Sau 40 năm trở lại thư viện Quốc Gia
Thư Viện Quốc Gia ngày xưa nay đổi tên là Thư Viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Lần đầu tiên mình tiếp xúc với thư viện này vào năm 1973, khi mình là sinh viên năm thứ nhất của Đại Học Khoa Học từ tỉnh mới lên làm quen với đường phố Sài Gòn. Thư viện này cũng vừa mới xây dựng lại để phục vụ cho các bạn đọc và những nhà nghiên cứu. Tranh thủ làm thẻ thư viện xong mình bước vào phòng bạn đọc với nhiều bở ngở của chàng thanh niên nhà quê mới vừa làm quen với cuộc sống nơi đô thành.
Lần thứ hai tiếp xúc với nó nhiều hơn ( đầu năm 1980) khi mình chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp tại trường SP Kỹ Thuật ngành Điện Công Nghiệp. Lần này mình chính thức được vào phòng nghiên cứu chứ không phải là phòng bạn đọc phổ thông như lần trước. Phòng nghiên cứu chỉ dành cho những người đã tốt nghiệp Đại Học và sinh viên năm cuối cần tư liệu tham khảo để làm luận văn tốt nghiệp. Yêu cầu của phòng này tương đối khắc khe vì đây là nơi chứa nhiều tài liệu quí giá mà phần đông là tiếng nước ngoài với nhiều chuyên ngành khác nhau nên rất kén đôc giả. Chỉ những người trí thức mới được vào đây chứ không phải là kẻ có tiền như hiện nay. Việc tra cứu cũng rất dễ dàng mặc dù làm bằng thủ công vì thời đó làm gì có máy tính. Thư mục sách được sắp xếp rất khoa học theo chủ đề chuyên ngành, tác giả và năm xuất bản sách. Việc mượn sách cũng tiến hành nhanh chóng, chỉ sau 10 phút kể từ lúc ghi phiếu mượn sách cho cô thủ thư, sách đã tới tay bạn đọc vẫn còn mát lạnh do được bảo quản trong phòng lạnh mặc dù đất nước bước vào những năm đầu sau 1975 vẫn còn khó khăn. Tại thư viện của trường SPKT, sách cũng được bảo quản trong phòng lạnh và phòng đọc sách cũng được trang bị máy lạnh nên mình rất thích vào đó học bài trong những giờ nghỉ học trên lớp. Mình thắc mắc tại sao mà sách đến tay người đọc nhanh như vậy thì được biết tại mỗi tầng của thư viện Quốc Gia, sách được sắp xếp theo chủ đề đều có nhân viên trực tại đây. Sau khi nhận được phiếu mượn sách có ghi mã số quyển sách , cô quản lý sẽ gọi điện thoại đến các tầng để nhân viên tại đó lấy sách và đưa vào thang máy vận chuyển xuống phòng bạn đọc. Vì vậy quyển sách khi đến tay bạn đọc vẫn còn mát lạnh và sách được bảo quản lâu dài mà không bị hư hại.
Sau 40 năm quay lại thư viện Quốc Gia nay là thư viện Tổng hợp TP HCM mình cảm nhận có nhiều đổi thay so với trước đây. Thay đổi đầu tiên là thẻ được làm bằng Polymer có mã vạch ghi thông tin bạn đọc. Hình cũng được chụp bằng Webcam nên chỉ hơn 5 phút là có thẻ ngay. Mình thuộc hạng lão làng trên 60 tuổi nên được miễn phí làm thẻ. Sau khi có thẻ rồi mình háo hức vào thư viện mới hay có sự phân biệt giữa hai loại thẻ . Thẻ phổ thông chỉ được vào phòng bạn đọc ở bên trái, còn phòng nghiên cứu ngày xưa thì bây giờ chỉ dành cho các doanh nhân có thẻ VIP. Muốn có được thẻ này để vào phòng doanh nhân có trang bị máy lạnh phục vụ và tài liệu đầy đủ thì phải đóng lệ phí hàng năm khoảng trên 1 triệu đồng, một khoảng tiền quá sức đối các em sinh viên.
Thôi thì đành vào phòng bạn đọc phổ thông đề xem nó như thế nào ? Phòng vẫn như ngày xưa, chỉ khác hơn là có trang bị máy tính bàn khoảng hơn chục cái để bạn đọc tra cứu. Hỏi password wifi để truy cập thì người phụ trách cho biết, nhưng mình vẫn không vô được mạng. Hóa ra là người phụ trách cũng không rành nên chỉ thiếu 1 dấu chấm nên không vào được. Đây là phong cách không chuyên nghiệp đầu tiên khi mình bước vào phòng này. Nhìn quanh thì thấy phần lớn các bạn đọc trẻ vào đây đều mang theo laptop. Họ chỉ vào đây sử dụng mạng để tra cứu chứ ít khi mượn sách mặc dầu nơi góc phòng bạn đọc là những kệ chứa sách nhiều thể loại khác nhau.
Vào máy tính để tra cứu thư mục sách thì mới hay rằng phần mềm quản lý thư mục yêu cầu phải đánh đúng tên sách, tên tác giả, mã số sách thì mới truy cập được. Gỏ tên những sách mình cần thì báo là không tìm thấy. Muốn tra thư mục tên tác giả và các chủ đề sách để tìm cũng không được. Đây là phong cách không chuyên nghiệp thứ hai mặc dù đã trãi qua hơn 40 năm nhưng phương pháp làm việc tại đây còn tệ hơn những ngày sau 1975.
Lục trên kệ sách tìm được một vài quyển sách vừa ý để tham khảo nhưng không thể ngồi lâu vì không khí quá oi bức giữa cái nắng mùa hè mà phòng không máy lạnh phục vụ. Nhìn các bạn trẻ say sưa ngồi truy cập mạng mình cảm thấy phục họ chịu được không khí ngột ngạt trong phòng mặc dù trần phòng rất cao. Mình thì chào thua vì tuổi già sức yếu nên đành từ giả ra về.
Lâm Quang Hiển
Đọc bài của bạn mình mới nhớ đến một việc lúc trước đã làm mình tức điên khi đến thư viện Quốc Gia: Không được vào phòng nghiên cứu vì … chưa tốt nghiệp đại học! Mà con treo bảng hẳn hoi mới ghê chứ. Mình đã chọn giải pháp: không thèm vào phòng đọc sách phổ thông mà ra hành lang, đầu cầu thang, hay một góc vắng nào đó ngoài sân ngồi đọc sách vì cảnh quan quanh thư viện rất đẹp, nhiều cây xanh, và lạy trời, hy vọng có “cô hàng xóm” xinh đẹp và cùng gôut đọc sách như của mình. Thư viện đẹp đến nỗi năm 1986 khi lập gia đình mình thuê phòng họp thư viện để tổ chức tiệc cưới. Trời không chiều lòng người, phải sau 5 giờ chiều, khi đọc giả đã về hết thì cô dâu và chú rể mới được dàn cảnh, nhưng chưa kịp “action” thì trời đổ mưa. Đỡ tốn một khoảng tiền.
Xem bài, thấy ảnh, nhớ lại việc xưa. Cám ơn bạn.
Bốn mươi năm, một khoảng thời gian quá dài nhưng tiếc thay mọi việc không thay đổi theo chiều hướng tốt, tiến triển theo bước đi của thời đại mà lại thụt lùi. Thật đáng tiếc !
Năm 1971, mình đã có thẻ thư viện Quốc gia. Có thẻ không phải để vào mượn sách mà là vô đó để học bài vì phòng có gắn máy lạnh. Lúc đó , phòng VIP là phần tầng lửng mà ít người lên đó để nghiên cứu, tôi chưa từng lên nên không biết trên đó ra sao? Hàng ngày, tôi thấy có một người to lớn mặc đồdân sự đi xe Jeep được tài xế đưa tới, và đi thẳng lên tầng lửng. Bọn sinh viên kháo nhau đó là trung tướng Nguyễn Đức Thắng, một trong 4 tướng sạch (nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng). Ông đến thư viện để học lấy bằng cử nhân.
Xin lỗi tác giả Lâm Quang Hiển vì mình nói lạc đề.
Trung tướng Nguyễn Đức Thắng là sinh viên đại học Khoa Học, chứng chỉ (dự bị) MGP năm học 1972-73 đậu hạng Bình. Người đầu tiên, mà cũng có lẽ là duy nhất ở đại học Khoa học Sài Gòn, chứng chỉ dự bị đậu hạng Bình. Sở dĩ mình biết việc nầy là vì bạn trưởng lớp cũ (lớp 12) Nguyễn văn Bá của mình học chung với ông tướng, và bạn mình đậu Bình-thứ.