TOKYO – RÁC VÀ HAIKU
Ở Châu Âu, tôi thấy các thùng rác mời gọi khách. Ở Tokyo tìm hoài trên đường phố mà không thấy thùng rác ở đâu. Lỡ nhai kẹo rồi, bỏ giấy ở đâu ?.
Việt Nam mình có cái “hay” là xả mọi lúc mọi nơi. Uống bia thì ra lề đường xả nước …bản thân. Trên cao xả xuống dưới thấp. Rác nhà này xả vào ngõ …nhà kia. Tiền thuế dân các quan xài như rác. Rác từ trong nhà thả ra…ngoài phố.
Tokyo sạch đã đành. Về nông thôn cũng vậy. Và ngay dưới chân Phú Sĩ, đường trong rừng cũng sạch là sao . Lỡ bóc cam rồi, vỏ để ở đâu ?.
Tôi cố tìm mẩu thuốc lá, cố soi một bịch nilon hay miếng giấy ai vô tình đánh rơi. Thực không. Đó là lấy giá trị tuyệt đối để đo đấy nhé.
Trời đang mưa. Vào siêu thị. Ngay ở cửa, nhân viên đưa một một nụ cười kèm bịch nilon để bao…dù. Vào nhà hàng, quí khách có tủ riêng không đựng đồ mà đựng…dép vì đồ chẳng có ai lại “cầm nhâm” cả…
Trên đường. Cô dâu vội vã đi. Áo Kimono hừng lên như trời vừa rạng . Mặc cho chú rể một mình phía trước. Cô vẫn nở nụ cười vui vẻ để cho khách seo – phì mấy pô, ai mỏi tay thì..nghỉ.
Tokyo mấy chục triệu dân mà phố vắng, người thưa. Họ xuống lòng đất, đi tàu điện ngầm. Họ lên trên trời, đi đường sắt (trên cao). Phố yên ả, không tiếng còi, không cảnh sát. Bước chân nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn…
Trở lại câu hỏi. Rác để ở đâu. Trả lời. Ai làm ra rác thì đem về nhà để…chăm. Thùng rác chỉ có nơi công cộng như sân bay, khách sạn, bệnh viện, nhà hàng chứ không có trên đường phố.
Hiểu ra. Tôi gói giấy kẹo và vỏ cam bỏ vào ngăn tài liệu có in sẵn chữ “tuyệt mật” (mượn của anh bạn cái cặp chuyên đi họp tổ dân phố) và ung dung…đậy lại.
Cũng lạ, đường phố mà Tokyo đâu có khẩu hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Đường cựu chiến binh tự quản”, “Con đường em chăm” và chẳng có gia đình nào có giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa” mà sạch sẽ và yên bình như vậy thì cái mà ta đang treo chỉ là…hình thức phải không??.
Rời Tokyo. Đêm cà phê. Sương lạnh đến làm quen. Những câu thơ Haiku của Kikaku vương vấn như hơi ấm bàn chân chưa kịp bước.
Người ăn xin hạnh phúc
Có cả đất và trời
Làm áo xiêm mùa hạ
Và kia, vầng trăng của Hokushi đang lửng lơ treo trên bầu trời đơn chiếc
Tôi đem treo vầng trăng
Lên cành thông, và
Một lúc nào đó
Lại gỡ trăng ra nhìn
Tôi nhớ về Thiền sư Huyền Tri đang nhỏ từng giọt nhớ xuống chặng dài xa quê..
Không về bể đông
hạt sương trên cỏ
buông mình thong dong
Bầu trời Việt Nhật có cùng một vầng trăng, thi sĩ cùng cảm tác. Và nỗi buồn nhân thế cũng giống nhau với thời gian khi họ ngoái lại nhìn …về nghèo đói và nỗi đau quá khứ.
Hai nước cùng da vàng, cùng đau khổ trong chiến tranh. Nhưng đời Rác ở Tokyo và nơi chúng ta sao lại khác nhau đến thế ?
Câu hỏi hay câu trả lời vậy nhỉ ?
bài và ảnh Từ Sâm
H1 tác giả trên đường phố Tokyo
h2 Thình lình chụp hình với cô dâu