Gặp Kiệt Tấn – người anh lớn của Tống Phước Hiệp
Ngày 26/3, nhân buổi trao đổi với độc giả tại Sài Gòn, Lương Minh đã tranh thủ trò chuyện với nhà văn Kiệt Tấn, CHS Collège de Vinhlong tiền thân của trường Tống Phước Hiệp. Anh đã thân tình kể lại chuyện ngày xưa
Anh có phải là người Vĩnh Long không?
Tôi sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, năm 1950 theo anh lên Vĩnh Long học đệ thất trường Collège de Vinhlong (tiền thân của trường Tống Phước Hiệp). Tôi học hết lớp đệ tam (1955) ở Vĩnh Long thì đi qua học đệ nhị trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, thi tú tài 1 lên Sài Gòn học đệ nhất trường Chu Văn An. Sau đó lên đại học học Nha Khoa, được một năm thì nghe theo bạn bè sang Canada học và lấy bằng kỷ sư.
Lúc ở Vĩnh Long anh ở đường nào?
Hồi ở Vĩnh long, nhà tôi ở gần rạp hát Lạc Thanh (nay là đường Lê văn Tám). Vì ở gần rạp hát nên ngày nào cũng nghe hát vọng cổ (bị cưởng bức nghe) nên thuộc làu , nhờ vậy sau này tôi thường đưa các lời ca vào tác phẩm, sau rạp Lạc Thanh chiếu phim Ấn Độ thì tôi bị nghe nhạc Ấn cả ngày.
Anh còn nhớ tên thầy hiệu trưởng và quý vị giáo sư ?
Tôi là học sinh khóa thứ ba của trường từ khi mới thành lập. Hiệu trưởng trường lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Kính. Năm tôi học đệ tam ban toán (ban B) học toán với các thầy Vũ Đức Cang, thày Thàn …
Anh đến với văn chương từ lúc nào?
Lên Sài Gòn học, tôi thường làm thơ với bạn bè, quen với nhạc sĩ Cung Tiến, tác giả bài hát Thu Vàng. Cung Tiến giới thiệu tôi với nhà văn Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Năm 1966, tôi ra tập thơ đầu tiên là Điệp Khúc. Tôi viết theo cảm tính, không dự trù mình sẽ viết gì, Quan điểm viết sách của tôi là thành thật với chính mình, thành thật với độc giả, viết sao cho người đọc dễ hiểu. Những sách của tôi sau này ở nước ngoài được bạn bè (Võ Phiến) in cho.
Theo tôi, văn chương Việt chỉ phát triển được ở Việt Nam dù ở hải ngoại có người Việt nhưng lượng độc giả rất ít. Do vậy, người Việt hải ngoại muốn phổ biến tác phẩm của mình phải về Việt Nam. Do vậy, lần này về Sài Gòn, tôi ra mắt 4 quyển tiểu thuyết: Đêm cỏ tuyết; Lớp lớp phù sa (truyện dài); Em điên xỏa tóc (tập truyện) và Người em xóm học (tập truyện &tiểu luận). Những sách này cũng được bạn bè in giúp và lo hết mọi việc.
Cuộc trò chuyện đến đây thì tạm ngưng, bạn đọc đang chờ trong phòng để có cuộc giao lưu và anh còn phải ký tên trên sách để người đọc lưu niệm.
bài và ảnh Lương Minh
h1 Lương Minh phỏng vấn nhà văn Kiệt Tấn bên ngoài hành lang
h2 Em điên xỏa tóc và Đêm cô Tuyết
h3 Lớp lớp phù sa và Người em xóm học
Trước rạp Lạc Thanh là đường Võ Tánh. Chỗ ngả tư gần đó là Ngã tư Quốc tế.