Trồng cỏ nhà thầy
Hồi mới lập hội, thầy Thọ còn ở Canada, cô Dung đã ở Mỹ từ lâu. Thầy phải thường xuyên bay qua lại thăm cô. Lúc đó cô còn ở căn nhà cũ gần Little Sài Gòn hơn nhà bây giờ.
Một lần thầy qua, nhờ đám học trò giúp trồng cỏ trước sân. Cái thuở ban đầu mà, có dịp gặp nhau, ai cũng nôn nóng đến ngày gặp lại. Nhất là ngày đó có việc làm chút chút ngoài sân nắng ấm. Có dịp hò dô ta, vừa làm vừa giởn như những ngày xa xưa còn trẻ. Gần đến ngày trồng cỏ, tôi nhận được nhiều cuộc gọi của các anh nhắc nhở, nhớ có mặt.
Không lâu trước đó, tại nhà thầy, lần đầu tiên gặp lại, sau mấy mươi năm xa cách. Vui mừng như thế nào. Đọc sách thấy, khi tả lại những cuộc vui, không biết tả như thế nào. Sách vở dùng nhóm chữ “Không bút mực nào tả xiết,” rất đúng trong ngày đầu tiên gặp lại bạn bè xưa tại nhà thầy cô.
Hôm đó, tôi đang ngồi trong phòng khách nhà thầy xem quyển Kỹ Yếu Tống Phước Hiệp. Một bóng người bước vô, tôi ngẩn lên, nhận ra chị Hoa, bạn học cùng lớp B1. Tưởng chừng như không bao giờ gặp lại trong đời, vây mà hôm nay gặp lại tại nhà thầy. Tôi chạy nhanh lại gặp chị. Hơn 30 năm xa cách, chúng tôi gặp lại nhau mãi lo nói chuyện, chồng chị bước vô sau, lặng lẽ tìm chổ ngồi. Mãi một hồi sau, chị nhớ lại người bạn đời, dẫn tôi đến giới thiệu. Sau này, mỗi lần có hội họp của nhóm Tống phước Hiệp, chị gọi tôi đến nhà chở chị đi. Tôi vô xin phép anh Phát, chồng chị, chở chị đi. Anh Phát nói, Hưng chở Hoa đi dùm anh, anh già rồi không thích nơi ồn ào, và “không khí Tống phước Hiệp” là của các em, chứ không phải của anh. Anh Phát là dược sĩ, võ sư, trầm tính, viết những bài rất cao siêu.
Nhớ lại những ngày đầu, nếu hôm đó, gặp lại Xuân, vợ cũ của người bạn học, chắc tôi cũng mừng như gặp chị Hoa, hay mừng hơn. Nếu người bạn có thấy, chắc cũng ghen như ngày xưa, mặc dù không còn là vợ.
Vì tôi thi rớt đệ thất một lần, nên đến năm 17 tuổi rưởi mới đậu tú tài 1. Bạn lớn hơn tôi khoảng hơn 10 tháng. Ngày bạn đi lảnh chứng chỉ tú tài 1, về nhà ăn đầy tháng đứa con đầu lòng, tên “Cỏ Dại”
Một năm trước đó bạn, Xuân, tôi và Dương Châu Khanh cũng là bạn cùng lớp, đi Vũng Tàu chơi. Cùng tắm ở bải dâu, tôi và Khanh giởn, cùng tạt nước qua lại với Xuân. Tí sau bạn gặp riêng tôi “cảnh cáo”, Xuân là của riêng của bạn tôi. Lúc đó tôi nghĩ, bạn quá yêu Xuân, ghen tí thôi. Sau này đừng nên giởn với Xuân nữa, được rồi. Thật sự lúc đó, ngoài đùa giởn, tôi cũng chẳng biết gì hơn.
Năm năm sau, một hôm tôi đến nhà bạn, bạn không có ở nhà, tôi định đi về. Xuân giử lại, đem dưa hấu mời tôi ăn. Bạn về đến, nổi trận lôi đình, rồi bỏ đi. Xuân cười, tôi cũng cười. Xuân hỏi, chú có buồn không? Xuân lớn hơn tôi 2 tuổi và coi tôi như một đứa em, hôm đó ráng ngồi nghe Xuân than thở cuộc đời. Tôi trả lời Xuân: “Lỗi tại mình mà buồn gì. Bạn nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đều đúng hết, tại mình sai.” Xuân lại cười to lên.
Gần ba mươi năm sau, gặp lại nhau trên đất khách, tóc tôi bạc, tóc bạn chưa. Bạn rời Việt Nam, Xuân ở lại. Bạn đến đất nước khác, có vợ khác, quên Xuân ở quê nhà. Một hôm gặp tôi tự bạn tâm sự, tôi không có hỏi. Bạn nói, ngày xưa chưa bao giờ bạn yêu Xuân. Tôi cảm thấy tội cho bạn quá, phải sống với người không yêu suốt 17 năm dài.
Đến ngày trồng cỏ, tôi sửa soạn đi, cô 9 quá giang xuống Phước Lộc Thọ. Tôi phải đợi cô 9, mất thêm nửa canh giờ. Chở cô 9 xuống Phước Lộc Thọ, nghĩ rằng cô 9 phải mất một tiếng rưởi mua sắm. Cô 9 lựa hàng kỹ ơi là kỹ. Nhiều khi tôi nghĩ thầm, kỹ quá, sao hồi lựa chồng hỏng lựa kỹ mà ưng tui. Tôi đoán có thể cô 9 mua sắm xong khoảng 10 giờ rưởi. Trồng cỏ nhà thầy khoảng 11 giờ xong. Dặn cô 9 đến băng đá ngồi chờ khoảng nửa tiếng. Trời đang xuân, không nóng, không lạnh.
Đến nhà thầy, các anh đã tề tựu đông đủ, hôm nay không có chị nào đến. Bắt đầu trồng cỏ. Người bán cỏ, trải một lớp lưới nylon, rải phân, rải hạt cỏ lên. Cỏ lớn, cắt thành từng miếng vuông như miếng gạch. Chỉ cần khỏa đất cho bằng mặt, sắp cỏ lên, vậy là xong. Toán khỏa đất, toán chuyền cỏ, toán sắp cỏ. Tôi sắp cỏ, từ trong ra ngoài. Sắp cỏ gần đến bờ rào. Thầy bước đến nói, chừa cho thầy một khoảng trống, đừng sắp cỏ sát hàng rào, sau này thầy sẽ trồng hường. Tôi hỏi Mỹ Phước, hường là gì. Mỹ Phước nói, hường là hồng đó.
Ngày xưa tôi quen với Hường, em gái Hường là Hồng. Lúc đó tôi đâu biết, Hường là Hồng, Hồng là Hường. Mà biết như vậy, chắc đã ăn chổi chà rồi.
Y như tôi đoán, đến 11 giờ trồng cỏ xong. Tôi có mang theo đồ, vội vả vô tắm sơ. Tắm xong sẽ chạy đến chổ cô 9 ngồi chờ, chở cô 9 đi ăn. Tôi tắm xong, đi ra ngoài, thấy thầy và các anh đang chất cỏ dư lên chiếc xe truck của tôi. Bước đến gặp thầy,thầy nhờ tôi chở dùm số cỏ dư đến nhà anh Ngọc Em. Phải tôi biết trước, không đi tắm, chạy đi rước cô 9 trước, trở lại mới chất cỏ lên thì tiện hơn. Hơi xót ruột, nhưng lỡ rồi, lại phải ở lại ăn trưa mất một tiếng nữa. Từ nhà thầy đến nhà anh Ngọc Em khá xa, chỡ đến nơi, tôi đem cỏ xuống, mang vô sân dùm anh Ngọc Em, phụ trồng lần nữa. Xong việc lúc 3 giờ chiều, tôi chạy đến gặp cô 9 lúc 3 giờ rưởi. Cô 9 ngồi chờ 5 tiếng, không than, không hỏi, tại sao trể.
Sau này thêm một lần, thầy gọi xuống họp lúc 12 giờ trưa. Tôi hẹn rước cô 9 lúc 6 giờ chiều. Tôi dự tính 6 tiếng, chạy về rước cô 9 cũng kịp. Họp xong, thầy nhờ đi chở “cổng trường” ở nhà anh Lê Quang Trung. Cổng trường khá lớn, chất đầy xe. Anh Trung còn dặn dò, chở cẩn thận nghen, hư hỏng bắt đền đó. Nghe anh nói, tôi rét quá, vừa chở, vừa cầu nguyện. May quá, “cổng” chở đi không bị hư, nhưng về đến nhà thầy khoảng 7 giờ tối. Đem cổng trường vô nhà thầy xong, trời bắt đầu đổ mưa. Cô 9 đợi đến 7 giờ không thấy tôi đến, cô đi bộ về. Lúc đó 7 giờ trời đã tối, cảnh sát thấy cô 9 đi bộ lúc trời vừa tối, vừa mưa. Cảnh sát chạy chậm phía sau, đưa cô 9 về tới nhà.
Hoàng Hưng
Chuyện trồng cỏ là chính, chuyện mang cỏ đi nhà bạn, chuyện cô Hoa, cô Xuân, cô Chín , cô Hường xoay quanh chuyện chính rất khéo, hay lắm nhà văn ” nhiều chiện” ạ !
Cám ơn chị nhiều. Chị đặt như vậy, coi chừng trở thành “nickname” đấy.
Anh Hoàng Hưng vui thật ,viết chuyện thật dí dỏm , đọc bài anh viết rất thích . Anh Hưng sống với cô Chín mấy mươi năm rồi mà bắt cô Chín đợi chờ hoài vậy , gặp trường hợp là em sẽ giận lắm đấy !
Cám ơn Lài nhiều. Viết bài có được một người đọc là may rồi. Có được một người thích lại còn may hơn nữa.
Anh Hoàng Hưng kính mến, anh sống rất tình nghĩa đáng khâm phục và trân trọng, nhất cách thương kính thầy Thọ và Cô Duung lúc còn sống cũng như lúc người ra đi.
Bài viết vui , thật tự nhiên ,, đúng tác giả này bao nhiêu chuyện ” độc ”
Hoành Châu ( Gia đình C )