Chuyện Gà Năm Cũ (6)

Ngày đăng: 7/02/2017 12:09:13 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

Trong bóng tối đến nỗi không thể nhìn rõ bề trắng đen của bàn tay đưa lên trước mặt. Vì vậy thằng Ba Chát chỉ thấy bóng của một cánh tay cầm kiếm đưa lên, in đậm hơn phần không gian mờ mờ phía sau của thằng Tư Chiếc. Mật hiệu của anh em tụi nó giao ước là đến lúc nó hét lệnh ra đòn tấn công chí mạng. Ba Chát không thể nhận ra tay kiếm của Tư Chiếc lắc lắc run run. Đối với thằng anh, chuyện như đêm nay không lạ gì trong cuộc sống gần mười năm giang hồ thảo khấu, thời bọn nó vẫy vùng hoạt động cả hai mặt thuỷ bộ trên địa bàn dọc theo gần suốt chiều dài hơn 80 cây số của kênh Vĩnh Tế. Một thời cướp bóc kinh hoàng cho những chiếc ghe thương hồ từ biển Hà Tiên đi tắt đường sông lên Nam-Vang. Cũng như những trận “ăn hàng” chớp nhoáng hộ dân cư khá giả trên những làng xóm sung túc chuyên canh ruộng đồng bao la mầu mỡ dọc 2 phía bờ sông.  Mấy năm nay, vì hai chánh quyền Việt Pháp càn quét triệt để các băng đảng cướp bóc bằng nhiều chiến thuật táo bạo và hiệu quả. Chính phủ thành công trong việc gài nội gián hoặc sử dụng từng nhóm mật thám bung ra tận sơn cùng, đồng vắng ráo riết truy tìm bắt ngụi tàn quân do đồng bọn khai ra. Nhóm gần 3 chục tay đao kiếm như Ba Chát bị giết và truy đuổi tan tác. Trận cuối cùng giũ sổ, thủ lãnh của nó bị thương, ông ta và vài thủ hạ trung thành tử thủ ở một ngôi nhà hoang để cản bước tiến của quan quân triều đình, giúp cho đàn em còn lại mở đường máu bỏ chạy thoát thân. Cũng lần đó, thủ lãnh tặng nó thanh kiếm mà thằng Tư Chiếc cầm trong tay đêm nay.

Đáng lẽ Ba Chát không đặt kế hoạch trả thù tàn bạo việc ông Chín Hựu giỡn hơi quá đà với thằng Tư Chiếc. Bởi nó biết, khi việc đổ ra lùm xùm thì có thể lộ manh mối quá khứ của nó. Nhưng theo lời kể cùa Tư Chiếc về các chi tiết câu chuyện, lòng thù hận của Ba Chát đè nén bấy lâu, bỗng dưng có dịp dâng tràn lai láng.  Nhất là nhắc đến chiếc đèn bánh ú thật ra làm bằng bạc, là vật trấn sơn rất quý và ít ỏi của một môn phái ở Miến Điện. Và sự nhận xét của thằng Tư Chiếc về giọng nói, dáng người, da sẫm, mái tóc quắn dợn. Thì nó tin chắc ông Chín Hựu đó là người Khmer-Krom, tiếng dùng để chỉ người Khmer sinh sống ở Việt Nam. Ba Chát cũng chẳng có lý do gì thù ghét hay kỳ thị người Khmer. Cho đến khi cách đó hơn ba năm,  nó nhận nhiệm vụ dẫn một hai em đi trinh sát một nhà giàu ở một “phoum” của người Khmer còn trong đất Việt Nam gần sát biên giới. Chưa kịp nắm các sinh hoạt gia trang đó, thì toán trinh sát bị chính ông chủ nhà giăng bẫy bắt gọn. Đêm đó ông chủ nhà cầm chiếc đèn bánh ú xuống kho lúa là nơi giam giữ ba đứa nó, Ba Chát để ý chiếc đèn bánh ú có những chi tiết giống hệt chiếc đèn mà Tư Chiếc từng thấy tại nhà ông Chín Hựu.

Ông chủ nhà người Khmer vùng biên giới Miên Việt đích thân xuống nơi giam giữ tìm hiểu mục đích ba đứa tụi nó dòm ngó nhà ông,  cả ba thằng nín thinh.  Nửa đêm đó, có mấy người có lẽ từ xa đến, họ hùm hổ mở cửa kho, dựng một thằng thuộc hạ Ba Chát đứng lên và trùm bao vải đen vào đầu, rồi dẫn đi mất.  Sáng hôm sau, có toán người khác dẫn 2 đứa còn lại  ra vườn sau dùng cực hình tra khảo. Thằng đàn em của Ba Chát yếu đòn, nó chịu không nổi sự tra tấn phải khai ra sào huyệt, cuối cùng đứa đó cũng bị dẫn đi.  Ba Chát có sức khoẻ rất tốt, dù cả người y bị đánh bầm dập máu me be bét mà y vẫn chịu nổi. Ba Chát giả bộ oằn oại sắp chết để tìm cách thoát thân, hắn biết tên chủ nhà giữ y lại như con tin trong tay. Thừa  lúc mấy tên thuộc hạ của đối phương mở dây cho y tiêu tiểu. Ba Chát tận sức tàn đá văng hai tên thủ hạ đối phương và chụp cây đòn tầm vông mà bọn kia dùng tra khảo để nện thằng sếp một cái tét đầu. Thằng kia trước khi xỉu, nó cố sức cầm cây đao vớt sau lưng Ba Chát một nhát gần thấu phổi. Ba Chát đuối sức nhưng cũng còn chút ít thì giờ để chất mấy cây đòn làm điểm tựa leo lên đầu tường trước khi đám gia nhân như bầy kiến từ nhà túa ra. Và cũng may là nó còn sức chạy băng qua một bãi cỏ  tranh đến khu rừng thưa, nơi tụi nó cột dấu ba con ngựa từ sáng hôm qua. Ba Chát chỉ còn đủ sức cầm dây cương leo lên ngồi trên yên ngựa và ôm chặc cổ nó, máu từ nhát chém tuôn chảy ròng ròng. May cho Ba Chát là con ngựa chạy nhanh vô hướng núi.

Tỉnh dậy vào một buổi trưa, Ba Chát ngỡ mình đã chết. Nhưng y còn cảm giác đau đớn cả người và thấy mình nằm trên ổ cỏ khô giữa kẹt đá cũng khá rộng, bên trên có những nhánh cây gát ngang dọc dùng che nắng. Nhìn những chiếc lá úa khô cong queo trên những nhánh cây, Ba Chát nghĩ rằng có người cứu và y mê mang lâu lắm. Chiều đó có một lão tiều phu lưng đeo gùi,  trong gùi có một chai sành chứa chén thuốc sắc còn âm ấm. Ông đó là người cứu Ba Chát ba ngày trước. Ông ta giới thiệu là một người sinh sống bằng nghề hái thuốc núi đem xuống các chợ bán mỗi tháng. Nhìn chai sành được quấn khăn kỹ lưỡng bên ngoài giữ ấm, Ba Chát không thể đoán ông nầy làm vậy cho dễ hay là muốn dấu mọi người thôn xóm ông. Nhưng Ba Chát không hề sợ, cho dù ông ta đi cáo quan để lãnh thưởng như việc thường có lâu nay. Ba Chát xin ông ta cho mình đi khỏi nơi đây. Ông ấy cười cười: “Chú em đứng dậy nổi thì cứ đi, tôi cũng không có quyền cản lại”. Từ lúc tỉnh lại, Ba Chát chỉ mong được đi ngay về báo tin thủ lãnh việc đàn em của nó đã khai rõ ràng sào huyệt với đám người trong phoum, cũng như không biết số phận 2 đứa đó ra sao.

Phải gần nửa tháng uống thuốc dưỡng thương, Ba Chát mới được ông lão hái thuốc giao lại con ngựa. Trên đường về gần tới căn cứ, Ba Chát ghé trạm liên lạc bí mật, hắn rất đau buồn khi nghe tin viên phó tướng là bạn đồng môn với thân phụ Ba Chát lúc hai người còn là thanh niên ở quê, chú ấy đã tử trận với một số anh em khi bị quân triều đình tấn công. Ba Chát tìm đường hội lại với thủ lãnh của nó và thuật đầu đuôi câu chuyện. Viên chủ tướng của Ba Chát là người lịch lãm giang hồ, ông ta cho Ba Chát  biết chiếc đèn bánh ú nặng gần kí lô bạc thiệt đó là tín vật của một môn phái lâu đời từ Miến Điện có rất đông môn sinh đồ đệ. Trong các cuộc chiến tranh dai dẳng với người Anh, môn phái nầy khi âm thầm, khi thì lộ mặt chống đối thẳng quân Anh. Vì vậy mà người Anh đàn áp môn phái của họ thẳng tay. Nhiều nhân vật cốt cán như 12 vị Chánh Sứ mỗi người chỉ được giữ một chiếc đèn bảo bối trấn sơn. Cũng nghe nói có vài vị Chánh Sứ tài đức cao thâm, khi đốt chiếc đèn bằng loại dầu bí truyền, sẽ giúp họ phát huy   năng lực thần giao cách cảm, hoặc là linh cảm những tai hoạ sắp xảy ra. Có một lần không biết sao, môt cây đèn của một Chánh Sứ lọt vào tay một vị lãnh binh. Môn phái của họ phải quyên cả trăm cây vàng để chuộc lại. Nghe nói cũng phải nhờ người của Toàn Quyền Pháp  đứng ra trung gian, giao dịch đó mới không đổ máu. Trong quá trình chống quân Anh xâm lược đất nước Miến Điện của họ, để tránh những cuộc truy bắt, có vài người Chánh Sứ phải tỵ nạn ở Cam-Bốt là nơi ngoài ảnh hưởng của người Anh. Chủ tướng dặn nhiều lần với Ba Chác,  môn phái đó là chính phái, họ không giết người bừa bãi. Hôm trước ông không biết mới đụng nhằm họ, tốt nhất là từ nay tránh đụng chạm. Bây giờ chúng ta dùng thì giờ để chiêu tập binh mã, tạm thời ngưng các vụ làm ăn hay gây thù chuốc oán.

Đó là lần nói chuyện cuối cùng với chủ tướng. Rồi ít lâu sau đó, viên chủ tướng mà Ba Chát xem như cha ruột cũng tử trận trong một cuộc bao vây khác. Từ ngày  đó, coi như băng đảng khét tiếng một thời trên vùng kênh Vĩnh Tế đã tự tan rả và nhân mã  mấy ngoe còn sót lại như Ba Chát mạnh ai nấy tự lo thân. Dù Ba Chát nhớ  lời khuyên của viên chủ tướng kêu đừng sinh sự với môn phái đó. Nhưng làm sao Ba Chát  có thể quên vết sẹo đường đao chí mạng còn trên lưng,  quên hai thằng em từng thề sống chết có nhau, quên người phó tướng, chủ tướng mà nó coi như cha, và những bạn bè đồng bọn đã chết oan vì sự sơ xuất của nó, giúp người của môn phái kia mới có cơ hội  hãm hại tan đàn tẻ nghé. Lòng nó vẫn âm ỉ ôm mối hận không nguôi.
Hai năm trước, vợ chồng Ba Chát lặng lẻ về cất nhà kế bên thằng em, cũng là nơi nó sống quãng đời thơ ấu với ba má và ông bà là những di dân vào nơi nầy mở đất. Lớn lên nghe ba má nói lại, những năm ông bà nội và ba má nó sống trên thuyền khi đến địa phương nầy  lúc má mới mang bầu đứa con đầu lòng. Thời phá hoang nê địa, những người tới đây trước lên bờ định cư từ đầu vàm và lần lượt  đi dần vào trong ngọn rạch. Ông bà nội tụi nó đến muộn màng, người vùng nầy cho biết đất có thể canh tác chỉ còn lại manh mún và đầy cây hoang dại hay gò nống khô hạn. Sở dĩ họ quyết định lên bờ cất nhà khởi nghiệp để cho con dâu và cháu nội sắp ra đời có nơi ăn chốn ở rộng rải đàng hoàng. Những năm đó, gia đình họ thiếu gạo ăn vì việc phá đất quá khó khăn chậm chạp.  Người chị lớn của Ba Chát chẳng may thọ bệnh qua đời lúc nó là thằng em kế còn đỏ hỏn trên tay. Thời đó vùng sông rạch Bằng Tăng mọc đầy loại cây Vừng cây Chiếc. Nhiều người không biết tên của chúng, nhưng họ biết lá non của chúng dùng chấm nước cá kho, khiến bữa cơm dễ ăn và ngon hơn. Ba má của thằng Ba thích cái chất chua chua chát chát trong lá non một loại cây mọc đầy mé sông ẩm ướt và trong vườn tược khô ráo, nên thuận miệng gọi gọi là con Hai Chua, thằng Ba Chát. Bốn năm sau thì thằng Tư ra đời, lúc đó ông bà biết loại cây sinh ra lá non chua chát là cây Chiếc, lịch sử việc đặt tên ba đứa con là Hai Chua,  Ba Chát và Tư Chiếc đơn giản như vậy.

Sau trận bị lão Chín đùa giỡn, mới đầu bà chị dâu cứ khích bác hoài, Tư Chiếc có hơi thù ghét, nó cũng định tìm cách trả thù. Nhưng thấy việc làm của ông Chín không cố tình gây nguy hại. Nó bị vợ đánh là do con vợ hồ đồ, chứ có thể lão Chín không muốn  cho nó ăn đòn. Với lại nó cũng ngán võ công của lão Chín và lời thề độc bỏ nghề ăn trộm và quên chuyện trả thù. Tư Chiếc cũng định khi nào Ba Chát về nhà, nhờ thằng anh tìm  cho nó một chỗ đi làm mướn kiếm gạo về nuôi vợ con. Chứ đất ruộng nhà nó gò cao, năm nào nước lên không tới thì coi như thất trắng. Đến khi thằng anh về chưa kịp mừng, mà anh chị của nó cứ câu mâu hỏi tới lui vặn vẹo mãi, mới bùng nổ cuộc trả thù quá lớn. Máu bồng bột thanh niên của nó cuốn theo chiều gió chứ không một thắc mắc. Tự nhiên đêm nay, trong không khí lành lạnh hồi hộp. Mục đích trả thù của thằng Tư Chiếc cũng thăng giảm đột ngột. Nhưng anh nó từng nói, phóng lao thì phải dứt khoát theo lao. Dần dừ là điều đại kỵ nhất trong binh nghiệp. Vì vậy nó không  một chút lưỡng lự đưa cao thanh kiếm ra hiệu đã sẵn sàng chờ nghe tiếng xung phong. Ngọn kiếm của nó có rung rung là do sự tập luyện chưa thuần thục. Điều mà ba nó cứ rầy hoài khi ông ta còn sống. Nó nhớ tới giá trị hàng trăm lượng vàng của cây đèn bằng bạc của ông Chín, thằng Tư Chiếc mạnh dạn hẵn lên.

Trở lại ông Chín Hựu trong  buổi sáng sớm theo dõi thằng Tư Chiếc đến tận nhà. Lúc thấy vợ Tư Chiếc đánh thằng chồng bị thất thế nằm ngửa trên sân chòi chòi hai chân, ông bất nhẫn, nhưng  không tiện ra mặt can ngăn. Đến khi thấy chi dâu Tư Chiếc có vẻ hung hăng, ông lẵng lặng rút êm xuống xuồng, theo con nước vừa đứng ròng bơi về nhà. Ông cũng định ít bữa đến nói chuyện cầu hoà với tụi nó trước khi thằng anh Ba Chát nào đó về tời. Lận bận chưa kịp đi thì có người rước ông đi xem gà xổ tuyển chân ở Hàng Me. Về nhà chưa kịp ấm lò ông Táo thì được mời đi Vĩnh Xuân có nhiều độ lớn, nghe nói có quan Tây ở Trà Ôn đến chơi, nên ông thấy đôi chút phấn khởi đi liền. Ông về đến nhà cả tuần nay, người không khoẻ vì chứng cảm ho, sổ mũi. Mấy ngày nay, ông lội bộ hai lần đến nhà một thầy lang ở căp theo sông lớn để ông ấy xem mạch hốt thuốc, mỗi lần xem mạch ông mang về 3 thang thuốc bắc.

Hôm trước, mấy tay phú hộ vùng Trà Mẹt kết ông quá chừng. Trước khi ghe hầu của ông Chủ Năm đưa ông Chín về nhà, họ rủ ông nán lại chơi với họ chơi ít bữa hay bao lâu cũng được, rồi chính họ sẽ đưa ông về Tam Bình cho biết nơi ông ở.

Hôm đó nếu ông Chín chịu ở lại chơi rồi về muộn, thì đâu trúng dịp thằng Ba Chát chỉ nghỉ có ba ngày để đi ăn giỗ. Thì đâu gặp cảnh ngộ thê thảm trong đêm nay.

(Còn tiếp)

Một Lúa

0 nha 1H

Có 9 bình luận về Chuyện Gà Năm Cũ (6)

  1. Phan Lương nói:

    ,Anh Lúa kể chuyện nọ xọ chuyện kia làm em càng hồi hộp thêm không hà

    Em muốn biết ông chín Hựu ra sao rùi ?

    Thôi ! Chắc là cái thân đang bệnh hoạn của ông bị tan xác dưới hai đường kiếm của Ba Chát và Tư Chiếc rùi còn gì

    Không có sức khỏe làm sao mà đánh lại tụi hung hăng đó

    Hu hu

  2. NHA nói:

    “Thì đâu gặp cảnh ngộ thê thảm trong đêm nay”? Thê thảm cho ai? Không phải thê thảm cho ông Chín. Ông Chín phải còn sống để câu chuyện có thể được viết tiếp tục.

  3. Phan Lương nói:

    À nhớ rùi

    Ông Cố Sáu vừa cứu kịp ông Chín Hựu đó mà .Câu chuyện ông Chín Hựu đang kể lại

    Vậy chắc là “Ba Chát thấy bóng của một cánh tay cầm kiếm đưa lên , trong cái không gian mờ mờ ảo ảo phía sau của thằng Tư Chiếc”

    Như vậy cánh tay cầm kiếm đó của ông Chín Hựu rùi…..như vậy có nghĩa là đường kiếm chí mạng đó rơi xuống  Tư Chiếc rùi

    Ôi tội nghiệp thay !

    ( phải dị hong anh Lúa ? )

    • Một Lúa nói:

      Bạn trẻ Phan Lương ơi,

      Ông cố nào mà đi đêm hôm nơi vùng thưa thớt vắng người người đó. Vả lại, ông cố không biết võ công. Đã kêu hỏi bạn ở Bằng Tăng rùi mà.

  4. Phạm Thị Trí nói:

    Các bạn ơi, bắt chước tôi nè, từ từ mà đọc câu chuyện của Một Luá. Bây giờ là mùa đông, Một Luá quởn lắm, sẽ có thì giờ kể chuyện dài hơn. Phải không Lúa ?

  5. Một Lúa nói:

    Cô Trí kính mến,

    Tâm sự với cô như tình thầy trò thời @ cô nhé

    Trong bài con gà số 2, cô Hồng Khanh còm-men biểu em viết tới số 10 và đừng ngưng ngang khi chưa kết thúc.  Em biết cô ấy nói chơi vì có lần em đã “nhảy khỏi bồ” mà không tiện nói lý do.  Và em không dễ hờn mát hay tự suy nghĩ bá vơ nhỏ mọn (hihi) về những phê bình xây dựng như vậy.

    Riêng câu chuyện gà nầy, gốc tích xưa, thông tin nghèo nàn, bản thân tay trắng.   Mỗi bài đá trên 1500 chữ, thiệt là em cán mỏng chuyện ra như cái gì không thể mỏng hơn.  Em cố gắng không trong hoang tưởng thách đố, chỉ thử thách bản thân còn viết nổi hay không. còn làm một cái gì hay không. Bài nầy chỉ thuần giải trí, chuyện quấy quá ở một vùng quê thời mà người ta đi cấy dưới ruộng, trên bờ ông cọp ngồi ngáp rùi, khỉ ăn cắp nồi cơm đem tuốt ngọn bần la chí choé!

    Gà trống nòi là những chiến binh tự tin và cô độc, chúng sinh ra là để chiến đấu. Còn con người thì nhát hơn. Riêng em thì nhát hơn cái mức nhát mà coi được!

    Vui thôi nhé cô. Ông Sãi cho đăng còm-men nầy, nghĩa là ộng nhận ít nhất 1/2 trách nhiệm. hihihi

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác