XỨ MUỐI ..MÙA MƯA.
Mùa mưa ở xứ muối buồn tênh! Cả một cánh đồng mêng mông nhạt nhòa trong nước , ngay khu rừng đước phòng hộ phía sau cánh đồng cũng đầy vẻ cam chịu, im lìm dưới nền trời xám xịt. Trước kia ở xứ này có đến hàng ngàn hộ gia đình làm muối, nhưng vài năm nay số hộ còn theo nghề muối cứ teo tóp dần vì người ta chuyển diện tích đất sang nuôi tôm công nghiệp . Nghề làm muối một nghề rất cũ, người ta hay dùng mỹ từ là nghề truyền thống, nhưng để gữi gìn và đeo bám với nghề, diên dân phải trả một cái giá không hề nhẹ. Để có được những hạt muối trắng phau dâng tặng vị mặn cho đời, người làm nghề phải trải qua rất nhiều công đoạn nhọc nhằn mà đa phần đều dùng bằng cơ bắp; Nào là phơi sân, lăn nền, đưa nước biển vào từng khuôn rồi sau đó lại phải lắng, phải chắt cho nước bốc hơi mới thành hạt. Nhọc nhằn là vậy nhưng ở xứ muối rất hiếm người làm giàu bằng nghề muối, có chăng nó cũng chỉ mang lại sự no đủ tối thiếu mà thôi. Tuy nhiên sự no đủ của đời diên dân cũng giống như con nước lớn nước dòng vậy. Vụ muối vừa rồi do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài nên sản lượng muối của từng hộ tăng gần gấp đôi so với các năm trước, đổi lại giá qúa thấp chỉ dăm ngàn bạc một giạ, kết quả có thêm nhiều muối cũng như không.Có lẽ do thu nhập bấp bênh ,công việc lại phụ thuộc vào thời tiết nên ở xứ muối thường có chung một thực trạng, cứ sa cơn mưa, từng hộ tự phân công nhau, người ở nhà trông nhà gữi trẻ , người phải lên thành phố lớn đi làm thuê, hoặc buôn thúng bán bưng kiếm thêm thu nhập. Khi mùa khô nắng tới họ lại lũ lượt kéo nhau trở về, tiếp tục công việc trên cánh đồng bỏ hoang thành đồng muối. Người dân xứ muối dù đi đến đâu cũng rất dễ nhận biết, bỡi làn da cháy nắng thấm sâu vào từng thớ thịt.Anh Năm một diêm dân cựu trào của xứ muối và cũng là bạn của người viết thường nói:- Nghề muối bây giờ ráng làm vậy thôi chứ hổng ăn thua gì, khéo vun vén lắm cũng chỉ đủ ăn đủ mặc là cùng. Anh kể hôm tuần trước vừa bán 20 tấn muối, trừ tiền công thuê gánh chỉ còn trên mươi triệu bạc. Tính toán các khoản : gạo, dầu,mắm,cá..cho từng ngày từng tháng, biết hụt nên gia đình không dám mua sắm thứ gì chỉ mua cặp vịt về nấu cháo ăn liên hoan như một cách mừng vụ muối “được mùa”.Sực nhớ đã đến mùa tựu trường, hỏi anh lo chuyện học hành của đám nhỏ xong chưa? Anh lặng thinh nhìn xéo về phía chòi muối, tôi biết anh đang tâm tư lắm. Nhà anh có ba đứa con, đứa lớn năm nay vào lớp chín, đứa giữa lớp sáu, còn đứa út thì mới lớp hai..chỉ tính tiền quần áo, sách vở, vài khoản đóng góp cũng mất đứt dăm triệu, vậy là số muối còn lại trong chòi chắc vơi đi phân nửa. Ở xứ muối bây giờ đã có nhiều đổi thay, hệ thống đường,điện,trường,trạm khá hoàn chỉnh, nhà nào cũng có điện, có ti vi, xe gắn máy. Đa số các hộ bây giờ đều là nhà tường, sân nhà lót gạch hoặc tráng xi măng chứ không còn nền đất vách lá như xưa. Còn đường, nhiều nơi đường nhựa đã tới chân những cánh đồng. Tuy nhiên những biểu hiện về vật chất nói trên nó chỉ phản ánh đúng một điều về những điều kiện cần phải có của người nông dân,diêm dân thời hiện đại chứ chưa thể nói rằng họ đã thoát nghèo.
Với khách phương xa về xứ muối mùa mưa,nhất là nghỉ lại qua đêm,lắng nghe những tiếng côn trùng rên rĩ thường hay có cảm giác buồn hoài niệm. Nhưng ở đây người ta cũng biết giải thoát hoàn cảnh bằng nhiều cách khác nhau, đàn ông có khi tụ tập ,khề khà với nhau bằng xị đế, đám trẻ đã có 3G thi nhau chát chít, còn các chị các bà lại dán mắt vào màn ảnh nhỏ xem phim nhiều tập. Tôi biết rất nhiều người trong số họ bộc lộ sự khát khao cuộc đời mình được như trong phim ảnh, mong hình hài của mình cũng trắng trẻo,mượt mà như các diễn viên Hàn Quốc! Ừ thực tê chưa thể thì ta vẫn có quyền mơ ước chứ , mơ ước những điều tốt đẹp cho ngày mai sáng sủa.
Giữa đêm theo chân anh Năm ra đồng muối soi ếch nhái và bắt ba khía. Ở xứ muối người ta vẫn thường có thói quen tự kiếm thức thức ăn cho ngày sau thay vì sáng vác tiền đi chợ. Mùa mưa đường đi trên đồng muối trơn trượt, đã vậy muỗi,bù mắt cứ bu bám từng đàn vào người châm chít đến khó chịu. Vừa bắt được con ba khía anh Năm đã nói:- Tôi cũng đã mấy lần tính bỏ nghề muối , nhưng nghĩ lại mình học hành không tới đâu, nghề khác thì không biết, vốn cũng chẳng có… đành chịu và bám nghề thôi. Bây giờ chỉ mong sao kiếm đủ ăn ngày hai bữa, nuôi đám nhỏ học hết lớp chín trường làng, sau đó đứa nào muốn ở quê làm muối thì làm còn không thì đi làm công nhân cho mấy khu công nghiệp.
Ứơc mơ của những người diêm dân như anh thật bé mỏng và xót xa như muối, vậy mà không phải lúc nào cũng được toại nguyện.
bài và ảnh Phan Tấn Hà.
Cám ơn một bài viết thật hay, văn từ nhẹ nhàng mà thấm đẫm tình người lan qua tình muối. Có phải vùng nầy ở Bạc liêu, một trong những vùng làm muối ở V.N ngày trước ?
Vùng đất này là xứ muối Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre chị Pham Thị Trí…cám ơn đã đọc và gửi lời khen yêu thương.
Đọc bài viết hay XỨ MUỐI ,,,MÙA MƯA của Phan Tấn Hà , Hoành Châu nghe lòng buồn làm sao ! Nghề làm muối cần lao động mưu sinh vất vả thế mà các diêm dân vẫn còn nhiều điều lo toan khổ sở trong đời sống thường ngày thậm chí còn ,,,toan bỏ nghề ” truyền thống ” để tìm việc khác ,,,,Nghĩ lại , bất kỳ món ăn nào mà không có muối sẽ vô vị , lạt lẽo biết chừng nào ! Thử nghĩ cuộc đời này mà không có muối ta sẽ sống ra sao ? Muối cần cho y học ,,, sát trùng , xây xát, sưng , viêm ,,,sao người ta không tăng giá muối ? Ngâm ngùi khi nghe câu hát ,,,”Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng , gian khổ sẽ về phần ai ??,,,
Hoành Châu (Gia đình C )
Cám ơn đã đọc bài viết của Hà, xin ghi nhận và tri ân những lời khen của Hoàng Châu..với tôi đây là nguồn động viên vô cùng to lớn. Rất cám ơn.
Tác giả phải tốn nồi chè để đổi tên Hoành Châu đấy nhé ! Chúc vui để sáng tác ! Hoành Châu (Gia đình C )
Đọc bài “Xứ Muối .. Mùa Mưa của Tấn Hà nghe lòng nao nao buồn buồn thương cho cuộc đời lao đao lận đận của những người sinh sống bằng nghề làm muối.Một nghề truyền thống nhưng rất vất vả cực khổ,như chị Hoành Châu nói rất đúng muối rất cần cho sự sống con người,nhưng nghề lam muối không giúp cho người sản xuất ra nó thoát nghèo. Rất cám ơn Tấn Hà đã cho thưởng thức bài viêt rất cảm động.
Rất cám ơn chị Võ Thị Lài đã đọc và chia sẻ..vâng mùa mưa ở xứ muối buồn và tâm tư lắm chị ạ…
Xứ Muối … Mùa Mưa. Ngay từ tựa đề, bài viết đã nói lên một nghịch cảnh. Trong cuộc sống chúng ta thích ngọt, thích thơm, thích những gì hào nhoáng nhưng chúng ta lại cần muối, mỗi ngày cơ thể ta cần thu nạp một lượng muối nhất định, thiếu lâu ngày không được. Bài viết cho biết hạt muối làm ra không dễ, nghề làm muối mang lại thu nhập thấp nên đời sống diêm dân rất khó khăn. Theo chỗ tôi biết khó khăn của diêm dân còn do nguyên nhân ở vùng làm muối vật dụng kim loại, xe, máy, nhà cửa hư mục rất lẹ. Thậm chí tường xây cũng chóng sập, tay, chân lỡ đứt cũng lâu lành! Hy vọng xã hội nhanh chóng có những chính sách giúp nâng cao giá trị ngành sản xuất muối. Trong lúc đó xin mọi người, nếu:
Tay nâng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng có quên.
Cám ơn Tác Giả bài viết về một mảnh khuất của xã hội. Chào.
Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Long đã đọc và cảm thông sâu lắng với những mảnh khuất cuộc đời…đọc stt của anh tự nhiên nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Duy:
Đầu làng ông lão dắt trâu
là con ông cụ ngày xưa đi cày.
xin chúc anh và gia đình mùa giang sinh an lành và nhiều tình thương yêu.
Bài viết thật hay của tác giả Phan Tấn Hà, đã nói lên nỗi nhọc nhằn, cơ cực của người làm muối, một món không thể thiếu được trong từng bữa ăn. Vậy mà họ vẫn không thể thoát nghèo, lại càng khổ hơn trong mùa mưa lũ. Ôi! Nghe mà xót xa vô cùng…
Rất cám ơn My Nguyên, với tôi những lời khen nói trên chính là món quà đẹp nhất mùa giáng sinh.
YDT cám ơn anh Phan Tấn Hà cho đọc bài viết về đời sống của những người làm muối và cho xem những hình ảnh chính tay tác giả chụp. Trước năm 70 YDT có đi Nha Trang, trên đường đi ngang qua các ruộng muối, lúc đó YDT không biết về đời sống khổ cực của người người làm nghề nầy! Đọc bài viết mà rưng rưng vì xót xa cho người dân xứ muối của quê hương mình.