuyệt vời không gặp lại lần thứ hai kể từ dạo đó. Tiếng chim giữa Sài Gòn hoa lệ đã gợi cho Hoài Uyên bao cảm xúc về thời thơ ấu xa xưa, về mẹ hiền, vế mảnh vườn tại quê nhà bây giờ đã xa xôi mờ mịt. Một lần nữa chân thành cảm ơn.
Vương Hoài Uyên