Nguyễn Hiến Lê – thầy tôi.

Ngày đăng: 23/11/2016 05:43:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Tôi và ông Nguyễn Hiến Lê chưa hề quen nhau. Nói tôi là học trò ông thì cũng tự nâng mình lên chứ tôi chưa xứng đáng. Học trò ông ít ra cũng như BS Đỗ Hồng Ngọc hay BS Nguyễn Chấn Hùng, hai vị này đọc sách ông và gặp gỡ ông nhiều lần, còn tôi chỉ là kẻ hậu sinh học của ông qua sách vở mà thôi. Nghĩ lại, các vị cao tăng ở trong nước có gặp Phật Thích Ca đâu, chỉ đọc kinh, đọc giáo lý mà cũng là đệ tử Phật thì tôi tự nhận học trò Nguyễn Hiến Lê cũng không lấy làm hổ thẹn cho lắm.

Năm 1964, lúc còn học đệ lục tôi vớ được cuốn Đắc Nhân tâm của ông dịch, đọc ngấu nghiến, sau đó đọc “Quẳng gánh lo đi để vui sống”nên biết thêm chút ít về ông. Lớn lên, tôi không thích loại này nữa, cho đó là sách dạy kỷ thuật lấy lòng người chứ không phải tu tâm được người mến do lòng mình tốt. Có đọc thêm  một số sách học làm người của ông nhưng sao thấy na ná giống nhau. Sau năm 1975, tôi về Chợ lách (Bến Tre) sống, quen với anh Huỳnh Hồng Quang, một thầy giáo tiểu học nhưng thích đọc sách, anh dặn tôi tìm cho được cuốn Hương sắc trong vườn văn của Nguyễn Hiến Lê (NHL) mua dùm anh. Đi Sài Gòn lục trong các hiệu sách , tôi liền mua hai cuốn, quả là xứng đáng với lời giới thiệu của bạn và cái công tìm kiếm của tôi.

Sau cuốn sách đó, tôi có mua thêm cuốn Luyện Văn của ông chỉ về cách viết và biên tập, nhờ vậy mà tôi vào nghề biên tập báo trước khi xóa cái ngu trong lớp tại chức của mình.

quan-van

Tình cờ tôi gặp được quyển Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười của ông vào năm 1984, quyển sách mà ông xuất bản năm 1954 tức tôi đã tiếp cận sách trễ hơn ba mươi năm, ấy vậy mà sao nó hấp dẫn tôi lạ lùng và nghĩ rằng, hèn chi in 2.500 cuốn mà không đủ bán.

Tôi sưu tầm sách rất nhiều, đọc sách thì ít, điều này trái với lời khuyên của ông là nên đọc nhiều sách và nhất là đọc các danh tác. Đáng sợ hơn là ông khuyên muốn luyện văn thì đừng nên đọc báo bởi báo chỉ để thông tin mà thôi. Đó là chuyện ông thấy cách nay hơn 40 năm, chứ nếu thấy báo chí bây giờ chắc ông khuyên phải lánh xa vì lối hành văn cẩu thả lại còn hay chế biến chữ nghĩa !!

.

Có hai thứ cần phải học ông, đó là cách làm việc và sống có nhân cách như ông. Cả hai điều này tôi không học trong sách “Học làm người” của ông mà nhờ đọc Hồi Ký của ông. Về cách làm việc, tuy ông không ở cơ quan nào nhưng cũng như công chức, có khác hơn là không có ngày chủ nhật, ngày lễ. Ông tự đặt cho mình phải làm việc theo kỷ luật, sáng dậy lúc sáu giờ, điểm tâm bảy giờ  rồi nằm đọc sách, đến chín giờ thì ngồi vào bàn làm việc đến trưa. Dùng cơm xong, nghỉ trưa khoảng một giờ, một giờ rưỡi thức dậy đọc sách đến ba giờ. Sau đó viết tiếp đến sáu giờ thì tắm , rồi ăn cơm tối. Nghỉ ngơi và đọc sách  cho tới mười giờ đêm thì ngủ. Ngày làm việc 12 tiếng, tuần 7 ngày đều đặn, thử hỏi thời dụng biểu của ông như vậy, tôi làm sao thực hiện lối sống khắc khổ được khi tánh tình của tôi ham vui quá đổi. Tuy nhiên, tôi rất thích câu trả lời của ông với một người bạn học ở trường công chánh. Bạn hỏi: Ông học Hán văn hồi nào mà dịch sách Trung quốc vậy? Ông trả lời, tôi học trong lúc các anh đi nhảy đầm.

Cái khó nhất của người viết là phần mở đầu, viết cái gì đây, vào bài như thế nào. Với ông dù hứng hay không hứng ông vẫn cứ đúng giờ là ngồi vào bàn viết, viết đại vài trang là cái hứng tự dưng kéo đến. Ý tưởng này cũng giống với nhà văn Tô Hoài trong một hồi ký Cát bụi chân ai: Cứ viết rồi thì cái hứng kéo đến.

Có một phương cách luyện văn của ông là viết nhật ký, viết hồi ký. Viết hồi ký để ôn lại chuyện đã qua và viết nhật ký để ghi lại chuyện trong ngày. Công việc này, tôi thấy anh Đặng Châu Long cũng đã làm, cứ nhớ đâu chép đó, viết ào ào mà chẳng cần bố cục, chẳng cần trau chuốt. Mỗi đêm cứ viết  đến khi nào mệt thì nghỉ.

Là người thích đi du lịch, viết về các thắng cảnh cho các báo nên tôi học ở ông phương cách viết du ký. Trước khi đến nơi nào đó phải tìm sách địa phương để đọc, gặp những ai am tường nơi đó để hỏi , đọc tất cả những gì có liên quan đến nơi cần viết, nhờ vậy mà mấy tháng là viết xong cuốn “Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười”. Sau này, những lần nghỉ hè hàng năm ông đi Nha Trang, Qui Nhơn, đi đến đâu cũng ghi ghi chép chép những cảnh đẹp, những truyền thuyết lịch sử. Còn tôi, sống ở thế kỷ sau, có điều kiện hơn, với máy ảnh kỷ thuật số nên ghi được nhiều hình ảnh để minh họa, để nhớ lại những chi tiết chụp được trên đường giúp tôi có chi tiết viết được nhiều hơn.

Nhà văn viết hay thì có rất nhiều, nhưng có khí phách thì rất ít, do vậy khi thấy ông sống nghiêm túc và có đạo hạnh làm tôi rất thích, nhưng không biết mình thực hiện được bao nhiêu phần trăm(?)

Nguyễn Hiến Lê  đươc mọi người trong làng văn kính trọng, bởi ông nhà văn độc lập, có tính tình thanh khiết. Trước năm 1975, ông đã nhiều lần từ chối những giải thưởng văn chương, từ chối làm giám khảo chấm các giải văn chương, không nhận làm giáo sư đại học hay vô Hội đồng văn hóa giáo dục. Sau năm 1975, ông cũng được chính quyền Cách mạng chiếu cố như lúc bệnh nặng cho vào BV Thống Nhất nhưng ông từ chối. Theo ông, mình có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm, hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng. Vô đó người ta gọi ông là đồng chí, ông mắc cỡ lắm.

Với văn nghệ sĩ miền Bắc, tôi nghe nói lúc mới giải phóng miền Nam, ông Đào Duy Anh vào Sài Gòn tìm gặp ông nhưng ông không tiếp. Câu chuyện này ông có kể trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê,  buổi sáng hôm đó ông đang ăn sáng thì thấy  một ông già râu tóc bạc phơ, mập lùn đứng ở ngoài sân nhìn qua hàng rào hỏi: – Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không? Vì không biết là Đào Duy Anh và cũng không muốn tiếp người lạ nên ông đáp:

– Ông ấy đi Long Xuyên rồi, chưa biết chừng nào về.

Đào Duy Anh quay ra, vài hôm sau trở lại, xưng tên với bà xã ông, bà xã ông kêu, từ trên lầu ông xuống tiếp. Như vậy, ông không phải là người “chảnh” như lời đồn mà do ngộ nhận không biết mà thôi. Sau này, Đào Duy Anh có gặp ông thêm vài lần, có tặng ông quyển Từ điển truyện Kiều. Nhà nghiên cứu sống ở miền Bắc này cho biết, thèm một cuộc đời viết văn độc lập, tự do như ông !!

 

***

Năm 2012, có dịp đi Long Xuyên, tôi cố ý tìm nơi ở cũ của ông, nhưng do về đêm, ngôi nhà đóng cửa, tôi không biết hỏi thăm ai nên không đạt ý nguyện. Tìm trên mạng, có thông tin cho rằng ông được an táng trong khuôn viên chùa Phước Ân, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Do không có thời gian và không có phương tiện thuận lợi nên tôi đành gác lại chuyến đi thăm ông.

Đầu tháng mười năm 2016, anh Trịnh Kim Thuấn bạn tôi ở Lấp Vò rủ tôi xuống nhà chơi. Tôi có yêu cầu, dẫn tôi qua chùa Phước Ân và anh Thuấn đồng ý. Buổi sáng hôm đó trời mưa tầm tả, cùng đi với chúng tôi có nhà văn Ngô Khắc Tài, nhà báo Đặng Ái Dân từ TP. Long Xuyên qua. Hai người này ở địa phương bên cạnh nhưng cũng không biết Nguyễn Hiến Lê an nghỉ tại nơi này.

Mộ Nguyễn Hiến Lê nằm trong khuôn viên chùa, khu vực mồ mả dành cho thân tộc, đệ tử thân tín của bổn tự. Di ảnh trên mộ ông vỏn vẹn chữ Nguyễn Hiến Lê, ngày sinh, ngày mất, hưởng thọ 73 tuổi. Trước danh tánh không có ghi nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu chi cả. Có lẽ đây là  di nguyện của ông nên mộ bia ghi  đơn giản như thế. Hồi sinh tiền NHL không cầu mong chức vụ, danh vọng  thì chết rồi danh vọng nữa mà chi. Vị trụ trì chùa Phước Ân cho biết, sau khi NHL mất, người vợ  thứ hai của ông là bà Nguyễn Thị Liệp đã xuất gia ở chùa này, nhưng tu tại chùa khác ở Long Xuyên với pháp danh là Thích nữ Huệ Đức. Do vậy, phần trên tháp thì để hủ cốt của ông, phần dưới là hủ cốt của bà Liệp- người bạn và cũng là người vợ ở Long Xuyên chăm sóc cho ông lúc ốm đau và bên cạnh ông lúc ông về đây viết nhiều tác phẩm, trong đó có dịch quyển Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường.img_7185

Là nhà nghiên cứu viết trên 150 quyển sách, trong đó có rất nhiều thể loại mà sách nào Nguyễn Hiến Lê viết cũng có giá trị để tái bản nhiều lần. Tôi nghĩ, những kẻ hậu học không cần đọc hết các tác phẩm của ông nếu không có thời gian, chỉ cần đọc quyển Hồi ký Nguyễn Hiến Lê và học tập theo đó là cũng có thể trở thành nhà văn.

Lương Minh

(đã đăng trong tâp san Quán văn, tháng 11/2016)

img_0240

 

 

 

 

 

Có 10 bình luận về Nguyễn Hiến Lê – thầy tôi.

  1. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Trái với  những bài viết khác .Bài nầy tuy gịong văn đôi chỗ có hài hước nhưng hầu hết đều điềm đạm, chửng chạc thể hiện sự kính phục học gỉa .Nguyễn Hiến Lê người mà một thời giới trí thức miền Nam vô cùng kính trọng và hâm mộ.Nếu tôi nhớ không sai ,giữa thập niên 60 trên đài phát thanh có một chương trình của ông , do ông đọc, nội dung học làm người ( chương trình sức khỏe thì do BS Hơn phụ trách )

    Tôi nghĩ bài viết của Lương Minh đã và đang được nhiều người đọc ( Bài dài nhưng muốn dài thêm ) chậm  có phản hồi, theo tôi nghĩ đây là vấn đề người đọc suy nghĩ  kỹ nên còn ngại để đặt bút viết .

  2. Diệp Bích Ngọc12A4 (NK75) nói:

    Hồi thời còn học trung học, Bích Ngọc (BN) có đọc vài quyển sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê (NHL) về cách học làm nguời và rồi cũng không nhớ nhiều về ông . Hôm nay , được đọc bài  “Nguyễn Hiến Lê -thầy tôi” của anh LM, giúp BN hiểu biết thêm nhiều về nhà văn và cuộc đời sự nghiệp của ông, có cả nơi yên nghỉ nữa . Nhà văn NHL đúng là một nhà văn lớn, nhà nghiên cứu không mệt mỏi, ông đã để lại cho đời hàng trăm quyển sách quí. Vậy mà ông có cuộc sống hết sức giản dị, khiêm tốn , làm việc nghiêm túc, đức tính tốt đẹp đó đáng để cho mọi người nể trọng . Cám ơn anh LM với bài viết rất hay , chúc anh được nhiều sức khỏe để có nhiều bài cho bạn đọc.

  3. Nếu ai thích đọc sách thì thế nào cũng không thể bỏ qua những cuốn sách rất có giá trị của học giả Nguyễn Hiến Lê, riêng tôi, tôi rất thích những cuốn sách dịch về cách học làm người của học giả, nhất là cuốn ” Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống”, dịch từ nguyên bản của Dale Carnegie  mà tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần, lối dịch của ông rất rõ ràng, dễ hiểu.

    Mặc  dầu lúc đương thời ông luôn sống khiêm nhường, ẩn dật nhưng những gì ông để lại cho hậu thế đã chứng tỏ ông là một học giả, một nhà văn lớn trong văn đàn Việt Nam.

  4. My Nguyen nói:

    Một bài viết rất hay, vừa mang tính giáo dục, vừa đầy tính nhân văn, lại pha chút dí dỏm, thực tế…đã lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Với bài viết này, anh LM tự nhận là học trò của thầy Nguyễn Hiến Lê, quả không hổ thẹn chút nào!

    Nguyễn Hiến Lê là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, giáo dục học…với hơn 150 tác phẩm đã xuất bản, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. MN rất thích đọc sách của học giả Nguyễn Hiến Lê. Những quyển đã đọc qua như “Con đường thiên lý”, “Nghề viết văn”…”Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” thì đọc còn dang dở. Nghe anh LM giới thiệu, chắc chắn MN sẽ tìm đọc tiếp, cũng như quyển “Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười” anh LM vừa nói.

    Cảm ơn anh LM về bài viết ý nghĩa này.

  5. Trần Ngọc Thịnh nói:

    Cám ơn Lương Minh đã viết 1 bài về học giả Nguyễn Hiến Lê rất hay.

    Tôi ngưỡng mộ học giả Nguyễn Hiến Lê từ hồi còn đi học Trung học.

    Cuốn “Đắc Nhân Tâm” là cuốn sách tôi đọc đầu tiên và coi như sách “gối đầu giường” vì tôi  đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Đây là cuốn tác giả phỏng dịch từ cuốn “How to win friends and influence people” của tác giả Mỹ Dale Carnegie.

    Học giả Nguyễn Hiến Lê giỏi về nhiều ngôn ngữ. Ông rất giỏi chữ Nho. Tôi đã nghiên cứu bộ sách “Đại cương văn học sử Trung Quốc” của ông gồm 2 cuốn. Đây là 1 tài liệu quý giá.

    Ông viết nhiều sách và sách nào cũng khiến độc giả ngưỡng mộ.

    Trần Ngọc Thịnh

     

  6. Trương phú nói:

    Quyển Chiến tranh và hòa bình ông Nguyễn hiến Lê dịch, tôi được vị QT tặng quyển hai, đọc tả chân rất hay, song tôi không cảm nhận nhận cái hay của nó, chỉ phục tài tả chân mà thôi, còn các tác phẩm khác của ông, thời học  sinh dăm ba quyển được nhà trường tặng, còn lại thì mua, nhưng không nhiều.

    Nay được đọc bài viết về Nguyễn hiến Lê của anh,  rất hữu dụng cho tôi, cảm thấy muốn tìm sách của ông để đọc, thực tình hiện tại, đọc vài trang đã nặng mắt, thật tệ cho tôi. Cám ơn bài viết về Nguyễn hiến Lê của anh. Tôi đọc đã hai lần rồi.

  7. Lê Phong Quốc Tuấn nói:

    Xin chào!

    Con muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời của cụ Nguyễn Hiến Lê.

    Cho con hỏi là con của cụ hiện ở đâu ạ?

    Xin cám ơn1

    • Luong Minh nói:

      Con có thể tìm đọc trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê sẽ rõ. Tôi đọc cuốn này khá lâu, con ông cũng học cao và lấy vợ người nước ngoài, bà vợ lớn của ông sau này phải đi theo con để giữ cháu nội. Việc này cụ Lê rất buồn, nhưng biết sao? Với câu hỏi này, chắc con muốn biết con của một nhà văn tài thì có tài hay không chứ gì. Xin kể một câu chuyện vui bên lề. Hồi còn sinh tiền có người hỏi nhà văn Sơn Nam, mấy con anh làm gì, hiện giờ ra sao? Sơn Nam hỏi lại: Chú có biết con của thi hào Nguyễn Du làm gì, đậu bằng cấp gì không? Nói như vậy là con hiểu ý của Sơn Nam rồi chứ gì?

  8. Bacsi Suu nói:

    Bài viết về cảm tưởng của mình đối với ông Nguyễn Hiến Lê của anh Lương Minh thật đầy đủ và hay!

  9. VOTHILAI nói:

    Cam on anh LUONG MINH da cho em biet them nha van NGUYEN HIEN LE  Ngay xua em cung thuong doc sach sach cua ong , em rat thich cuon QUANG GANH LO DI MA VUI SONG .

     

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác