CAMILLE CLAUDEL – THIÊN TÀI GÃY CÁNH

Ngày đăng: 16/05/2017 10:41:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Đã một tuần trôi qua, cuốn phim về cuộc đời của Camille Claudel mà tôi coi trên truyền hình Đức vẫn còn vương vấn trong tâm trí. Hình ảnh của nữ điêu khắc gia nổi tiếng người Pháp qua sự diễn xuất tài tình của nữ diễn viên Isabelle Adjani đã làm rung động người xem.

Có thể nói Camille Claudel là một trong những tài năng về điêu khắc, nặn tượng nổi tiếng nhất thế giới nhưng tiếc thay bà đã sinh ra không đúng lúc và cũng không nhằm thời. Tư tưởng cũng như nguồn cảm hứng của bà đã đi trước rất xa thời đại bà đang sống vì thế dù trong lúc đang ở trên đỉnh cao của nghề nghiệp bà vẫn không kiếm được đủ sống với những tác phẩm của bà.

Bà phải dựa vào việc tài trợ của thân phụ của bà và của Rodin, điêu khắc gia nổi tiếng và cũng là người tình mười năm của bà. Thân mẫu và người em trai của bà là Paul Claudel không chấp nhận cuộc sống cũng như cách sống buông thả, phóng túng, làm hại đến thanh danh của gia đình nên ít khi tài trợ. Cũng vì thế, đôi khi bà sống lang thang trên đường phố Paris và ăn mặc như một hành khất, tuy vậy vẫn không ngừng sáng tác.

Những thất vọng về cuộc tình nhiều sóng gió với Rodin, những bất công, đè nén và kỳ thị trong lãnh vực nghệ thuật mà bà phải trải nghiệm đưa bà đến trạng thái rối loạn tâm thần. Trong một lần lên cơn, bà đã phá huỷ gần hết các tác phẩm của mình, cuối cùng sau khi thân phụ mất, mẹ và em trai đưa bà vào dưỡng trí viện, bà ở đó âm thầm trong ba mươi năm cho đến khi qua đời.

Xin được giới thiệu với quý vị độc giả, Camille Claudel, một thiên tài gẫy cánh giữa đường. Tài năng cũng như cuộc đời của bà là một chuỗi biến động vừa bi thảm vừa khiến mọi người phải tiếc nuối vì thiên tài của bà đã bị bỏ quên và mai một trong những tháng ngày cô đơn nơi dưỡng trí viện

                                          CAMILLE CLAUDEL (1864-1943)
0 c1                                        

Camille Claudel được sinh ra tại Fère-en-Tardenois, phía bắc của nước Pháp, trong một gia đình giàu có vào năm 1864.

Thân phụ của bà làm trong nghành thế chấp, cầm cố tài sản và luân chuyển tiền bạc theo dịch vụ ngân hàng; mẹ của bà xuất thân từ một gia đình chuyên sống về nông nghiệp và có rất nhiều người là linh mục Thiên chúa giáo.

Camille là con thứ hai trong gia đình, trên bà là một người anh trai, đã mất sau khi chào đời hai ngày, kế bà là một người em trai, Paul Claudel, sau này là nhà ngoại giao và thi sĩ, nhà soạn kịch nổi tiếng và một người em gái Louise Claudel. Gia đình bà di chuyển chỗ ở nhiều lần, cho đến năm 1881 thì dọn về Montparnasse, Paris.

Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã yêu thích và dành nhiều thì giờ cho đất và đá. Đến khi lớn lên, bà ghi tên theo học trường Academie Colarossi, một trong số rất ít trường mỹ thuật cho phép phụ nữ theo học. Điêu khắc gia Alfred Boucher là người đỡ đầu, hướng dẫn và khuyến khích việc học của bà.

Sau hơn ba năm, Boucher phải rời Pháp sang Ý nên đã gởi Camille tới thụ giáo điêu khắc gia nổi tiếng lúc bấy giờ là Auguste Rodin với tư cách là cộng sự viên.

Cũng vì thế mà Camille Claudel và Auguste Rodin, hai thiên tài đã gặp nhau để bắt đầu một cuộc tình đam mê, sôi động, lên bổng xuống trầm kéo dài cả chục năm

    0 c 02                      Auguste Rodin và Rodin Buste, tác phẩm của CC 1888

Lúc ban đầu Rodin hoàn toàn không để ý gì đến Camille vì ông dành thì giờ để vui chơi với chúng bạn ở bên ngoài hơn là có mặt tại xưởng điêu khắc.

Đến khi Camille lên tiếng phàn nàn, Rodin mới bỏ thì giờ cho cô học trò nhỏ mới 19 tuổi này và kể từ đó Rodin đã bị Camille chinh phục, nhận ra được khả năng điêu khắc thiên phú của Camille


0 c 03                                      Camille làm việc trong xưởng điêu khắc

Từ năm 1884 trở đi Camille trở thành người tình, người bạn thân tín, người mẫu cũng như là nguồn cảm hứng của Rodin.

Cuộc tình của Camille và Rodin là một cuộc tình đầy sóng gió, đam mê nhưng cũng không thiếu những trận cải vã, lên xuống bất thường. Dù yêu và không muốn mất Camille nhưng Rodin cũng không thể chấm dứt với Rose Beuret, người đã có năm con với mình để cưới người mình yêu.

Camille đã rời gia đình để sống với Rodin như một người tình, điều mà trong xã hội thời đó khó có thể chấp nhận được, nhất là Camille lại xuất thân từ một gia đình giàu có, danh tiếng.                0 c 04                                                  Pray and Psalm  1889
Trong số những người tình đi qua cuộc đời của Rodin, từ những phụ nữ quý phái, những nữ nghệ sĩ nổi tiếng, những thiếu nữ ngoại quốc xinh đẹp và ngay cả Rose, cũng không ai có thể sánh được và ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống tình cảm cũng như nghệ thuật của Rodin như Camille Claudel.

Cuộc tình với Rodin đã tạo dựng nên Camille đồng thời cũng là một yếu tố đã huỷ hoại cuộc đời và sự nghiệp của Camille, Rodin đã hứa cưới Camille nhưng không giữ được lời hứa của mình.

Rodin dẫn Camille bước vào thế giới của các nghệ sĩ nổi tiếng tại Paris, bù lại với ảnh hưởng của mình, Camille đã làm Rodin chuyển hướng đề tài cũng như sự sáng tạo các tác phẩm mới.

Người ta có thể nhận ra điều này khi so sánh những tác phẩm mà Rodin đã thực hiện trước và sau khi có sự hiện diện của Camille trong cuộc đời của ông. Những nhà phê bình nghệ thuật cũng đề cập đến việc là có những tác phẩm tuy ký tên Rodin nhưng thực ra không ai biết rõ đó là của Rodin hoặc của Camille. Nhiều tác phẩm mà người xem cũng có thể nhận ra được là có sự góp phần của bốn bàn tay chứ không phải chỉ riêng mình Rodin mà thôi.

Những tác phẩm điêu khắc và hình tượng khoả thân của Camille đã làm cho quần chúng bất bình và không được chấp nhận, lý do duy nhất là vì đó là công trình của một điêu khắc gia phái nữ thực hiện.

                     0 c 05                             The Waltz 1891-1905

Việc kỳ thị về giới tính này còn thể hiện rõ ràng hơn trong việc đúc tượng đồng, muốn được phép đúc tượng với mẫu nặn bằng đất sét, cần phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Khi các giám sát viên tới xưởng điêu khắc của Camille để quan sát, họ đã từ chối cấp giấy phép cho Camille đúc bức tượng The Waltz vì đây là hình tượng của một cặp nam nữ hoàn toàn khoả thân, kề cận thật sát vào nhau. Trong khi đó những hình tượng của Rodin được thực hiện theo ý tưởng táo bạo của Camille về đề tài dục tính và thể xác lại được chấp nhận và cho phép thực hiện một cách thật dễ dàng.

Từ đó Camille nhận ra được là bà bị áp đảo và nghi ngờ cả Rodin đã liên kết với mọi người để chống lại mình.

Có nhiều lý do mà các nhà phê bình nghệ thuật đã đưa ra để giải thích việc Camille bị rối loạn tâm thần và cuối cùng phải vào sống suốt ba mươi năm trong dưỡng trí viện.

Là một thiếu nữ xinh đẹp, có tài, thuộc một gia đình giàu có, danh giá, Camille rời bỏ cha mẹ, chấp nhận làm người tình của một người đàn ông đã có vợ và năm con, hơn bà tới 25 tuổi, để rồi khi tình yêu đã mất bà bị quẩn trí trầm trọng. Thêm vào đó là sự thay đổi môi trường sống xung quanh bà, những ý tưởng táo bạo cũng như sáng kiến của bà trong việc điêu khắc đã được Rodin áp dụng và thực hiện những hình tượng được đón nhận như những tác phẩm đứng hàng đầu trong giới điêu khắc lúc bấy giờ, trong khi các tác phẩm của bà lại không được chấp nhận và chào đón.

Năm 1892 sau khi phá thai, Camille chấm dứt mối liên hệ tình ái với Rodin nhưng hai người vẫn gặp gỡ và liên lạc với nhau trong tình bạn cho đến năm 1898. Theo Paul Claudel, tác  phẩm nổi tiếng là The Waltz và The Mature Age của bà đã chứng tỏ sự đổ vỡ giữa bà và Rodin. Những tác phẩm được thực hiện sau đó càng cho thấy rõ đường hướng riêng biệt của bà. Theo giới phê bình thì tác phẩm của bà còn mạnh mẽ và nhiều nam tính hơn cả các đồng nghiệp khác phái

0 c 06                               The Age of Maturity 1894

Năm 1899, lần đầu tiên thấy tác phẩm The Age of Maturity mà Camille diễn tả hình ảnh của một Rodin ở tuổi trung niên bị lôi kéo giữa Rose Beuret, bạn đời nhiều tuổi của mình với Camille, người tình trẻ, Rose ngăn cản, níu kéo để Rodin phải từ bỏ Camille. Rodin bị chấn động và tức giận khi nhìn thấy bức tượng này nên ngừng việc tài trợ cho Camille

Càng ngày đường hướng nghệ thuật trong các hình tượng của Camille và Rodin càng khác biệt, Rodin với đường hướng dịu dàng, thanh nhã trong khi Camille lại mãnh liệt và cường tráng, đó cũng là một trong những lý do đưa đến việc đổ vỡ hoàn toàn giữa Camille và Rodin để rồi cuối cùng hai người trở thành địch thủ của nhau. Dù đã cố gắng nhưng Camille vẫn không vượt qua khỏi cái bóng quá lớn của Rodin trong bước đường nghệ thuật.

Để bênh vực cho Rodin trước những phán đoán cho rằng Rodin là người đã huỷ hoại Camille, nhiều nhà phê bình đã bênh vực Rodin, như Ayral Clause cho rằng, mặc dầu Rodin đã ký tên của mình trong nhiều tác phẩm của Camille nhưng đó là chuyện thường tình vì vào thời bấy giờ  các điêu khắc gia có quyền ký tên vào các tác phẩm của các cộng sự viên của mình.

Theo Walker, hầu hết các sử gia đều công nhận là Rodin đã hết lòng giúp đỡ Camille trong giới hạn mà Rodin đã có. Một số người như Eisen, Matthews, Flemming và Jansen Estrup lại cho rằng không phải Rodin là người ganh tị với tài năng của Camille mà những người ganh tị với Camille lại chính là em trai Paul Claudel, nhất là em gái của bà Louise Claudel, vì họ đã không có được tài năng như Camille.

Việc Camille phá huỷ hầu hết các tác phẩm của mình là do Camille đã quá thất vọng vì bị  giới nghệ thuật và truyền thông bỏ rơi. Mặc dù được công nhận là một nhà điêu khắc có tài nhưng Camille không nhận được nhiều hợp đồng, lý do dễ hiểu, điêu khắc là một nghành nghệ thuật đắt giá , hơn nữa đường hướng nghệ thuật của Camille không thích hợp với nữ điêu khắc gia ở thời đại bà đang sống. Mặc dù ở trong thời gian nổi tiếng nhất bà cũng không thu nhập đủ tiền để sinh sống nên phải nhờ vào sự tài trợ của thân phụ bà và của Rodin.

   0 c 07                                       Camille Claudet trong dưỡng trí viện

Rất nhiều tác giả hiện đại đồng ý rằng, ngay trước khi gặp Rodin, Camille đã là một thiên tài xuất chúng, khởi đầu với giàu sang, với sắc đẹp và với ý chí mãnh liệt, cuối cùng những ước vọng không được đền đáp mà kết quả là cả một sự thất vọng ê chề về tình yêu cũng như về nghệ thuật để rồi qua đời trong cô đơn, tăm tối và nghèo khổ sau ba mươi năm sống âm thầm chẳng ai biết đến tại dưỡng trí viện vùng Montdevergues, Pháp quốc.

Tiếc thay cho một thiên tài, thiên tài gãy cánh giữa đường…!
Lê-Thân Hồng-Khanh

————————-

Tài liệu tham khảo:

Nguồn: Net

Nguồn: Sách

-Rodin, Dominique Jarrasse’

-Camille und Paul, Dominique Bona

-Auguste Rodin und Camille Claudel, J.A.Schmoll gen. Eisenwert

 

Có 10 bình luận về CAMILLE CLAUDEL – THIÊN TÀI GÃY CÁNH

  1. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý ,
    Phụ nữ tài năng và xinh đẹp  ,,đa số cuộc đời thường gặp lắm bẻ bàng , ngang trái , em thấy ,, nghề điêu  khắc  , chạm trổ  không được  phù hợp với phái nữ  lắm  mà  thiên tài  này đã thành công rực rỡ ,,,cộng thêm quan niệm xã hội   gò bó  đã làm cho cuộc đời và sự nghiệp  của  người phụ nữ này càng lắm truân chuyên khi về cuối cuộc đời  ,,Đọc và cảm  thông . nuối tiếc cho một thiên tài gãy cánh . Cảm ơn Cô nhiều.
    Em Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Phạm thị Trí nói:

    Cám ơn bạn đã mở rộng kiến thức của tôi…qua những bài viết nghiên cứu, sưu tầm công phu.

  3. Lyhuong nói:

    Xin cảm ơn Cô ,đã cho em thêm kiến thức trong nhiều lãnh vực Văn học ,nghệ thuật.Thương kính.

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cảm thương thiên tài điêu khắc Camille, xinh đẹp giàu sang tài hoa mà sự nghiệp tình yêu cay đắng quá!

    Cảm ơn Cô giới thiệu bài hay cho chúng em.

  5. Lưu Phương nói:

    Cám ơn cô Hòng Khanh đã dầy công nghiên cứu, sưu tầm để cho độc giả bài viết rất hay. Đọc xong cảm thấy chạnh lòng. Tiếc, thương và rất buồn

    Hồng Khanh cho chị mượn chỗ nầy một chút để gởi lời hỏi thăm cô Trầm Hương

    Lưu Phương

  6. Cám ơn chị Lưu Phượng, bạn Trầm Hương Ptt, các em Hoành Châu, Lý Hương, Nguyễn thị Hạnh đã đọc và thương cảm Camille Claudel, một thiên tài xấu số vì đã sống trong một thời mà phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi vì sự kỳ thị giới tính.

    Chúng ta may mắn hơn, được sinh ra vào giữa thế kỷ thứ XX, mặc dù ở VN ảnh hưởng của Khổng Giáo vẫn còn mạnh, vấn đề “nam nữ bình quyền” không phải là chuyện hiển nhiên nhưng chúng ta vẫn có cơ hội đến trường và phát triển khả năng của mình.

    Hy vọng những thế hệ kế tiếp sẽ thực hiện thật sự vấn đề bình quyền ngoài xã hội cũng như trong gia đình để vấn đề kỳ thị giới tính không có lý do gì để tồn tại nữa.

    Chị Lưu Phương ơi, hãy mạnh mẽ lên để bảo vệ quyền sống của mình và đừng vì lý do gì mà nhường bước chị nhé.

  7. Lưu Phương nói:

    Thân gửi cô Trầm Hương,

    Không thường xuyên lắm nhưng thỉnh thoảng tôi được đọc bài viết rất hay của Cô.

    Tôi thì lúc nhớ lúc quên. Hôm nay gửi mấy dòng hỏi thăm sức khỏe Cô để làm quen, để có thêm một người bạn suýt soát tuổi nhau. Thân mến

    Lưu Phương

     

    .

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Lưu Phương thân mến.

      Rất vui được Phương gửi thư ” làm quen”.  Trầm Hương Ptt. đã nhiều lần nghe các bạn trang nhà nhắc Lưu Phương với những lời ưu ái, tôi nghĩ Lưu Phương phải có gì đó thật đặc biệt nên được mọi người thương yêu như vậy. Mong rằng qua trang nhà , chúng ta được kết nối, hiểu nhau hơn… Phương viết văn và làm thơ rất có chiều sâu, mang đầy tâm ý, ẩn hiện bóng dáng và chuyên chở tâm sự chính mình.
      Mong rằng lời nhận xét nầy không trật lất, là nhịp cầu ta đến với nhau..Hy vọng đọc những bài viết mới của Phương, nếu Phương có thì giờ .Ptt.

  8. Phong Tâm nói:

    Nghệ thuật và tình yêu là niềm hạnh phúc lẫn đau khổ, lại là nỗi đam mê không thoát ra được dễ dàng, nhất là những tâm hồn nghệ sĩ ở vào thời đại bất công, tư duy trọng nam khinh nữ còn quá nặng nề.

    Cô Lê Thân Hồng Khanh chọn tác phẩm để dịch thuật thật tinh tế, dầu chuyện xa xưa, nhưng hiện tại những tình huống bi thương tương tự nhiều nơi vẫn còn là nỗi đau của nhiều người.

    • Các nghệ sỹ nổi tiếng đều bỏ hết đam mê cho tình yêu và nghệ thuật và cũng phải chuốc lấy bao đau thương, chính vì vậy mà ngày nay chúng ta được thưởng thức những tác phẩm tuyệt vời. Cám ơn nhận xét và cảm thông của anh Phong Tâm về việc kỳ thị giới tính vẫn còn hiện hữu và tạo ra nhiều nỗi bi thương trong xã hội VN chúng ta ngày nay.

      Ngay trong các nước Tây Phương như nước Đức chẳng hạn, vấn đề “nam nữ bình quyền” được coi là tiến bộ nhất nhưng trong nhiều lãnh vực, người phụ nữ vẫn còn bị thiệt thòi. Cùng làm một chức vụ, cùng một công việc như nhau nhưng nhiều khi số lương của người phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới. Có thể phải trải qua nhiều thế hệ nữa mới lấp đầy được các dị biệt đã ăn sâu trong trí não của mọi người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác