Nhà thơ Huệ Thi ra mắt tập thơ Đa đoan
Sau tập thơ Khát khao và Bóng quê, đầu năm 2017, nhà thơ Huệ Thi (Hội Nhà văn TP Cần Thơ ) ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 3 “Đa đoan” (NXB Hội Nhà văn). Huệ Thi sáng tác từ những năm cấp 2 và là cộng tác viên thường xuyên của báo Áo Trắng, Mực Tím. Huệ Thi vẫn đang là cộng tác viên của rất nhiều tờ báo và tạp chí…
Đọc cả tập thơ, thấy nhất quán hình ảnh người đàn bà hay bị rối lòng trước đời sống, trước con người, một người đàn bà nhiều khao khát và thèm được yêu thương. Trong đó ý tứ của bài thơ Đa đoan muốn giãi bày một điều rằng cuộc đời của nữ nhân vật trữ tình đã trải qua bao nhiêu bão giông, vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, thành bại… với rất nhiều cung bậc, nhưng con người này vẫn biết vượt lên, vẫn giữ được một tư thế trong lành thơ trẻ giữa cuộc đời: Khóc như trẻ thơ một đêm/sáng mai đưa tay thơm giọt sương vô tình rơi trên cành lá/Bỗng ngô nghê nghiêng ngả/Em hiền tựa cỏ khô. Đúng vậy, với một đời sống nhiều thăng trầm, câu kết bài thơ là hình ảnh “cười như trẻ lên ba” thật hài đồng, thần tiên. Đó chính là những khoảnh khắc đẹp của đời sống, khi mà thiên sứ của sự sống, của tình yêu sà xuống cõi người và ban tặng. Thơ của Huệ Thi, xét về biểu đạt nội tâm, tập trung vào ba chữ: đa đoan-đa nghĩa-đa tình. Đa đoan thì đã rõ: tâm hồn nhà thơ luôn mở ra về phía cuộc đời, về phía người khác, về phía chính bản ngã của mình. Đa đoan là mối ràng buộc của bản thân mình với cõi sống này. Sự sáng tạo sẽ bắt đầu từ đây. Một người nghệ sĩ nếu không đa đoan sẽ không có gì hết. Đa đoan sinh ra nhu cầu được cất tiếng. Trong trường hợp này là cất tiếng bằng thơ. Nhưng đa đoan có thể sinh ra nhiều thứ. Có thể là đa sự, hiếu sự, thích tham dự vào những thứ mình chưa đủ độ chín để cảm/ hiểu. Có thể là “đa mang” (nghĩa gốc: “nhiều việc làm rối cả lòng”, gần nghĩa với đa đoan), tự mình tạo ra/lâm vào những mớ bòng bong mà không thoát được. Vẫn trong bài thơ này, tác giả thú nhận: “Đa đoan một kiếp đa mang”. Tình thế “mắc kẹt” này có thể rất gây phiền toái trong đời sống, nhưng nhiều khi lại có lợi cho cảm hứng sáng tạo. Một “di căn” trầm trọng nhất của đa đoan là đa tình. Chữ đa tình trong trường hợp này chỉ với nghĩa yêu đương. Người thơ công khai bày tỏ rất nhiều “ca” lâm nguy của con đường tình ái. Nhớ nhung có. Khổ đau có. Bị lừa tình có. Được đáp đền cũng có… Ở đây, những ngôn ngữ của mắt, của môi, của bàn tay, bàn chân, mái đầu, trái tim…, như được thăng hoa để có những câu thơ tinh tế:
Tay lồng tay bỗng ngập ngừng
Thì ra ta tự đếm từng nhớ thương/ (Đành thôi).
Sử dụng cách nói dân gian xứ Quảng (quê gốc), người thơ đã có được một bài thơ mang phong vị riêng, duyên dáng, trong đó có những câu thơ neo lại được trong lòng người đọc: Bậu về gom cả nhớ nhung/Vắt đôi ba bận tận cùng lửa yêu/Thương thân chiếc bóng xập chiều/Bậu ơi có biết ngóng nhiều hay chăng? (Bậu ơi). Tấm lòng của một người con xa quê có nhu cầu cất tiếng, những câu thơ sâu nặng nhất được hiện hình: Hát cho tấm áo nâu
Thuở đói no cha bươn đồng vượt thác
Hát cho ánh mắt âu lo mùa giáp hạt
Sắn khoai đôi phần dấu hạt cơm thơm
Hát thương con gió “nờm”
Mùa tháng ba bông gạo bừng khóm lửa
Hát cho gàu giếng làng nuôi con lớn khôn , đục trong bao lần sấp ngửa
Day dứt một đời, thơ ấu mãi khôn nguôi
(Hát cho quê hương).
Mặc dù số lượng những bài thơ viết về quê hương ở tập thơ này không nhiều so với mảng thơ tình, nhưng những câu thơ viết về quê hương như thế đã đủ sức neo đậu trong lòng người đọc. Người thơ Huệ Thi đã tri ân quê hương những câu thơ tình nghĩa.
Trong những nông nỗi đa tình, người thơ này lại mắc phải một “ca” rất đỗi hiểm nghèo: “Mượn chồng”. Bài thơ khi tung lên facebook cũng đã từng gặp nhiều sóng gió. Các nhà “đạo đức” lên tiếng phê phán. Các phụ nữ mang lập trường nữ quyền cũng nhất loạt phản đối, chê bai. Nhưng bình tĩnh mà xét, khổ nỗi, chuyện mượn chồng mượn vợ ở đây nên hiểu chỉ là một cái cớ để nhà thơ gợi dẫn về những chuyện khác. Nghĩa là bài thơ gợi lên những cật vấn, suy tư về đời sống. Thơ ca chỉ cần như thế thôi, chứ sao lại đòi hỏi thơ ca lên lớp về đạo đức?! Nhưng nếu chỉ có đa tình không thôi, thơ cũng sẽ trở nên hạn hẹp. Tác giả Huệ Thi bộc lộ như một người trọng nghĩa, đa nghĩa. Chị đã mở rộng vùng thi cảm, hướng tới những tình cảm mẹ con, tình với cha với mẹ, nhất là người mẹ đã mất sớm mà phần mộ ở hun hút phía quê nhà; tình với quê hương miền Trung nghèo khó mà ân nghĩa… Những vần thơ viết cho con trai, con gái đều gói một tâm tình xúc động, hiện lên một vẻ đẹp tâm hồn người mẹ với những phẩm hạnh muôn đời: Mẹ gom bao nhiêu giọt sương/Ngọc ngà nụ cười con gái/Thắp bừng đôi mắt long lanh/Mẹ gói cả bầu trời xanh/Nước suối trong từ mây ngàn xa thẳm/Nhuộm óng mái tóc tơ non/Mẹ chiu chắt cả ánh trăng rằm/Phả vào đôi môi cong mơ màng thiếu nữ/Nửa khuyết lấp đầy trọn vẹn yêu thương
(Dáng hình con gái).
Con đường thi ca cũng “đa đoan” không kém con đường của một kiếp người. Một khi người thơ đã ý thức được điều này, theo đó người đọc được quyền đón đợi…
Văn Giá