Tứ Long lớp Tứ 7
Đọc bài Tùy Duyên của Hoàng Long, tôi nhớ đến lớp tôi cùng là lớp có số thứ tự “7” và trước Hoàng Long một năm. Trong lớp có bốn bạn tên Long. Mai Thành Long quê cầu Cái Cam. Nguyễn Hoàng Long quê Ba Càng; Nguyễn Văn Long có ba làm nghề hớt tóc dưới dốc cầu Lầu và cầu Thiềng Đức. Các bạn trong lớp gọi Nguyễn Văn Long là “Long cà chớn.” Một hôm học giờ cô Tuyết dạy lý hóa (không phải là cô Tuyết em cô Liêm) Long cố tình làm bài kiểm không điểm. Đến khi cô gọi để ghi điểm. Long nói lớn lên: “Thưa cô Long không”
Bạn Long thứ tư là Nguyễn Phước Long quê Bắc Mỹ Thuận. Sau hơn hai mươi năm xa cách, gặp lại bạn Long Bắc Mỹ Thuận trên đất Mỹ.
Thời gian tôi ở bên trại Bataan bên Phi, một buổi tối nhà kế bên của 8 cô gái, gây lộn vì thiếu nước. Tôi xách qua một thùng nước cho mấy cô. Vừa để thùng nước xuống và bước ra cửa, cô đẹp nhất nhà, tên Lan, nói vói theo: “Anh hạnh phúc quá mà, nhà anh có hai người, nhà tôi đến 8 người.”
Nghe ồn ào, cô gái cùng xóm cũng đến xem và đang đứng phía ngoài. Khi tôi bước ra, đi ngang cô hàng xóm, cô nói nhỏ vào tai tôi: “Anh trả lời với chị Lan, cô muốn hạnh phúc, dọn qua ở chung với tôi. Tôi nói với cô hàng xóm:
– Thôi! Rủi cô ấy dọn qua ở thật thì sao?
– Thì anh hạnh phúc.
– Thôi! Anh không thích cô ấy đâu, anh chỉ thích em.
Trời tôi tối, nhưng đứng rất gần, thấy cô hàng xóm ngẩng lên, đôi mi chớp chớp. Tôi nhớ đến hai câu thơ dể thương của Nguyễn Bính: “Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm. Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.”
Cô không đứng bên hiên nhà, cô đang đứng cạnh tôi. Cô không nhìn trời, đang nhìn tôi. Trời tôi tối cũng a tòng với tội lỗi. Tôi hun lên đôi mi chớp chớp của cô hàng xóm.
Khoảng thời gian sau, gặp Lan rất duyên dáng, đi với anh chàng ăn mặc bảnh bao, mang đôi giày láng coóng.
Đến Cali khoảng một tuần, tôi tìm đến văn phòng xin đi học và nhà nước tài trợ tiền học. Thấy văn phòng chưa mở cửa, tôi ngồi phía trước chờ. Từ hướng khác, một anh bước đến văn phòng. Lúc đó tôi xoay qua, nhận ra tôi, anh gọi đúng tên. Anh cũng đến để xin đi học. Anh cùng ngồi đợi, khoảng mười lăm phút sau, cửa vẫn chưa mở. Anh đề nghị, hôm khác trở lại, bây giờ mình đi ăn phở. Cùng đi với anh đến tiệm phở gần đó. Tôi vẫn chưa biết anh là ai, cố moi trí nhớ, nhưng vẫn không nhớ nỗi. Anh lên tiếng, bộ anh không nhớ tôi hả. Tôi là bạn của Lan, ở kế bên nhà anh đó. Tôi nhớ ra và nói với anh, bên Phi anh ăn mặc sang trọng, đến Mỹ lại ăn mặc lèn xèn như vầy, tôi không nhận ra nỗi. Anh ta cười và tự giới thiệu tên Muôn.
Sau khi ăn phở xong, Muôn chở tôi về trên chiếc xe đầy vết đạn. Suốt tuần đó ngày nào Muôn cũng đến chở tôi đi. Tuần sau tôi mới mua được chiếc Corola đời 80. Mới đến Mỹ mua được chiếc xe như vậy là khá lắm rồi. Nhờ tiền của đứa em đi làm ở dàn khoan dầu bên Louisiana lương khá cao.
Trước khi về Cali, tôi và đứa em đã ở Louisiana 3 tháng, do mấy ông không quân ngày xưa bảo lảnh, lúc đó anh Lý Tống cũng ở Louisiana. Thời gian đó tôi được dự ngày lễ 19 tháng 6 nhớ đời. Có tướng Kỳ, tướng Westmorland và cô xướng ngôn viên đài truyền hình 11 ngày xưa ở Sài Gòn cùng đến dự. Thị trưởng cho bắn 21 phát đại bác chào mừng, rung rinh thành phố.
Một hôm vừa trong chợ ra gặp Muôn, giữ tôi lại, chờ thêm người bạn của Muôn đến nhậu. Chờ không lâu, bạn của Muôn đến, cùng nhau vào quán, nhưng Muôn chẳng giới thiệu người bạn của Muôn. Vừa vô quán, chủ quán bước đến tiếp đón Muôn niềm nở, hình như hai người đã quen nhau rất thân.
Muôn đi thẳng đến quầy mua bia, mồi, trả tiền. Mua xong, Muôn xoay qua nói với tôi và người bạn của Muôn, hai ông lại bàn ngồi đi, tôi chạy qua kêu thằng Lý, chủ tiệm uốn tóc kế bên. Tí sau người phục vụ mang mồi và bia ra, chủ quán đem thêm bia và mồi. Muôn trở lại quán với Lý. Muôn đi thẳng lại bàn, Lý ghé quày. Muôn thấy có nhiều bia và mồi, Muôn hỏi tôi, anh mua thêm hả, nhậu hết, hả mua thêm. Tôi nói, không phải tôi mua, của ông chủ mang ra. Muôn nói, vậy là thằng Vân cho thêm. Lý mua thêm mồi và bia, ông chủ quán cũng vô ngồi với chúng tôi.
Xoay ra cửa, thấy bác người Huế bước vô, nhà bác ở Riverside, cách nơi chúng tôi đang ngồi nhậu khoảng 30 cây số. Bác ở cùng “longhouse” bên Bidong với tôi. Nhiều lần tôi rơi nước mắt khi nghe bác kể về cuộc đời cơ cực hồi còn trẻ của bác. Bác từ giả xứ Huế, xuôi nam, dần dần đến tận mũi Cà Mau. Có lần bác kể, năm 1945, ngoài Huế có trận đánh lớn lắm, tôi đoán đó là trận đánh vào gia đình họ Ngô, không biết có đúng không.
Rời bàn nhậu, tôi bước đến chào bác người Huế. Người bạn của Muôn cũng bước đến chào bác người Huế.
Nhậu đến khoảng 2 giờ trưa, tiệc sắp tàn. Mọi người hỏi lẫn nhau, sau này về già sẽ làm gì. Bạn của Muôn nói, sẽ về Bắc Mỹ Thuận. Tôi hỏi bạn của Muôn, ở Bắc Mỹ Thuận có biết Nghĩa tiệm Âu Thoàn Ký không? Bạn của Muôn trả lời, Nghĩa là bạn học từ tiểu học đến trung học. Tôi hỏi những chi tiết về lớp “7” của Nghĩa, bạn này đều trả lời đúng hết. Tôi biết chắc người bạn này là bạn học của tôi, nhưng không nhớ nỗi là ai. Tôi đứng dậy hỏi, “Mầy là thằng nào vậy?” Người bạn cũng đứng dậy hỏi, “Vậy mầy là thằng nào?” Ngay lúc đó tôi nhớ ra, mầy là thằng Long Bắc Mỹ Thuận. Long cũng nhớ ra tôi, mầy là thằng Hưng lùn.
Buổi tiệc không tàn và bắt đầu lại. Tôi hỏi chủ tiệm, còn những món nào khác hơn những món này không? Anh nói, đi lấy bia đi, mồi nhậu để anh đi hỏi đầu bếp. Tôi mua số bia nhiều hơn số bia uống từ sáng đến trưa. Hôm đó là lần đầu tiên trong đời tôi uống bia không say.
Tôi hỏi với Long:
– Bác người Huế ở chung đảo Bidong với tao, còn mầy sao quen bác người Huế?
– Tao đi lính hải quân, xuống sông ông Đốc và quen bác người Huế.
– Mầy có đánh trận Hoàng Sa không?
– Tao là người sống sót trong trận Hoàng Sa.
Với giọng đều đều, Long kể lại trận đánh Hoàng Sa. Thêm một lần, tôi khóc vì lịch sử. Lần đầu năm học lớp ba với thầy Thế, nhà thầy ở đường Trưng nữ Vương. Thầy kể vụ án Thị Lộ, tôi ngồi khóc ngon lành. Thầy bước xuống ôm tôi vào lòng. Lần này tôi khóc, vợ của Vân thấy lạ cũng đến nghe, mắt cũng đỏ hoe, chạy đi lấy hộp giấy mềm đem đến đưa tôi.
Hôm đó chúng tôi nhậu từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, vì quán chỉ được phép bán đến 10 giờ đêm. Trước khi từ giả, tìm hiểu “lý lịch” lẫn nhau. Năm thằng chúng tôi cùng tuổi Nhâm Thìn, Muôn lớn nhất, đến Vân chủ tiệm, Long, Lý, tôi nhỏ nhất. Tôi và Lý không quân, Long, Muôn hải quân. Vân, tay có chút tật bẩm sinh, được tiếp tục học đến tháng 4 năm 75. Sau đó lý lịch không tốt, về Tây Ninh làm rẩy.
(Xin hẹn lần sau viết lại câu chuyện do Muôn kể lúc ăn phở. Vì sao bên Phi, Muôn ăn mặc tươm tất, qua Mỹ lại ăn mặc lèn xèn)
HOÀNG HƯNG
Xin lỗi đã viết sai chữ Westmoreland. Chỉ có thành phố Westmorland bên Cali, viết không có chữ “e.” Tên ông tướng có “e.” Ngày xưa ông tướng này đọc chữ Việt Nam là “vịt nằm”
Văn phong bài này hơi lạ. Có lẽ người viết đã trau chuốt , sắp xếp để viết chỉnh chu hơn. Truyện kễ chậm rãi nhưng lôi cuốn, làm người đoc hình dung rõ con người, nơi chốn dù chưa từng trãi qua..Chờ đọc phần tiếp..
Cám ơn Nguyễn Gương phân tích cho biết. Từ lúc viết cho đến giờ, nói thật lòng, viết đại thôi, chẳng biết gì nhiều. Thằng bạn cùng lớp chê rậm rề. Nói với bạn, tao chỉ viết được vậy thôi, nhưng dám viết, mày viết hay mà không viết, uổng quá.
Bài viết nào của anh Hoàng Hưng cũng hấp dẫn , lớp anh có nhiều anh tên Long quá, có anh Long thật dí dỏm . Bạn bè trôi nổi xứ người mà tình cờ gặp lại nhau trong hoàn cảnh thật thú vị ,đúng là có” duyên ‘”thì gặp thôi như anh Hoàng Long đã nói . Anh Long Bắc Mỹ Thuận kễ chuyện chắc là thương tâm lắm,nên khiến anh Hoàng Hưng phải rơi lệ mà hôm ấy theo em nghĩ chắc rượu khóc quá. Chuyện có đoạn rất vui là vụ 8 cố gái ở kế bên nhà lúc còn ờ trại Bataan , em viết tới đây thôi chờ xem tiếp anh Muôn kể chuyện lúc ăn phở với anh.
Cám ơn Lài. Còn nhớ Long Bắc Mỹ Thuận nói, tàu của mình so với tàu lạ, cũng như người cha và đứa con bé bỏng. Đánh, cầm chắc cái chết, cũng đánh.
Mấy năm trước đọc được một bài báo nói, bên thắng trận khen những người hải quân Việt Nam anh hùng.
Chuyện nào cũng cuốn hút người đọc ,anh ÚT Hoàng Hưng(GĐC ) có lối viết độc đáo dí dỏm, duyên dáng ,,,,,,chỉ cần phán mỗi nhân vật một cái tên là nhớ đời như “Long cà chớn “, “Hưng lùn” ,” Muôn lèn xèn ở Mỹ”.Chà ,, nhân vật Muôn này mới ” VIP ” đây ! Hihi Chờ đọc tiếp
Hoành Châu (Gia đình C )
Cám ơn Cát Cát nghen. Đúng như Cát Cát nói, Muôn mới VIP.
Đúng là những người học lớp THẤT, lớp số bảy, lạc nhau lại NGỘ, gặp nhau, trong hoàn cảnh rất lạ.
Hồi ở Bidong gặp người quen, cũng ly kỳ. Một hôm gặp một cô khá đẹp, mặc chiếc áo bà ba cũng khá đẹp. cố tình đi ngang, buộc miệng khen. Chiếc áo bà ba đẹp lắm, giống hệt chiếc áo bà ba của người bạn tôi. Cô mặc áo bà ba, hả! hả! anh nói gì. Vừa lập lời nói, cô mặc áo bà ba lên tiếng, người mặc áo bà ba kia là bạn tôi đó. “Tín hiệu” của hai đứa tôi là hai chiếc áo bà ba giống nhau, được may tại Cầu Lầu, Vĩnh Long.
TÁI BÚT:
Nhìn bàn nhậu thấy rôm rả quá! Lần sau nhậu đại ca Hoàng Hưng nhớ ‘hú’ đệ.
Đấy là lý do nhậu không say. Nói vậy chứ, tuy trong hình thấy cô ấy đẹp lắm, nhưng hình như lớn tuổi. Hồi năm 2003 về VN, đi nhậu ở làng nướng, đoán là gần gần Ngã Tư Bảy Hiền, vì Sài Gòn thay đổi quá nhiều, hết nhìn ra. Những cô phục vụ trong quán, tuyệt đẹp, nhìn đến ngẫn ngơ, và hình như đều dưới 18.
Nhưng mà, lần tới đọc dùm chuyện, “Muôn VIP” (VIP do Hoành Châu đặt) Sau khi đọc xong, “hú” có dám đi hay không?
Anh Hoàng Hưng viết bài hay thật ,hấp dẫn người đọc .Bạn bè lâu ngày được gặp nhau đúng là quá vui mừng .Mong sẽ đọc phần kể tiếp của anh .
Cám ơn DIEP BICH NGOC, sẽ cố gắng viết phần sau sớm.
Xa quê hương gặp được bạn học chung là một điều kỳ diệu , đúng là anh có phước duyên với bạn bè anh kể chuyện rất sinh động , đợi xem tiếp bài của anh nha…
Cám ơn Bé nhiều. Đúng là điều kỳ diệu. Hôm nay hai cháu nội được nghỉ. Chở hai cháu đi chơi xong, về viết tiếp. Mấy ngày nay bị mất internet, không viết được.