DẠY TOEIC
TOEIC là viết tắt của bài thi Test of English for International Communication, bài thi trắc nghiệm đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh của những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Bài thi TOEIC gồm 2 phần: nghe hiểu và đọc hiểu, không có phần nói và viết. Theo ý kiến chủ quan của tôi 2 phần nầy có độ khó tương đương như phần nghe hiểu và đọc hiểu của bài thi TOEFL (Test Of English as a Foreign Language). Bài thi nầy được chính Cơ quan Khảo thí Tiếng Anh của Mỹ (ETS: English Testing Service) tổ chức thi, chấm điểm và cấp chứng chỉ. Hiện tất cả các trường đại học Việt Nam đang dạy tiếng Anh cho sinh viên theo hướng luyện thi TOEIC.
Theo phỏng đoán của tôi, có lẽ do nhận thấy bằng đại học nước ta cấp không được quốc tế nhìn nhận nên các thầy “trên cao” nghĩ phải in thêm trang tiếng Anh trên bằng đại học để người nước ngoài nhìn vào là biết. Việc làm nầy không đạt được mục đích vì dù có thêm trang tiếng Anh, người ta vẫn không thèm “nhìn” nhận bằng mà còn làm phát sinh một số việc: nơi thì bằng in sai chính tả, nơi thì dùng từ không chuẩn. Kế hoạch phá sản. Thế là các thầy phải động não, sau đó thì nghĩ ra cách: Gắn thêm yếu tố nước ngoài vào bằng đại học nước ta, làm như vậy sẽ “nâng tầm” bằng được cấp. (Trước đó, và cho đến nay, sở Giáo Dục các địa phương vẫn cho tổ chức thi tiếng Anh lấy bằng A [trình độ sơ cấp], bằng B [trung cấp], và bằng C [cao cấp]. Tại sao không dùng những gì sẵn có, và đã làm tốt rồi, mà phải thay đổi, phải bắt SV học và thi TOEIC, mà lại là do ETS tổ chức thi? Quyết định được đưa ra: Sinh viên các trường đại học muốn được xét tốt nghiệp, được cấp văn bằng phải trải qua kỳ thi TOEIC và phải đạt điểm số nhất định tùy theo ngành học. (Ngành ngoại thương điểm TOEIC phải >650, các ngành khác dao động trong khoảng 350 – 450…) Để đáp ứng nhu cầu học tập của cả chục ngàn sinh viên thuộc mấy chục viện đại học ở TP. HCM giữa những năm thập niên 2000 những trung tâm ngoại ngữ dạy luyện thi TOEIC ở TP.HCM mọc lên như … nấm sau mưa. Tôi ham vui nên cũng có mặt tại một vài trong số những trung tâm ngoại ngữ ấy. Trước đó tôi có dạy cho một số trung tâm ngoại ngữ như VINA LINGUA (đường Ba Tháng Hai), Âu Á (đường Huỳnh Tấn Phát), nhưng những trung tâm nầy nhỏ, sống không quá một năm sau khi tôi vào dạy (hay do tôi mang vận sui đến cho những trung tâm ấy?). Xem báo thấy Tập Đoàn Giáo Dục Quốc Tế rất mạnh với gần 20 điểm trường mang 2 bảng hiệu Đông Âu và IWEB tuyển giáo viên, tôi làm đơn xin vào dạy. Buổi phỏng vấn thử việc tôi gặp cô trưởng phòng nhân sự. Cô hỏi tôi bằng tiếng Anh câu: “Tại sao thầy lại xin vào dạy tiếng Anh cho Tập Đoàn?” Trước đó tôi đã có mấy năm ngồi nhà dịch sách nên thường xuyên theo dõi, chú ý đến việc thực hiện Công Ước Berne về sở hữu trí tuệ, cũng như những vụ “luộc” sách nổi tiếng. (“Luộc” sách tức in sách lậu, ăn cắp tác quyền. Với các máy photocopy hiện đại ngày nay, mỗi lần in là một tập 32 trang, như vậy chỉ cần để quyển sách gốc vào máy, điều chỉnh, xong ấn nút in 10 lần ra 10 tập, xếp lại, đóng bìa…là được một quyển sách dầy 320 trang. Như vậy những kẻ “luộc” sách chỉ tốn tiền giấy và tiền in để cho ra đời hàng ngàn quyển sách “luộc”, giống sách gốc 100% chỉ sau một đêm, trong khi nhà xuất bản chân chính phải xin giấy phép xuất bản, điều đình mua tác quyền, thuê dịch giả, biên tập, họa sĩ vẽ bìa, trình bày…, nhiêu khê và tốn kém. Vấn nạn này đã làm đình trệ hoạt động của các nhà xuất bản vì sách hay xuất bản hôm trước, hôm sau đã có sách “luộc” trên thị trường, dĩ nhiên là sách “luộc” được bán với giá rất rẻ. Tôi biết khoảng một năm trước đây, Tập Đoàn nầy bị cáo buộc “luộc” sách và bị phạt cả trăm triệu đồng, và Tập Đoàn đã chơi đẹp, chi trả đủ. Tôi trả lời: “Tôi xin vào Tập Đoàn dạy vì ở đây có một cố vấn quá hay, người đã mớm câu nói cho giới truyền thông, ‘… từ bây giờ các trường [của Tập Đoàn] sẽ dạy với sách nguyên bản như vậy việc giảng dạy đã tốt sẽ càng tốt hơn.’ Một câu nói quá hay. Câu nói nầy đã chuyển bại thành thắng!” Nghe tôi nói xong cô trưởng phòng nhân sự cười ngất và chuyển sang nói với tôi bằng tiếng Việt: “Em xin phá lệ nói thẳng: Thầy được nhận vào dạy. Nếu thầy muốn, chiều nay thầy đến trường Đông Âu 5 tại địa chỉ 21 đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh nhận lớp. Bây giờ để em điện thoại cho quản lý điểm (trường) đó giới thiệu thầy.”
Theo chỗ tôi biết, tại các trung tâm bảng hiệu Đông Âu, học viên phải học qua 4 cấp lớp S (Speaking: giao tiếp), mỗi lớp kéo dài 3 tháng với giáo trình là quyển American English File của nhà xuất bản Oxford (Giáo trình nầy rất hay.) rồi mới lên lớp T (TOEIC). Học viên mới sẽ được làm một bài kiểm tra năng lực để xếp lớp. Đa số được xếp vào lớp S1 (giao tiếp mới bắt đầu), ít khi được vào S2 rút ngắn thời gian (nếu may gặp tôi cho kiểm tra xếp lớp và học viên ấy có năng lực), còn trực tiếp vào lớp T (TOEIC) thì rất hiếm (Cũng có 4 cấp lớp T và dạy theo giáo trình của Lin Lougheed, nhà xuất bản Longman). Như vậy, với học viên siêng học và ở phổ thông không mất căn bản tiếng Anh thì có thể thi TOEIC sau 2 năm học trung tâm (các trung tâm khác dạy giáo trình khác nhưng cách dạy và phân lớp cũng tương tự). Việc dạy ở đây theo nguyên tắc: Lớp học dưới 30 học viên, và thầy lên theo trò. Nguyên tắc nầy có nghĩa lớp đông hơn 30 sẽ tách lớp, còn với lớp S1 tôi dạy, khi thi cuối khóa có hơn10 học viên vượt qua kiểm tra (và còn theo học) thì tôi sẽ dạy tiếp lớp S2 nầy và cứ thế đến T4. Thù lao giờ của thầy dạy lớp T cao hơn thù lao khi dạy lớp S. Có người học là có người thi TOEIC. Người Mỹ muốn giữ giá trị bài thi TOEIC (cũng như của TOEFL hay IELTS) nên ETS phải gửi hẳn một nhóm sang VN để tổ chức thi, coi thi… Hoạt động dạy, học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ diễn ra nhộn nhịp, vào chiều tối sinh viên các trường ào ạt đến học trung tâm. ETS giờ không tổ chức thi TOEIC theo khóa (trước đây ETS cộng tác với các trường đại học có uy tín như ĐH Sư Phạm, ĐH Xã hội Nhân văn, ĐH Bách Khoa tổ chức các khóa thi), mà họ thuê cơ sở, lắp máy vi tính và tổ chức thi online, ngày nào cũng có thi, từ sáng đến tối. Người muốn dự thi phải đăng ký, đóng tiền chờ cả tháng mới được thi! Hoạt động dạy, học, thi cứ thế diễn ra rầm rộ được mấy năm. Tất cả những hoạt động nhộn nhịp ấy lọt vào tai các thầy viện trưởng. Các thầy động não: Cơ sở trường lớp có sẵn, thầy dạy cũng sẵn, còn ở trển (bộ Giáo Dục) muốn TOEIC thì mua giáo trình đó về dạy cho sinh viên rồi cứ thế tổ chức thi. Tại sao ngồi đó mà nhìn đám trung tâm ngoại ngữ và tụi ETS Mỹ “hốt bạc”? Thế là các viện trưởng ngầm bàn với nhau cách làm ấy và đồng loạt thực hiện. Các thầy, một phần thương học sinh, một phần “nóng mặt” vì dưới sự lãnh đạo tài ba của các thầy mà những trường trong địa bàn các thầy quản lý tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông chỉ lẹt đẹt 70%, hay 80%, có trường còn tệ hơn, chỉ 60%, trong khi các trường ở những tỉnh phía Bắc, thậm chí là trường miền núi, mà tỷ lệ tốt nghiệp đến 97, 98, 99 hay thậm chí 99,9%. [Thật ra phải bốn số 9, như vàng bốn số 9, là 99,99% mới xịn, nhưng trường không đào đâu ra đủ số thí sinh để đạt được tỷ lệ đó nên đành chấp nhận 99,9%.] Thế là các thầy gửi văn bản mời nhau họp và đi đến quyết định: “Giám khảo phải chấm bài ‘nương tay’ để có tỷ lệ đậu cao.” Đã “ăn vụn mà không biết chùi mép”, lại còn lập biên bản, ký tên, đóng dấu hẳn hoi, thân “đi đêm mà còn báo cáo anh”. Biên bản cuộc họp ấy đến tay các thầy ở Bộ, thế là 10 thầy giám đốc Sở bị kỷ luật đồng loạt.) Giới trẻ nước ta hiện nay rất nhạy bén trước hoàn cảnh. Thấy trường mình đang học mở ra dạy TOEIC các em lập tức nghỉ học trung tâm, đăng ký học tại trường “nhà” nhằm “lấy vé qua phà”; tốt nghiệp, lãnh văn bằng trước, hay dở tính sau. Các trường đại học thường dạy tiếng Anh ở giảng đường lớn, thầy dạy cầm micro nói, cả trăm sinh viên ngồi ở dưới em học, em ngủ, em xem truyện hình Conan. Cách dạy như vậy sẽ tiết kiệm tiền phải trả cho giáo viên. Giáo trình là một quyển sách dạy luyện thi TOEIC của một tác giả nào đó. Giáo trình của Lin Lougheed [nxb Longman] quyển cao cấp được nhiều trường chọn dạy vì trình độ cao, khá hay, nhưng quan trọng là có 6 bộ đề luyện thi TOEIC. Các em sinh viên suốt khóa chỉ học 6 bộ đề nầy và cuối khóa nhà trường sẽ cho thi 1 trong 6 đề trong đó. Nếu trên về kiểm tra thì: Đây, chúng tôi đang dạy giáo trình TOEIC xịn. Đề thi? Khó đâu thua gì đề của ETS! Tôi nghe nói có vài em chủ quan, không “thức thời” vẫn đi học trung tâm, và thi TOEIC với ETS. Thi xong em nộp phiếu điểm cho phòng giáo vụ trường. Ngày xét tốt nghiệp, cấp bằng em không có tên trong danh sách. Khiếu nại thì phòng giáo vụ cho biết sở dĩ không tốt nghiệp vì em thiếu điểm tiếng Anh. Em nói đã nộp phiếu điểm TOEIC cho bộ phận giáo vụ từ lâu. Sau cùng bộ phận giáo vụ cho biết có nhận được phiếu điểm của em, nhưng trên phiếu ghi 600 hay 700 điểm gì đó, còn cột ghi điểm của trường chỉ ghi đến 10, nên cột điểm tiếng Anh của em không ghi được mà phải… bỏ trống, kết quả em không được xét tốt nghiệp! Em sinh viên ấy phải tức tốc về quê mời phụ huynh lên làm đơn khiếu nại trường và gửi cả bản sao đơn khiếu nại cho báo, đài. Đến lúc ấy trường mới chịu xét tốt nghiệp và cấp bằng cho em. Tính ra em và gia đình phải mất hơn chục triệu đồng (tiền xe đi lại, chi phí ăn, ở) và mất thời gian cả tháng. Tiếng không lành đồn xa và rất nhanh. Thế là phong trào dạy luyện thi TOEIC của các trung tâm “chết đứng” từ khoảng đầu năm 2012. Hằng loạt trung tâm ngoại ngữ đóng cửa do không có học viên, trong khi tiền thuê mặt bằng quá cao. Tập Đoàn Giáo Dục (bị) Quất Té nhào, còn tôi có “nghề thứ bảy”! Nhóm nhân viên ETS Mỹ tăng cường cũng cùng chung số phận, đại bộ phận phải cuốn gói về nước!
(Còn phần cuối)
Nguyễn Hoàng Long
Có sơ suất kỹ thuật trong bài viết. Xin lưu ý:
Những người có tấm lòng và có lương tâm nghề nghiệp thường khắc khoải khi thấy những sự kiện xảy ra không đem lại sự tốt đẹp cho nghành nghề của mình và nhất là bất lợi cũng như hạ thấp trình độ của học sinh vì sự thiếu sáng suốt hoặc một hậu ý nào đó của những người cũng như của các cơ quan có trách nhiệm. Thật đáng tiếc, một chút sai lầm trong vấn đề giáo dục sẽ có ảnh hưởng nguy hại lớn đến thế hệ đàn em sau này.
Cô có biết là em đã bắt chước Cô khi dạy tiếng Anh? Khi Cô dạy em những bài văn phạm, nếu đơn giản, Cô đã dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Em thấy điều này hay và em đã làm theo cách của Cô. Làm như vậy sẽ vất vả, nhưng cái gì đúng, cái gì tốt cho HS thì người thầy khi đã biết phải làm thôi. Em xin kể vài việc các “đồng nghiệp” của em ở VN đang làm khi dạy tiếng Anh:
Họ cho HS ghi bài như thế này:
– Conditional câu loại I: “Tại – Tương”.
Đố Cô biết đó là gì?
Thật ra thầy, cô ấy muốn đơn giản hóa tối đa, để học trò dễ học phần Conditional Sentences type I
‘If’ clause: Simple Present – Main clause: Shall/Will/Can + infinitive
Tình thương của thầy, cô trong trường hợp này đã làm hại HS. Có một trung tâm ngoại ngữ lớn ở SG với khá nhiều điểm trường là trung tâm ngoại ngữ K. G. lại chủ trương công thức hóa mọi kiểu kết cấu câu.
TD: Với Yes/No questions họ sẽ đặt là Question1, với ‘Wh’ questions họ sẽ đặt là Question2…. rồi viết thành giáo trình dạy cho học viên.
Trong giáo trình này HS được dạy theo cách:
_ Khi gặp Question1 —> Câu trả lời có Yes hay No
_Khi gặp Question2 —> …
Em nghĩ họ làm như vậy để “nhốt cá trong bể”, HS phải theo học trung tâm này, không thể nào đổi, chuyển sang trung tâm khác mà học được. Còn phụ huynh nếu không có trình độ và sự hiểu biết về dạy tiếng Anh khi mở giáo trình của trung tâm sẽ tưởng là cực kỳ khoa học, cực kỳ hay. Những chuyện không thể cười được phải không Cô?