Sputnik

Ngày đăng: 17/03/2017 07:01:11 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Từ Sputnik vốn quen thuộc với chúng ta vì là tên của một loạt tàu không gian không người lái của Nga trong thập niên 1950. Tôi không biết theo tiếng Nga chữ sputnik có nghĩa là gì nhưng trong những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80 tôi phải xin giấy giới thiệu của trường đến công ty Phát Hành BáoNgoại Văn mua tạp chí Sputnik bản tiếng Anh của Liên Xô, tạp chí ảnh nầy còn có bản tiếng Việt là Bạn Đường. Ở đây tôi không nói về những vật cao siêu mà nói về một vật rất tầm thường, rất nhỏ nhưng rất quan trọng với tôi cũng như nhiều người khác ở miền Nam trong một thời gian dài từ sau 30/04/ 1975.

Đó là vật các bạn thấy trong ảnh.

Mở thùng chứa đồ cũ tình cờ tôi thấy lại lon sữa guigoz một thời là bạn đường thân thiết. Được cất kỹ nên lon nhôm vẫn còn vẻ sáng dù trên lon có vài vết móp, miệng lon đóng cáu còn dưới đáy và nắp hộp đã bị sét nhiều tuy vẫn có thể đọc được những chữ dập nổi trên nắp: GUIGOZ và hàng dưới là IMPORTÉ DE HOLLANDE. Dù tôi đã chùi, rửa rồi phơi khô rất kỹ sau mỗi lần sử dụng nhưng giờ lòng trong hộp lấm tấm vết sét, nhất là phần dưới nắp hộp nay sần sùi và có màu xám vì phần nhôm sáng bóng áo bề mặt bị sét làm tróc hết. Có thể đó là do tác động của muối trong thức ăn, thường là những món kho khô: thịt kho khô, cá kho khô hay tép ram. Đáy hộp có rất nhiều vết sước, dù mấy mươi năm đã trôi qua nhưng những vết sước nầy vẫn còn thấy rõ. Có thể là do khi ăn với những hạt cơm cuối cùng còn dính dưới đáy lon tôi đã dùng muổng cạo quá mạnh tay. Ra đời tại Hòa Lan, một nước Tây Âu xa xôi, người sản xuất cũng như người thiết kế hộp sữa Guigoz không thể nào ngờ sản phẩm của họ lại được ưa chuộng, được dùng phổ biến, còn có công năng đựng thức ăn và hữu dụng như vậy. Miền Nam từ những năm thập niên 1960, những gia đình khá giả muốn cho con uống sữa bột ngoại sẽ có 3 chọn lựa: sữa SMA của Mỹ, Meiji của Nhật và Guigoz Hòa Lan, nhưng theo tôi biết sữa Guigoz được chuộng nhất. Nếu không kể về yếu tố sữa và thị hiếu, hộp sữa Guigoz ưu việt hơn 2 loại sữa kia vì hộp và nắp đều làm bằng nhôm, có thể dùng làm vật chứa, đựng thức ăn dài lâu, còn SMA và Meiji có hộp thiếc, nắp nhựa, sẽ chóng hư, chóng sét.

Sau năm 1975,  kinh tế nước ta gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi cho nông nghiệp như thiên tai, khô hạn, côn trùng, chuột bọ phá hoại mùa màng, thêm vào đó là chiến tranh biên giới Tây- Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi bị Mỹ cấm vận, bao vây kinh tế… Năm 1975, tôi đi học trở lại. So với nhiều gia đình khác, gia đình tôi thuộc diện may mắn vì ba tôi là giáo viên được lưu dụng, chị kế làm thư ký cho một cơ quan hành chánh cũng được lưu dụng, tôi lại được học bổng (sư phạm) 18 đồng mỗi tháng, và quan trọng là trong nhà có tích lũy chút ít của cải nên cũng có thứ để bán những khi túng hụt. Chủ yếu dùng mua thêm gạo cho đủ ăn, hay lo cho cái ăn hằng ngày. Trường tôi học xa tận Thủ Đức nên phải ở lại trường buổi trưa, chiều mới về như vậy phải mang theo cái gì đó để ăn cho no bụng vào buổi trưa, hàng quán lúc ấy rất hiếm mà túi của sinh viên như tôi cũng không sẵn tiền. Giờ nghĩ lại tôi thấy thương ba, mẹ dạo ấy quá. So với các hộ khác trong cùng tổ dân phố, sổ mua lương thực của nhà tôi thuộc loại “tầm cỡ”, nhưng lượng gạo gia đình tôi mua được với giá chính thức từ các tổ phục vụ lương thực nhà nước không đủ để ăn vì: tổ phục vụ (quan hệ một chiều) không phải là cửa hàng (quan hệ hai chiều mua-bán), và lương thực ở đây phải hiểu là bất kỳ thứ gì có tinh bột: gạo, gạo nếp, gạo mì, bánh mì, bột mì, cao lương, bo bo, ngô, khoai hay sắn (ông bà ta quả là thâm khi “sáng tạo ra cụm từ ‘cao lương mỹ vị’.” nhưng cũng nhờ đó mà sau nầy tôi khôn ra, biết thận trọng và cảnh giác với những gì hoa mỹ). Thế là mẹ phải xoay xở: khi cơm, khi cháo, khi thì bánh canh, khi thì bánh mì, bánh bao, ngô bung, cháo cao lương… Những hôm tôi đi học là sáng ngày hôm trước mẹ tôi lúc đi chợ trong thực đơn phải tính đến món kho: thịt kho, cá kho, tép kho, và chiều hôm trước phải nấu thêm nửa lon gạo để có cơm cho tôi ăn sáng (có sức lội bộ mấy cây số ra bến xe và chen lên xe) và chứa vào lon để ăn trưa tại trường, mà lúc đó tôi lại ăn rất khỏe, 2/3 lon mới tạm đủ. Phải công nhận tôi đã sống trong sung sướng dù gia đình không giàu. Ba tôi có thói quen thức dậy sớm nên khoảng 3 giờ sáng ông thức dậy nấu nước pha trà, pha cà phê uống và cũng hâm cơm lại cho nóng để tôi ăn và múc vào lon guigoz mang đi. Cách tôi chuẩn bị rất đơn giản: Khi áng chừng cơm múc vào lon đã đủ ăn, tôi lấy một cái muổng ăn canh có cán ngắn (kiểu của người Hoa) bằng inox nén cơm ở một góc xuống rồi để muổng trong có thịt, cá vào góc đấy với mặt trên muổng quay ra thành lon. Thức ăn như vậy không tiếp xúc cơm làm chóng thiu, nhưng như vậy các bạn cũng hiểu được thức ăn trưa của tôi nhiều bao nhiêu. Chứa gọn trong một muổng! Nhưng thế đã là may vì có ai biết trong những cái lon của các bạn tôi là cái gì? Có bạn dùng một cái chén nhỏ đựng thức ăn để lên trên lon cơm, có bạn dùng gà mèn (cặp lồng) để chứa cơm và thức ăn.

Dùng gà mèn tiện nghi nhưng cồng kềnh, thế là lon sữa guigoz ngày càng phổ biến. Hãng Guigoz nếu thấy cảnh lớp tôi trong giờ ăn trưa sẽ vô cùng tự hào, sung sướng vì “người người dùng guigoz, già, trẻ, lớn, bé đều dùng guigoz!” Thức ăn là thịt, cá kho khô sẽ nuốt khó trôi, thịt kho có tí nước chan vào cơm sẽ dễ ăn hơn nhưng cũng dễ làm cơm bị thiu. Học ở lớp thì dễ vì đến lớp có thể mở hé nắp hộp để ở bệ cửa sổ cuối lớp giúp cơm không bị thiu nhưng phải để ý đến việc bị ruồi bu, kiến đậu. Học ở giảng đường không làm như vậy được thì vừa học vừa lo cơm bị hỏng. Các bạn nữ đi học mang theo dao để cắt dưa leo, cà chua ăn kèm. Các bạn nữ có mời ăn dưa, cà nhưng tôi “sĩ” từ chối mà lại lười không làm những việc lỉnh kỉnh như vậy được nên đành “trợn trắng” mắt nuốt cơm. Có lần ở nhà còn 2 trái đậu bắp non to bằng ngón tay tôi lấy nhét chúng vào giữa cơm, trưa mang ra ăn thấy rất ngon. Hôm sau tôi phát huy nhét những 6 trái to với ý định chia cho Lạc, anh bạn thân, cùng ăn. Đến trưa lúc mở hộp cơm ra ăn thì ôi thôi cơm màu vàng chóe và bốc mùi thiu do đậu bắp già tiết ra nhiều nước nhớt. Hôm ấy Lạc có chia cho tôi vài lát cơm vắt tình nghĩa, ăn cho đỡ đói. Giờ ngồi viết bài nầy tôi nhớ lại một việc khiến tôi hối hận vì đã sống vô tình. Tôi gốc người miền Nam thật thà, ai nói sao tin vậy, lại thiếu lưu tâm để ý đến bạn bè. Lúc ăn trưa sinh viên ngoại trú chúng tôi hay ngồi ăn tại lớp học vì phòng ăn trường không đủ chỗ ngồi cho mọi người, và chúng tôi ngồi ăn theo nhóm bạn thân (lớp tôi có 18 sinh viên, chỉ vài bạn có tiêu chuẩn nội trú, đa số ngoại trú như tôi). Tôi chơi thân với Lạc. Hôm ấy bạn bận việc gì đó nên khi tôi ăn gần xong hộp cơm Lạc mới đến chỗ của chúng tôi. Lạc lấy trong hộp ra một gói khoai. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên Lạc giải thích, “Giống khoai nầy rất ngọt, ngon, vừa được bà con cho nên mang theo ăn.” Và mời tôi ăn. Tôi bẻ một đoạn khoai ăn rồi nhận xét, “Thấy bình thường mà.” Lúc ấy ba Lạc chạy xe Lambretta chở khách, bạn là con trưởng, dưới bạn còn có 6 em nhỏ.

Với các bạn nội trú tình hình còn bi đát hơn: Hôm nào vào phòng ăn trường thấy có đặt mấy khay cơm cháy trên bàn sát cửa ra vào là mừng vì bửa đó được ăn cơm, dù là cơm nấu từ gạo Huyết Rồng có màu nâu tím. Miếng cơm cháy vì thế khi cạy ra khỏi nồi thường có màu nâu đen, to bằng bàn tay, được các bạn gọi là “miếng beefsteak” và nhiệt tình hưởng ứng. Không cơm thì ăn bánh mì, nếu được tô “nước”súp, dù là lỏng bỏng vài cục su su hay củ cải (các bạn gọi là canh ‘toàn quốc’ vì hầu như không bao giờ thấy được lát thịt) để chấm bành mì thì vẫn dễ nuốt trôi hơn là ăn với rau muống xào. Cực điểm là những hôm đến bửa ăn nhận được trên khay mỗi sinh viên mấy dề (cục bột mì được cán dẹp) bột mì luộc vì nhân viên cấp dưỡng trường chỉ có thể lấy bột mì làm bánh canh phục vụ thầy, cô. Trường tôi lúc ấy mới đưa vào sử dụng được vài năm nên cơ sở phòng ốc khang trang, hiện đại, kể cả phòng ăn. Ngồi trong phòng ăn sang trọng, đèn néon sáng choang, trên đầu quạt quay vù vù, cửa ra vào bằng kính có gắn hệ thống phụ trợ giúp mở và đóng nhẹ nhàng, bàn ghế chở từ Mỹ sang, khay đựng thức ăn bằng inox sáng loáng, uống nước từ những trụ nước uống tại vòi (water dispenser) hình dạng giống như cây nước đá kim cương của hãng BGI loại 50kg dựng đứng có cần gắn sát đất để dùng chân đạp điều khiển hiện đại mà phải ăn bánh mì với rau muống xào nghĩ cũng buồn.

Tôi vốn dị ứng với những việc “nồi niêu lỉnh kỉnh”, không bao giờ nghĩ ở tuổi 20 đi đâu lại phải kè kè bên mình hộp sữa guigoz! Ra trường may mắn được về dạy gần nhà nên tôi được xa rời “người bạn đường” từng hàng ngày nhiều năm gắn bó, trong khi một số đồng nghiệp của tôi vì nhà xa trường nên không được như vậy. Nhưng đâu đã yên: những lần đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa, hàng năm một tháng học chánh trị Hè tập trung theo cụm (Q. 5, 6 và 8) là những lần tôi lại phải gắn bó với cái lon guigoz. Đúng là ghét của nào trời trao của nấy. Một kỷ niệm màu xám. Ôi Sputnik của tôi!

(Bài nầy xin tặng các bạn đồng học Khóa I, SPNN, Đại Học Giáo Dục-Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật tp.HCM)

Sài Gòn 2017

Nguyễn Hoàng Long

0 long 2                   H1

0 long 3                 H2

Có 2 bình luận về Sputnik

  1. Hoàng Long nói đúng, trước năm 1975, gia đình nào cũng có vài ba lon guigoz dùng để đựng các vật dụng trong nhà, trong bếp v..v…vì vậy nói đến lon guigoz thì ai cũng biết.

    Cô còn nhớ năm 1967 cô có mặt tại Vĩnh Long trước khi trường TPH khai giảng vài ngày, một buổi sáng cô đi bộ từ nhà theo con đường chính Lê Thái Tổ rồi qua chợ, qua trường TPH và tiếp tục đi thêm nữa, đến cầu ở phía trong, cô quay trở lại và khi đi qua một cửa tiệm cô thấy có một số sữa guigoz bầy trong quầy hàng. Cô vào hỏi mua một lon để có sữa uống trong buổi điểm tâm trước khi đi dạy. Sữa guigoz là sữa bột nên khi pha với nước sôi có mùi thơm dễ uống chứ không nồng như sữa đặc có đường.

    Ngồi trong quầy là một thiếu nữ khoảng 14-15 tuổi thật đẹp, khuôn mặt thanh tú, da trắng, mắt to tròn, môi hồng. Cô là phụ nữ mà cũng phải khen thầm trong bụng “thiếu nữ VL sao đẹp thế”. Duy có một điều là cô bé này chắc vừa mới gội đầu nên trên đầu đầy những cuốn tóc.

    Khi vào dậy lớp đệ tứ, cô không nhớ rõ, tứ 1 hay tứ 2, cô gặp lại cô nữ sinh này với mái tóc đen nhánh cúp ra ( kiểu tóc thịnh hành dạo đó). Đó là em Thanh Trước, một học trò giỏi, rất ngoan và cũng là “người đẹp” của TPH một thời. Em cũng là thành viên của nhóm C, tiếc thay cho đến nay các bạn của em, không ai có tin tức của em và cũng không biết em ở đâu.

    Nếu tình cờ có ai biết tin của em Thanh Trước, xin làm ơn cho biết qua phản hồi trên trang nhà. Xin cám ơn trước.

  2. Phạm thị Trí nói:

    Cô rất thích đọc bài nầy , nó gợi cho cô nhiều kỷ niệm về một thời đã qua, để thấy sự đa dụng của chiếc lon nầy từ giới s.v như em cũng như vật tối cần và quý hơn …tất cả..của chú bác cô.

    Đọc để thương thế hệ các em, được dùi mài như nhân vật trong tác phẩm ” Thép đã tôi thế đấy ” dù mỗi người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác