Đầu năm nói chuyện làm phúc
Tôi vẫn biết tâm trạng của một bác sĩ khi cứu chữa một bệnh nhân nan y thập tử, nhất sinh hoàn toàn bình phục, trở lại cuộc sống bình thường, hay tâm trạng của một người lính cứu hỏa khi giúp đưa được một người ra khỏi vùng bão lửa là rất vui, rất hạnh phúc. Ông bà ta vẫn nói:
Dẫu xây chin vạn phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Những năm đầu sau Giải Phóng thành phố rất nghèo. Đi bộ qua cầu chữ Y hàng ngày là những công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương… Đường phố lúc ấy rất ít xe có động cơ, chủ yếu là xe đạp, và lên dốc cầu ít có người đạp xe mà phải đẩy bộ vì không có sức đạp lên dốc hay sợ đứt xên xe do quá cũ! Tôi vẫn hay nói đùa với các bạn, “Ở đầu cầu chữ Y có vía bà linh lắm! Tao bây giờ không dám đạp xe qua cầu mà đến gần là phải xuống xe dẫn bộ.”
Một buổi trưa tôi có việc phải đi sang quận 5. Vì là buổi trưa trời nắng nóng nên ít người qua cầu, và như thường lệ đến đầu dốc cầu tôi xuống xe, dẫn bộ. Cầu chữ Y hướng từ đường Phạm Thế Hiển, quận 8, sang quận 5 phải qua kinh Đôi rộng, nước chảy xiết, rồi mới đến kinh Tàu Hủ, hẹp, nước chảy yếu hơn.
Đi trên lề cầu trước tôi một đoạn là một người đàn ông nhỏ người, khá lớn tuổi hai tay ôm một gói gì đó trước ngực khá nặng. Đến giữa dốc cầu, khoảng giữa dòng kinh Đôi đột nhiên người ấy đi ra sát thành cầu, nghiên người ra ngoài rồi mặt ông ta đập mạnh vào thành cầu bằng xi măng. Sau cơn choáng do đau, ông ta chỏi tay lên thành cầu cố đứng lên để có thể nhoài người qua thành cầu, nhưng do sức yếu và vật treo ở cổ trì nặng nên đầu vẫn bị dính chặt ở đó. Rồi ông ta cố đưa chân lên cao, cao hơn thành cầu để có thể lăn người qua. Đến đây thì tôi hiểu ông ta định tự tử, thế là tôi buông xe, chạy đến giữ người ấy lại. Hành động của người đàn ông, tiếng động khi chiếc xe đạp của tôi ngã… đã làm những người đi gần đó chú ý và họ chạy đến giúp tôi. Rõ ràng người ấy định tự tử, và có lẽ người ấy biết bơi nên nghĩ ra cách treo vật nặng ở cổ để khi rơi xuống nước thì chắc chắn … chết! Tôi không bao giờ gặp lại người đàn ông ấy, mà nếu có gặp thì chưa chắc đã nhớ. Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi chỉ hành động theo quán tính. Điều tôi ưu tư sau này là việc làm của tôi hôm ấy: Ngăn cản không cho tự tử, giữ mạng sống cho người đó; hành động ấy của tôi là làm phúc hay kéo dài nỗi khổ, nếu có, của người ấy? Hành động của người ấy, buổi đó, rõ ràng là có chủ đích, có tính toán, không phải là một hành động bộc phát, nông nỗi. Theo các bạn, người ta có quyền được chết?
Khoảng sân trước nhà tôi khá rộng nên ba tôi trồng một cây lý, loại cây ăn quả có lá và hoa giống của cây mận nhưng cho trái tròn, màu vàng, đường kính khoảng 7 -8 phân, phần thịt mỏng khoảng 1 phân, vị ngọt thanh và rất thơm. Cây lý khá to, đã cho trái được 4 hay 5 mùa.
Tối hôm ấy tôi ngồi chấm bài ở phòng khách, đã gần 12 giờ khuya. Đột nhiên tôi nghe tiếng thở gấp, nhìn qua khoảng trống phía trên cửa sắt thấy nhánh cây trước sân lay động mạnh. Cứ nghĩ mấy chú nhỏ hàng xóm lợi dụng đêm tối leo lên cây hái trộm trái nên tôi mở cửa bước ra sân. Sự việc không như tôi nghĩ.
Một phụ nữ đẫy đà đang treo cổ, cơ thể đong đưa trên cành cây. Người ấy có lẽ đứng trên thùng xi măng bảo vệ đồng hồ nước đặt cạnh gốc cây, vói tay cột góc cái mền chỉ vòng qua cành cây rồi chui đầu vào vòng tự tử. Tôi mở thêm đèn trước sân cho sáng, gọi ba tôi xuống giúp. Hai cha con tôi loay hoay một lúc nhưng không gỡ người phụ nữ xuống được vì người ấy quá nặng (phải cỡ 70 hay 80 kg) làm cái vòng thít chặt quanh cổ tôi không tài nào tháo ra được. Đúng lúc ấy một phụ nữ cũng đẫy đà không kém xuất hiện. Tôi nhìn mặt nhận ra bà hàng xóm nhà cách đó không xa, đến lúc này tôi mới nhớ ra người treo cổ tự tử là cô con bà hàng xóm. Ba tôi nâng một chân, mẹ người tự tử nâng một chân, tôi đứng trên ghế mới tháo được cái vòng ra khỏi cổ đưa người tự tử xuống. Lúc đó lưỡi của cô đã lòi ra ngoài. Hôm sau nghe hàng xóm thuật lại tôi được biết cô ta tự tử do giận chồng. Vì trong nhà không có dây nên chờ đến đêm khuya cô lấy cái mền chỉ đi tự tử. Hành động lạ đó bị người mẹ phát hiện, bà ta lẳng lặng theo sau quan sát con gái, nhưng đi theo một lúc thấm mệt, bà phải đi chậm lại và lạc mất dấu con. Còn cây lý nhà tôi được cô chọn vì khắp xóm không có cây nào đủ to chịu được trọng lượng khủng của cô. Tôi nghe nói người phụ nữ đó từng đi bán bar, có một con lai và đang có chuyện hục hặc với người chồng hiện tại.
Vài năm sau tôi nghe tin người ấy cùng gia đình được xuất cảnh theo diện (có) con lai. Hình như cô ta có trở về Việt Nam thăm lại xóm cũ. Lần này tôi tin (99% thôi, vẫn còn 1% hoài nghi) mình đã làm được việc phúc, cứu được một công dân cho nước Mỹ.
Người ta vẫn nói, “Cuộc đời là truyện Tái Ông Thất Mã” hay, “Sông có khúc, người có lúc…”ra đường gặp những việc như vừa kể trên biết xử sự sao cho đúng, cho hợp tình, hợp lý? Có lẽ tạm thời tôi phải làm theo như cách nói của một triết gia: “Hãy làm phần việc của bạn, phần còn lại để … Thượng Đế lo.”
Sài Gòn xuân 2017
Nguyễn Hoàng Long
H1
H2: Trái lý
Người đâu mà phúc đức quá xá , đi đến đâu cũng gặp người “chán sống ” quấy rối !! Chắc duyên cơ gì đây !! Hihi Hoành Châu (Gia đình C )
Cứu đúng đặng phước.
Trưởng bối trong gia đình tui có lẽ cứu sai mà bị phạt nặng lắm. huhu
Hoàng Long có số cứu người chán sống.
Cô đồngý với câu nói dùng làm câu kết luận của em..
Ai đâu biết được chuyên ngày sau, dù là thầy bói giỏi như Hoàng Long mà vẫn còn tự hỏi.
_Cô ơi, đúng là duyên số. Sự việc xảy đến với em: Người cùng đi qua cầu nhoài người xuống sông nên em chạy đến giữ lại, người treo cổ trước nhà em thì em phải tìm cách gỡ xuống. Thế thôi. Em hy vọng Thượng Đế đứng về phe em.
_Hoành Châu ơi cũng có thể đó là “những con tương cận”. Lúc nhỏ học sinh vật mình thích nhất mục này.
_Anh Một Lúa. Hình như Thượng Đế đứng về phe em. Người mà em tin em đã làm đúng đã bị Thượng Đế bắt phải quay trở lại trình diện em. Hi hi.
Anh Hoàng Long có lòng trắc ẩn với đồng loại ,xem ra anh cũng có duyên với những không thích sống ,cũng may mắn nếu không gặp anh hai người ấy chắc đã thành cát bụi . Đúng là anh Long đã làm “phúc” .
Cô hàng xóm thân,
Những năm sau không biết 1975 ở VL mình thế nào chứ ở Q.8 thỉnh thoảng tôi lại nghe tin có “người nhảy cầu chữ Y”! Dạo đó sao nhiều người chán đời quá! Có lần tôi thấy một người dẫn xe lên cầu, đến khoảng giữa dốc cầu thì dừng lại, nhấc chiếc xe ném xuống sông, định leo qua thành cầu thì bị những người đi gần ngăn lại. Nghĩ cũng buồn cười, muốn đi gặp “bà thủy” mà con mang theo chiếc xe đạp. “Bà thủy” từ chối, không nhận cũng phải. Lá số tử vi của tôi “thân cư quan”, không biết về già còn có “duyên” gì?