VỀ THĂM ĐẤT MŨI
Chúng tôi, đoàn Cựu giáo chức tỉnh Vĩnh Long gồm có 45 người, tổ chức chuyến tham quan Đất Mũi Cà Mau. Một chuyến đi đã được chuẩn bị trước mấy tuần với sự nô nức và đầy hứa hẹn của những người cao tuổi.
Khởi hành tại Sở Giáo Dục Vĩnh Long, lúc 21 giờ đêm 2/12, chúng tôi đến thị trấn Năm Căn lúc 4 giờ sáng. Đây là một huyện ở phía nam của tỉnh Cà Mau, có vị trí địa lý khá lý tưởng, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Sau khi nghỉ ăn sáng, đoàn chúng tôi chia thành ba nhóm, đi trên ba chiếc xe 16 chỗ ngồi để ra Đất Mũi, trên một đoạn đường dài 55 Km. Đường ra Đất Mũi nhỏ hẹp, có nơi rất nhỏ và gồ ghề, xe không di chuyển nhanh được. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt, có rất nhiều cây đước, rễ đâm tua tủa như dang tay giữ đất màu cho vùng đất cực nam của Tổ quốc. Đất Mũi là một xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Có diện tích 93,34 km2; mật độ dân số đạt 165 người/km2. Tại đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú. Có các công trình đặc biệt như Cột mốc tọa độ Quốc gia, biểu tượng hình chiếc thuyền buồm, đánh dấu vị trí địa lý quan trọng của tỉnh Cà Mau. Chúng tôi phải đi bộ non 1 km mới tới được cột mốc và biểu tượng này.
Trong đoàn Cựu giáo chức, đa số là những người mới đến Đất Mũi lần đầu. Một cảm giác bâng khuâng khó tả, vừa lạ lẫm vừa thấy thân quen.
Chúng tôi bồi hồi đặt chân lên vùng đất cuối cùng của đất nước mà từ lâu chỉ thấy được trên bản đồ, hình ảnh. Giữa trời nước mênh mông, chợt nghe lòng mình dâng lên nhiều cảm xúc, tâm hồn phơi phới làm sao!
Lần đầu đến Mũi Cà Mau
Quê hương ta đó dạt dào yêu thương!
Sáng ngày 4/12, chúng tôi đến địa điểm tham quan tiếp theo là Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 50 km. Đoàn lại chia ra đi xe nhỏ vì đường có nơi rất hẹp, có những cây cầu xe phải qua từng chiếc một. Hòn Đá Bạc là một cụm hòn lớn nhỏ nằm liền kề nhau với diện tích khoảng 6,43 ha. Hòn lớn nhất chỉ cao khoảng 50 m so với mực nước biển. Hòn Đá Bạc còn đậm nét hoang sơ với vô số những viên đá granit xếp chồng lên nhau thành những hình thù hết sức độc đáo như: sân tiên, giếng nước tiên, bàn tay tiên…Đặc biệt ở đây còn có cả một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với những mảng rừng nguyên sinh quý hiếm. Đây là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho riêng tỉnh Cà Mau. Nơi đây đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, cắm trại.
Buổi trưa trên đường về, chúng tôi đến viếng nhà thờ Tắc Sậy. Nhà thờ này nằm cuối tỉnh Bạc Liêu, giáp tỉnh Cà Mau. Là một nhà thờ có khuôn viên rộng lớn với cụm kiến trúc rất uy nghi, đường bệ. Đó cũng là nơi an nghỉ của linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897-1946), thường gọi là Cha Diệp. Đây là một vị linh mục nổi tiếng, được xem là linh thiêng cho những ai tin tưởng nguyện cầu. Đây cũng là một địa điểm hành hương hàng năm của tín đồ và du khách trong và ngoài nước.
Rời nhà thờ Cha Diệp, đoàn chúng tôi đến thăm nhà công tử Bạc Liêu.Vị công tử này có tên thật là Trần Trinh Huy (1900-1973), còn gọi là Ba Huy hay hội đồng Ba. Là một công tử ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam trong những năm 1930-1940. Ông được xếp hàng đầu trong các công tử Bạc Liêu thời ấy. Chính vì vậy, “công tử Bạc Liêu” đã trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp(!)
Nhà công tử Bạc Liêu hiện nay là một cụm dinh thự đã được trùng tu nhưng còn giữ lại lối kiến trúc xưa và nhiều đồ cổ quý hiếm. Nơi đây đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Điểm cuối cùng chúng tôi đến ở Bạc Liêu là “Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ – nhạc sĩ Cao Văn Lầu”. Khu lưu niệm này tọa lạc tại phường 2, thành phố Bạc Liêu, đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Tỉnh năm 1997. Đó là một công trình kiến trúc công phu, nhiều hạng mục…nhằm tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Là niềm tự hào của Bạc Liêu, một trong những chiếc nôi đã hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.
Về đến Sóc Trăng thì trời đã chập choạng tối, chúng tôi tranh thủ ghé cơ sở bánh Pía Tân Huê Viên, một cơ sở rất khang trang và rộng lớn với nhiều sản phẩm được bán trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Sau cùng là một bữa ăn tối với bún mắm Sóc Trăng, hương vị đặc trưng đậm đà, ngon tuyệt!
Qua hai ngày tham quan khá vất vả nhưng thật vui và đầy ấn tượng. Dù trong đoàn ai cũng cao tuổi nhưng không hề nghe một lời than vản, những tiếng cười đùa vẫn giòn tan, ánh mắt vẫn rạng ngời, hứa hẹn những ngày vui sắp tới…
Ghi nhận,
Bài và ảnh:My Nguyễn
05/12/2016
H1: Đoàn CGC Vĩnh Long tham quan Đất MũiH2: Đường bộ ra Mũi Cà MauH3: Cột mốc tọa độ Quốc GiaH4: Biểu tượng Đất Mũi Cà MauH5: Cảnh biển Hòn Đá BạcH6: Di tích Hòn Đá BạcH7: Trên Hòn Đá BạcH8: Nhà thờ Cha Trương Bửu DiệpH9: Đường lên nhà thờH10: Trước cổng nhà công tử Bạc LiêuH11: Bên trong nhà công tử Bạc LiêuH12: Khuôn viên khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn LầuH13: Trên tượng đài khu lưu niệmH14: Trước tượng đài khu lưu niệm
My Nguyễn ui! một chuyến du lịch thật thú vị, đọc bài cùng hình ảnh mà mình vẫn thưởng thức được cái đẹp của quê hương.
Chị Phi Rom ui! Tối hôm đó ghé Sóc Trăng, ăn bún mắm mà nhớ có lần chị đã giới thiệu món ăn này trên Bếp ấm. Người ta nấu đủ gia vị như chị nói, có cả ngãi bún nữa chị à! Một đặc sản của ST, ăn rồi nhớ mãi.
Cảm ơn chị đã đăng bài viết của MN sớm để giới thiệu với bạn đọc trang nhà.
Đọc bài em kể chuyện một chuyến đi về Đất Mũi Cà Mau, theo ngòi bút và hình ảnh em ghi lại, cô có cãm tưởng được đồng hành cùng em trong chuyến đi nầy, để thăm một phần đất quê hương, một nơi cô chưa hề đặt bước chân đến..Cám ơn em My Nguyên.
Cô ơi! Bài viết của em cũng nhằm mục đích chia sẻ với quý thầy cô, quý anh chị và các bạn trang nhà những nơi mới lạ, những cảnh đẹp của quê mình mà chưa một lần mình đặt chân đến, như Cô đã nói. Em rất cảm ơn những cảm nhận của Cô về bài viết này. Kính chúc Thầy Cô luôn khỏe.
Sáng hôm đó, tôi có điện thoại nói với My Nguyễn 30 phút nữa sẽ tới cột mốc tọa độ và mượn My Nguyễn 200.000 đồng vì lỡ tiêu hết tiền. Đến nơi, gọi điện thì bạn “đồng môn” nói là đã ra xe về Cà Mau, Báo hại hôm đó nhịn đói bữa trưa. Buồn thiệt.
Đúng là hôm đó anh LM có gọi cho MN hai lần. Một lần ở Năm Căn, một lần khi ra Đất Mũi. Nhưng tiếc là đoàn của MN đi xe, đoàn của anh LM lại đi tàu, còn “ngao du sơn thủy” thì làm sao “hẹn hò” được. Thật là tiếc! Phải chi gặp được đoàn của Hội Quán Văn, cùng chụp một bức ảnh nơi Đất Mũi với các nhà văn, nhà thơ mà MN hằng ngưỡng mộ… Thì còn gì bằng!
Còn chuyện mượn tiền, anh LM khéo đùa cho vui chứ đi với đoàn thì làm sao đói được. Mà nghĩ cũng lạ, đã mấy lần MN nghe anh LM than đói mà sao bụng vẫn…bự?! Hi hi…
Nếu bạn đọc được phép gởi hình kẻm theo với nội dung phản hổi (như SOS đã làm hôm nay ở đây) thì hay biết mấy.
Hình như được rồi đó. LM cũng tình cờ mới phát hiện thôi. Thực hành thử đi huynh.( Nhớ lấy hình size nhỏ)
Hướng dẩn cho bà con đi, từng bước từng bước.
Anh đã tìm cách mà không ra.
Ở phía trái có ô thư viện, bấm vào đó và tiếp tục. Xong bấm phản hồi như cũ
Phan Lương ui! Cảm ơn em đã xem bài viết và có lời khen. Tranh thủ một chuyến du lịch Đất Mũi đi em. Thú vị lắm em à!
Đúng là người có số cả, hậu vận tốt, ở tuổi khuyến mãi MY tranh thủ đi chơi không mỏi mệt, thấy mà thèm đến đất mũi quá My ơi.
Chị Hoa ui! Mình không còn trẻ nữa, cứ tranh thủ đi chơi khi còn đi được chị à! Ráng sắp xếp nha, em luôn ủng hộ chị đó!
Bài hay , ảnh đẹp , Cảm ơn My Nguyên nhé ! ( Hoành Châu (Gia đình C )
Cảm ơn chị Hoành Châu thật nhiều. Chúc chị luôn vui khỏe.
Xem hình ảnh nghe cô giáo My Nguyễn kể ,mình cũng như đã Về Thăm Đất Mũi cùng các anh chị. Một chuyến du lịch rất lý thú ,người cùng cảnh rất đẹp.
Cảm ơn bạn Lài đã xem bài viết và cùng đồng hành với mình nhé!
Đất nước VN từ Nam quan đến mũi Cà Mau, nơi nào cũng có những cảnh đẹp, đáng xem. Cám ơn My Nguyên đã viết bài kèm theo hình ảnh về mũi Cà Mau để những người xa quê như chúng tôi có dịp được biết rõ hơn về đất nước, nơi mà chúng tôi hằng canh cánh trong lòng nhưng vẫn còn phải làm kẻ tha phương ngoài ý muốn.
Cô ơi! Đúng là đất nước mình từ Bắc vô Nam, có rất nhiều cảnh đẹp. Vì vậy, em đi nơi nào thấy lạ và đẹp thì muốn giới thiệu lên trang nhà để cùng nhau chia sẻ đó Cô.
Em xin cảm ơn Cô đã đọc bài viết này với nhiều cảm xúc. Kính chúc Thầy Cô luôn khỏe.
Hình 3 cho thấy mốc tọa độ quốc gia ở mũi Cà Mau đã được 2 nữ… tướng (dáng người, ý là tôi nói 2 nữ nhân) trấn & giữ (bằng tay). Tôi hoàn toàn yên tâm.
Cảm ơn anh đã yên tâm. Nhưng chúng tôi không dám làm nữ tướng đâu anh Hoàng Long ạ!
Mỗi miền đất nước có cái đẹp đặc thù riêng .Trước đây tác gỉa My Nguyễn đã giới thiệu với chúng ta về chuyến đi Đà Nẳng với bài viết khá hấp dẫn được minh họa bằng nhiều hình ảnh phong phú . Lần nầy qua chuyến về Cà Mau ta lại thích thú theo chân tác giả MN đi thăm vùng đất cực Nam của Tổ Quốc . Bài viết của tác giả đã giúp ta biết thêm những điều cần biết với cảnh vật , con người ta chưa từng khám phá dù có khi ở cạnh bên ta. Bài viết hay, hình ảnh đẹp . Xin cảm ơn tác giả.
Như đã nói ở trên, MN lúc nào cũng muốn chia sẻ với quý thầy cô và các bạn trang nhà những cảnh đẹp và những điều mới lạ của đất nước mình. Đôi khi nó ở cạnh bên ta mà ta chưa có dịp khám phá, như anh đã nói. Rất vui khi được anh xem bài viết, hình ảnh và có nhận xét tốt, chẳng những cho bài viết này mà cả cho loạt bài đi Đà Nẵng nữa.
Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn vui khỏe.
“Tool Bar” trong khung dành cho phản hồi có tổng cộng 13 ô:
– ô thứ nhất: Đậm
-ô thứ hai: Nghiêng
-ô thứ ba: Gạch chân
……….
-ô thứ mười ba: Toàn màn hình.
Tuyệt nhiên không thấy ô nào là thư viện.