NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI (Phần II)

Ngày đăng: 3/06/2017 10:34:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Một đêm, cha tôi biết được em gái của tôi là Ling, lúc đó mới chín tuổi đã bỏ bữa ăn tối, ông la mắng Lola là lười biếng. Lola trả lời ” tôi có cố ép em ăn” trong khi cha tôi từ trên trừng mắt nhìn xuống Lola. Lời bào chữa yếu ớt của Lola lại làm cho cha tôi giận dữ hơn, ông đấm cho Lola một cú vào phía dưới vai. Lola chạy ra khỏi phòng và tôi nghe tiếng khóc rú lên, như tiếng kêu của một con thú. Tôi nói ” Ling nói là em ấy không đói”. Cha mẹ tôi quay lại nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên, tôi cảm thấy mặt tôi bị giật, đó là dấu hiệu nước mắt sắp chảy ra, nhưng tôi không thể khóc lúc này được. Trong mắt của mẹ tôi có một chút bóng tối mà tôi chưa từng thấy bao giờ, phải chăng đó là sự ghen tị ?

“Con bênh Lola hả, con làm như vậy hả” cha tôi nói.

” Ling nói là em ấy không đói”, tôi trả lời như nói thầm một lần nữa.

Tôi đã 13 tuổi và đó là lần đầu tôi tìm cách bênh vực cho một người đã trông nom chăm sóc tôi hàng ngày, người đã  ru tôi ngủ bằng âm điệu Tagalog lúc tôi còn bé. Khi lớn hơn đã lo cho tôi ăn mặc, đưa tôi đến trường vào buổi sáng và đón tôi về nhà vào buổi chiều. Có lần tôi bị bệnh kéo dài và yếu đến nỗi không tự mình ăn được, Lola đã nhai cơm để mớm cho tôi. Trong một kỳ hè, hai chân của tôi bị bó bột vì bị bệnh về khớp xương, Lola đã lau người cho tôi, đem thuốc cho tôi uống giữa đêm khuya và chăm sóc tôi trong suốt thời gian phục hồi sức khoẻ. Lúc ấy tính tình tôi thật là khó chịu nhưng Lola không bao giờ than phiền mà trái lại lúc nào cũng kiên nhẫn. Bởi vậy tiếng khóc của Lola đã làm tôi muốn điên luôn!

Ở Phi Luật Tân, cha mẹ tôi không cần phải dấu diếm cách đối sử của ông bà với Lola.

Ở Hoa Kỳ, ông bà đối sử với Lola còn tệ hơn và cũng phải khó khăn lắm mới che dấu được mọi người. Khi có khách, ông bà tảng lờ Lola hoặc nếu có ai hỏi thì nói dối rồi tìm cách thay đổi đề tài. Chúng tôi sống năm năm tại phía bắc Seattle và hàng xóm đối diện là gia đình Missler, một gia đình rất ồn ào gồm bảy người. Nhờ họ mà chúng tôi mới biết đến mù tạc, đến câu cá hồi, đến cắt cỏ, đến đá bóng trên TV, đến la hét, cổ võ trong lúc xem. Lola đem nước uống cũng như thức ăn đến cho chúng tôi trong suốt trận đấu, cha mẹ tôi mỉm cười và cám ơn, sau đó Lola biến mất. ” Người phụ nữ bị nhốt trong bếp là ai vậy?”, Jim, chủ gia đình Missler hỏi. “Một người bà con ở quê, hay mắc cở “, cha tôi trả lời.

Bạn thân của tôi, Billy Misler không dễ chấp nhận câu trả lời, hắn ta đến chơi ở nhà

tôi lâu nay, đôi khi suốt cả cuối tuần nên cũng đã biết chút ít về bí mật của gia đình.

Có lần Billy nghe mẹ tôi la hét ở trong bếp, hắn ta đột nhập nhà bếp để xem có chuyện gì thì thấy mẹ tôi mặt đỏ bừng và ngó chằm chằm vào Lola đang run lẩy bẩy trong góc bếp. Vài giây sau tôi bước vào, vẻ mặt của Billy là một sự trộn lẫn giữa bối rối và ngượng ngùng. ” Chuyện gì vậy ?”, tôi khoát tay và bảo hắn ta đừng để ý tới.

Tôi nghĩ là Billy cảm thương cho Lola, hắn ta thích các món ăn của Lola và chọc cho Lola cười như tôi chưa từng thấy bao giờ.

Khi hắn ngủ đêm ở nhà tôi, Lola nấu món thịt bò Tapa ăn với cơm, món Phi Luật Tân mà Billy thích nhất.

Nấu ăn là một cách nói duy nhất để Lola diễn tả tình cảm của mình, qua các món ăn, tôi có thể cảm nhận được tình thương của Lola dành cho chúng tôi nhiều hay ít.

Có lần tôi nói với Billy, Lola là dì họ của tôi, Billy nhắc lại, lần đầu tiên gặp tôi, tôi nói Lola là bà của tôi.

” Đúng rồi, Lola là cả hai” tôi trả lời ra vẻ bí ẩn.

“Tại sao lúc nào Lola cũng phải làm việc?”

” Lola thích làm việc ” tôi nói.

” Ba mẹ bạn, tại sao lúc nào cũng la hét Lola ?”

” Lola bị lãng tai…”

Nếu công nhận sự thật tức là đã tự vạch trần ra cho mọi người thấy. Chúng tôi đã bỏ ra một thập niên để học cách sống và để hoà nhập vào xứ sở mới. Giữ một người nô lệ tức là không hoà nhập. Việc này tạo cho tôi mối ngờ vực về nguồn gốc cũng như về con người của chúng tôi. Liệu chúng tôi có đáng được chấp nhận hay không. Tôi xấu hổ vì mọi điều, ngay cả sự phức tạp của tôi. Tôi có thể không ăn những thứ Lola nấu, tôi không mặc những quần áo mà Lola giặt ủi và treo trong tủ nhưng nếu mất Lola thì đó là một tai hoạ lớn lao.

Còn một điều phải giữ bí mật nữa là giấy tờ của Lola đã hết hạn từ năm 1969 sau năm năm ở Hoa Kỳ. Lola có sổ hộ chiếu đặc biệt gắn liền với việc làm của cha tôi. Sau nhiều lần đụng chạm với cấp trên, cha tôi bỏ công việc tại toà lãnh sự và tuyên bố là có ý định xin định cư tại Hoa Kỳ. Ông xin cho gia đình được hưởng quyền thường trú trừ Lola vì ông nghĩ sẽ gởi Lola trở về Phi Luật Tân.

Mẹ của Lola, Fermina mất năm 1973; Cha Hilario mất năm 1979, cả hai lần Lola mong muốn được về nước và cả hai lần cha mẹ tôi đều nói ” Rất tiếc”. Không có tiền và không có thì giờ, thêm nữa lũ trẻ cần Lola, sau này cha mẹ tôi công nhận là ông bà đã lo sợ cho chính mình nữa. Cơ quan có thẩm quyền sẽ khám phá ra tình trạng bất hợp pháp của Lola, nếu Lola tìm cách rời Hoa Kỳ, cha mẹ tôi sẽ gặp khó khăn và gia đình chúng tôi sẽ bị trả về nước, vì vậy cha mẹ tôi không thể làm liều được. Tình trạng của Lola sau này được hợp pháp hoá theo dạng mà người Phi Luật Tân gọi là ” tago nang tago” hay gọi tắt là TNT. Lola được hưởng quyền này suốt 20 năm.

Sau khi được tin cha mẹ qua đời Lola trở nên buồn bã và ít nói, tình trạng này kéo dài nhiều tháng, Lola chẳng buồn trả lời khi cha mẹ tôi tìm cách bắt Lola phải nói. Bắt nói cũng không lợi ích gì vì Lola vẫn cúi đầu buồn bã để tiếp tục công việc.

Việc từ chức của cha tôi tại toà lãnh sự đã bắt đầu một thời kỳ rối loạn trong nhà. Tiền bạc càng thiếu thốn hơn và cha mẹ tôi chống đối lẫn nhau. Đổi chỗ ở nhiều lần, hết Seattle đến Honolulu, trở lại Seattle rồi rời đến phía nam Bronx và sau cùng là Umatilla, Oregon, một vùng có dân số 750 người. Trong suốt thời kỳ thay đổi chỗ ở, mẹ tôi làm việc những ca 24 tiếng, thoạt tiên là nhân viên y tế nội trú, sau đó là ngoại trú. Cha tôi làm những việc kỳ dị và có khi mất dạng nhiều ngày liên tiếp. Sau này chúng tôi mới biết là ông làm nhiều việc, kể cả việc trăng hoa và thêm những việc gì khác, khó ai biết được.

Có lần ông trở về nhà và nói là ông chơi sập xám và đã thua mất cả toa xe lửa mới.

Trong nhiều ngày, Lola là người lớn duy nhất có mặt ở nhà, biết được cặn kẽ cuộc sống của chúng tôi mà cha mẹ tôi không bao giờ dành tâm trí để tìm hiểu. Chúng tôi đem bạn về nhà, Lola lắng nghe chúng tôi nói về chuyện trường học, chuyện bạn trai, bạn gái, mọi chuyện chứa đầy trong đầu của chúng tôi. Chỉ qua việc nghe lóm mà Lola biết được tất cả tên của các nữ sinh mà tôi giao tiếp từ lớp sáu cho tới hết bậc trung học.

Năm tôi 15 tuổi, cha tôi rời bỏ gia đình vĩnh viễn. Thoạt tiên tôi không tin nỗi nhưng rồi đó là sự thật vì ông đã trốn chạy chúng tôi và bỏ rơi mẹ tôi sau 25 năm chung sống.

Mẹ tôi còn một năm nữa mới ra trường làm bác sỹ chuyên môn về nội khoa, một ngành không thu nhập được nhiều. Ba tôi không trợ cấp tiền nuôi con nên tiền bạc trở thành chật vật.

Mẹ tôi cố giữ bình tĩnh để còn phải tiếp tục làm việc nhưng đến đêm, mẹ tan nát trong tuyệt vọng và đau thương. Nguồn an ủi trong thời gian này của bà chính là Lola. Khi mẹ gấu ó với Lola về những chuyện cỏn con, Lola lại chăm sóc bà nhiều hơn nữa, nấu những món mẹ thích, lau chùi, dọn dẹp phòng ngủ của bà cẩn thận hơn. Tối khuya, tôi bắt gặp hai người đang tựa vào quầy bếp ca thán và kể chuyện về cha tôi, đôi khi cười với nhau một cách độc địa, đôi khi tức điên lên vì những vụ quá trớn của ông. Cả hai đều không để ý gì đến việc đi ra, đi vào của chúng tôi.

Một đêm, nghe tiếng khóc của mẹ, tôi chạy ra phòng khách, thấy mẹ đang ngồi sụp trong tay của Lola, Lola nói thật nhẹ nhàng với bà như Lola vẫn thường nói với bọn trẻ chúng tôi khi chúng tôi còn bé. Tôi đứng đó một hồi rồi trở về phòng tôi, trong lòng lo cho mẹ và nể phục Lola.

Doods đang hát ư ử, còn tôi thì mơ màng chừng như vài phút rồi tỉnh lại vì âm điệu vui vẻ này. ” Còn hai tiếng nữa”, anh ta nói. Tôi kiểm soát lại hộp nhựa trong cái túi xách để bên cạnh-vẫn còn đó-ngước mắt lên để nhìn con đường xa lộ trước mặt. Đường xa lộ Mc Arthur. “Ê, trước đây hai tiếng anh cũng nói còn hai giờ nữa”, tôi nói. Doods vẫn tiếp tục hát.

Việc anh ta không biết mục đích chuyến đi của tôi cũng là điều tốt vì tôi đang có thật nhiều điều để tự đối thoại trong đầu. ” Tôi cũng không hơn gì cha mẹ tôi. Tôi có thể làm nhiều việc hơn để trả tự do và tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho Lola, tại sao tôi lại không thực hiện? Giả dụ là tôi có thể làm cho cha mẹ thay đổi, có thể làm cho gia đình tôi tan nát trong khoảnh khắc. Thay vì đó, tôi và các anh em tôi lại giữ im lặng để tránh cho gia đình không bị tan nát trong khoảnh khắc nhưng gia đình tôi vẫn bị tan rã một cách từ từ.
0 nole 4                       Phong cảnh trên đường về quê ở Phi Luật Tân.

Doods và tôi đi qua miền quê với nhiều cảnh đẹp, không phải như hình ảnh trên giấy quảng cáo về du lịch mà là cảnh thực và sống động, so sánh với các thành phố lớn thì hơi thiếu sự thanh lịch. Những dãy núi chạy song song với xa lộ, rặng Zambalas về phía tây, rặng Sierra Madre Range về phía đông. Dẫy núi này nối tiếp dãy núi kia từ tây sang đông, tôi nhìn thấy bóng của đủ các màu xanh lá cây tiếp dẫn cho tới màu đen.

Doods chỉ vào một vạch dài dâm bóng ở đằng xa, núi Pinatubo, tôi đã đến đó năm 1991 để tường thuật về hậu quả đã xảy ra sau vụ núi lửa phun, vụ phun núi lửa lớn thứ nhì trong thế kỷ thứ XX. Những dòng sông bùn của núi lửa gọi là lahars tiếp tục chảy cả chục năm, chôn vùi làng mạc, đổ xuống đầy sông ngòi, thung lũng, phá tan tất cả hệ sinh thái. Lahars chảy sâu xuống tận chân đồi của vùng Tarlac, nơi mà cha mẹ của Lola đã sống suốt cả cuộc đời, nơi mà Lola và mẹ tôi đã có lần cùng sống với nhau. Rất nhiều giấy tờ, văn bản của gia đình đã bị thất lạc vì chiến tranh, lũ lụt, đến nay một phần nữa bị vùi sâu dưới 6 thước bùn.

Cuộc sống ở đây thường xuyên bị các thiên tai viếng thăm, những trận bão nhiệt đới ác nghiệt kéo đến nhiều lần trong năm, cướp bóc nổi dậy không ngừng, những ngọn núi đang say ngủ bỗng nhiên một ngày nào đó bừng dậy. Phi Luật Tân không giống như Trung quốc hoặc Ba Tây, diện tích to lớn có thể bão hoà những tổn thất. Đây là một nước tạo dựng bởi những khối đá rải rác trên biển. Khi gặp tai hoạ, tất cả chìm sâu một thời gian, để rồi lại nhô lên khỏi mặt nước, sự sống tiếp diễn và người ta lại giữ  được những cảnh vật giống như tôi và Doods vừa lái xe ngang qua,  sự việc đơn giản là mọi thứ vẫn còn tồn tại đã làm cho cảnh vật càng đẹp hơn.

(Còn tiếp)

Nguyên bản: My Family’s Slave

Dịch thuật   : Lê-Thân Hồng-Khanh

Có 5 bình luận về NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI (Phần II)

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Bài dịch văn từ hay quá. Tình người mở rộng sẽ đánh thức lương tâm con người…Triết lý nầy , thông  điệp nầy có phải tác giả muốn gửi đến người đọc?

    • Trong nhiều thế kỷ trước ở VN, những mảnh đời như của Lola cũng không phải là hiếm, có thể chúng ta cũng đã từng chứng kiến tận mắt hoặc biết qua sách vở, trong các cốt truyện của các nhà văn viết về những tệ trạng của xã hội. Nơi mà hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo quá lớn thì những cảnh huống này càng nhiều…..thật đáng buồn !

      Alex Tizon đã để lại trong lòng người đọc một cảm giác mang mang khó tả. Tình thương sâu đậm và chân thành mà ông đã dành cho Lola, một người không phải là mẹ ruột nhưng đã cận kề, chăm sóc, yêu quí ông với tất cả tấm lòng từ lúc sơ sinh cho tới khi khôn lớn.

      Những đền trả mà ông dành cho Lola trong những năm tháng cuối cùng lại càng chạm đến trái tim người đọc. Phải công nhận, đây là một tập hồi ký tuy ngắn nhưng đã đi sâu vào lòng người vì tính cách nhân bản trải dài trong suổt câu truyện.

      Tiếc thay Alex Tizon vừa qua đời vào tháng 3/2017, chưa đầy 60 tuổi.

      Xin cám ơn và vĩnh biệt một nhà văn đã để lại trong tôi nhiều ngưỡng mộ dù chỉ qua một đoạn hồi ký ngắn.

      Cám ơn Trí cũng như các anh chị em và các bạn đọc đã cảm thông và cùng chia sẻ với tôi về bài viết ” My Family’s Slave” của Alex Tizon.

       

       

  2. Diệp Bích Ngọc nói:

    Phần 2 của bài văn thật hay quá cô ạ ,em đọc càng thấy.thích Lola .chịu đựng khổ sở ,vị tha ,tình yêu thương chân tình đã được bù đắp .Em rất mong đọc phần tiếp theo nữa .Cám ơn cô về tác phẩm thật hay để anh chị trang nhà cùng đọc .

  3. Hoành Châu nói:

    Đúng là số phận ,, đời người là thế , phải biết hòa nhập mới sống an bài ,,
    cảm thương thân phận hai phụ nữ cùng bọn trẻ . Cảm ơn bài dịch hay của Cô
    Em Hoành Châu (Gia đình C  )

  4. hoài huyền thanh nói:

    Bài viết thấm đẫm tính nhân văn , thương quá LORA. cám ơn cô Lê Thân Hồng Khanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác