Nghèo Nhiều Tập 

Ngày đăng: 14/05/2017 11:39:09 Sáng/ ý kiến phản hồi (14)

Mười năm luân lạc của Kiều được thi hào Nguyễn Du “khóc” qua Đoạn Trường Tân Thanh. Gia đình tôi hơn Kiều tới gần…gấp rưởi, mười bốn năm, 1975-1989, khóc mình ênh không biết bao lần. Chẳng biết chúng tôi “diển sâu” hay không mà nhìn bề ngoài ai cũng “ngờ ngợ” gia đình ông hai Quản Lý…giàu lắm. Ba má tôi ít khi than vãn và cũng không bao giờ nhờ cậy bà con họ hàng. Mười bốn năm khóc cười theo mệnh…thuế vụ nổi trôi, gia đình tôi không những vô sản, mà còn trở thành bà con ngang hông với Chúa Chổm.

Ngoài buôn chuyến, nhà tôi còn  có một sạp bán bọc ny lông. Tuy chưa hề giựt nợ, nhưng đồng vô đồng ra ở nhà tôi, toàn là tiền của người khác, do buôn bán theo kiểu Mua chịu-Gối đầu. Ví dụ, mua 100 ký bọc ny lông, chỉ trả nửa, chủ vựa ở chợ An Đông bán thiếu chịu nửa. Trên cam kết bằng…miệng, bán hết 100 ký, lên trả nợ, gối đầu lại 50 ký. Tuy nhiên, càng bán chừng nào, càng lụn vốn vì lạm phát. Thét rồi, không còn tiền để mua hàng, đành phải…gối đầu…toàn diện!

Ngày bán, tối đếm, đếm tiền, đếm thôi là đếm. Tiền không phải của mình mà vẫn phải cứ đếm. Ngày sau, má mang lên Sài Gòn, lấy tiền nợ trả tiền nợ, gối đầu thêm nợ.

Ai cũng tưởng nhà khá giả quá, tiền đổ đống, đếm…mệt nghỉ! Ngay cả chủ nợ cũng lầm, đay nghiến:

– Vàng đâu lấy ra ít cây để mua bán chứ…sao mặt dầy quá lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia hoài vậy?

Biết bà ấy nhiếc móc cũng đúng, nhưng tôi vẫn ứa nước mắt

– Úm à, nếu có vàng, thì cũng bán mất đất rồi, đâu đợi tới giờ..

Bà ấy giận quá, ngoe nguẩy bỏ về. Sau đó trở lại, mang cho mượn thêm và nói:

– A Chua (con gái của bà) rầy tao quá. Nó nói nhà người ta nghèo quá vậy mà nở nào đòi nợ. Nó biểu tao đem tiền cho mượn thêm nè…

Tôi lại rơi  nước mắt. Có hoạn nạn mới thấy chân tình. Nhớ lại năm trước, không còn cách nào…gối đầu được, bấm bụng, hai cha con tôi lên Sa Đéc, định mượn tiền cô họ của tôi. Cô cho mượn…1 chỉ vàng thay vì tiền. Ba tôi bán ngay để làm vốn. Vài ngày sau, giá vàng vọt lên đến phát chóng mặt. Hàng hoá cũng đâu chịu thua. Thế là tiền bán vàng cũng đi đoang, nhưng vẫn nợ đúng chỉ vàng. Cô tôi không đòi, nhưng giáng cho câu nầy:

– Tui đã kêu anh đừng bán liền…

Đúng là lời người có của rất chí lý, nhưng rất chua sót: đưa nước cho người gần chết khát, khuyên người đó ráng nhịn vài ngày sau hẳn uống!

Dạo đó, người có vàng có của, tìm cách vượt biên. Nhà tôi chẳng màng mùng gì cả, vì có thì sao?  Cô tôi ghé qua cho hay:

– Mới đóng 16 cây cho hai đứa đi. Phải đi, sợ ở lại bị ép gả cho cán bộ…(mèn ơi!)

Lần kia, ý năm(dì năm)  từ Bạc Liêu lên nói với ba má tôi:

– Vợ chồng Út ứng ra cho chế ít cây. Thằng Q. (con trai của ý) bắt buộc phải đi, không nó bị đi nghĩa vụ.

Thở dài, má tôi nói:

– Chế à, nếu có vàng, cũng cho lót cho con tôi đi. Tiền đâu…

Ý năm giận bỏ về.

Phong trào vượt biên lúc ấy rất sôi nổi, ai cũng muốn ra đi cho một tương lai sáng sủa hơn. Thỉnh thoảng vài đứa bạn, cho coi ké thư và hình của anh nó, chị nó, chụp ở Mỹ, ở Úc…cạnh chiếc xe mới tậu. Rồi những thùng quà tới tấp gởi về. Thèm thì thèm, tôi vẫn sống cuộc đời…tối sủa của mình. Làm cật lực để trả nợ gối đầu. Nhiều lúc ngồi sạp bán hàng, nhìn nam thanh nữ tú qua lại mà thèm, Chưa hề có một món nữ trang nào, lạ thay tôi không bao giờ thèm…mà ước có bộ đồ thêu xít-móc, rua-đê, quần soie ngoại ống rộng, đôi giày cao gót.

Khoảng 1987, phong trào “ra đi” giảm sút vì cái gọi là “Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự”. Cùng lúc đó, Việt Kiều lác đác trở về nước thăm thân nhân. Đa số từ Âu Úc hay Canada. Lại rộ lên trào lưu lấy chồng Việt Kiều. Rất lô-gíc, lấy mấy “ảnh” bằng như vượt biên bằng…máy bay!

Nằm lòng câu: người đẹp nhờ lụa, tự biết mình đã không đẹp, mà còn không lụa, tôi chưa hề mơ mộng hoàng tử bạch mã, ngay cả lô-can thì kể tới Dziệt Kiều? Những năm tháng đó, tôi ngày làm, đêm đếm (tiền), còn phải lo việc…nước! Chẳng là vầy, do đường ống dẫn nước không bảo quản, nước chảy yếu dần dần. Ban đầu tự như sợi chỉ mành treo chuông, sau đó nhỏ giọt như nước…đái thằn lằn. Thức trắng đêm canh từng giọt nước quý hơn máu đào. Ngoài ra còn nuôi heo nữa, trời ạ. Lếch tha lếch thếch, Chung Vô Lu cở tôi, làm sao lọt vào mắt xanh của bất cứ hoàng tử nào.

Tuổi xanh đi qua, không hẹn hò, không một mảnh tình vắt vai, cũng có khi ngẩm nghĩ tới duyên phận, nhưng cũng đành chắc lưởi cho qua!

Rồi có một phép mầu cứu vớt chúng tôi: năm 1989 được giấy xuất cảnh sang Mỹ. Thế là thoát cuộc sống bấp bênh không ngày mai. Chúng tôi được xếp chuyến bay sang Thái Lan cận Tết. Nhà không có món gì quí giá để bán làm lộ phí lên đường. Lại phải mượn nợ. Chị em chúng tôi, mỗi đứa được may hai bộ quần tây áo sơ mi, một cái áo len mỏng tang. Tất cả nhét vào vỏn vẹn dăm cái túi xách rẻ tiền. Thế là gia đình tôi bỏ xứ ra đi, bắt đầu cuộc sống mới, không tiền bạc, không nghề nghiệp, hơn thế nữa, vốn liếng tiếng Anh không đầy lá mít….

(còn nữa)

bài và ảnh Phương Nga

hinh 1  Sân bay Tân Sơn Nhất, ngày cuối của gia đình tôi ở Việt Nam, năm 1989

 

Có 14 bình luận về Nghèo Nhiều Tập 

  1. Hoành Châu nói:

    Trời ,đọc  bài viết  là làm sống lại   cái đời điêu đứng ” chết mà chưa chôn “”   thấy tuyệt vọng làm sao !!  Chưa chắc   ai khổ hơn ai nghe em  tại người ta không kể thôi ,,                             Hoành Châu (Gia đình C  )

    • PhươngNga nói:

      Đúng lắm chị Châu thân thương của em.

      Có những nổi khổ đau buốt người, không lời nào kể lễ hết…

      • Luong Minh nói:

        Khi con người càng ở địa vị cao bị rớt xuống thấp thì nổi đau càng lớn, nổi đau của Hoành Châu chắc chắn là to hơn của PN. Do vậy, hình như anh được may mắn hơn chút, bởi : “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo. . .”

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đã đọc xong tập 1. Đang đón xem tập 2 ! Xin lỗi các bạn trang nhà. Hổm rày “long thể bất an”. Hiện đang ở nhà con gái rượu. Sáng mai ( 15.5.2017 ) mới được trả về nguyên quán.

  3. Phạm thị Trí nói:

    Ai cũng trải qua một thời điêu linh! Cô đang chờ đọc tiếp, cái thuở ban đầu lập nghiệp nơi xứ người…vui ít buồn nhiều ??? nhưng với thời gian và nghị lực Nga của cô bây giờ hạnh phúc bên chồng con..

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Phương Nga ơi ! Về nhà hôm qua, hôm nay có thể ” long sền” được vài ve, nhưng không dám. Vì giám thị ( con gái rượu ở gần nhà) canh me gắt gao quá !

  5. VÕ THỊ LÀI nói:

    Bài viết của Phương Nga gợi nhớ một thời điêu đứng không thề nào quên , như chị Châu nói chưa chắc ai khỗ hơn ai .Có những nổi đau tột cùng mà không nói lên được , Phương Nga có rất nhiều nghị lực và ngần ấy năm bây giờ Phương Nga đã có một gia đình đầm ấm hạnh phúc.

Trả lời PhươngNga Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác