TẢN MẠN VỀ MÙA XUÂN Ở ĐỨC QUỐC

Ngày đăng: 18/01/2017 10:47:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Sau ba tháng đông lạnh lẽo, buốt giá, vạn vật dường như trở mình để đón những tia nắng ấm đầu tiên. Năm nào cũng vậy, thường vào ngày 23-1 nàng xuân nhẹ nhàng bước đến, khởi đầu khoảng thời gian đẹp nhất trong năm tại nước Đức.

Cũng có năm xuân đã sang mà tuyết vẫn còn phủ trên đám cỏ bên vệ đường, trên lùm cây trong công viên, nhưng nếu nhìn kỹ, đã thấy những nụ hoa nhè nhẹ chồi lên trên mặt tuyết, những nụ hoa Krokus (crocus) đầu tiên, sứ giả của mùa xuân. Nhìn những đoá hoa mỏng manh, ẻo lả đủ màu , không ai có thể tưởng tượng được là những củ hoa đã đầm mình trong đất lạnh, giá băng, chịu đựng một mùa đông khắc nghiệt để rồi chỉ một hơi xuân thoảng qua là có đủ sức mạnh để khoe mình. Thấy đám hoa Krokus nở rộ muôn màu vàng, trắng, tím, hồng, xanh, người vô tình nhất cũng biết là mùa xuân đã đến.

0 duc x 1Hình 1 : hoa crocus

Ngày xưa còn bé khi sống ở miền Bắc cũng có bốn mùa nhưng với lứa tuổi lên năm, lên sáu làm sao có thể cảm nhận được sự đổi thay huyền diệu của đất trời. Chỉ biết là mùa hè nóng nực nên ba mẹ cho mặc quần áo mỏng, nhẹ. Mùa đông trở lạnh nên được mặc áo dạ, áo bông. Thu đến được ăn hồng trứng đỏ, ngọt lịm cùng với cốm xanh thơm ngát. Xuân về được theo bác vào vườn để mua cành đào cắm Tết. Lớn hơn chút nữa, vì thời cuộc nên cả gia đình vào Nam sinh sống, mưa nắng hai mùa, thời tiết giản dị, đôn hậu, chẳng khác gì tâm tính của con người miền này. Mùa nắng lúc nào cũng phải đội nón để tránh những tia sáng mặt trời chói chang làm đen thẫm làn da, mùa mưa thì chiếc áo mưa luôn sẵn sàng bên mình để có thể đương đầu với những trận mưa tầm tả đổ xuống bất ngờ. Chỉ khi nào phượng vĩ nở đầy và tiếng ve kêu rộn rã, lúc đó mới biết là mùa hè đã đến…

Sự đời biến đổi, thêm lần nữa phải xa quê hương. Thời gian sống ở nước ngoài dài hơn khoảng đời đã trải qua nơi quê nhà. Ở miền hàn đới mới cảm nhận được tất cả sự chuyển mình huyền diệu của đất trời qua bốn mùa, mới biết thế nào là ngày ngắn đêm dài của mùa đông và ngày dài đêm ngắn của mùa hè, mới biết thế nào là giao mùa khi đông tàn, xuân đến.

Từ đông sang xuân, vạn vật đổi thay sau một giấc ngủ dài, sự sôn sao của đất trời cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi trong cơ thể con người nên mọi người đều cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp để thích ứng với nhịp điệu mùa xuân. Cũng vì thế ở Đức không ai lấy làm lạ khi đề cập đến chuyện “Frühjahrmüdigkeit”, chuyện uể oải, mệt mỏi khi mùa xuân vừa đến. Dù trong người không được khoẻ, các bà nội trợ người Đức vẫn bắt tay vào việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để đón xuân về. Nhà nhà đều thực hiện việc “Frühjahrputz” , đặc biệt các cửa kính được chùi rửa láng bóng, trong suốt, để tiếp nhận những tia nắng đầu xuân, lung linh chiếu rọi vào nhà, mang theo hơi ấm cũng như niềm vui đến cho mọi người.

Ngoài trời, trong vườn, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, hoa nở khắp nơi. Hoa nào cũng đẹp nhưng tôi  thích nhìn ngắm một loại hoa thường được trồng thành luống bên ven đường, hoặc được trồng trong những hộp gỗ lớn, hoa nhỏ đủ màu, đủ sắc, cánh hoa xanh lơ, cam, vàng, trắng, tím, phần trong của cánh mầu đen sẫm như nhung. Mỗi lần gió xuân thổi qua, hoa lay nhẹ như những cánh bướm đang bay chập chờn. Đẹp làm sao và cũng dễ trồng làm sao vì không cần phải nâng niu, chăm sóc gì nhiều, thế mà ngày xưa ở Việt Nam có mấy ai được nhận một đoá hoa tươi, hoa Pensee (Pansy), hoa nhớ nhung, đoá hoa để các cô, các cậu tuổi mới lớn tỏ lộ tình yêu một cách kín đáo qua những tấm thiệp ép hoa khô. Thơ mộng như thế đấy mà người Đức nỡ lòng nào đặt cho hoa một cái tên thật là kinh khủng, “Stiefmütterchen”, “bà mẹ ghẻ bé bỏng”, cũng may còn có chữ “bé bỏng” đi kèm để làm giảm đi một phần nặng nề của tên hoa.

0 duc x 2Tháng tư là tháng đầu xuân, ở đây người ta ví thời tiết tháng này như tính tình của một cô gái đẹp, kênh kiệu, lúc vui, lúc buồn bất chợt nên không ai biết được mưa nắng, ấm lạnh sẽ xảy ra như thế nào. Tháng tư cũng là tháng của lễ Phục Sinh (mừng Chúa sống lại), người Đức ăn mừng lễ này cũng không kém gì lễ Giáng Sinh vì đây là một trong những lễ đạo quan trọng nhất trong năm. Vào dịp này hoa Thuỷ Tiên nở rộ khắp nơi, những bông hoa màu vàng rượm hoặc trắng tinh khiết với cánh hoa xoè và đài hoa có hình giống như một cái chuông trông rất dễ thương, cũng vì vậy mà ở đây người ta gọi hoa này là “Osternglöckchen” (hoa chuông phục sinh nhỏ bé), hoa có tên La Tinh là Narcissus, tên Anh là Daffodil.

0 duc x 3Mỗi năm khi thấy hoa Thuỷ Tiên, tôi  lại nhớ đến bài thơ “The Daffodils” của thi hào William Wordsworth mà tôi đã phải học thuộc lòng trong giờ Anh văn năm Đệ tam.

   I wandered lonely as a cloud,

                     That floats on high o’er vales and hills,

                     And all at once, I saw a crowd,

                     A host of golden daffoldils…

Tạm dịch

  Cô đơn nhẹ tựa mây trời,

                Nổi trôi xuống thấp, lên đồi phất phơ,

                Chợt dưng ẩn hiện bất ngờ,

                Thuỷ tiên thắm đượm vàng mơ ngập lòng…

Tháng tư trôi qua, tháng năm lại đến, tháng năm ở đây là “Wonnemonat” chứ không phải “tháng năm chưa nằm đã sáng” ở Việt Nam. Wonne có nghĩa là tuyệt diệu, là hạnh phúc, là vui sướng vẹn toàn, Monat là tháng, mà thật vậy, tháng năm là cao điểm của mùa xuân, lúc mà đất trời cũng như cây cỏ giao hoà, thời tiết ôn hoà, trời xanh , mây trắng, phong cảnh hữu tình, là khoảng thời gian thuận tiện nhất và đẹp nhất cho các du khách tới viếng thăm Âu Châu.

0 duc x 4Mùa xuân dù có đẹp đến đâu cũng không thể kéo dài quá ba tháng nên tháng sáu là tháng giao hoà giữa xuân và hạ. Các loại hoa không còn nhiều như trước để nhường chỗ cho lá xanh, cành thắm, nhìn kỹ hơn một chút, người ta thấy những quả non đã bắt đầu tượng hình, để rồi qua nắng ấm của ba tháng hè, sang thu sẽ được gặt hái hoặc thu hoạch.

Ai cũng ca tụng mùa xuân, ai cũng phải công nhận mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, nhưng mùa xuân với phấn hoa, phấn cỏ đã làm biết bao người đau khổ vì dị ứng. Nhẹ thì nước mắt, nước mũi tuôn trào, ngứa ngáy, khó chịu. Nặng thì nghẹt thở, lên cơn suyễn, có khi nguy hiểm đến tính mạng nếu không chữa kịp. Thế mới biết ở đời tất cả mọi việc đều có hai mặt kể cả mùa xuân tươi đẹp của chúng ta.

Bài viết :  Lê-Thân Hồng-Khanh

Hình : nguồn Net

Có 5 bình luận về TẢN MẠN VỀ MÙA XUÂN Ở ĐỨC QUỐC

  1. Phan Lương nói:

    Xuân về  Đất Mẹ rộp sắc hoa

    Gởi nhớ về Co , Chúc cả nhà

    Hạnh phúc , An khang và Tài Lộc

    Riêng Cô trẻ mãi nét mặn mà

    …vậy nhe cô kính thương

     

  2. Nếu có tiền em sẽ mua vé phi cơ đi đến nước Đức thăm Cô vào tháng năm. Nhất định.

  3. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Bài viết của Cô rất thú vị. Cho người đọc cảm nhận được sự biến đổi về khí hậu, vạn vật qua các mùa, đặc biệt là mùa xuân với nhiều loài hoa rất đẹp. Em thích nhất là hình ảnh “những nụ hoa Krokus nhè nhẹ trồi lên mặt tuyết…” đó Cô!

    Em kính chúc Thầy Cô một mùa xuân của quê hương mình thật an lành, hạnh phúc…

  4. Võ Thị Lài nói:

    Cô kính yêu ! Bài viết của Cô  đọc rất thích,chúng em cảm nhận được hết thời tiết của nước ĐỨC xa xôi . XUÂN,HẠ,THU,ĐÔNG ,mỗi mùa có nét đẹp riêng của nó thích thật. Loài hoa Krokus thật là kỳ diệu từ dưới tuyết lạnh mà vẩn nẩy mầm vươn lên rất đ ẹp . Cám ơn Cô đã cho chúng em cùng tản mạn mùa Xuân ở  Đức .Kính chúc Cô cùng gia đình nhiều sức khỏe , an khang thịnh vượng .

  5. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý ,
    Bài Cô viết hay ,vui dựa theo tư liệu đầy đủ , chính xác  với hình ảnh được trình bày đẹp. Cô ơi , ngày xưa em cũng có cả chục” bà Mẹ ghẻ bé bỏng ”   món quà từ các bạn Đại Chủng Viện VL lên Đà Lạt học ở  Giáo Hoàng học   viện dòng  Thánh  Pio X  đó Cô ! Chúc Cô Thầy   và đặc biệt là  BÀ vui Tết cổ truyền đáng nhớ  và ấm áp   trên xứ người .( dù lạnh khô da !! Hihi )

    Em Hoành Châu (Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác