THẦY CÔ DẠY TIẾNG ANH CỦA TÔI

Ngày đăng: 16/07/2017 11:29:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Tôi bắt đầu học tiếng Anh năm 1965, nếu không tính những từ “I, you…” bập bẹ, miệng nói, tay quơ do 2 người bạn Mỹ nhí, con của viên mục sư Tin Lành có nhà gần trường tiểu học Phước Bình B nơi tôi học, đã dạy cho trước đó. Năm 1965 lính Mỹ đã vào VN nhiều, người dân và trẻ em thành thị đã biết dùng từ “OK”, hay “OK Salem” biểu lộ sự đồng ý, tán thưởng. Một thầy lớn tuổi dạy tiếng Anh cho tôi (không nhớ trường nào) đã khuyên: “Các con đừng bắt chước người ta mà nói ‘OK’. Đó là từ chỉ lính Mỹ dùng để bày tỏ thái độ đồng ý, mà lính thì trình độ văn hóa thường không cao. Các con không nên bắt chước dùng theo mà bị người ta đánh giá. Các con nên dùng từ đồng nghĩa ‘alright’ khi nói, hay cụm từ ‘all right’ khi viết câu.” Ngày nay chữ “OK” ở Mỹ được dùng phổ biến từ ngài Tổng Thống cho đến đứa con nít, và từ nầy cũng xuất hiện trong lời nói của người dân nhiều nước trên thế giới, dĩ nhiên là cũng có ở VN ta.

Nhớ lời thầy, lúc nói và dạy tiếng Anh tôi vẫn cố tránh sử dụng chữ “OK”.

Thầy dạy tiếng Anh tại trường Nhất Linh:

Năm tôi học đệ lục, trường Nhất Linh có 2 giáo sư mới là thầy Nguyễn Nhật Minh dạy tiếng Anh, và thầy Hoàng Bảo Đài dạy lý – hóa, cả hai đều mới tốt nghiệp sư phạm. Tôi được học với cả 2 thầy. Thầy Minh cao lớn, đẹp trai là thần tượng của nhiều học sinh Nhất Linh chúng tôi. Tôi chỉ được học với Thầy một năm vì từ giữa năm 1967 tỉnh Phước Long chiến tranh xảy ra ác liệt, tôi phải về Vĩnh Long lánh nạn nên không biết trường có còn không và bạn bè, thầy cô ra sao? Một lần gác thi tốt nghiệp phổ thông (có lẽ vào cuối những năm 80) tôi tình cờ gác thi chung phòng với Thầy, tôi có nhận thầy – trò, nhưng vì đang bận gác thi nên chỉ trao đổi được đôi câu, biết được Thầy đang dạy tại trường Trưng Vương, tp. HCM.

Tôi định sau môn thi cuối (ngoại ngữ) sẽ tìm Thầy để được nói chuyện nhiều hơn nhưng rồi không biết vì lý do gì tôi đã quên, không tìm đến Thầy, không biết được gì thêm.

Cũng năm đệ lục lớp tôi còn có thầy dạy nói tiếng Anh. Tôi chỉ nhớ thầy tên Robin. Chữ robin tiếng Anh có nghĩa là một loài chim nhỏ đẻ những quả trứng màu xanh lam hiếm thấy, nhưng Thầy cao lớn lắm, chắc phải 1,9m dù mới ngoài 20 tuổi, và là đoàn viên Peace Corps. Thầy Robin được cấp chiếc Vespa super màu lam nên là người duy nhất đi dạy tại trường Nhất Linh bằng xe riêng, còn các thầy, cô khác đã được tỉnh tổ chức xe đưa, rước. (Thật ra còn có một thầy khác đến dạy trường Nhất Linh cũng bằng xe riêng nhưng thỉnh thoảng mới đến trường là thầy Nguyễn Văn Tần dạy giờ môn Thể Dục, vì thầy là nhân viên ty Thanh Niên, được cấp chiếc Mobylette màu lam để đi công tác.) Thầy còn là hàng xóm của tôi, thỉnh thoảng đám trẻ chúng tôi vẫn cùng thầy chơi ném dĩa nhựa trên sân cỏ giữa khu cư xá. Thầy học nói tiếng Việt rất nhanh, đầu năm lúc mới vào trường dạy Thầy hoàn toàn chưa biết gì và tôi cũng không biết Thầy học tiếng Việt ở đâu nhưng hôm bị đau cổ (có lẽ là vào đệ nhị lục cá nguyệt), vào lớp Thầy nói, “Hôm nay tôi bị đau khổ!” và mặt của Thầy cũng thể hiện sự đau khổ nên cả lớp đã cười ồ trước vẻ mặt ngơ ngác của Thầy.

Tôi còn nhớ có lần Thầy gọi tôi đọc bài. Đó là một đoạn văn khá dài nên khi đọc đến những chữ cuối “…are on the table.” tôi mừng vì sắp thoát nạn (!) bèn đọc thật to, nhấn mạnh trọng âm trong chữ “táble”.

Thấy rất thích nên đến vổ lưng tôi khen “good” lia lịa. Ngay sau đó Thầy viết lên bảng nhiều từ đa âm để luyện chúng tôi quen đọc có trọng âm. Từ lúc ấy tôi biết muốn nói tiếng Anh giỏi thì trong từng chữ phải thể hiện trọng âm. Thế là về nhà tôi tra tự điển những từ mới rồi dùng bút chì xanh – đỏ ghi dấu stress trên mọi từ đa âm trong sách để khi mở sách tôi sẽ luôn đọc đúng stress. Thầy Robin khi thấy sách tiếng Anh của tôi có ghi dấu stress sẵn rất thích nên mang sách của tôi cho các bạn cùng lớp xem để làm theo.

Không phải ai cũng chịu làm như vậy, có bạn nói, “Đọc giọng lên lên, xuống xuống như vậy kỳ lắm, mắc cở chết!” Tôi đã làm thế suốt thời gian học phổ thông, mặc dù sau nầy tôi học trường Pétrus Ký có nội quy rất khó, sách giáo khoa phải trắng tinh, không được ghi chú trên sách, nhất là sách ngoại ngữ. Có lẽ thầy cô dạy tiếng Anh ở đây cũng đồng tình với cách làm của tôi. Sau nầy khi dạy tiếng Anh tôi luôn yêu cầu học sinh soạn ghi stress lên sách trước, nhưng ít có em chịu làm, cũng như lấy bút chì ghi dấu stress khi tôi đọc cho các em nghe.

Cô dạy tiếng Anh tại trường Tống Phước Hiệp:

Phụ trách tiếng Anh năm đệ tứ cho lớp tôi là cô Lê-Thân Hồng-Khanh. Cô dành nhiều thời gian để đọc và (kiên nhẫn) nghe chúng tôi đọc để sửa những chỗ chúng tôi đọc sai. Nhưng điều tôi thích ở cách dạy của Cô là các bài văn phạm được soạn bằng những từ tiếng Anh đơn giản để chúng tôi có thể học văn phạm bằng tiếng Anh thuần; nói theo thuật ngữ học sinh hiện nay là “học văn phạm bằng kênh CNN, không phải kênh Thuần Việt!” Cô đã tạo nền nếp, đã bắt chúng tôi phải cố gắng gia tăng sử dụng tiếng Anh, tạo động lực cho tiến bộ sau nầy. Tôi đã bắt chước Cô sử dụng toàn tiếng Anh khi soạn các bài văn phạm, và nói chung là trong mọi tình huống có thể. Dạy kiểu nầy rất vất vả vì việc học hiện nay đã biến tướng, với nhiều học sinh các em chỉ có mục tiêu cụ thể là điểm cao trong bài kiểm tra, trong kỳ thi, mà bài kiểm tra, bài thi phần đo khả năng nói rất hạn chế, nhưng dù sao tôi đã vẫn cố làm.

Thầy, Cô dạy tiếng Anh từ lớp 10 (Từ năm nầy bộ Giáo Dục đổi tên gọi lớp đệ tam thành lớp 10):

Phụ trách môn tiếng Anh cho lớp 10B6 chúng tôi là cô Nguyễn Thị Liên. Cô đi dạy chỉ mặc váy, dáng người cao, nước da trắng, mũi thật cao mang kính gọng nhựa màu đen nên nếu không nghe Cô nói chuyện bằng tiếng Việt thì người lạ không ai nghĩ Cô là người Việt. Chúng tôi gọi lén Cô là “Ma’am”. Biệt danh nầy rất đúng vì Cô có tác phong khoan thai, chậm rãi, lời nói nhẹ nhàng, lịch sự, phải nói là “rất quý bà”. Chắc học sinh chúng tôi ít nhiều cũng học được phong cách “ma’am” ở Cô.

Gần đây tôi đã xem thật kỹ hình tang lễ cô Võ Thị Ngọc Dung vì tôi thấy viết đâu đó trong số người đến dự tang lễ có thầy Nguyễn Thanh Liêm, nhưng trước đó tôi lại nghe tin Thầy đã mất. Sở dĩ tôi xem kỹ hình vì muốn tìm cô dạy tiếng Anh cho lớp 11 chúng tôi, vốn là phu nhân của Thầy. Khi tôi vào học lớp 10 thầy Liêm đã làm Giám đốc Nha Trung học, và sau nầy là Thứ trưởng Bộ Giáo Dục. Với thầy Liêm tôi chỉ biết mặt qua báo và truyền hình, nhưng với phu nhân của Thầy, lớp 11B6 chúng tôi có những “kỷ niệm nhớ đời”, chí ít là về phần trò.

Đầu năm trường phân công phụ trách tiếng Anh cho lớp tôi là một thầy nhưng dạy mới chỉ 1 tuần thì đổi. Hình như Thầy nầy đã từng dạy cho lớp (ngày xưa trường trung học luôn có đủ cấp 2 và cấp 3, còn tôi là học sinh mới chuyển trường vào học cấp 3 nên không biết), và được các bạn thích nên khi đổi giáo sư các bạn không vừa lòng. Người phụ trách mới là cô Đào Kim Phụng. Cô còn trẻ (tuổi theo như tôi đoán chỉ ngoài 30, so với đa phần giáo sư trường tuổi đã ngoài 50), vận quần áo nhiều màu sắc, đẹp và vào lớp chỉ toàn nói tiếng Anh. Chúng tôi lén gọi cô là “Miss Colorful”. Trong giảng dạy Cô ít dạy theo quyển English for Today mà thực hiện đúng “dạy nói tiếng Anh”. Cách dạy của Cô khiến các bạn “thích công thức”, các bạn quen “làm thư ký tiếng Anh” chột dạ. Giọt nước tràn ly, thế là có bạn nêu ý kiến:

“Năm nay tụi mình thi tú tài 1 mà dạy kiểu của Cô nầy không có bài để học (!), cuối năm rớt hết. Phải làm kiến nghị trường đổi giáo sư thôi.” Tôi vừa ham vui vừa nhận thấy ý nầy có phần đúng nên ký tên vào kiến nghị xin đổi giáo sư. Kết quả? Những học sinh có tên trên kiến nghị đổi giáo sư bị một trận thê thảm.

Sau khi Cô – trò đã “biết nhau” mọi việc trở nên vui vẻ. Và càng ngạc nhiên hơn khi nhà của Cô ở gần đầu đường Nguyễn Hoàng, sát bên hông trường, và khoảng sân trước nhà Cô là nơi chúng tôi thường tụ tập trước khi băng qua đường sang công viên Văn Lang chơi mỗi khi trống giờ. Chính thức Cô dạy tiếng Anh cho cơ quan USAID, đối tượng học là những công chức sẽ đi tu nghiệp nước ngoài. Nhờ học Cô nên dù là lớp ban toán một số bạn lớp tôi nói tiếng Anh giỏi, còn những học sinh chịu khó đi theo Cô đến cơ quan USAID mua tài liệu cho lớp biết thêm, và có thêm cảm hứng với việc du học và tu nghiệp. Tôi đã có lần đến nhà của Thầy và Cô. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nhà của Thầy Cô không giống như nhà của những quan chức cao cấp khác tôi đôi khi có dịp đến hay phải đến. Phòng khách không trưng bày đồquý, không treo bằng cấp, không giấy khen hay ảnh chụp chung với lãnh đạo… Thật ra cũng có những vậtquý giá như lọ hoa pha lê nhưng chỉ dùng để cắm hoa, và có thật nhiều sách; sách chất đầy tủ hai bên vách tường. Một bên tường chứa sách của Thầy với những quyển sách bìa da màu nâu hay đen, tường đối diện chứa những quyển sách tiếng Anh nhiều màu của Cô. Gần đây nhờ người quen tôi được biết chính xác thầy Nguyễn Thanh Liêm đã qua đời khoảng cuối năm 2016, còn cô Đào Kim Phụng hiện đang sống ở một bang miền Đông nước Mỹ.

Phụ trách dạy tiếng Anh cho lớp 12B6 chúng tôi (năm học 1971-72) là thầy Trần Hữu Tắc. Sau kỳ thi tú tài 1 chúng tôi chửng chạc hẵn lên, không còn làm những trò vô bổ như lén đặt nick name cho thầy cô.

Lúc đó thầy Tắc mới tu nghiệp bên Úc về, tuổi còn trẻ nhưng trán đã hói nhiều. Việc giảng dạy tiếng Anh của Thầy không chê vào đâu được. Thầy rất kỹ tính, thận trọng, đắn đo, chỉnh chu trong từng chữ viết, từng lời nói vì thế chúng tôi rất sợ mặc dù Thầy rất hiền và một phần cũng vì mắt Thầy hiếng, chúng tôi không biết Thầy đang nhìn ai! Gần đây xem trang <petrusky.org> tôi được biết Thầy đang sống bên Mỹ.

Thầy dạy Ngữ học tại Đại học Văn Khoa, SG.

Theo học chứng chỉ Ngữ học Anh tại trường Văn khoa tôi được may mắn học với thầy Watson. Theo lời giới thiệu đầu năm của thầy Diệm, trưởng ban tiếng Anh, thầy Watson lấy luận án tiến sĩ ngữ học với công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tagalog (còn gọi là Filipine) của người Phillipine. Thầy là tu sĩ, dáng người cao, mảnh khảnh, đi dạy luôn mặc áo sơ mi trắng, tay dài, thắt cravat đen, bản nhỏ, và đến trường bằng xe đạp với chiếc cập được ràng dây thun ở port baggage phía sau. Gương mặt thầy khắc khổ, nghiêm nghị nhưng khi giảng bài sinh viên có thể thấy cũng trên khuôn mặt ấy tràn đầy sự hào hứng, sinh động. Tôi đã học được rất nhiều ở Thầy, những kiến thức ngữ học tiếp thu từ Thầy đã giúp ích tôi rất nhiều khi dạy nói tiếng Anh. Tuy nhiên tôi vẫn thắc mắc việc Thầy dạy phiên âm tiếng Anh cho chúng tôi không theo hệ thống phiên âm quốc tế IPA mà lại dạy chúng tôi phiên âm theo hệ thống của 2 nhà ngữ học người Mỹ là Trager và Smith mà sau nầy tôi mới hiểu: Thầy dạy chúng tôi theo hướng đào tạo nhà nghiên cứu ngôn ngữ, không phải đào tạo giáo viên tiếng Anh, vì vào thời ấy những nhà ngữ học khi đi thực địa, hành trang của họ chỉ có cái máy đánh chữ xách tay, không thể nào phiên âm ghi lại ngôn ngữ theo cách IPA vốn có nhiều ký hiệu lạ, nhưng phiên âm theo Trager và Smith thì được. Tiếc là tôi chỉ vừa học xong môn Ngữ học, chưa kịp thi, chưa kịp trực tiếp gặp Thầy khi thi vấn đáp thì ngày 30/4 đến.

Xin cám ơn tất cả Thầy, Cô. Nhờ được sự giáo huấn của Thầy, Cô em mới được như ngày nay.

Nguyễn Hoàng Long

14595563_602962066557466_5124613708328043614_n (1)                            H1

13770430_557671001086573_4781661394455055268_n                       H2

TPH2_n (1)                H3

th005                        H4                    

0

Có 5 bình luận về THẦY CÔ DẠY TIẾNG ANH CỦA TÔI

  1. Hoành Châu nói:

    Đọc bài viết của bạn Nguyễn  Hoàng Long về  CÁC THẦY CÔ DẠY TIẾNG ANH  khiến mình nhớ lại những ngày học lớp Đệ Tứ  ở TPH ~ VL với Cô Lê Thân  Hồng Khanh , nói thiệt mình chỉ thích học môn Tiếng Anh thôi , và chỉ thích học  đặc biệt  mỗi bộ môn này mà thôi ,,,Còn nhớ rõ  mồn một những bài kiểm tra toàn 18 ,  18,5 trở lên ,,với những từ phê như ý  Very good  , Excellent ,,,mình thích Cô viết số  điểm thật to , và lời phê thật lớn và rõ ,, để còn đi  khoe  với Ba Má   về bộ môn mà mình yêu thích nhất   lúc  ấy . Hai tiết cặp môn Anh văn mà sao mau  hết giờ  lạ lùng !!Hihi
    Hoành Châu (Gia đình C  )

    0
  2. Các thày các cô chỉ là người dùng kiến thức chuyên môn cũng như những phương pháp giảng dạy của mình để khơi dậy nơi các em học sinh niềm yêu thích môn học, tuy nhiên các em có thành công hay không đều do chính nơi các em. Sự hăng hái, chuyên cần, sự đam mê đã thúc đẩy các em tìm kiếm, học hỏi sâu hơn về môn học mà các em thích khiến khả năng của các em càng ngày càng tiến triển.

    Hai thí dụ điển hình là Hoàng Long và Hoành Châu, hai học sinh yêu thích môn Anh Văn, hai nhà giáo cho đến nay vẫn còn tận tuỵ truyền đạt môn học này đến các học sinh ở lứa tuổi con cháu của mình…..Cô hãnh diện vì ngày xưa đã góp được một phần nhỏ vào niềm yêu thích môn Anh văn của các em.

    0
  3. Hoàng Hưng nói:

    Cách đây khá lâu tôi xem phim, không nhớ phim gì.  Bất chợt một  chàng hôn một nàng. Nàng không đồng ý. Trách móc anh chàng, không nặng nề lắm, nhẹ nhàng thôi. Anh chàng đứng yên lặng, có vẽ hối lỗi. Sau cùng cô nàng nói: “It’s OK”.  Anh chàng bước tới, hôn cô nàng một lần nữa. Nàng sừng sộ:”Tôi đã nói cậu, đừng làm vậy, sao cậu vẫn còn tiếp tục làm”. Anh chàng từ tốn giải thích: “Ban đầu cô không đồng ý, tôi biết rồi. Sau đó cô nói, OK. Tôi tưởng cô đồng ý cho tôi hôn”.

    0
  4. Anh có trí nhớ thật tốt, siêng năng, chịu khó…rất thích hợp học môn tiếng Anh đó! Thật tuyệt!
    Thầy, cô đã từng giảng dạy cho anh, có lẽ sẽ ấm lòng lắm khi đọc bài viết này!

    0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác