NHỮNG CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ

Ngày đăng: 11/11/2016 05:49:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Mùa thu năm Mậu Thân 1968 , tôi rời gia đình để trọ học ở Vĩnh Long . Xóm tôi trọ học có tên ” Xóm Kho Dầu cũ ” . Thoạt nghe, tôi cứ tưởng ở đây có một kho dầu cũ mèm, buị  bám nhện giăng , nhưng không như tôi tưởng , kho dầu rất mới ( có lẽ nó có trước kho dầu ở trên gần Cầu Lầu nên người ta gọi là kho dầu cũ chăng .)

Kho dầu thiết kế hiện đại , qua tường cao , song sắt và lưới sắt to có thể nhìn thấy bên trong nhiều đường ống , nhiều bồn dầu to lớn , có cả hệ thống tưới nước làm mát khi trời nắng gắt . Ở đây còn có cả khu văn phòng làm việc nằm ở sát cánh trái , sơn màu xanh nhạt rất khang trang .

Nằm sát cạnh kho dầu bên phía trái tính từ Vĩnh Long xuống là nhà của Thủ tướng Trần Văn Hương ( lúc này ông làm Thủ tướng lần thứ 2 ) . Nhà vách cây lợp ngói như các nhà bình thường khác . Nhà cụ cách rời kho dầu bằng con đường tráng xi măng . Mỗi chiều muốn tắm giặt tôi phải từ trong hẻm ở ngang kho dầu cũ đi bộ qua đầu đường xi măng để xuống bến sông . Diện tích của kho dầu khá rộng , chiều dài kho dầu kéo dài theo đường Văn Thánh khá xa. Nhà tôi ở trọ trong con hẻm nhỏ nằm đối diện với cổng kho dầu  , Do đó mỗi thứ hai từ nhà đi xe đò lên nhà trọ , tôi phải xuống xe trước hoặc sau khi xe đã chạy qua khỏi kho dầu , đằng nào tôi cũng phải đi bộ một khúc đường mới vào nhà . Thời chiến tranh , bảng cấm báo hiệu ở các cơ quan vô cùng có hiệu lực.

Ợ tại nhà trọ xóm kho dầu này suốt 7 năm học nên có những chuyện vui , buồn xảy ra trong thời gian ấy đã ghi đậm nét trong tôi . Nhiều lúc nhớ lại tôi cừ tưởng chuyện vừa mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Nhớ lại những tháng ngày đầu tiên trọ học, chiều nào tôi cũng tranh thủ ăn cơm sớm để ra phía trước hẻm nhà đứng cạnh dưới gốc cây sao to, nhìn anh chị và các bạn đi học về. Vui lắm , Vĩnh Long ngày ấy đâu có mấy con đường dẫn ra ngoaị ô . Tan trường , anh chị, bạn bè, lũ lượt kéo nhau về trắng cả đường Văn Thánh . Con đường như nhỏ hẹp lại ….Xe lam chạy trước chở đầy học sinh  lạch tạch phun khói , sau đó là xe đạp của các chị lăn bánh khoan thai , đẹp vô cùng với các chị áo dài nón lá đi bộ , thỉnh thoảng một chiếc hon đa từ sau trờ lên vút qua như muốn gấp rút rời khỏi đàn bướm trắng đẹp đẽ nầy . Các chị , các bạn đằm thắm cười vui chuyện trò hòa cùng tiếng nhịp guốc gỗ gõ trên đường rất vui tai …   Đường tan trường trước nhà tôi ở cũng đẹp như những con đường  có học sinh tan trường khác . Hồi ấy chưa có người nghĩ ra khẩu hiệu :” Mỗi ngày đến trường là một niềm vui ..” mà chỉ có thi sĩ Phạm Thiên Thư bắt gặp nét yêu kiều của cô Hoàng Thị Ngọ

Nhà tôi trọ học nằm trong hẻm vắng , phía trước đầu hẻm là nhà quàn của nghĩa địa người Hoa được thiết kế rộng lớn ở cuối hẻm phía sau vườn . Mỗi khi có đám tang cả xóm rộn rịp , xe cộ đậu đầy cả khúc đường trước Kho Dầu cũ . Người ta đặt quan tài người chết ở nhà quàn để cúng tế trước khi đưa ra huyệt mộ . Trống chiêng , kèn , nhạc , đội đạo tỳ, Tề thiên , ông địa mỗi bộ phận làm một việc, đám tang rôm rã, trộn đầy màu sắc có cả vui buồn . Khi tế lễ xong , người ta chặt thịt heo quay ra ( có khi cả 4 con heo để ở 4 góc ) phân phát cho người tham gia đưa đám . Buồn bã , mệt mõi nên chẳng mấy người ăn, lực lượng ” dùng tự nhiên, dùng nhiệt tình “là các vị đạo tỳ và trẻ con trong xóm . Người có trách nhiệm chặt thịt ra nhiều phần lớn ” có phần cả nữa ký lô ” phân phát cho trẻ con ăn với bánh mì, bánh bò. Bọn trẻ ngồm ngoàm đứng ăn tại chỗ, tiếp tục  coi Tề thiên và Nhơn Quan múa lửa, đánh võ linh đình . Trong nhà tôi ở lúc đấy có cu cậu con chủ nhà chừng 7-8 tuổi , không đám nào vắng mặt cu ta , ước ao lớn lên nhanh để làm đạo tỳ ! Hỏi lý do cu cậu trả lời tỉnh bơ-để ăn thịt heo quay cho sướng

Nghĩa địa ở phía trong rộng lớn lắm . Ngang chùa Pháp Hải cách đó chừng 300 mét cũng cò một nghĩa địa người Hoa khác( họ khác ) , phía trước hẻm cũng có nhà quán . Đi vào bên trong thì 2 nghĩa địa chỗ hẻm tôi ở với nghĩa địa nầy giáp liền nhau .

Ở nhà , lúc nhỏ khi còn học học tiểu học , khi đi vào chỗ vắng một mình , đi đường ban đêm vắng người tôi không bao giờ dám . Nhưng từ khi lên đây trọ học ở gần sát nghĩa địa, nhìn các lễ tế ở nhá quàn sát bên vách nhà tôi thấy tự nhiên dạn dĩ ra . Có những trưa hè nóng bức , tôi ôm tập vở ra nghĩa địa ngồi một mình học bài dưới bóng cây ,thay cho bàn ghế là những ngôi mộ đá mài bóng loáng . Có lúc mãi mê học bài , làm bài quên chiều đã về , ngước mắt nhìn lên muốn quên mình là đang ở đâu  . Nhà tôi trọ học là gia đình tản cư từ quê Xuân Hiệp lên đây , ở tạm nên cất nhà cũng tạm . Lúc đầu gia đình đông đúc , dần dần sinh kế người trong nhà đi vắng nhiều, tôi chiếm ngụ một mình trên căn gác gỗ , dưới nhà cũng chỉ có ít người   .

Một đêm kia tôi giựt mình thức dậy vì có tiếng la thất thanh ở phía dưới nhà : Ma ! Trời ơi ma !   Trời ơi ma ! Cả nhà thức dậy đốt đèn lên ( Nhà không dùng điện ) thấy chú bé con ông chủ nhà  run rẩy khóc , ( cu cậu nầy tôi đã giới thiệu ở phần trên , thích làm đạo tỳ để ăn heo quay ). Chú ta kể : thấy có cái mặt xanh lè, cặp mắt đỏ tươi , cái lưỡi vàng khè dài thượt , răng nanh trắng hếu. thò đầu ở ngoài cửa sổ vào liếm nồi cơm . À ra vậy, người trong nhà chợt hiểu , Chú bé nầy có cái tật cố hữu là thích ngậm cơm nguội trong miệng suốt ngày kể cả trong miệng cả lúc đi học, đi chơi và đi ngủ. Mọi người cấm tuyệt , nhưng thói xấu nầy cu cậu không bỏ được … Thức giấc nữa đêm hết cơm trong miệng , cu cậu lén đi lục nồi và thấy ma …

Có thật là ma hay không ? Vốn không nhát gan nhưng qua sự cố nầy tôi bắt đầu ớn ớn lúc đêm về khi nhớ lại nồi cơm để ngay dưới thang gác của tôi cạnh cửa sổ chỉ có chấn song , ngay bên cửa ra vào tôi đi vệ sinh hằng đêm . Báo hại cả tháng sau, ngày nào đi học về tôi cũng tìm vài vỏ  lon bia, nước ngọt đem lên gác phòng thân .

Vì là nhà cất tạm nên chỗ tôi trọ không xài điện ,không có nước máy và không có nhà cầu . Mỗi ngày khi tắm táp vệ sinh cũng gặp nhiều khó khăn . Tắm giặt tôi phải đi xa nhà , xuống bến nước trước nhà cụ Hương .Nước sông Long Hồ thường trong vắt ( chỉ trừ lúc nước miệt trên đổ về đục và đỏ ngầu ) nhưng rất dơ. Nước lớn là lúc mọi người cùng xuống đây tắm giặt, có lúc đang tắm phải cùng chạy lên bờ vì rác rưởi trôi đến ngập cả khúc sông ( rác từ chợ Vĩnh Long trơi dạt vào ). Nước đứng ròng thì vệ sinh càng tệ hơn , cây cầu vệ sinh bốn chỗ bắc sát chỗ tắm giặt chừng 4-5 mét thường xuyên “có khách ” trong đó ) Tuy lúc nầy bến nước dơ như vậy nhưng còn đỡ hơn những năm sau . Sau khi làm phó Tổng thống , nhà cụ Hương sửa sang lên lầu , bến nước nhà cụ đã có rào biệt lập , dọc theo hông nhà cụ có tường xi măng cao hơn khỏi đầu . Từ đây người dân của xóm chỉ còn , tắm giặt, vệ sinh trên một diện tích bến sông vô cùng khiêm tốn

Nếu đi vệ sinh ban ngày thì rất bất tiện , các tàu chở dầu cập bến thường xuyên .Tàu to và dài khu sinh hoạt gia đình của mỗi tàu tập trung phần sau lái , phần nầy thường cập vào cầu vệ sinh (có khi sát rạt , chẳng ai dám xuống đi cầu ) vậy thì làm sao ?! Vậy thì đi ban đêm . Nhưng đêm thì cũng có trở ngại ban đêm . Phải biết tranh thủ thời gian , vì vợ lính bảo vệ kho dầu và bà con lao động xung quanh đông lắm . Đêm đến :” quý bà” thường tập trung xem truyền hình say mê . Lúc ấy là thời gian lý tưởng nhất để bạn ” muốn làm gì thì làm ”    .Truyền hình thuở ấy ít đài ( Sài Gòn , Cần Thơ) chương trình bị cắt khúc nhiều lần , chừng 30 phút lại có tuyên truyền tin tức dài lê thê . Muốn đi vệ sinh không bị quấy rầy phải lựa vào giờ phút chương trình lâm ly bi đát , nếu trờ qua lúc tin tức thời sự thì ôi thôi các bà kéo xuống các ô cầu rần rần , tranh nhau trước sau vì sợ mất chương trình đang xem , người lỡ đi trong cầu thiếu điều bỏ chạy …

Ở ngang kho dầu nhiều năm nên tôi quen tai với tiếng kẻn rao đổi trực , kiểm tra trực . Sếp ở đây là ông Trung Sĩ nhất người Miên ( hồi ấy không gọi khơ me ) cao tuổi , thường say xỉn . Có lẽ mọi chuyện ông đều giao lại cho ông Trung Sĩ sếp phó . Trưa trưa thường thấy ông quần áo chỉnh tề ,ngực đeo lủng lẳng nhiều huy chương xanh đỏ , chân nam đá chân chiêu mặt đỏ phừng phừng ra quán nước ngồi, tay chống cằm, mắt nhắm nghiền rồi dựa vào vách quán ngủ. Có người quen nhắc khéo ông , lay mạnh: Về tắm ăn cơm Trung Sĩ ơi tối rồi . Ông chợt tỉnh cười hì hì . Có lẽ ông đi lính lâu năm rồi lên lão làng .

Người có trách nhiệm kiểm tra đội lính trực bằng tiếng kẻng không hẹn giờ. triệu lệnh tùy hứng của sếp , ai trực ở vọng gác nào đó lơ lãng ngũ gật lập lại tiếng kẻng không đúng coi như bị kỷ luật đổi ra chiến trường , thương vong chết chóc . Nhớ lại tiếng kẻng rao canh  nhất là ban đêm đã quên tai, sau giải phóng đến vài năm nửa đêm thứ giấc đôi khi tôi mường tượng tiếng kẻng còn vẳng bên tai mình .

Năm 1970 , vào một đêm mưa to , có lẽ là đêm chủ nhật , tôi đã về nhà . Toán Nhân dân Tự vệ canh gác ở tụ sở ấp ( Long An,- Long Hồ ) bị lực lượng vũ trang cách mạng  tấn công nhiều người bị thương vong , không khí xóm ấp lúc nầy hết sức căng thẳng nặng nề . (trụ sở dưới đền thờ Phan Thanh Giản không xa – tính từ chùa Pháp Hải trở xuống Cua Long Hồ đến cầu Ông Me thuộc ấp Long An – Long Hồ) Tay trưởng ấp đằng đằng sát khí dẫn lính lùng sục bắt bớ , bố ráp các gia đình bị tình nghi . Tôi ở trọ nhưng không có tên trong gia đình suýt bị bắt .Tôi phải hứa nhanh chóng ” chuyển hộ khẩu  về nhà trọ ngay . Tay trưởng ấp hậm hực . Đây là trưởng ấp mà người dân trong khu vực rất sợ . Mặt mày bậm trợn  râu rìa bụng phệ luôn mặc aó đen đội nón rộng vành , đeo súng xề xệ bên hông miệng lúc nào cũng la hét …Ông chủ nhà tôi trọ phải làm tờ cam kết bảo lãnh  tôi vào gia đình  với nhiều điều kiện . Tôi nhớ điều kiện đầu tiên là không được lợi dụng học sinh để làm chính trị, không liên hệ với cộng sản nằm vùng ,..Tờ cam kết làm xong , tôi mang đến trụ sở ấp . Trưởng ấp vẫn chưa vừa ý( ông đâu có thể chấp nhận suôn sẻ như vậy được !) Bảo tôi về để ông nghiên cứu thêm .

Biết gặp khó , tôi về nhà tâm sự với ba . Ông cười : – Ối ! tưởng gì . cái thằng L đó nó là cháu kêu bà nội bằng bà , kêu ba bằng cậu . Hồi nhỏ nó chèo ghe mướn cho ông nội đi bán hàng  . Ông nội thương , giúp nó đủ thừ , nuôi nó trong nhà . Lớn lên nó đi Việt cộng sau ra hồi chánh . Đi qua xóm nó ở , ba thấy nó chẳng biết nó làm chức gì . Mai lên nói với nó như vậy ,như vậy …coi nó tính sao ? Không được thì ba lên !

Hôm sau đi học về tôi đạp xe xuống  gặp “Anh Truởng ấp ” , nói lại những gì ba tôi đã dặn . Anh ta cười xởi lở mời tôi hút thuốc ( tôi không biết) mời ra quán cóc uống chai xá xị con cọp ( tôi uống hết ) Thế là coi như xong chuyện giấy tờ ….Phải như bây giờ chắc tôi sẽ học cách nói kiểu con ông lớn

– Anh có biết tôi là con của ai không ?!

( Còn tiếp )

NGUYỄN GƯƠNG

0-xom-tro-2H

Có 11 bình luận về NHỮNG CHUYỆN VUI BUỒN Ở XÓM TRỌ

  1. VõThịLài nói:

    Nguyễn Gương thân mến,đọc bài viết của bạn tôi thấy lại hình ảnh ngày xưa,những gì bạn kể rất thực . Vì tôi cũng từng trải nghiệm qua.sau năm 68 tôi ở trọ phía chợ Cầu Lầu đi vào con đường { bây giờ là đường Lò Rèn } tới hẻm bên trái quẹo vô cái hẻm mà có nhà Thầy Ba Trứng Ngõng thời ấy chắc bạn có nghe danh ông Thầy Ba nầy.Lúc đó bến nước chợ Cầu Lầu là nơi sinh hoạt của đám ở trọ chúng tôi,và đi vệ sinh là có vài cây “cầu “phía cầu Thiềng Đức nhìn ra chợ.Nguyễn Gương có trí nhớ rất sâu sắc,nhớ tỉ mỉ từ chi tiết cách đây 48 năm .Cám ơn bạn đã cho tôi sống lại những ngày tháng trọ học ở vinh long .

    • Long là dân xóm Lò Rèn nên xin có ý kiến. Xóm cô Lài  trọ được gọi là xóm Hòa Hảo vì dân xóm nầy có nhiều người theo đạo Hòa Hảo, để râu, tóc dài búi củ hành, chiều chiều lại phát loa những bài pháp. Nhà máy chà Khánh Nguyên sát chợ là nơi vào bắt sâu gạo làm mồi câu cá. Tắm sông thì bơi đoạn giữa, ngang sàn nước sau chùa Tịnh Độ. Bến nước chợ kinh lắm nhưng vẫn thấy người ta xuống gánh nước rần rần.

  2. Ở Vĩnh Long, đọan đường từ cầu Lầu đến chợ Cua tôi chấm đẹp và thơ mộng nhất Vĩnh Long, ý là lúc đó tôi còn nhỏ, chưa thấy được cái thơ mộng của những tà áo trắng bay phất phới, tiếng guốc gỗ gõ lóc cóc của các … chị khi tan trường về, như tác giả! Ấn tượng nhất với tôi là cây Dương (Phi Lao) thật to trước kho. Có nhiều truyện ma liên quan đến cây dương đó (bị sét đánh mấy lần). Mùa hè, tôi đi câu cá rô trong ruộng sau nhà Nội (hẻm Lò Rèn), có lần say mê quá đi đến tận nghĩa địa người Hoa. Lúc đó đã xế chiều. Sợ xanh mặt.  Tôi cũng có bà con nhà trong hẻm phía bờ sông có ống dẫn xăng lên kho bên kia đường. Lúc ấy, tôi cũng có thấy cây cầu “tủm” nhưng xem là bình thường, giờ nghe bạn kể, căng và kinh quá!

    Nhà Nội tôi giờ không còn. Thế vào đó là đường Trần Đại Nghĩa. Để lần kế về  VL, tôi để ý xem cây dương trước kho dầu có còn không? Cám ơn tác giả.

  3. My Nguyen nói:

    Bài viết rất chân thật, mộc mạc và dí dỏm, đã làm sống lại hình ảnh cùng những sinh hoạt nơi “xóm kho dầu cũ”, một địa danh quen thuộc nay thuộc phường 4, TPVL. Nhưng nay hầu như tất cả đều thay đổi, gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Có còn chăng là trong ký ức tuyệt vời của anh Nguyễn Gương và những người thương yêu nó. Người VL nói đến địa danh “Kho dầu” hầu như ai cũng biết nhưng những chuyện xa xưa ở nơi này thì chắc không nhiều người biết và còn nhớ đến…

    Cảm ơn anh Nguyễn Gương về bài viết thú vị này.

  4. Như Thuỳ nói:

    Được đọc những chuyện viết về thưở xưa thiệt là thú vị … ! Người già thường hay sống với quá khứ, thích quay về quá khứ …. . Thật vui khi được đọc những hồi ức sống động của anh Nguyễn Gương về Vĩnh Long xưa …

  5. Nguyễn Gương nói:

    Kg Chi Lài!  Hồi đó ̣đườn Lò Rèn không được khang trang như bây giờ .Chợ buổi chiều vô cùng rộn rip̣  Tuy xom co´ nhiều thành phần dân sinh phức tạp nhưng có rất nhiều Cán bộ nội thành bi´ mật trú ngụ Kỳ sau tôi viết về bến xe Cầu Lầu cho chị xem tiếp nhe´

  6. Nguyễn Gương nói:

    Kg Anh Hoàng Long !
    Kho dầu có cây dương to chắc ở kho Phan Bội Châu gần Cầu Lầu Gần giải phóng kho dời đi nhượng đất lại cho công binh tưˋ Cầu Cái Ca´ dời xuống hiện nay laˋ Sở Xây dựng .Tôi quên chẳng biết còn mây´ cây dương không.Khi nào có dịp đi ngang tôi cho anh hay .Thân

  7. Nguyễn Gương nói:

    Kg My Nguyễn
    Bài viết như đưa tay run run mở lại từng trang nhật ký lâu rồi bị lãng quên Vừa nhắc người,vừa nhắc mình cùng ôn lại những kỷ niệm buồn vui đa˜ qua trong đời Xin cảm ơn bạn với những sẻ chia chân thành .Nhân 20/11 chúc bạn nhiều niềm vui

  8. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kg Chị Như Thuỳ !

    Mỗi lần ngồi nhớ chuyện xưa thấy lòng bồi hồi khó tả  . Ở đó đâu chỉ có chuyện vui buồn .Có những việc mình rút ra được kỹ năng sống tốt đẹp cho tuổi về gìa …xin cảm ơn chị đã cùng chia sẻ

  9. NHA nói:

    Tôi có bạn học tên Trần Hoàng Vĩnh ở trọ trong đường Lò Rèn, đôi lần đến thăm anh thuở ấy.

  10. THU CÚC nói:

    Đọc chuyên xưa tôi đa thich rôi ! Chuyên xưa cua anh Nguyên Gương nhăc đên nhưng đia danh , tên goi gân gui , găn liên vơi quê hương : Cầu Lầu , Kho dầu , Văn Thánh ….. , nhưng con đương rât quen thuôc , , đi tư nha đên trương TPH , in dâu chân ky niêm môt thơi xa xưa ao trăng ….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác