Chuyện tình trên mạng- Cuộc hẹn hò (P2)
( Cảm ơn thầy cô anh chị và các bạn đã đọc qua phần 1, Phần 2 của câu chuyện hơi dài, xin hãy kiên nhẫn, đừng ngại, đừng nản lòng. Võ Châu Phương) Nói về An Duy, anh làm việc ở một nơi biệt lập, ngoài nhân viên ở đó, không có một ai có thể vào, có thể nói nghiêm ngặt còn hơn nhà tù. Hệ thống nhà tù chỉ ngăn chặn sự trốn thoát của con người, còn đây ngăn chặn cả những sinh vật nhỏ mà mắt người không thể thấy được như vi trùng, đó là khu vực phòng mổ.
Anh luôn bận rộn với những ca phẩu thuật, tự nhốt mình trong 4 bức trường, để quên đi áp lực của công việc, khi rãnh anh viết truyện ngắn và làm thơ tham gia trang web cho vui. Một hôm anh lan thang trên mạng đọc thơ, anh phát hiện nhiều nhóm thơ trên facebook, thế rồi anh mở facebook và giao lưu. Anh nghĩ facebook là một nơi giúp anh thư giãn tốt nhất. Để tránh phiền toái với những chuyện không đâu, trang của anh không để hình, không dùng tên tuổi thật và hạng chế trao đổi chuyện đời tư. Anh kết bạn với những nhà thơ khắp mọi miền đất nước, mỗi vùng anh có một vài người bạn, anh hy vọng qua những người bạn nầy có thể tìm hiểu về quê hương nước Việt, mãnh đất cha ông, những nơi mà anh chưa có cơ hội đặt chân đến.
Trong lúc đọc thơ của những bạn ở Đà Lạt, anh tình cơ đọc những bài thơ trẻ trung, vui nhộn, mang một thần sắc âm điệu rất đặc biệt của Hồng Vân, người bạn fb. Qua thơ của Hồng Vân anh cũng phát hiện ra cô gái trẻ nầy có tài làm thơ, có thể trở thành nhà thơ lớn, nhưng dường như em không gặp may mắn trong tình yêu, trong đời sống. Em có cái nhìn về xã hội một cách sai lệch và tiêu cực.
Thực tế trong xã hội mặc dầu có những người xấu, gian dối, thủ đoạn, thậm chí còn cướp của giết người, những thành phần đó không nhiều, luôn bị mọi người lên án, pháp luật trừng trị. Những người có nghĩa khí, có tấm lòng lương thiện, yêu ghét phân minh được mọi người kính trọng. Anh muốn kết bạn với Hồng Vân để đưa cô gái trẻ có cái nhìn lạc quan về cuộc sống, có một hướng đi tốt cho tương lai.
An Duy: “ Tôi muốn kết bạn với Vân, bạn nghĩ sao?”
Hồng Vân: “ Dạ! Vân cũng muốn vậy lắm ạ! Nhưng phải xưng hô như thế nào?”
An Duy: “ Có thể gửi cho tôi một tấm hình không?”
Hồng Vân: “ Dạ xin lỗi, anh hai bảo Vân không được gửi hình cho ai trên facebook”
An Duy: “ Tôi hiểu rồi, chính tôi cũng không có một tấm hình nào mà”
An Duy đọc những bài thơ của Hồng Vân đoán cô còn rất trẻ, anh nhắc khéo với cô bé là anh không còn trẻ nữa nên nói:
“ Trên facebook có người gọi tên, có người gọi bạn, có người gọi là anh; nhưng ngoài đời thì khác”.
Hồng Vân: “ Khác chỗ nào ạ!”
An Duy: “ Ai đến nhà tôi cũng gọi tôi bằng bác”
Đúng như vậy, ai đến nhà anh khám bệnh đều gọi anh là bác, vì anh làm bác sỉ chớ không phải vì anh lớn tuổi.
Hồng Vân không hiểu hết, tưởng An Duy đùa cho vui nên gửi lời nhắn:
“ Chắc là những em bé”
An Duy: “ Không những mấy em bé, mà những người có tuổi cũng gọi như vậy”
Hồng Vân càng nghĩ, càng không hiểu, nên muốn xác nhận:
“Thật à! ”
An Duy: “Là sự thật đó ”
Hồng Vân: “ Thật khó hiểu”
An Duy không muốn nói ngành nghề của mình ở đây, nên chỉ trả lời:
- Có ngày Vân sẽ hiểu thôi”
Hồng Vân: “ Dạ không sao ạ! Vân cũng sẽ xưng hô là bác”
Từ đó, hai người trở nên là bạn của nhau, Hồng Vân càng cao hứng làm nhiều bài thơ đăng lên facebook của mình và gắn thẻ facebook của An Duy. Mỗi bài thơ như vậy được An Duy họa lại một cách hài hòa và đồng điệu, An Duy còn góp ý chân thành cho nàng tiến về phía trước. An Duy nhận thấy nguồn thơ của Hồng Vân chủ yếu những việc xảy ra hằng ngày, hoặc cảm xúc từ tuồng cải lương hay vở kịch mà cô xem. Một điều đáng nói cô em làm thơ rất nhanh, An Duy gửi qua một bức tranh,hoặc kể một câu chuyện thì cô nàng nhanh như chớp làm liền một bài thơ tả cảnh vật của bức tranh hoặc kể lại câu chuyện bằng thơ đúng theo nội dung anh kể với thể thơ song thất lục bát một cách tài tình. An Duy lóe lên những hy vọng có thể giúp cô bé nầy sẽ làm được tác phẩm truyện thơ. Anh có nhiều câu chuyện ở trong đầu, và anh chỉ có khả năng viết văn xuôi; nhưng đối với cô bé nầy thì có thể. Để Hồng Vân có sáng tác đa dạng về thơ, An Duy tìm những bài thơ hay của những nhà thơ nổi tiếng một thời như: Quang Dũng, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa… gửi đến cho cô nàng xem và cùng nhau thảo luận. An Duy nhận thấy Hồng Vân trao đổi với bạn thơ chủ yếu trên facebook rất hạn chế, những lời góp ý chỉ để mà vui thôi như: “Thơ hay quá” hoặc “ Thơ hay tranh đẹp”… không có một giá trị thực tiển giúp cho sự phát triển của thơ văn. Để Hồng Vân thấy sự trao đổi, xướng họa, góp ý, phản biện một cách chân tình thân thiện của những nhà thơ với nhau anh đưa Hồng Vân vào trang web của trường Tống.
Hồng Vân và An Duy càng trao đổi càng mến nhau, dường như cách nói của An Duy rất ấm áp, có tình người và nhân bản trong cuộc sống, đặc biệt luôn quan tâm đến cô, giúp cô thay đổi những thói quen không tốt, có một cái nhìn lạc quan cho cuộc sống. Mỗi ngày cô trông cho xong công việc, về nhà lên facebook để gặp được An Duy, có khi chỉ năm bảy phút trao đổi đôi dăm ba câu cũng làm cho cô thấy vui và yêu đời. Trên facebook có những chàng trai hình dáng rất đẹp, đã gửi lời nhắn tỏ tình; cũng như chung quanh cô, có nhiều anh chàng bảnh trai trai tỏ ý thích cô, nhưng cô chẳng màng tới, mà luôn nghĩ về một người không biết mặt, không biết sống ở nơi nào đó là An Duy. Một hôm cô tâm tình với An Duy:
“Bác An Duy ơi! Bác xem có lạ không?”
An Duy: “Lạ như thế nào?”
Hồng Vân: “Có người đòi đưa cháu đi dạo Hồ Xuân Hương, đi ngắm cảnh Thung Lũng Tinh yêu nhưng cháu lại không thích.”
An Duy: “ Vân à! Vân đừng có sợ, hãy cho người ta cơ hôi, cũng như cho chính mình một cơ hôi, biết đâu sẽ tìm được người như ý”
Hồng Vân: “ Vân không sợ, nhưng không muốn. Vân chỉ thích trao đổi thơ và nói chuyện với bác thôi”
An Duy: “ facebook là thế giới ảo, còn thơ là sản phẩm của trí tuệ là mốn ăn tinh thần. Con người phải sống cho thực tế, đừng nhầm lẫn mà đánh mất đi tương lai.”
An Duy thấy Hồng Vân nói như vậy, giống người bị nghiện facebook, nhưng anh đang chuẩn bị cho chuyến về thăm quê ăn giổ mẹ, anh hạn chế sự trao đổi với Hồng Vân. Đã mấy ngày trôi qua An Duy không lên facebook, nay sắp đến ngày lên đường anh xem qua thông tin trên mạng và vào facebook thấy bài thơ của Hồng Vân gửi qua tin nhắn:
Tình..Onile ai hiểu.?
Biết làm sao, đêm buồn trông ngóng
Người online không bóng không hình
Tự nhiên vương một mối tình
Ngày đêm mơ một bóng hình đâu đâu
***
Yêu như thế, ôm sầu ai biết
Người nơi đâu, tình thiệt ai hay
Đợi chờ…như tỉnh như say
Một mình ôm máy, ngày ngày …chờ ai
***
Thương online vừa hài vừa khổ
Ngồi âm thầm, lệ đổ như mưa
Ước gì trở lại ngày xưa
Khi không có mạng, nắng mưa …không sầu (TP)
An Duy bối rối khi đọc bài thơ nầy, anh nghĩ không lẽ cô gái trẻ có cảm tình với mình. Nhưng nghĩ lại thì không thể, vì cô ta không hề biết mặt anh, vả lại không bao giờ nói chuyện tình yêu; tuy vậy anh cũng nhắc khéo cho cô nàng đừng mơ mộng.
An Duy về thăm quê hương, anh luôn bận rộn bên người thân, bạn bè và nhất là lo đám giỗ mẹ. Hai tuần trôi qua, đám giỗ mẹ cũng đã xong, anh tranh thủ mượn máy tính của người em vào facebook, thấy Hồng Vân đã gửi cho anh một bài thơ nữa, anh liền đọc.
Yêu Thầm ..Online
Ước gì đừng chát làm chi
Tâm hồn một nửa ra đi theo người
Phương xa người có vui cười
Còn ta nhìn bóng nhớ người …xót xa
Giận mình thương mãi người ta
Một mình ôm máy thật là ..cô đơn
Thà đừng nói chuyện còn hơn
Mặt còn không biết nữa hờn dỗi sao
Nỗi buồn bay tới trời cao
Ơi người không biết, phương nào có hay
Nhớ ai thật tội lắm thay
Thương người không biết đắng cay thật nhiều
Buồn vui muốn nói bao điều
Một mình ôm máy sáng chiều…suốt đêm
Bây giờ nói, lại buồn thêm
Vì người không biết ..bao đêm ôm sầu. (TP)
Đọc bài thơ này xong, An Duy không còn nghi ngờ gì nữa, cô em nầy đã có tình cảm với mình giống như Mỵ Nương yêu Trương Chi. Mỵ Nương tương tư vì tiếng hát của Trương Chi khi biết mặt thì đã vỡ mộng, còn cô em thương cảm qua những bài thơ tình của anh, không cần nói gì hết cho cô ấy gặp mặt một lần thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Đang nghĩ như vậy thấy Hồng Vân đang online, anh chưa kịp làm gì thì Hồng Vân đã gửi cho anh:
- Bác Duy sao lâu quá không thấy bác lên mạng?
- Tôi đang đi du lịch
- Hèn chi, làm Vân trông mong quá chừng, tưởng bác giận
– Ai mà đành lòng giận một cô cháu ngoan. Ừ! Tôi định lên Đà Lạt vào những ngày tới, có thể gặp mặt Vân không?
– Dạ được ạ! Vân đang nghĩ không biết làm sao gặp bác
– Vân cho tôi địa chỉ để ghé thăm
– Dạ không được! Anh hai dặn không cho ai địa chỉ
– Tôi biết rồi. Vân lai khách sạn được không
– Dạ không! Người ta thấy Vân ở đó chắc phải bỏ xứ mà đi
– Xin lỗi”
– Dạ có chỗ hẹn dễ tìm và không bị thất lạc
– Chổ nào?
– Bích Câu Garden
– Chỗ đó là quá tốt, Vân gửi cho tôi một tấm hình để nhận ra nhau
– Bác gửi hình đi!
– Hình lưu trữ ở computer ở nhà, đang đi đu lịch nên không có để mà gửi.
An Duy chờ thật lâu mới thấy Vân gửi hình qua, chác cô ấy đã đắn đo lắm. Đây là hình của một cô học trò trung học hồn nhiên, với đôi mắt ngây thơ thánh thiện. An Duy nhìn hình mà lòng vừa thương vừa xót xa. Thương như một tình thương của một người chú, một người có tuổi dành cho những em bé dễ thương, xót xa vì trong em rất thánh thiện như một thiên thần mà chịu không biết bao đau thương như những bài thơ em đã viết. An Duy chưa hết bàng hoàng thì em gửi tin nhắn:
- Bác xem hình rồi xóa dùm, Vân chưa bao giờ gửi hình cho ai hết.
An Duy: “Cảm ơn cháu tin tôi”
Càng nhìn bức hình, An Duy càng muốn gặp cô bé nhà thơ với tinh thần trách nhiệm của một người lớn tuổi đối với một cô gái trẻ, càng sớm càng tốt. Anh từ chối hết những cuộc hẹn khác, rồi chuần bị đi Đà Lạt đúng theo lời đã hẹn.
( Không biết Hồng Vân có vỡ mộng khi gặp An Duy giống như Mỵ Nương gặp Trương Chi hay không, xin mời xem phần kế tiếp)
Võ Châu Phương
Bài viết hấp dẫn quá ,cuộc hẹn ở Bích Câu Garden mới là kỳ thú , chờ đọc tiếp vậy !!Thống kê thế giới cho thấy đại đa số những mối tình trong tương lai hiện nay đều diễn ra trên online là tình ảo , mong lần gặp mặt này của tác giả sẽ là tình thật ,,,Hihi
Hoành Châu (Gia đình C )
Chị Hoành Châu thân, ngày nay internet là một giao tiếpchính của tuổi trẻ, phần lớn là trao đổi online. Chị có sống ở Đà Lạt không? Phần sau cuộc hẹn hò trên thành phố sương mù xin mời chị xem tiếp để xem nói về Đà Lạt có đúng không. Một lần nữa cảm ơn chị.
Muốn hỏi tác giả, An Huy đã có vợ con hay vẫn còn độc thân?
Trước hết cảm ơn cô theo dõi câu chuyện. Thưa cô, trong câu chuyện nhân vật tên An Duy một trong những nhân vật chính của câu chuyện, anh ta đã lớn tuổi nhưng chưa có vợ nên mới có tựa đề” Chuyện tình trên mạng”. Đăt trường hợp anh ta có vợ thì câu chuyện đã đổi thành một tựa đề khác rồi. Nghi vấn của cô chắc cũng là điều thăc mắc của mọi người khi đọc qua câu chuyện. Cảm ơn cô hỏi để làm sáng tỏ vấn đề.
Xin cáo lỗi thầy cô anh chị và bạn đọc, do một số kỹ thuật nên bị một số lỗi về cách viết đàm thoại của phần hai “ cuộc hẹn hò” có chỗ thế nầy có chỗ thì lại khác cùng một loại đàm thoại qua mạng.
Kính thưa “Chuyện tình trên mạng” có 2 lối đàm thoại, một là trực tiếp giữa người và người; hai là qua mạng, hai người tuy trao đổi với nhau như qua hệ thống message của internet mà các bạn trẻ goi là chat.
1) Loại đàm thoại trực tiếp xưa nay thường dùng một cách đơn như nhà văn Kim Dung tác giả nhiều truyện chưởng thường dùng. Thí dụ đoạn đối đáp của Lý mạc Thu và Dương Qua:
Lý-mạc-Thu không đáp, hầm hầm chỉ tay vào Dương-Qua hỏi Tiểu-long-Nữ:
– Thằng này là ai? Theo huấn luyện của tiên sư, nơi này không bao giờ chứa chấp đàn ông, cớ sao hắn vào được và cô đem hắn vào để làm gì?
Tiểu-long-Nữ không trả lời, chỉ ho một tràng dài và máu tiếp tục trào ra miệng.
Dương-Qua vội vàng chạy lại đở nàng ngồi dậy cho máu bớt ra và tiếp lời với Lý-mạc-Thu:
– Tôi là đồ đệ của cô nương chứ có gì mà hỏi?
Cách đối đáp qua mạng thí dụ dùng trong câu chuyện phía bên trên đã dùng như sau:
An Duy đọc những bài thơ của Hồng Vân đoán cô còn rất trẻ, anh nhắc khéo với cô bé là anh không còn trẻ nữa nên nói:
“Trên facebook có người gọi tên, có người gọi bạn, có người gọi là anh; nhưng ngoài đời thì khác”.
Hồng Vân: “ Khác chỗ nào ạ!”
An Duy: “ Ai đến nhà tôi cũng gọi tôi bằng bác”.
Xin thành thật cảm ơn .
Đọc những bài thơ Song thất lục bát của nàng trên mạng lại chạnh nhớ đến những bài thơ bên kia bờ đại dương gởi về, nhưng hy vọng hai người sẽ gặp, tình mộng sẽ thành tình thật, đầy hạnh phúc, còn tình bên kia bờ đại dương của chị thì tình thật, nhưng không thể gặp vì…bà con hai đầu của hai họ ở Xóm Vạn Nguyệt Biều. Em viết rất hay! Rất hấp dẫn! Chúc mừng em, Võ Châu Phương! Cố lên! Hãy cho mọi người thưởng thức phần kế tiếp!
Cảm ơn chị Vân Hà đã bỏ thời gian xem qua câu chuyện và viết cho em những lời phản hồi đầy thiện cảm và khuyến khích em. Đang chờ xem những bài viết tiếp của chị.
Người bà con ơi! Bài viết dài nhưng rất hấp dẫn người xem ,đọc bị cuốn hút luôn, chuyện lòng cô Hồng Vân đang chớm nở không biết khi gặp ông Bác . . . nầy sẽ ra sao đây . Đang hồi hấp dẫn lại hết chuyện tiết thật hồi hợp chờ kỳ sau vậy .
Cảm ơn chị họ đã đọc câu chuyện và viết phản hồi cho em đầy thân thiện. Có ý nầy của chị em sẽ gửi bài kế tiếp nay mai, chị hãy theo dỗi tiếp nhe. Nếu chị đã từng lên Đà Lạt thì xem người em này viết về Đà Lạt có đúng không. Chúc chị luôn vui vẻ.
Châu Phương ui! Nhân vật chính An Duy có những điểm tương đồng với tác giả (là Bác sĩ, tâm hồn đa cảm, biết làm thơ…). Nhưng có điều khác là Bác sĩ này không phải là anh chàng Trương Chi đâu nhé! Hi hi…
Câu chuyện đang hồi hấp dẫn, chờ những diễn biến tiếp theo, Châu Phương nhé!
Chị My Nguyên kính mến, chị nhận xét rất chí lý, nhiều người cứ tưởng tuy 2 là một. Em viết những câu chuyện thường liên quan về y khoa vì đó là lĩnh vực của em như vậy viết nó mới dễ và có chiều sâu. Cảm ơn chị đã chịu khó theo dõi câu chuyện, hy vọng chị sẽ tiếp tục đọc phần kế tiếp, ngoài chuyện tình cảm còn chưa những thông tin y khoa. Chúc chị có nhiều sáng tác mới.