Hồi ức ngày mưa.

Ngày đăng: 2/02/2017 05:37:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (19)

 Lời nói đầu : Đây là những dòng hồi ức, hơn 50 năm qua, hơn nửa vòng thế kỷ.  Người ta nói “Đá sẽ mòn, sông sẽ cạn dưới sức tàn phá âm thầm nhưng mãnh liệt của thời gian, huống chi cảnh vật, con người… đã và đang trôi theo dòng sinh mệnh”. Tôi không muốn nhắc nhớ, ghi lại, hoàn cảnh xã hội, khi tôi lớn lên, không muốn đi sâu vào mưa ảnh hưởng như thế nào vào mỗi đời thường nhân thế…Mưa ở đây, chỉ qua lăng kính của tôi, của một tâm hồn mới lớn, tập tành gửi vui buồn vào những giọt mưa thơ! Già rồi, ngồi nhớ lại. Vẫn biết trường xưa, giờ không còn như xưa, con đường, giờ không mang tên cũ, thành phố, đã theo bước thời gian mà đổi thay, sao trong tâm tôi, khi nhắm mắt lại, hồi tưởng…hình như mọi vật vẫn không thay đổi!

 Hay là nơi tôi, dòng thời gian dừng lại? Hay là “tôi đang cõng bầu trời trên hai vai của thời niên thiếu? Hay nói như cố nhạc sĩ TCS “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” ?

Hồi ức ngày mưa.

             h1   Hình 1                               

Gia đình tôi quê ở Đức Hoà (Long An). Nhưng  Sài gon…nơi ấy tôi lớn lên. Cám ơn cha mẹ đã làm việc cực nhọc cho anh chị em tôi có cuộc sống ấm no. Tôi như chú gà con nhỏ bé, chỉ biết núp dưới đôi cánh ấp yêu của cha mẹ để nhìn đời và để yêu thương.

Nếu nói về mưa thì tuổi đôi tám, tôi đã biết yêu mưa, vì miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Thành phố Sài gon của tuổi thơ tôi, ngày ấy, mưa rất đẹp, rất thơ, mưa trên hàng cây xanh lá, mưa trên những cội me già, mưa trên mái nhà, tưới tẩm làm sạch từng con phố mưa qua, mưa không làm lụt lội, nước không tràn nhà, ngập phố như bây giờ. Mưa !!! để tuổi trẻ chúng tôi có những “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”.

Lúc ấy, dù chưa có mối tình vắt vai, nhưng những câu thơ mưa rời rạc của tôi, đầy vơi những nỗi buồn tưởng tượng.

“Mưa rơi trên đường phố. Hàng cây đứng bơ vơ. Mưa về mang thương nhớ. Vơi đầy.

Mưa qua những thật thà. Của ngày tháng phôi pha. Quạnh hiu khung trời cũ. Mưa… lệ ướt bờ mi.

Mưa nhớ quá nắng hè. Nghiêng nghiêng lòng con phố. Trong hồi ức mênh mông. Buồn tênh.

Trong lòng mưa tôi viết. Những vần thơ nhớ thương. Gửi về người nơi ấy. Tình tôi

Mưa đến rồi mưa đi. Riêng mình tôi vụng dại. Vớt cánh tình phôi phai…”

 

h2

Hình 2

Tuổi 19, tôi bước vào ngưỡng cửa đại học với bầu trời xanh trên cao, lá hoa cười trước mặt. Ghi danh vào Đại Học Văn Khoa trên đường Cường Để, mưa vẫn theo dấu chân tôi, mưa đi vào tâm hồn lãng mạn của tôi…

Những  chiều, ngồi trong giảng đường giờ Việt chuyên biệt, ít sinh viên hơn những giờ đại cương. Mọi người say sưa lắng nghe tiếng thầy Nguyễn Khắc Hoạch giảng “Tình yêu trong thi ca VN”…

Mưa trên những hàng cây trong khuôn viên trường, tiếng mưa trầm trầm hiên ngoài, bầu trời xuống thấp trên khoảng sân rộng, nơi các nam sinh viên thường chơi thể thao những lúc chưa tới giờ học. Bên kia đường, khu vườn thực vật của đại học Dược khoa cũng nhẩy múa trong làn mưa. Tai nghe thầy giảng “Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thật xấu, hát thì thật hay” Thầy đang dẫn mọi người vào “Khối tình Trương Chi và những khối tình đậm nét trong văn chương V.N”, thầy phân tích chữ duyên, chữ nợ, chữ tình…những duyên khởi, duyên tận và luật nhân quả… chi phối số phận mỗi con người…Mắt tôi để ngoài khung cửa lớp…Trang vở ghi đầy những vần thơ mưa…

“Văn khoa bất chợt những cơn mưa. Ướt bờ mi dĩ vãng. Mưa trên những nhạt nhoà. Hong tình vào nắng hạ. Mây…ngàn năm  vẫn trôi. Sông…ngàn năm vẫn đợi. Mưa như sợi tơ trời. Buộc hai đầu nỗi nhớ”

Tiếng chuông báo giờ tan học, trời vẫn còn lâm râm. Choàng chiếc áo mưa, ra nhà xe lấy chiếc Velo solex khởi động máy, tôi và con bạn, cùng sở thích điên… đi trong mưa .

“Đường  Hồng Thập tự  hàng cây xanh lá, đường về nhà sũng lá me rơi.

“Mưa ướt đường em đi. Mưa thấm lạnh vào hồn. Mưa buồn trên môi mắt. Nhớ vu vơ bóng hình”

Đậu dự bị Văn Khoa, thi vào Đại học Sư Phạm, trường nằm trên đường Cộng Hoà, cùng khu xóm với Đại học Khoa học, trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, xa chút tới đường Thành Thái, là trường Sư Phạm, trường Trung Thu, bên kia đường là trường Bác Ái, và một vài cơ quan giáo dục gần đó, lâu rồi trí nhớ cũng phôi pha.

Ba năm dùi mài kinh sử nơi đây, ba năm với những buồn vui thời mộng mơ thiếu nữ, ba năm gửi lại sân trường bao kỷ niệm bên thầy cô, cô Khưu sĩ Huệ, thầy Lê Hữu Mục, thầy Phạm Văn Diêu, Linh mục Thanh Lãng, thầy Trần Trọng San, thầy Trương Văn Chình mái tóc bạc phơ, thầy Giản Chi hiền hoà và còn bao nhiêu vị thầy khả kính, dạy dỗ, trao kiến thức cho chúng tôi, mong chúng tôi tiếp nối bước chân giáo dục của các thầy. Bạn bè thân yêu cùng lớp, cùng trường, làm sao quên! Thương cây điệp già như người mẹ hiền đón tôi, giữ giùm tôi những ước mơ đầu đời và nhìn tôi tốt nghiệp đi vào đời với nụ cười từ ái…Lại nhớ những cơn mưa đầu mùa, những lúc đứng dưới hàng hiên nhìn mưa bay, hay bên cửa sổ tầng 3 nghe chị Quách thị Trang hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tiếng hát của chị trong chiều mưa nghe mà rưng rưng trong dạ, để bây giờ trên bước đường lưu lạc, mỗi khi nghe lại Diễm xưa, hồi ức những chiều mưa, nhớ quay quắt trong tim.
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”…

Nhận nhiệm sở về dạy Trung học Tống Phước Hiệp, thành phố Vĩnh Long. Ngôi trường cổ kính, có cách kiến trúc gần giống với trường trung học Gia Long, vì thế khi đến đây, vừa bước xuống xe, tôi có cảm giác rất thân quen, thương nhất là hai hàng cây huỳnh đàn rợp bóng từ cửa dẫn vào sân trường…Nhớ đôi mắt và nụ cười tỏa sáng niềm vui của Mẹ tôi, khi đi cùng tôi đến Vĩnh Long ngày trình sự vụ lệnh.

Lần đầu tiên trong đời, sống xa gia đình, cảm giác thật cô đơn. Tôi ở trọ nơi nhà dì sáu Lê, trên đường Trưng Nữ Vương, gần nhà thương Vĩnh Long. Nhà nầy, thêm tôi nữa thì…đúng là nhà của “Đoàn nữ binh mùa thu”. Dì tư Xuân, dì chín Vẹn, dì năm Tuyết , dì sáu Lê thêm Mai cháu của dì sáu…Các dì ai cũng còn độc thân, rất thương tôi, lo cho tôi rất chu đáo. Nấu cơm dọn dẹp nhà cửa đã có Mai, giặt giũ, đi chợ thì có chị hai Sương .

Tôi vừa sợ vừa yêu những cơn mưa ở Vĩnh Long vào những năm 1969 khi tôi đến nơi đây. Ngày ấy, tôi gọi Vĩnh Long là “thành phố nắng bụi mưa bùn”. Những ngày mưa qua phà Mỹ Thuận, lội bộ để chuyển xe vô thành phố, áo quần lấm lem, về đến nhà, mệt nhoài, tắm vội vã chuẩn bị đến trường cho kịp giờ dạy. Tôi thích  mưa trên sông lúc ngồi trên phà, nhìn đám lục bình trôi. Sông Tiền bao la quá. Dòng nước đục ngầu chở nặng phù sa!

“ Mịt mù mưa trắng trên sông, những giọt từ trời rơi  buồn con sóng”…

“ Lục bình tím vì ai mà nở. Thương những đời gạo chợ nước sông”

Hay khi

“Những lúc đứng trên bục giảng. Hồn bay theo mưa, theo cánh phượng đầu mùa”

Ngày tôi rời quê nhà, dòng sông đưa con thuyền ra biển lớn. Hàng dừa nước lao xao, mưa đưa tiễn người. Thuyền từ từ ra cửa sông Cái Lớn, rồi đến biển, trong làn mưa nhìn lại dãy đất quê hương đang mờ dần trong tầm mắt

“Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi…
Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng”

Tuy không hát lên thành tiếng nhưng lời bài “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy như những âm ba đợt sóng ngầm trong lòng người đi. Tự dưng không muốn khóc, mà giọt nước mắt lăn dài…

Đến Canada mùa thu 1979…định cư ở  Lethbridge, thành phố nhỏ, an bình cách biên giới Mỹ Canada qua rặng Rocky Mountain khoảng 150 km, thuộc tỉnh Alberta, vùng thảo nguyên với những cánh đồng lúa mì bạt ngàn… Mùa đông lạnh…rất lạnh…Nhờ vốn Anh ngữ và đã từng đứng lớp, tôi được tuyển làm thông dịch viên và dạy Anh văn cho các học sinh Việt Nam, trước khi cho các em vào chương  trình học chính thức. Dân Việt có khoảng độ 200 gia đình vào thời gian nầy…Nơi đây tuyết rơi nhiều hơn mưa, nên tôi…có những buổi chiều ngồi nhớ những chuyến mưa xưa…(khi nào rảnh, tôi sẽ giới thiệu thêm về thành phố nầy với các bạn, vì nơi đây tôi đã để lại rất nhiều tâm tư của một người di tản)

“Dance in the rain…Life isn’t  about waiting for the storm to pass. It’s about learning to dance in the rain”.“The person who dances with you in the rain will most likely walk with you in the storm”.

Đó là những lời nói, tạo sức mạnh cho tôi, khi muà hè năm 1984, gia đình nhỏ của tôi… hai vợ chồng và 3 đứa con, con gái 9 tuổi, 2 trai 6 tuổi và 2 tuổi, một lần nữa, làm chuyến thiên di  dài 2.113 km…về thành phố Toronto, tỉnh Ontario…tìm chút ấm và định cư lâu dài.

Trải qua một thời gian, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, và vốn kiến thức mang theo, tôi đi vào con đường mình chọn lựa, buông mình theo nợ áo cơm, xây dựng lại cuộc đời… những chuyện văn chương, mưa nắng, trăng sao mờ tỏ, tôi dường như bỏ qua một bên. Vợ chồng cố gắng học lấy một nghề, để làm hành trang vào đời sống mới.

Quên trường, quên lớp, bỏ mộng mơ…Cô giáo ngày xưa không đến trường mà đến ngân hàng làm việc. Suốt ngày vật vã với những vấn đề cho vay mượn, nợ nhà, nợ xe, đầu tư, cổ phiếu lên xuống… dán mắt vào computer và những con số…trong suốt quãng đời dài cho đến lúc về hưu.

Bây giờ, đã về hưu, có thì giờ nối lại chuyện nắng mưa …Mưa quê nhà và mưa quê người. Mưa của thời mới lớn và mưa trong đôi mắt của người “biết tri thiên mệnh, hiểu đời nhân sinh”

Như hôm nay, đưa cháu đi học trong mưa, mưa không lớn, nhè nhẹ vừa đủ ướt áo, ướt cả dù che.

Sau khi cháu lên xe bus, nếu chỉ quay về nhà thì chỉ một block đường, gần lắm; nhưng nhìn mưa và cảnh vật, tôi quyết định đi trong mưa…

            h3    Hình 3

Vẫn con đường tôi đi mỗi buổi sáng, lối đi, xác lá trên đường vàng xanh nâu tím ướt đằm dưới bước chân người vô tình dẫm qua…Tiếng mưa  nhẹ trên cây dù, rơi xuống từng giọt, may mà hôm nay trời không gió. Giọt mưa đọng trên cành cây, cuối đầu ngọn lá như viên ngọc long lanh. Đi trong mưa, ướt không gian, mờ mờ nhân ảnh. Tiếng mưa rớt trên chiếc dù, như một nốt nhạc, cung bậc nầy dể làm cho lòng người chùng xuống, từ đó thương nhớ mông lung những hình ảnh đã xa…xa như tuổi đời và dòng thời gian chia cách.

“Nơi đây…rơi hạt mưa  rơi. Hạt sa bờ cỏ hạt vào tim ai…Đâu đây có tiếng thở dài…Đời…như con nước trôi hoài ngàn năm”

 Không gian như vầy, tôi không là thi sĩ cũng muốn trở thành nhà thơ, vì những cảm giác, những rung động với đất trời đang ấp ủ…trong tim, trong hồi ức mang mang, muốn thoát ra trên từng con chữ, thấp thoáng đâu đó lại là  hình bóng quê nhà. Phải chăng ở vào tuổi không muốn nói mình già nhưng cũng không  còn trẻ, những tiếng sóng vỗ bờ của dòng sông, chiếc cầu ao nước lớn nước ròng; lũy tre; con đường nho nhỏ trong xóm; ngày nắng ngày mưa vất vả lo toan cho cuộc sống; ngày êm đềm bên gối mẹ lưng cha… là chất thơ tiềm ẩn trong tôi ? Trong trí nhớ già nua hình ảnh bạn bè, người thân, chia ly tan hợp , nụ cười và giọt nước mắt qua đời, tưởng chừng như chìm sâu, lắng xuống…Tất cả…như đóm lửa được khơi dậy…như lúc nầy, lúc tôi kể bạn nghe về  hồi ức  những ngày mưa.

Phạm Thị Trí

 

Có 19 bình luận về  Hồi ức ngày mưa.

  1. HOA ĐĂNG nói:

    Cô ơi, đọc hồi ức của cô, em có cảm giác như mình đang xem phim, rất hay cô ạ, bộ nhớ của cô thật tốt, riêng em thì bận rộn, vất vả quá nên thời gian để nhớ lại không còn tốt và không còn chi tiết được như cô, cảm ơn cô đã cho em được xem những thước phim đẹp.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Hoa đăng thương.

      Cuộc đời của mỗi người là những thước phim, tuy không quay lại, nhưng nó vẫn nằm yên trong vùng ký ức, chỉ là… ta vì tất bật với cuộc sống , tưởng rằng mình đã quên hoặc không muốn nhớ thôi em ạ. Cám ơn em đã đọc , đã lướt qua đoạn phim ngắn của cô.

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Cám ơn HK , C.K  và quản trang đã chọn những bức ảnh đẹp, làm nổi bật nội dung bài viết.

    • CK tình nguyện layout và tìm hình minh hoạ thích hợp cho bạn để bạn có thêm hứng thú làm thơ mượt mà, đọng đầy tình ý cũng như từ từ ghi lại những kỷ niệm, những đoạn đời mà bạn đã trải qua để cùng chia sẻ với bạn đọc trang nhà.

      Cám ơn sự đóng góp nhiệt tình của bạn.

  3. Phan Lương nói:

    Trong mỗi một cuộc đời ai cũng có những kỉ niệm được cho là đẹp nhất .Nhưng có mấy ai viết ra được những hồi ức đẹp và đáng nhớ của mình khiến cho người đọc cảm giác mình đang xem một cuốn phim vui vẻ , sống động và cũng có đoạn làm cho lòng chùng xuống với những nổi nhớ miên man

    Cô ơi ! Cô đã có một hồi ức đẹp và đáng trân trọng

    • Phạm Thị Trí nói:

      Phan Lương ơi, chỉ là cho mình một cơ hội lắng lòng và hồi tưởng, ai cũng có thể làm được em ạ…Nhưng cũng có người muốn giữ sự riêng tư…Cô chia sẻ vì nơi đây , cô muốn cho các em hiểu về cô nhiếu hơn, khi hiểu nhau, ta sẽ cảm thấy gần nhau  hơn. Phải không ?

  4. My Nguyen nói:

    Cô ơi! “Hồi ức ngày mưa” của Cô thật mênh mang, tha thiết… Tiếng mưa rất êm đềm của tuổi đôi mươi và đầy mộng mơ dưới giảng đường Đại học. Tiếng mưa khắc khoải của một cô giáo phải quên trường, quên lớp, làm việc trái nghề. Và bây giờ, tiếng mưa thật nhẹ nhàng, sâu lắng với những hồi ức tuổi về hưu…

    Ôi! Dưới ngòi bút của Cô, tiếng mưa đã hòa quyện với nhau, đã tạo nên những cảnh sắc, âm thanh đặc biệt. Tuyệt vời làm sao Cô ạ!

     

    • Phạm Thị Trí nói:

      Viết , có người  đọc và được thấy những dòng phản hồi đầy khích lệ, nó như những tách trà , tách cà phê …ta mời nhau.. uống xong, mùi hương mang mang lan tỏa , làm ấm lòng…Cám ơn những dòng chia sẽ của các em.

  5. NHA nói:

    Tâm tư của  tôi lang thang theo từng địa danh (nơi nào tôi cũng có kỷ niệm ít nhiều )trong bài viết.

    Cám ơn cô Ptt.

    • Phạm Thị Trí nói:

      Anh là sư huynh của tôi, anh ra trường trước tôi vài năm, nhưng huynh muội ta cùng uống nước một dòng sông ! Cám ơn huynh đã quan tâm đến !

  6. Phong Tâm nói:

    Saigon tôi sống nhiều năm, từng giai đoạn từng thời kỳ, khi nghe ai tự nhận là người Sg tự nhiên có cảm tình như cùng quê, nay được biết TH. Phạm Thị Trí có gốc gác Đức Hòa, LA. càng thấy gần gũi hơn. Không phải vì tình cảm với đất địa, con người mà đọc bài viết nào của Ptt, tôi có cảm nhận thiên lệch mà do bài viết gây nhiều ấn tượng đối với tôi, khiến tôi đang không khỏe vẫn muốn viết những dòng nầy như người đồng hành.

    • Phạm thị Trí nói:

      Cám ơn huynh Phong Tâm đã đọc và lưu lại những ấn tượng sâu sắc, huynh nhắc đến Đức Hoà và thấy gần gủi , có nghĩa là huynh đã có một thời gian gắn bó với địa danh Đức hoà Hậu nghĩa, Vàm cỏ Đông nầy ?. Rất vui khi huynh không khỏe mà vẫn ngồi dậy gỏ cho vài hàng…Đa tạ tình cảm nầy của huynh..Chúc huynh tâm an và nhất là nhớ giử gìn sức khỏe . Ptt.

      • Phong Tâm nói:

        Bến Tre – Saigon lên xuống qua cầu Tân An, Bến Lức từ 54 tới giờ không thể nhớ bao nhiêu lần, bài hát Vàm Cỏ Đông chắc được nhiều người thuộc, còn có gia đình người em vợ sống ở Đức Huệ, tôi lại có người bạn quen thân sống ở Sg, quê Đức Hòa, Hậu Nghĩa trước 75 đã mất liên lạc. Bao nhiêu đó cũng cho tôi thấy gần gũi với nơi nầy. Sẽ cố gìn giữ sức khỏe và cám ơn Ptt quan tâm với lời khuyên.

  7. Hoành Châu nói:

    Đoản  hồi  ức  hay  , chân thực và cảm  động   quá Cô ơi    !  Hơn thế nữa ,   bao  tư tưởng đẹp, đầy cảm xúc  luôn tiềm ẩn trong lòng một giáo viên dạy môn  Văn  xuất sắc   như Cô  (  từ tuổi thanh xuân   cho đến  lúc cao niên , từ thưở  thái hòa cho đến  kỳ tao loạn   , từ khung cảnh quê nhà cho đến hồi xa xứ ) tất tất  đều  nổi bật  tri thức sớm  hòa nhập  và khát vọng để  thành công của Cô   ở xứ người ,,,Rất nhớ  những  năm  xa lắc xa lơ nào ,,, Cô hướng dẫn các bạn tập trung cao độ đưa BÁO XUÂN  Trường TPH  đến tay  người ái mộ . Chúc Cô luôn mở đường cho những ước mơ xanh ! Chúng em luôn trân quý  tâm hồn   cao đẹp của Cô  đó ạ  !
    Hoành Châu (Gia đình C )

    • Phạm thị Trí nói:

      Cám ơn em Hoành Châu…Cô biết ngày xưa xa lắc, khi các em biết cô đứng trên bục giảng mà để hồn bay theo mưa, theo cánh phượng đầu mùa thì …các em nhất là các em ban C  sẽ đồng cảm với cô chứ ? Trường TPH đẹp lắm, cây xanh , hoa lá đua chen tường vàng , mái ngói…Nơi đã nuôi lớn hồn thơ cuả Hoành Châu, Đức Tính, Chí Hiếu, Trương hoàng An, Sâm Thương…. ( Thời gian cô dạy nơi đây…)  và còn nhiều, thật nhiều những hồn thơ tiếp nối đến bây giờ , nơi đây cô gặp My Nguyen, Phan Lương, Gia đình C…Rồi Du thụy Khúc, Út đậu , Hồ an Nhiên Ngọc H.Kim…(xin lỗi cô không nhớ hết..) trên f.b .Cô rất trân trọng khoảng thời gian nầy trong dòng đời của cô em ạ.

  8. Võ Thị Lài nói:

    “HỒI ƯC NGÀY MƯA ” CỦA CÔ RẤT CẢM ĐỘNG , RẤT HAY ,CÔ CÓ TRÌ NHỚ RẤT TỐT. MỖI LỜI VĂN RẤT MƯỢT MÀ LÀM XAO ĐỘNG LÒNG NGƯỜI ,CÔ GIÁO DẠY VĂN CÓ KHÁC .CÔ CÓ MỘT THỜI KỸ NIỆM VỀ MƯA RẤT ĐỆP , TỪ LÚC NHỎ ĐẾN LÚC LÚC TRƯỞNG THÀNH NƠI QUÊ HƯƠNG,RỔI MƯA NƠI XỨ NGƯỜI .ĐỌC BÀI VIẾT CỦA CÔ MÀ THẤY NAO NAO TRONG DẠ , CAY CAY NƠI MẮT VÀ THẤY THƯƠNG CÔ NHIỀU .

    • Phạm thị Trí nói:

      Tuy Võ Thị Lài không viết,  hay có viết bài mà cô không biết… Cô cám ơn em,  em là đọc giả ” trung thành ” của trang nhà… Những dòng phản hồi của em, riêng với cô, là một món quà khích lệ tinh thần, Thấy em nao nao trong dạ, cay cay nơi mắt và thấy thương cô nhiều…như vậy là cô ” gỏ cửa  và em đã mở trái tim em” cho cô bước vào . Phải không ? Cám ơn các em, những đứa học trò  ngày nào dù cô có dạy hay không… Đã đem đến cho cô sự ấm áp của tình người..nơi đây.

  9. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Một hồi ức thấm đẫm chất thơ nhạc

    Cô Trầm Hương ơi, những cơn mưa trải dài miên man như làm nền cho hồi ức tự nhiên tuôn chảy, lôi cuốn người đọc từ đầu chí cuối.

    Em cảm ơn Cô chia sẻ tâm sự cuộc đời với những tri kỷ trang nhà.

  10. Phạm thị Trí nói:

    Cám ơn em Hạnh..Chúc em vui và nhớ viết bài cho trang nhà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác