Kỷ Niệm Vui thời đại học

Ngày đăng: 1/10/2016 09:58:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Năm khoa học cơ bản, buổi thi cuối khóa thực hành Vật Lý sinh viên mỗi người làm một đề. Tôi thi đề Cầu Wheatstone đo điện trở. Là “dân phổ thông” chỉ giỏi lý thuyết (suôn) nên phần thực hành tôi rất thận trọng, học kỹ lý thuyết, nghiên cứu kỹ phần bố trí thí nghiệm cùng những chỉ dẫn thực hiện. Bài thi của tôi ổn. Ngồi thi thực hành cạnh tôi là anh Phạm Quốc Sáu. Hình như anh có bằng tú tài kỹ thuật nên xem thường phần thực hành Vật Lý. Trong những giờ thực hành, khi thầy phụ trách phòng thí nghiệm đi khỏi anh cũng bỏ đi tán gẩu hay làm việc riêng. Bạn cùng lớp gọi Sáu là “Sáo” (người khởi xướng biệt danh nầy là Trần Ngọc Kham, một anh bạn hay tếu). Bài thi thực hành của Sáu là bài Thước Kẹp – Thước Vi Cấp, bài đầu tiên phần thực hành và cũng là bài dễ nhất. Như thường lệ, khi thầy đi khỏi thì Sáu đút túi thước kẹp, thước vi cấp rồi đi… “Sáo”, mặc dù đây là buổi thi. Hơn nửa thời gian thi trôi qua, nhiều bạn đã ghi nhận gần đủ kết quả để hoàn thành bài thi, “Sáo” mới … bay về chỗ. Phần thước vi cấp Sáu không gặp khó khăn nhưng phần thước kẹp thì có sự cố! Thông thường thước kẹp dùng để đo đường kính một vật bằng cách kẹp (do đó mới có tên thước kẹp) vật ấy từ bên ngoài vào. Lần này bài thi có phần yêu cầu đo lòng trong của một ống tube. Phần này lạ với Sáu. Lúc này thời gian thi không còn nhiều, tôi ngồi nắn nót, tô điểm phiếu kết quả thực hành trước khi nộp, thỉnh thoảng liếc xem Sáu, ngồi bàn bên cạnh, làm ăn ra sao. Nhìn cảnh Sáu túa mồ hôi loay hoay với cây thước kẹp và đoạn tube, tôi bật cười. Thấy tôi cười, Sáu mừng quá chộp ngay lấy tôi:

– Chỉ tao với. Phần này lạ quá tao không biết làm.

– Bài này dễ quá mà. Cứ kẹp thước đo là xong.

– Không, cái này là đo lòng trong ống, kẹp không được.

-Thì móc hai cái ngạnh phía trên thước ra chỉnh lại, rồi thọc vào trong ống đo ngược ra.

– Nhưng móc hai cái ngạnh, chỉnh, rồi đo bên trong lòng ống làm sao? …

Thế đấy. Nóc nhà xa hơn chợ!

Năm thứ 2 chúng tôi học môn Sinh Lý Thực Vật. Trưởng phòng thí nghiệm SLTV là thầy Lê Ấn, dược sĩ, hình như mới chuyển từ Viện Nghiên Cứu Cao Su về. Tuần ấy chúng tôi thực hành bài Quang Hợp, nhóm tôi được phân công chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm. Chúng tôi phân công nhau đến trường sớm, tôi lấy xe Honda PC của cô bạn chung nhóm, chở cô (Gọi là: Người có công, người có của  ấy mà) vào Thảo Cầm Viên lấy rong (chúng tôi được vào Thảo Cầm Viên [TCV] khỏi mua vé và còn được mang xe vào… qua khỏi cổng thì chạy). Chúng tôi chạy xe lòng vòng TCV xem cọp (mới thức dậy) ngáp, xem khỉ tập thể dục buổi sáng bài … xích đu. Chạy chán, tôi ngừng xe cạnh hồ cá chép vàng ở trung tâm TCV, thò tay xuống nước vớt một số rong trứng cho vào bao nylon mang về phòng thí nghiệm nộp. Tôi gặp thầy Lê Ấn. Lấy một cọng từ gói rong tôi nộp, đưa lên cao cho những người khác cùng xem, thầy nói: “Đúng là người nào, của nấy! (do tôi ốm, cao) Anh lấy đâu ra mấy cọng rong ‘suy dinh dưỡng’ này? Được rồi, để chiều nay tôi cho anh thí nghiệm tới khuya cho biết.” Thế là tôi phải chạy vào TCV lấy rong lại. Lúc nầy đã khá nắng, cô bạn than nắng không chịu đi, tôi phải đi một mình. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi tháo giày, xắn quần lội ra xa tìm vớt những cọng rong to. Một cô công nhân TCV thấy vậy cho tôi mượn cây cuốc cán dài để có thể moi ra xa dưới đáy hồ lấy được những cọng rong già, to và dài. Sau khi rửa sạch bùn cho rong, và rửa sạch bùn tay chân, tôi mang về một bọc to những cọng rong trứng thật chất lượng. Khi tôi về  đến phòng thí nghiệm lúc ấy đã gần 11 giờ, thầy Ấn đang khóa cửa để về. Thấy tôi ôm bọc rong đến thầy nói: ”Thấy anh đến tôi tưởng bộ phận tiếp phẩm giao rau cho nhà bếp đi nhầm chỗ!”

Thế đấy. Có người số “đẻ bọc điều”, làm gì cũng được khen, được tả phù, được hữu bật. Còn tôi, lá số tử vi “Mệnh” Sa Trung Kim rõ ràng không có “quý cách”, mà “thân” lại cư cung Quan: cuộc đời còn khổ dài dài!

Nhóm chúng tôi thực hành môn SLTV từ 17g đến 20 giờ chiều, ngày thứ bảy. Phòng thí nghiệm nằm trên lầu 1, khu B của Trung tâm Quốc gia Nông Nghiệp, giữa đài Phát thanh, Truyền hình và đại học Văn khoa (Khu A bên kia đường, kế trường Dược). Đường Cường Để giờ đó tấp nập xe người dân khu Thị Nghè, Hàng Xanh, cầu Bông đổ vào trung tâm thành phố chơi tối Thứ bảy. Phải làm việc trong hoàn cảnh đó lòng dạ chúng tôi có phần nôn nao, mất tập trung. Sau khi bố trí thí nghiệm, chúng tôi có một khoảng thời gian trống có thể ăn lót dạ, nhưng thường là để “Sáo”, nơi tụ tập là cuối phòng, có cửa sau dẫn ra ban công ngó xuống đường.

Đỗ Thị Xuân Thu, cô bạn nhỏ người, xinh và cũng là một cao thủ “Sáo” hình như đang diễn tả phim mới xem, “… nó to như thế này, này…”, miệng nói hai tay dang rộng quẹt phải lọ KMnO4 (thuốc tím), đang để trên bàn ngả đánh “cốp”. KMnO4 đổ thành một vệt dài màu tím nổi bật trên mặt bàn thí nghiệm lót gạch men trắng. Nghe tiếng động to phát ra từ cuối phòng, thầy Ấn đặt tờ báo xuống, đẩy ghế ra phía sau, bước xuống bục đi về nơi phát ra tiếng động. Nhóm bạn đang “Sáo” lập tức giải tán, ai về chỗ nấy, Xuân Thu xanh mặt không biết phản ứng ra sao. Tôi nhanh trí chộp ngay một chai H2O2 (dưỡng thủy, hay còn gọi nước ôxy già), mở nút, bước đến tạt vào vũng KMnO4 tím trên mặt bàn. Vũng thuốc tím chuyển sang màu trắng trong ngay. (Thật là kỳ diệu, và từ đó tôi có thêm một thành ngữ mới: Nhanh như phản ứng hóa học.) Chỉ chờ có thế, Xuân Thu lập tức lấy giẻ lau vũng nước. Khi thầy Ấn đến “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”! (Tựa một quyển sách dịch của Erich Maria Remarque (Đức). Mặt bàn có lấm tấm nước nhưng cô sinh viên Xuân Thu đang đứng đó cầm giẻ lau. Tôi vừa cứu Xuân Thu một bàn thua trông thấy!

Những năm học (nhờ) ở Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp là những năm học tôi thấy thú vị nhất. Nhận định này của tôi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, truyền thống và “phi truyền thống”. Tại đây, tôi được theo học những giáo sư vừa có tài vừa có tâm, những người tôi rất tôn sùng. Một trong số đó là thầy Tôn Thất Trình. Dù là bộ trưởng nhưng thầy vẫn dành thời gian để viết sách, những quyển sách thuộc vào loại “gối đầu giường” cho sinh viên Nông nghiệp, và thầy cũng sắp xếp thời gian để tham gia giảng dạy một course nào đó cho chúng tôi. Tại sao thầy lại làm những việc ấy trong khi tiền và danh vọng đã có thừa, quỹ thời gian thì hạn hẹp?

  • Viết sách là để truyền thụ kiến thức cho chúng tôi, nhưng trong sách của thầy tôi thấy có “đơn đặt hàng”, để học trò của thầy cùng suy nghĩ, thấy được những vấn đề cần giải quyết, những vấn đề thầy chưa giải quyết kịp, hay nhất thời chưa nghĩ ra giải pháp.
  • Qua cách dạy và cách cho thi, tôi nghĩ, thầy Trình đến TTQGNN giảng dạy nhằm tìm cộng sự, tìm trợ thủ. Điều này thể hiện rõ nhất trong bài thi. Đề thi của thầy Trình rất lạ, thuộc dạng đề mở, cho sinh viên sử dụng tài liệu thoải mái và cho sinh viên thuộc nhiều năm thi cùng đề, cùng lúc trong cùng giảng đường (lúc học năm 2, tôi thi chung với các anh, chị năm 4). Các đàn anh năm 4 đã học nhiều năm nên thường có nhiều tài liệu, có anh vào phòng thi với va li đầy ắp sách; cứ như “Khổng Tử phơi sách”. Đọc nhiều sách sẽ có nhiều kiến thức, nhưng điều đó có ích gì khi “nhà tuyển trạch” đã ghi những yêu cầu sờ sờ trong sách mà “ứng viên” không có cách giải quyết? Cộng sự hay trợ thủ để làm gì, nếu không phải là để giải quyết những vấn đề đã nêu? Sinh viên Nông nghiệp hình như nhận thấy được mục đích của thầy Trình khi đến dạy tại trường. (Qua việc rất nhiều học trò cũ của thầy, những người có năng lực, được thầy đề bạt làm giám đốc nha nầy, sở nọ.) Những giờ thầy dạy các bạn đi học đầy đủ, phát biểu sôi nổi, hăng say làm việc, nhưng chắc cũng có phần mong được “lọt vào mắt xanh của nhà tuyển trạch”.

Tôi không nằm trong danh sách “ứng viên của thầy Trình” vì tôi đã có ý định riêng. Vào học ngành sư phạm kỹ thuật tôi không muốn ra trường đi dạy, mà muốn trở thành quản lý, vì đây là ngành học còn tương đối mới, (lớp tôi là một trong những lớp đầu tiên), so với giáo dục phổ thông, sẽ có nhiều cơ hội để tôi tiến xa. Việc của các bạn Nông nghiệp thì tôi sáng, còn việc của bản thân thì không biết thế nào, nhưng được học với thầy Trình, thấy cách làm việc của thầy, tôi càng vững tin vào ý định của bản thân.

Sau ngày giải phóng tôi phải về trường chính ở Thủ Đức học. Lúc ấy kinh tế khó khăn, nhiên liệu thiếu thốn, không có xăng để chạy xe gắn máy nên tôi phải ra bến xe Nguyễn Hoàng (nay đã giải tán) đón xe đò tuyến đi Biên Hòa, hay đi Dĩ An để đến trường. Khách đi xe 2 tuyến này buổi sáng sớm (trước 7 giờ) chỉ thuộc 4 nhóm: sinh viên Sư phạm KT, học sinh trường Kỹ Thuật Việt-Đức (trường kế bên), sinh viên đại học Nông Lâm (lúc này chuyển từ khu Cường Để về trường chính ở Thủ Đức, [ngay ngã ba xa lộ Thủ Đức, xa lộ Đại hàn] ở bên kia đồi so với trường tôi), và công nhân của những xí nghiệp chung quanh. Dân thường không đi giờ đó vì… chen không lại. Lúc nầy, số sinh viên nữ trường tôi tăng lên rất nhiều do Bộ Đại Học sát nhập những trường cao đẳng, trường tôn giáo, trường tư có ngành đào tạo tương tự vào. Chỉ sau vài lần đón xe chúng tôi đã biết ai là “phe ta” (bạn học cùng trường). Sau những lần xe đã chạy, nhìn trở lại bến chúng tôi thấy vẻ mặt thất vọng của các bạn nữ đang đứng dưới đường. Các bạn sẽ bị trể học hay không đi học được, chúng tôi rất ái ngại. Thế là chúng tôi bàn với nhau cách giúp bạn nữ. Khi xe đến, phe ta tập trung ở một cửa, 2 hay 3 bạn nam sẽ chen đến cửa, đẩy vẹt đám đông ra rồi chắn hai bên cửa, các bạn nữ đi ngay sau các bạn nam nên sẽ dễ dàng lên xe, nam sinh viên sẽ lên sau. Cách ấy khá hiệu quả. Trong một lần chen lên xe, tôi đứng chắn bên trái cửa xe sau cho các bạn nữ lên. Đám đông phía sau đẩy mạnh quá làm tôi bị trợt tay. Cũng may tôi kịp dùng vai trái chịu lại nhưng bị mất thăng bằng, đầu chúi vào trong xe. Bạn nữ đi sau cùng đã leo được lên xe. Tôi cũng lên theo vì lúc này nửa người trên của tôi đã ở trong xe. Để giữ thăng bằng, tôi lập tức dùng tay chỏi xuống băng ghế cuối xe, nhưng không biết vì sao lúc ấy tôi không chỏi sấp mà lại chỏi ngửa lòng bàn tay. Cô bạn đi trước tôi vừa lên xe thấy chỗ trống lập tức ngồi xuống, và cô ngồi ngay trên bàn tay đang để ngửa của tôi! Theo trớn đẩy của đám đông phía sau, tôi rút tay ra, rồi bước lên xe. Khi đã ổn định chỗ… đứng, tay phải nắm được thanh vịn trên trần, tôi muốn vung nguyên cánh tay trái (vừa rồi vai va vào cửa) xem có bị thương tổn gì không, vì sau mỗi lần chen lấn như vậy về nhà tôi thấy có thêm những vết thâm tím. Xe chật nên tôi chỉ có thể gặc bàn tay trái mấy lần để kiểm tra xem có trặc trẹo gì không (Mà có nặng nề gì đâu? Chỉ khoảng 50kg thôi!). Đã thế, tôi còn đưa bàn tay lên gần mắt ngắm nghía xem có bị trầy trụa (!), rồi chụm môi thổi như để làm nguội bàn tay sau khi chạm phải một vật … quá nóng. Những hành động vừa nói tôi làm một cách tự nhiên, nhưng đến đây tôi chợt nhận ra đang đứng ngay trước mặt cô bạn, cô gái có sống mũi rất cao, và đôi mắt sáng sau cặp kính cận gọng nhựa. Mọi cử chỉ “quái gở” của tôi được cô ngước nhìn chăm chú, và việc ấy khiến mặt cô đang hồng (do nóng, vì trên xe quá đông người) trở thành đỏ ửng. Tôi cũng thấy ngượng nên vội quay mặt đi. Từ đó về sau mỗi khi gặp lại trong trường, hai chúng tôi kín đáo nhìn nhau mỉm cười. Bí mật ấy được giữ riêng cho hai chúng tôi.

cj25mu1d

Chút kỷ niệm này tôi xin dành cho:

  • Thầy Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Viện Đại Học Bách Khoa, Thủ Đức.
  • Thầy Nguyễn Thụy Ái, Hiệu trưởng Trường Đại Học Giáo Dục, cùng những Thầy, Cô đã dạy tôi trong suốt thời gian theo học tại trường (kể cả về sau này khi trường đổi tên thành Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật tp. HCM. Sau này trường đổi hiệu trưởng nhiều quá, tôi chỉ nhớ thầy Hiệu trưởng đầu tiên [quân quản] là thầy Cao Minh Thì.)
  • Những thầy, cô đã dạy tôi khi học tại Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp.
  • Các bạn cùng khóa 1 SPNN, những người còn ở Việt Nam, đang ở nước ngoài hay đã về miền miên viễn.
  • Cô bạn từ trường Regina Pacis chuyển đến, người cùng chia sẻ với tôi bí mật vừa bị bật mí.

 

Tái Bút:

Khả năng có hạn. Xin thầy,cô và các bạn đừng chê: “Nhân ít mà muốn bột nhiều.”

Sài Gòn, đầu năm học 2016

Nguyễn Hoàng Long <[email protected]>

 

Đã lỡ nói ra mấy điều về lá số tử  vi, thôi thì nói hết những nét chính luôn:

  • Sao chủ mệnh Thiên Đồng về tác người không đúng nhưng rất đúng về cách suy nghĩ và hành vi không kiên định, hay thay đổi, mau chán, bộp chộp; cách suy nghĩ ngây thơ như của… một đứa con nít.
  • Cung Phu Thê ngộ Tuần nên love story không bao giờ có happy ending.
  • Tài Bạch có Thiên Không là người bị bệnh “viêm túi” mãn tính.
  • Cung Di có Thiên Mã nhưng ngộ Tuần nên mặc đồ đẹp chỉ để …đi chơi hay đi ra, đi vô, còn chiến mã bị chặt mất 2 bánh nên chỉ còn 2 bánh và cũ mèm.
  • Thân cư Quan nên bao giờ cũng có việc để làm (nếu không thì nghĩ ra việc để làm!), hay để học. Nhưng bị ảnh hưởng bởi sao chủ mệnh Thiên Đồng nên việc học, việc làm mau chán, không đi đến đâu, nhất là về mặt tài chính (có thể có tiếng nhưng không có tiền).

Lá số tử vi thường chỉ xem đến tuổi 62 hay 63, nghĩa là còn vài tháng nữa lá số trên … ngoài “vùng phủ sóng” đối  với tôi. Lá số tử vi mới của tôi cung Mệnh có sao Tử Vi ở vị trí miếu địa, cùng sao Quốc Ấn, cung Nô Bộc có Tả Phù, Hữu Bật, cung Phu Thê có Hồng Loan, Đào Hoa, cung Điền Trạch có Long Trì, Phượng Các, cung Di có Thiên Mã, Hóa Khoa, cung Tài Bạch có Hóa Lộc, Mộ, cung Tật Ách có Thiên La, Địa Võng nhưng ngộ Tuần, còn Thân cư Phúc Đức. Một lá số tử vi hết ý. Với lá số tử vi này nếu tôi không làm tổng thống thì cũng là thủ tướng, còn không thì… nuôi ong, chăn dê. Nếu lỡ bị ong chích đã có Thiên La, Địa Võng ngộ Tuần hóa giải, về già nhờ nọc ong có sẵn trong người sẽ không bị bệnh thấp khớp! Nói lung tung quá, người đọc đừng chê lạc đề. (Biết sao được khi có sao chủ mệnh Thiên Đồng?) Chỉ mong các bạn quản trang đừng “Access Denied”!

 

Có 14 bình luận về Kỷ Niệm Vui thời đại học

  1. Phải công nhận Nguyễn Hoàng Long có một trí nhớ thật tuyệt, ngoài những kỷ niệm vui của thời sinh viên với chúng bạn, còn kể lại rành mạch về các thày, cô với đặc điểm của từng người. Chắc chắn Hoàng Long sẽ còn cho chúng ta chia sẻ thật nhiều kỷ niệm thú vị mà tác giả đã trải qua trong cuộc đời.

    • Thưa Cô,

      Bổn phận của học trò là phải nhớ (ơn) những thầy, cô đã dạy mình, huống chi lúc trước em đặt mục tiêu là quản lý giáo dục, nhưng đó là chuyện đã lâu rồi. Thật ra em viết bài nầy lúc đầu Tháng 9  nhưng rồi nhận được đường link rạp xi nê SG xưa của Cô, em xem hình ảnh xong thấy thích nên viết bài gửi ngay. Ở VN sau nầy có tổ chức Ngày Nhà Giáo VN, nhằm ngày 20/11, để vinh danh người hoạt động trong ngành giáo dục, em thấy đăng bài nầy bây giờ cũng hay, vả lại lúc nầy trang nhà ít có truyện mới. Thơ của Cô và cô Trí rất hay, đọc rất thích nhưng em không dám gửi comment vì sợ lòi cái đuôi dốt của mình. Được Cô khen về trí nhớ tốt em rất sung sướng, vì em không biết viết về những việc xa xôi,  những gì em viết là quê hương, là thầy cô, bạn bè, người thân, và đôi khi là do hứng (như vụ xi nê). Chúc Cô khỏe.

  2. My Nguyen nói:

    Đọc bài viết của anh Hoàng Long thật vui và thú vị. Đúng là những kỷ niệm vui của thời sinh viên, được anh HL kể lại bằng một trí nhớ tuyệt vời, bằng một lối viết dí dỏm, thu hút người đọc. Cảm ơn anh HL và mong  được đọc tiếp những bài viết hay của anh nhé!

    • Chào nhà tổ chức sự kiện cho trang nhà tại điểm chính Vĩnh Long. Tôi nhận thấy phải viết cái gì đó vui, nếu hay được thì càng tốt, để đáp lại thịnh tình của các bạn trang nhà ở Vĩnh Long, những người (nhất là chị) đã vui vẻ làm rất tốt phần việc chủ nhà mỗi khi có sự kiện. Tôi còn có một nhận xét khác về chị: Chị là người thường xuyên vào trang nhà nên cô, thầy, bạn nào có bài thơ, bài văn cho trang nhà là chị có phản hồi (dĩ nhiên là sau khi đọc). Đối với tôi đây là niềm khích lệ lớn, người vốn xem bài viết của mình là “đứa con tinh thần” (hay tại do tôi ít con, chỉ 2 đứa con thôi?). Tôi phải nhận xét chị “văn, võ song toàn”, còn tôi chỉ thưởng thức thơ ở mức độ thấp (chỉ thấy hay hay dở, thế thôi) nên ít dám phản hồi. Khen chị lại rồi đó.

       

      • My Nguyen nói:

        Anh Hoàng Long thân mến! MN rất đồng ý với anh, bài viết của mình là những đứa con tinh thần, cả bài viết của Thầy Cô, bè bạn nữa, MN vẫn xem đó là những đứa con tinh thần và luôn trân trọng. Đối với MN, đến với trang nhà như một cơ duyên, may mắn được Thầy Cô, bạn bè đón nhận. Những việc làm của MN có lớn lao gì đâu, cảm thấy còn phải nổ lực rất nhiều. Khen anh có chút xíu mà được anh khen lại quá nhiều. Lời lắm đó đa! Cảm ơn anh nhé!

  3. Hoành Châu** nói:

    Bài viết của  anh  Hoàng  Long   hay ,  vui  và   dí dỏm lắm .Ôn lại  cuộc  sống  và  sinh  hoạt   của thời sinh viên,,,ta thấy nó    vui biết bao nhiêu lần   so  với  thời Trung  học .  có lẽ là  được  tự  do hơn một  chút xíu chăng     ,,, mặc  dù hoàn toàn nằm trong  khuôn  thước  của  sự  bó  buộc  ! Nghe  có vẻ  mâu  thuẩn  nhưng  đúng  là  như  vậy  !! Hihi . Hẹn tiếp các tập sau  nhé .          Hoành Châu  (Gia đình C  )

    • Do tờ lý lịch không được tốt, tôi phải chuyển qua dùng tờ lá số tử vi. Nhưng “chạy trời không khỏi nắng” chị ạ. Lý lịch không tốt thì lá số tử vi cũng không quý cách. Nhưng cũng còn an ủi, sau mấy lần giúp bạn thì cũng được ban thưởng trọng hậu (chắc phải 50kg à!) Nhớ đời luôn.

  4. VOTHILAI nói:

    Bài viết của anh Hoàng Long phong phú thật,anh giỏi quá , anh biết đủ thứ  trên đời lại cộng thêm trí nhớ tốt nữa.Đọc bài anh em được biết thêm nhiều việc ở trường học ở ngoài đời .Cám ơn anhLong đã cho đọc bài viêt rất hấp dẫn .

  5. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Anh Phạm Quốc Sáu anh nhắc trong bài sau khi tốt nghiệp đã về công tác tại trường THSP Vĩnh Long . Dạy môn KTNN Anh có nhà ở chợ cua Long Hồ nhưng thường vào ở chung phòng với tôi để quản lý Giáo sinh lớp Chủ nhiệm . Thời gian này anh còn đảm trách Bí thư Chi Đoàn GV  . Ba năm sau anh mất vì bệnh phổi 1985 . Cảm ơn anh Hoàng Long đã có bài viết nhắc lại tình hình giáo dục buổi giao thời sau 1975

    • Tôi không biết việc anh Sáu có nhà ở VL, chỉ biết trước khi lên SG anh học ở Cần Thơ (hình như có anh, hay anh rễ dạy kỹ thuật ở đó). Giai đoạn đi học lại sau giải phóng rất vất vả, khó khăn, nhất là sinh viên nhà xa. Cũng vì thế mà anh Sáu bị bệnh trong giai đoạn ấy và phải ở lại học lớp sau do nghỉ bệnh. Việc anh Sáu mất lớp chúng tôi có biết nhưng không nắm được địa chỉ cụ thể và tin đến muộn. Anh dạy chung và ở chung phòng có thấy tính “Sáo”?

  6. THU CÚC nói:

    Chuyên  cũ mà rất mới qua bài viết của anh Hoàng Long . Với giọng văn dí dỏm , chuyện kể rất thú vị về người thật việc thật làm người đọc thấy vui vui nhớ lại những bí mật thời sinh viên của mình . Nhìn bề ngoài không ai nghĩ anh HL có một thời nghịch ngợm , phá phách ra phết đấy chứ , đâu có hiền và nhút nhát như anh nói !.Chuyện bây giờ mới kể  lần lượt sẽ được bật mí đây . Đang chờ đọc tiếp , sẽ ly kì lăm nha .

    • Tôi mới đọc thơ của một người bạn, theo bạn đó tuổi hai mươi có nét đẹp, niềm vui của 20, tuổi 30 có nét đẹp, niềm vui của 30… Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn đó. Tôi nghĩ, niềm vui, và hạnh phúc ta có thể tìm được chúng ngay bây giờ và ở đây. Nếu không phải thuộc dạng “sống để dạ, chết mang theo” thì có bí mật nào, cứ cho nó bật mí luôn, cho nó vui. Hiền cũng có 5 – 7 đường, mỡ đặt trước miệng mèo thì chỉ có mèo đau răng mới không táp. Thật ra tôi là người “chuyện người thì sáng, còn chuyện mình (làm, người khác nhìn) phát chán”.

  7. Trí nhớ thật tuyệt, cái nhìn vừa bao quát vừa sâu sắc, lối hành văn dí dỏm…đã cuốn hút người đọc! Anh là thầy bói nữa hả? Không giải thích lá số tử vi sau, thì làm sao độc giả hiểu được? Đọc bài viết của anh, những kỷ niệm trên ghế giảng đường ĐH, giờ thực hành ở phòng thí nghiệm, với những chuyến xe bus…chợt ùa về…làm Nhung bồi hồi nhớ lại tuổi hoa mộng của mình, nhưng ko tài nào có thể diễn đạt được đầy đủ, sâu sắc và sinh động như vậy!
    Cám ơn bài viết của anh, qua đó mọi người biết được những kỷ niệm đẹp; tâm hồn đẹp đã có trong anh!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác