Nhân lực hay Thiên lực ?

Ngày đăng: 9/11/2016 11:08:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Khoãng thời gian 1965 -1975, ở Miền Nam có phát hành nguyệt san Hương Quê thuộc chương trình khuyến nông của chánh quyền thời ấy, nguyệt san nầy được phổ biến  đến tận xã, ấp (không bán). Các mục chính là hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi , kế là thường thức gia đình , chăm sóc sức khỏe …. Có ít thơ, văn, châm biếm, vui cười  … thuở ấy tôi đang học lớp đệ ngũ hay tứ gì đó, mục tôi mê nhất là mỗi số đều có 1 truyện ngắn Đồng quê của nhà văn Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc viết.
6706

Truyện ngắn nầy, tôi không nhớ rõ của ai (1trong 2 nhà văn nầy), kể lại theo trí nhớ (trên 40 năm còn gì) có sơ xuất chi xin quí vị lượng thứ.

Khởi nguồn từ bài ca dao :      Ví dầu tình bậu muốn thôi.
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Bậu ra bậu lấy ông câu.
Bậu câu cá bống ngắt đầu kho tiêu.
Kho tiêu, kho mỡ, kho hành.
Kho ba lạng thịt để dành anh ăn.
Anh ăn không hết để dành.
Để trong áng sách, để ngoài áng thơ.

Có anh nông dân tên là Nhân, siêng năng, cần cù làm ruộng, gặp thời mưa thuận , gió hòa mấy năm liền, mùa màng bội thu, dư ăn, dư mặc, nhà cửa xuênh xoang, cưới thêm 1 người vợ lẽ tên Hiền. Cô Hiền con nhà nghèo (vì nghèo mới làm lẽ), có nhan sắc (không nhan sắc thì anh Nhân cưới làm gì) cô Hiền có chút chữ nghĩa, biết trọng thánh hiền, đạo làm người … Anh Nhân khấm khá, tính tình thay đổi sinh ra tự đắc , tự cao cho là sản nghiệp, của cải nầy do mình làm ra, chứ không nhờ vã trời đất nào cả, cô Hiền đôi lần khuyên can, chẳng những chồng không nghe, lại còn bị nạt nộ, thất vọng, buồn bã để trong lòng, không biết tỏ cùng ai .

Đến một hôm, anh Nhân thuê người xây cái cổng nhà, mướn thợ vẽ tấm bãng đề chữ NHÂN LỰC treo lên. Cô Hiền thấy thế lấy làm bực bội … nhân dịp , một hôm anh Nhân đi vắng, cô ta bắc thang trèo lên sửa lại THIÊN LỰC (chỉ thêm 1 vạch ngang), anh Nhân về đến, nổi trận tam bành , có người cả gan làm trái ý mình, biết được người sửa, cho đánh đòn cô Hiền một trận nên thân, quăng cho một ít bạc, đuổi ra khỏi nhà .

Buồn thì có buồn, thà như thế, sống chung mà tánh tình không hợp (đồng sàng dị mộng) thì chia tay cho rồi, không chừng lại hay hơn.

Trên đường đi, cô Hiền tự nói với lòng : Nếu gặp được người đàn ông đầu tiên mà người nầy chưa có vợ bằng lòng lấy mình thì dù hình dáng thế nào ? tuổi tác ra sao ? nghèo hèn mặc kệ, mình quyết định lấy cho được, phó thác số phận cho Trời .

Hoàng hôn xuống dần, vừa đến được đầu thôn, gặp 1 anh đang ngồi câu cá dựa bờ sông, ghé lại hỏi thăm, làm quen, anh chàng nầy luống tuổi (khoãng 40) tên Thiên chưa có vợ (vì quá nghèo) lại là học trò, thi rớt nhiều keo, tự làm lụng nuôi thân, tiếp tục nấu sữ sôi kinh chờ khoa thi tới …. Đến lúc nầy cô Hiền thú thật mọi chuyện, bày tõ tâm tình, ưng lấy ông câu làm chồng. Ông câu quá bất ngờ , cô nàng còn trẽ, mình đã luống tuổi rồi, lại quá nghèo nữa, một thân lo còn chưa xong … nhưng cô Hiền nài nỉ , viện cớ là ông Trời sắp đặt mới gặp nhau đây, ông câu Thiên xiêu lòng, dẫn nàng về mái nhà tranh của mình kết nghĩa vợ chồng.

Từ đây cô Hiền trỗ tài đảm đang : bắt ốc, hái rau, trồng dâu, nuôi tằm … tão tần hôm sớm. Anh Thiên chỉ còn việc ôn tập bài vỡ tập trung cho khoa thi tới.

Ba năm sau, Thiên đi thi, đỗ đầu, vinh qui bái tổ, ngựa xe võng lọng, chiêng trống vang lừng, không phụ công người chịu khó.

Ba năm qua, anh Nhân làm ăn thất bát, vì mùa mưa thì lụt lội, mùa nắng thì hạn hán lại thêm giặc châu chấu, cào cào phá hoại mùa màng liên tục … Nhân bị phá sản, trắng tay, trở nên nghèo khổ phải đi làm mướn độ nhật qua ngày.

Tình cờ đến trước cửa nhà Quan Trạng, thấy khách khứa đông vui, ghé vào xin chén cơm đỡ bữa, người vợ cũ là cô Hiền trông thấy, mời vào bàn cùng dự tiệc, đem tặng một nén vàng trả nghĩa ngày xưa, anh Nhân cảm động, hối hận, nhưng cô Hiền lại lên tiếng (hơi lớn) :
– Lúc nầy ông thấy thế nào ? Nhân lực thắng hay Thiên lực thắng ? tôi đã khuyên mà ông không nghe, lại còn hắt hủi tôi, bây giờ sáng mắt hay chưa ?

Đến đây xin mạn phép hỏi quí vị :  Nhân lực đúng hay Thiên lực đúng ?

Nảy giờ dù bận tiếp khách, nhưng anh Thiên vẫn để mắt đến và biết rõ, bước đến nói :
Nhân lực đúng cũng được, Thiên lực đúng cũng được nhưng cái quan trọng nhất ở đây là tấm lòng, anh Nhân lúc thành đạt, anh đã thiếu tấm lòng nên mới đối xử với vợ như thế, còn em (cô Hiền) cư xử với anh Nhân như thế là không phải, nếu nói là Thiên lực đúng, thì anh ỷ lại vào em, bê trễ việc học hành, thi rớt, tiếp tục ăn bám vào em thì vẫn là ông câu cá, vẫn là mái nhà tranh ọp ẹp, thì liệu em có lên mặt với anh Nhân đây không ? Em phải có một tấm lòng em ạ ! phải biết bao dung, độ lượng … Cô Hiền tỏ vẽ ân hận và xin lỗi anh Nhân người chồng trước.

Thôi thì : Nhân lực hay Thiên lực là tùy theo suy nghĩ của từng người nhé ! Nghĩ thế nào thì nghĩ nhưng “tấm lòng” vẫn là trên hết nha quí vị !  Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI .
     TRỊNH KIM THUẤN

 

Có 5 bình luận về Nhân lực hay Thiên lực ?

  1. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Nguyễn Gương nói : Khi xưa tôi cũng thích sưu tầm và đọc như bạn . Có cả báo Thế Giới Tự Do .Tôi rất thích câu chuyện ( đã quên tựa ) người cha đốt mặt con gái bằng hạt điều nướng vì sợ con gái đi theo người tình mang theo cả nghề làm đường gia truyền của dòng họ . Chàng trai thấy mặt cô gái đã bỏ đi không thực hiện lời hò hẹn …

    Góp ý với bạn : Chữ THIÊN viết từ chữ NHÂN thêm hai gạch ở đầu . Nếu một gạch là chữ ĐẠI. Chúc bạn vui

  2. Vâng, quả là thế. Ông bà ta có câu: Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Hãy làm, hãy sống với cả con tim, khối óc và sức lực của mình.

    Lúc nhỏ mình cũng hay xem nguyệt san Hương Quê. Truyện của Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc thì khỏi chê rồi, mình còn thích mục Phóng Sự Đồng Quê của nhà văn Trương Cao Phong. Trang bìa báo Hương Quê mình để dành làm bìa bao tập cùng với tạp chí Thế Giới Tự Do.

  3. Phong Tâm nói:

    Thưa anh Thuấn,

    Lúc đó tôi từng đọc lớt phớt nguyệt san Hương Quê qua truyện của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, thời còn chiến tranh mà, đọc ở phòng Thông Tin Quận, bây giờ không còn nhớ. Sách phát không có tánh cách tuyên truyền, tuy vậy nội dung khá phong phú, có nhiều truyện ngắn hay như truyện anh vừa đăng lại trên đây có tính xã hội cao. Cám ơn anh đã cho đọc lại chuyện nầy để nhớ lại chuyện xưa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác