Chuyện Gà Năm Cũ
Trong gần ba thập kỷ cuối của thế kỷ 18. Miền nam lúc đó là chiếc nôi của quân đội Nguyễn Ánh, nơi diễn ra những trận chiến long trời, những cuộc hành quân trảm tướng đoạt thành và tái chiếm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ giữa hai lực lượng nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Trong thời gian hành binh, quân đội của Nguyễn Ánh khuyến khích dân chúng di dân về phương nam nối theo bước chân nam tiến từ thời chúa Nguyễn Hoàng, nhân vật từng là thủ lãnh Đàng Trong. Mục đích của Nguyễn Ánh là mở rộng hậu cần lương thực và xây dựng nguồn cung cấp nhân lực cho cuộc chinh chiến dài lâu với Tây Sơn lúc đó đã kiểm soát đất đai Đàng Ngoài. Sau cái chết đột ngột của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vào năm 1792, phe Tây Sơn chia rẽ dẫn đến suy yếu và bị Nguyễn Ánh tiêu diệt và gồm thâu giang san từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, nắm về một mối.
Chính sách Nam tiến khẩn hoang lập ấp dưới sự khuyến khích của quân đội Nguyễn Ánh từ những năm còn tranh phân vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả. Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long, kế sách di dân được vua Gia Long và các đời vua con kế nhiệm nâng lên hàng quốc sách để phát triển kinh tế và mở mang bờ cõi.
Trong khối người ồ ạt di dân về phương nam, dòng họ của chúng tôi có những tương truyền và sau nầy nối liền các điểm định cư trên nhiều địa phương, có thể hình dung gia phả của các nhánh dòng tộc một cách khái quát: Có 3 nhóm họ lớn là họ Lưu, Nguyễn và Phan, chưa rõ xuất xứ từ địa phương nào ở miền ngoài, cũng không rõ bắt đầu từ lúc nào. Sau hành trình xuôi nam bằng thuyền buồm ven theo bờ biển. Chỗ họ quyết định đổ bộ định cư tại địa phương Ba Tri, Bến Tre. Theo thời gian, có một số ít tẻ dần ra và đi ngược dòng Hàm Luông, họ theo các sông nhỏ xuyên ngang Mỏ Cày để trổ qua phía sông Cổ Chiên. Ngược một khoảng rồi băng ngang dòng Cổ Chiên để vào miệng vàm Cái Nhum của đầu con sông Mang Thít. Họ men theo dòng chảy hiền hoà Mang Thít và lên những vùng đất cây trái ruộng nương tươi tốt dọc hai bên bờ để lập gia đình. Bắt đầu cơ nghiệp từ vàm Cái Nhum, con cháu dần dần toả rộng về phía Tam Bình và Trà Ôn.
Một trong những con cháu của di dân, có gia đình ông Phan Văn Chất đến lập nghiệp tại Cái Cá (xã Xuân Hiệp, Trà Ôn). Chẳng may, người vợ qua đời bỏ lại thế gian người chồng và năm đứa con trai nhỏ. Ông Chất tục huyền với một người chưa chồng ở tại địa phương. Vào một buổi sáng, người đàn bà vùng quê nầy chọn một con gà mập mạp thật ngon để làm thịt nấu cháo. Lúc mặt trời sắp lên ngay đỉnh đầu, bà dọn sẵn mâm cơm như thường ngày chờ năm chú học trò tan lớp học của một ông thầy đồ trong thôn. Năm anh em vui vẻ tung tăng trên đường về nhà. Nhưng hôm đó có việc lý thú, tại một khoảng sân trống cạnh lối đi, một nhóm người đang tổ chức đá gà. Như ngày thường thì họ không dám ghé, vì nếu la cà ham chơi về trể, năm anh em nầy sẽ bị người cha nghiêm khắc bắt quỳ gối và có thể cho nhịn luôn bữa ăn trưa. Nhưng ba hôm nay, ông Chất qua làng bên để trị bệnh cho một phú hộ và nhắn tin có thể còn ở lại 10 ngày hay nửa tháng. Người anh cả nhìn mấy em như ngầm hội ý, rồi không thể cưỡng lại, năm anh em chen vào vòng người say mê vây quanh 2 con gà đang hăng tiết đá nhau rèn rẹt. Họ xem thêm một độ gà nửa thì mặt trời nghiêng xế, người anh kêu mấy em mình ra về.
Bữa ăn trưa hôm đó đặc biệt hơn ngày thường của người kế mẫu đãi năm đứa con chồng, bà dọn mâm gà xé phay và nồi cháo nóng thơm phức trên bàn. Bà vừa bỏ đi đâu đó, thế nên không cản được người em mà bà nhờ đứa cháu đi vô xóm trong kêu anh ta phải ra nhà bà có việc cần trong buổi chiều hôm đó. Đứa cháu có nhiệm vụ đi được nửa đường thì gặp người nó cần nhắn tin, ổng cũng đang mang càng tôm đi ra xóm ngoài. Ông em ruột ghé nhà bà chị và thấy mâm bàn ngon lành, ngỡ rằng bà chị đãi mình. Anh ta bước ra sau kêu lớn mấy tiếng mà không ai trả lời, anh cũng biết ông anh rể đi qua làng bên mấy ngày trước chưa về. Anh ta trở vào nhà mở lồng bàn và tự nhiên ngồi chén một phần mâm cổ. Anh ta vừa no bụng thì hộc máu gục chết tại bàn, nhanh đến nỗi anh ta không có thì giờ kêu la hay hiểu được nguyên do. Hàng xóm phát hiện tá hoạ và la làng rùm beng trước khi các cậu học trò vì mê đá gà mà về nhà trể.
Tin dữ đồn tới làng kế bên ngay chiều hôm đó. Ông Chất vội vả về nhà và hiểu ngay chuyện gì, bởi ông là người tinh thông y học. Điều nầy con cháu suy đoán do căn cứ vào những sách y lý nguyên bản bằng chử Hán còn giữ lại đến trước năm 1975, đặc biệt là có nhiều quyển chuyên về phụ sản và nhi khoa, là hai chuyên khoa của giới cung đình. Từ việc tinh thông Hán ngữ và y học, có thể nghĩ rằng chính ông Phan Văn Chất hay trong dòng họ Phan đã có người từng làm ngự y hoặc là được chân truyền của một ngự y lưu lạc bôn đào. Cũng có nghi vấn là bà kế mẫu kia lấy trộm thuốc kịch độc do chính ông Chất bào chế hoặc do những đời sư phụ trước kia lưu truyền lại cho ông.
Tất cả đều không lạ, vì người Trung Hoa đã biết chiết suất thạch tín (Asen) từ thiên nhiên hơn hai ngàn năm trước. Họ kiểm soát liều lượng chất nầy để trị bệnh. Và họ cũng biết mức độ đậm đặc và kết hợp với chất khác để trở nên cực mạnh trong mục đích đầu độc thầm lén, thí tử công khai, là chuyện thanh toán rất thường xảy ra chốn thâm cung bí sử của các triều đại phong kiến. Không riêng ở Trung quốc, bên Âu châu vẫn còn nhiều nghi án đầu độc bằng thạch tín. Trong những truyền thuyết từ vài trăm năm đổ lại, nghi vấn đầu độc bằng Asen vẫn chưa được sáng tỏ trong cái chết của Napoleon đại đế, lúc ông bị cầm tù ở đảo Saint Helena thuộc Anh quốc vào các thập năm đầu thế kỷ 19.
Sau sự việc chết người kinh khủng, ông Chất hiểu ra người vợ ghép nối sanh dạ ác độc và tự biết mình thân cô thế yếu. Ông lén trốn người đàn bà đó, dắt dìu năm đứa con xuống ghe theo dòng Mang Thít đến Mỹ Thạnh Trung, tổng Bình Phú (Tam Bình), địa phương cách Cái Cá khoảng 10 cây số. Nhắc lại để nhớ, đoạn sông Mang Thít cũ chảy ngang Mỹ Thạnh Trung bị mất tên khi người Pháp dùng xáng sửa thẳng dòng chảy, họ đào sông trên đất nạc từ Thầy Hạnh nối tới Chợ Cũ ngang qua Tam Bình. Do đó mà đoạn sông thiên nhiên có hình vòng cung hiện nay từ khoảng chùa Phước Linh (đối diện chợ Ba Kè) chảy ngang cầu Võ Tấn Đức (Mỹ Thạnh Trung + Thị Trấn) trổ ra Cầu Hàn bị giảm dòng chảy, khiến khúc sông có một thời huy hoàng trở nên hẹp và cạn dần trong quên lãng.
Khoảng thời gian ông Chất chân ướt chân ráo từ dưới ghe bước lên đất địa xã Mỹ Thạnh Trung, nơi đó đã có người đến khai hoang. Ông Chất có sẵn vốn liếng và biết tính toán, ông Chất làm lụng siêng năng và nuôi dạy những đứa con dần dần trưởng thành, họ cất nhà chung quanh vùng chợ Xã bây giờ. Theo năm tháng, họ phá hoang phát triển ruộng nương bung rộng ra xa. Một mũi về hướng Bằng Tăng, một mũi từ phía Cái Sơn loang ra. Ông Chất lần lượt phân chia tài sản ruộng nương đất thuộc đã thành khoảnh cho những người con lớn. Và ông sống đến cuối đời với người con trai út tại ngôi nhà đầu tiên của ông. Đặc biệt là phần mộ của ông chôn trệt trên đất, vòng thành không lớn lắm chung quanh được xây tường gạch cao khỏi đầu theo mô hình ngủ giác.
(Còn tiếp)
Một Lúa
Một Lúa lại xuất hiện trên trang nhà sau một thời gian dài vắng bóng để luyện bút. Hy vọng Một Lúa lần này sẽ cho bạn đọc thưởng thức một bài viết thật hay, thật dài, thật lôi cuốn, đượm màu dân dã miền Nam từ đoạn đầu cho đến khi kết thúc
Chào cô Hồng Khanh,
Dạ, tuy hết thép, chỉ còn cố gắng, cô ơi!
Hay quá anh Một Lúa ơi
Đang chờ anh kể tiếp.
Dà, cảm ơn chị Hạnh!
Chuyện rất hấp dẩn người xem, em cũng như chị Hạnh đang chờ xem tiếp đoạn kế tiếp.
Đang sửa bài cho suôn. Tui đọc của tui còn ko nổi. hihihi
Hi hi
Những địa danh mà anh kể đều rất gần gủi với em đấy
Hãy mau mau viết tiếp để em biết mộ ông Chất định vị ở đâu nha
Chuyện rất rất là hấp dẫn nha
Khu mộ ông bà chỗ phía sau trạm xăng dầu và cạnh đường xi-măng vô Mỹ Trung 2
Bài viết hay, cô đang chờ đọc tiếp..Vui xuân nhớ đừng quên …viết tiếp nghe em Một Lúa.
Dạ vâng, thưa cô.
Cô nói, em mới nhớ một thời vừa đi làm vừa ghi nốt truyện ngắn lên bất cứ vật gì rõ chữ (không phải trên da cau và cũng không dám hihi)
Anh em tụi mình “gặp” nhau –chỗ khác– hoài … hén Một Lúa, chào nhẹ ở đây nh ư thế thôi nha.
Dạ, hy vọng sẽ có dịp chào cái cốp với sư huynh với lời hô: Dô 51 phần chăm! hihi