Về một ánh sao

Ngày đăng: 18/08/2016 09:14:58 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

Nhiều năm trước, khi thấy tôi hằng năm đều từ Ý về VN mà lần nào cũng chỉ quanh ở Sài Gòn, một người bạn mắng: “Mầy làm gì mà về VN hoài vậy? mà lần nào về cũng xớ rớ ở nhà…” Anh mắng là phải, mùa hè nào vợ chồng anh cũng đều chu du khắp Âu Châu, năm khi mười họa có về VN thì phần lớn thời gian đều dành cho những chuyến du hành Nam Bắc. Nghe mắng mà tôi chỉ cười huề, ít khi đối đáp. Duy chỉ một lần tôi từ tốn nói : “Đi đâu thì cũng thế! Nhưng tao chắc là trên thế gian này không có cảnh nào đẹp bằng nụ cười của mẹ tao!” Sau lần đó thì tôi không bị mắng nữa.

Khi một người nào đó mất đi luôn để lại chúng ta một khoảng trống. Nhưng khi mẹ mất, khoảng trống ấy mênh mông đến vô cùng. Bởi mẹ là tác nhân đưa ta từ cõi vô hình đến với thế giới hữu hình. Mẹ là chiếc cầu nối giữa ta và vũ trụ. Mất mẹ, sợi dây thiêng liêng kia đứt phụt.  Và những đứa con của mẹ chơi vơi. Hụt hẫng. Bềnh bồng …

            Tôi chạy xe mà nước mắt cứ lăn dài. Mặt ướt đẫm nhưng tôi vẫn nghĩ là mình không khóc. Những giọt nước đó có thể là những nỗi ân hận tiềm ẩn được chôn giấu từ một nơi nào đó trong ký ức đang trào ra từ những bùng nhùng của cuộc sống. Không biết dòng nước mặn chát ấy có thể rửa sạch những xót xa hay không… vì lúc này thần trí tôi đang bềnh bồng trong một cõi mơ hồ, vô ý thức.

Đường phố tấp nập…tôi chạy xen vào dòng người hối hả lòng ngổn ngang những tâm sự rối bời. Anh Bông (Nguyên Quả) ngồi đằng sau luôn miệng nhắc tôi bình tĩnh. Tôi nói anh yên tâm vì tôi chạy xe rất cẩn thận.

Cái duyên với anh Bông, người không thân thích mà tình như ruột thịt, luôn ở gần tôi và gia đình trong những biến cố quan trọng, niềm vui hay trong những sự cố mất mát đau buồn nhất. Tôi nghĩ nếu không có anh thì tôi sẽ rất khó khăn trong mớ bòng bong thủ tục, hợp thức chuyện sử dụng ba thước đất làm nơi an nghỉ cuối cùng…

Đôi lúc, dừng xe ở đèn đỏ, bàn tay tôi vuốt lấy bàn tay anh trong vô thức, như ngầm nói là tôi luôn quý và tri ơn anh.

Lòng tôi ngổn ngang. Dù mẹ vẫn còn nằm đó. Như đang thiếp ngủ. Nhưng là một giấc ngủ dài không bao giờ tỉnh thức. Lúc gần một giờ khuya mẹ thức giấc, bảo cháu Thảo đỡ dậy nhìn căn phòng, ngồi thở theo phương pháp dưỡng sinh một lát rồi nằm xuống. Sau vài phút tựa lưng xuống giường, mẹ than mệt rồi hơi thở yếu dần, phều phào nói gì nghe không rõ. Sợ hãi, Thảo qua gọi Thịnh, chị Hương… khi cả ba chạy đến, mẹ mở mắt nhìn, khẽ phẩy tay rồi hắt hơi và ra đi trong ánh mắt hốt hoảng của ba người.

Mấy tháng yếu sức, mẹ đã căn dặn mọi điều…bây giờ mẹ thanh thản ra đi, chắc mẹ cũng chẳng có gì hối tiếc. Di chúc, lễ tang, ấn tống kinh sách…mẹ đã trù liệu và dặn dò từ hơn 10 năm nên các con cháu cứ theo di chúc mà làm. Giản đơn nhưng trang trọng trong ánh sáng từ bi của cõi Phật.

Sống ở nước ngoài hơn 40 năm, thế nhưng những ngày cuối được về sống bên mẹ, được ôm mẹ, ngủ cạnh mẹ, được xoa bóp chân tay hay vui đùa cùng mẹ… nên các bạn cho rằng tôi may mắn nhưng nghĩ cho cùng, tất cả những chuyện linh tinh ấy chỉ là chuyện hữu hình, kéo dài trong chốc lát. Còn tinh thần? Điều mà trong đời người, có lẽ là điều quan trọng nhất…

Mỗi con người đều có một tâm tính và tính cách ấy tạo nên những số phận. Rồi trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh có những lúc va chạm hay làm buồn nhau là điều không tránh khỏi. Những đáng tiếc xảy ra, do vô tình hay cố ý, do tham sân si và khoảng cách thế hệ, khó mà đong đếm…và một khi mẹ mất đi, khoảng trống mênh mông và nỗi ân hận trồi lên là điều chắc chắn. Dù người con đó lúc sinh thời có hiếu thảo và chăm sóc mẹ đến đâu đi nữa.

Nỗi ân hận sẽ còn xót xa hơn khi hiểu ra rằng, sau những lần làm buồn nhau, những đứa con khờ dại có khi  hờn trách mẹ. Còn mẹ thì không. Bởi trong mắt mẹ, dù tuổi nào các con vẫn cứ là trẻ thơ nên trên môi mẹ luôn nở một nụ cười độ lượng. Mẹ tha thứ. Vì chúng là con của mẹ.

&

Trời hãy còn sớm lắm. Ngồi uống cà phê vỉa hè để chờ văn phòng quản lý Nghĩa Trang chùa Quảng Bình mở cửa, anh Bông ngồi trầm ngâm còn tôi thì đầu óc ngổn ngang, những ký ức lộn xộn về  vài chi tiết xen nhau trong cuộc đời mẹ.

Tính cách mạnh mẽ. Mồ côi cha trong thời phong kiến ở làng quê còn thịnh, thế mà mẹ dám đơn phương đem trả lại lễ hỏi của người bạn của anh trai mình, không muốn bị áp đặt một cuộc hôn nhân. Dĩ nhiên sau đó là một trận đòn nhừ tử, thừa sống thiếu chết.

Hồi tưởng, con tin rằng mẹ đã sống một cuộc đời đáng sống. Mẹ dám phấn đấu để chọn cho mình người đàn ông  tài hoa và đức độ  để có thể hy sinh trọn một cuộc đời, thực hiện thiên chức ích phu vượn tử. Con tin rằng mẹ đã mãn nguyện có được người cha kính mến cho các đứa con thân yêu của mình. Ý chí kiên cường tinh thần cứng rắn, mẹ không chấp nhận thỏa hiệp, làm việc nửa vời.. chịu đựng hoặc hy sinh vô ích cho người nào mà mẹ không kính phục. Thật vậy…Người mà mẹ đem trả của, về sau là một gã đàn ông thô bạo, rượu chè bê tha, đánh đập vợ con tàn nhẫn.

Khi còn ở nước ngoài, những lần về thăm, các em thường kể về sự dũng cảm của mẹ. Sau 1975, tài sản, nhà cửa ruộng đất đều bị kiểm kê…gia đình bị dồn đến đường cùng nhưng mẹ sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh mà không hề nao núng. Từ một bà chủ có của ăn của để, mẹ điềm nhiên xăn ống quần lội xuống ruộng làm cỏ, cấy lúa, trồng cải, nuôi gà, nuôi heo để vực dậy kinh tế gia đình như một nông dân thực thụ.

Niềm vui của mẹ là cho đi chứ không phải nhận lại. Hy sinh cho con nhưng chưa bao giờ đòi hỏi một chút gì. Ngay cả những lúc đau đớn mẹ cũng cắn răng chịu đựng, sợ con cháu ưu phiền. Mẹ xót. Mẹ chẳng muốn làm phiền bất cứ một ai. Chả bao giờ đòi hỏi  hay yêu cầu con, cháu bóp chân, bóp tay…khi không cần thiết. Mẹ thích tự mình làm lấy. Tự giúp mình. Tự cứu độ mình. Mẹ bảo nhận của người đâu dễ, cho thì dễ hơn nên cứ cho đi. Với ý nghĩ đó mẹ sống khác với những ông bà còn khỏe mạnh nhưng cứ bắt con cháu suốt ngày xoa bóp, sai đủ thứ việc này việc nọ, hành hạ đủ điều. Nhiều lần tôi thấy mẹ tự giặt giũ đồ lót, không để cho con cháu hay người giúp việc làm hộ. Mẹ nói để không “tạo nghiệp. Thuốc giảm đau cho mẹ từ nước ngoài mang về, nghe ai tê nhức, mẹ đem cho hết, khi cần không có. Con cháu khuyên mẹ hãy để dành mà dùng, mẹ nói “kệ, để làm phước”. Ngay trước lúc lâm chung mẹ vẫn tiếp tục trút từng giọt yêu thương cuối cùng cho con cháu: Thấy cháu Thảo còn nằm bên, thức khuya, đọc sách… mẹ còn bảo ngủ đi, ngoại khỏe, đừng lo gì cho ngoại…

Đời làm sao tránh được buồn phiền nhưng chắc chắn là mẹ đã sống một cuộc đời hạnh phúc, được làm những gì mẹ muốn và sống theo cách của mình. Và bây giờ mẹ đang chuẩn bị đi hội ngộ với ba, với anh Hiếu…đứa con trưởng mà mẹ thương yêu nhất.

&

Nhìn hai cháu nội, ngoại đang quây quần bên thi hài mẹ làm tôi nhớ những đêm cuối năm ngày xa xưa gia đình quấn quít ngồi bên bếp lửa hồng. Nhưng lúc này lửa vừa tắt và nguội dần. Giá băng như tràn trong trái tim của từng người… Chiều nay hai em Nga, Tự từ Qui Nhơn sẽ vào đến. Sáng mai các em Nguyệt, Đạo, Xuân, Minh ở Úc bay về và đến trong chiều. Tất cả anh em, con cháu sẽ tụ tập ngồi quanh bếp ấm. Tang lễ của mẹ phải chờ thêm một ngày nữa vì hai cháu Quỳnh Như, Vivian từ London cũng cấp tốc bay về, để nhìn ngoại lần cuối cùng qua màn kính. Thời gian các cháu đi/về chỉ vừa đủ để tham dự lễ tang, lưu lại 48 giờ rồi phải về lại Âu Châu.

            Sau đó thì… mẹ sẽ rời xa tất cả các con, cháu, người thân, từ giã bạn bè, các thầy, đạo hữu để về nơi vĩnh hằng.

Khi một người nào đó mất đi luôn để lại chúng ta một khoảng trống. Nhưng khi mẹ mất đi, khoảng trống ấy mênh mông đến vô cùng. Bởi mẹ là tác nhân đưa ta từ cõi vô hình đến với thế giới hữu hình. Mẹ là chiếc cầu nối giữa ta và vũ trụ. Mất mẹ, sợi dây thiêng liêng kia đứt phụt. Và những đứa con của mẹ chơi vơi. Hụt hẫng. Bềnh bồng…

Đời người là một chuỗi nhân duyên huyền bí, biến chuyển theo duyên khởi trùng trùng cho đến  khi nhắm mắt lâm chung.. Từ một chấm nhỏ li ti ta tách rời thân mẹ để hiện hữu thành một hình hài. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu cha mẹ không gặp nhau thì ta không có. Ông bà chẳng gặp nhau thì ta cũng chẳng sinh ra. Đó không phải là một điều kỳ diệu do duyên nghiệp mầu nhiệm hay sao?

 

Mấy mươi năm trước, mẹ đã từ bỏ những ràng buộc thế nhân để tu hành. Kể từ đó, mẹ ăn chay trường. Mẹ giao lại nhà cửa và gia sản cho các con.

Một đời vốn liếng mẹ trao

Cho con tt c, m nào gi riêng .                             

Các anh em ở nước ngoài đều từ bỏ tất cả  để nhường cho anh chị em của mình còn ở lại. Vì vậy có người thừa hưởng để sinh sống và để lại cho con cháu đời sau. Những đứa khác tự đứng lên bằng đôi chân của mình, nhận chữ Tâm của mẹ để đời sống bình yên.

Mẹ sống đơn giản, chỉ thỉnh thoảng hỏi tiền các con để cúng dường chư Phật, xây chùa, dựng tượng hay thực hiện hạnh bố thí, trao quà cho người nghèo hay bất cứ ai cần đến. Mười tuýp thuốc thuốc giảm đau từ Ý Elena mua về cho mẹ, chỉ trong một tuần mẹ đem cho tất, khi cần phải mua hàng nội. Sự  rộng lượng của mẹ thường vượt ngưỡng, đôi khi làm các con lo lắng.

Tôi nhìn lên khung ảnh mà mẹ đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước cho sự ra đi của mình. Thật quá vô tâm! Mẹ đưa cho các con từ bấy đến nay, nhưng chỉ đến lúc này tôi mới tìm hiểu ý nghĩa: Ảnh chụp ngày mẹ nguyện thọ trì Bồ Tát giới, sống và giữ nếp sống thanh tịnh, nuôi lớn lòng đại bi làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Trên người mẹ là chiếc áo tràng, cổ áo viền nâu có thêu bốn chữ Bồ Đề Tát Đỏa (Bodhisattva). Bồ đề là Giác. Tát  đỏa là Hữu tình. Người thọ giới nguyện giúp mọi người xả bỏ vọng niệm, xả bỏ để khỏi dính bụi trần.

Dưới gọng kính trắng, ánh mắt mẹ như đang trìu mến nhìn các con, cháu và cô ba đang ngồi kiết già niệm Phật dưới chân giường của mẹ. Cô ba đang thành kính cầu nguyện để linh hồn mẹ siêu thoát. 70 năm chị dâu em chồng, họ còn như hai người bạn chân tình, chưa một lần xích mích, giận hờn. Chị em ruột thịt cũng chưa mấy ai chia sẻ được mọi điều như thế. 70 năm qua, kể từ ngày mẹ về làm dâu trong gia đình hai người luôn che chở và bảo bọc cho nhau. Nét mặt cô phúc hậu. Đức dày. Nên trong thời đại hôm xô bồ và hỗn loạn hôm nay, giữa thành phố Sài Gòn mà cô là tâm điểm của một đại gia đình chung sống tứ đại đồng đường. Dâu rể, cháu con hòa thuận.

Tiếng niệm kinh của cô vang đều…cái tang lớn của cô là ngày ba tôi mất. 28 năm nay, mỗi lần nhắc đến anh trai là nước mắt cô lưng tròng.

Nhìn dáng mẹ nằm như đang thiếp ngủ, nước mắt tôi muốn trào ra. Mới hai ngày trước tôi còn nhìn thấy mẹ nằm trên giường tập thể dục, vẫy tay, đạp chân theo lối đạp xe đạp. “Phải tập chứ nằm hoài, chân yếu làm sao đi”. Nỗi đauKhó thể chấp nhận! Âm thanh của tiếng gào thê thiết như muốn nổ bùng trong lồng ngực nhưng tôi kìm lại. 15 năm trước khi anh Hiếu, con trai yêu của mẹ hắt hơi thở cuối cùng và trái tim ngừng đập, lũ chúng tôi ồ ra khóc. Mẹ nghiêm trang căn dặn“Đừng khóc! Để anh con ra đi thanh thản”. Âm thanh mẹ dịu dàng. Ánh mắt mẹ bình thản nhưng lúc đó tôi biết là sấm sét đang bị ý chí và nghị lực của mẹ nhốt kín trong im lặng, bắt nằm im và câm nín trong trái tim đau đớn của bà.

Chỉ có thể giải thích là niềm tin sắt son vào chư Phật đã cho mẹ sức mạnh thần kỳ đó.

 

Các cháu vẫn còn ngồi quanh mẹ, nhưng yên lặng, không ai nói với ai lời nào…âm thanh đầy ý nghĩa của yên lặng, hồi tưởng ngân vang trong trái tim mỗi người theo một độ rung và cung bậc trầm bỗng khác nhau.

Ý thức rằng một ngày nào đó sẽ không còn nhìn thấy bóng mẹ ngồi lần tràng hạt, quỳ gối tụng kinh trước bàn thờ Phật hay ngồi trên võng đong đưa, giọng rổn rảng dặn dò các con tu tập, hay kể chuyện sinh hoạt ở chùa. Lòng tôi buồn vô hạn. Điều an ủi duy nhất là trong bốn cửa ải của đời người, mẹ chỉ đi qua Sinh, Lão  rồi nhẹ nhàng bước qua cửa Tử chứ không đi ngang ải Bệnh hành hạ xác thân, khổ mình, khổ người thì cũng được xem là đại Phước.

Qua ánh mắt hoen mờ, tôi như nhìn thấy bóng mẹ như những sợi khói đang từng bước rời xa căn nhà này.

Từ nay, khi không còn mẹ, mấy anh em, con cháu chúng tôi từ xa thỉnh thoảng quay về chắc cũng ít khi ghé lại.

&

Trời hãy còn sáng cả nhà ngồi chờ hòa thượng Huệ Minh và các sư, tôi lặng lẽ ngồi bên cô tôi, Elena và các cháu đang thành kính niệm Tây phương tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật. Gương mặt nghiêm trang Elena cũng đang chắp tay cầu nguyện cho mẹ ra đi thanh thản. Vợ tôi trong lúc này không còn là một người đàn bà Tây phương, mà chính là một Phật tử thuần Việt. Có lẽ vì thế mà nhà văn Dạ Ngân đã gọi đó là “sự nhập cuộc trôi chảy”?(*)

Trong không gian vang đều tiếng niệm Phật…nhưng tôi lại thấy mình bị mất tập trung. Đầu óc tôi như  quay về những những ngày xưa cũ, về suốt cuộc đời tảo tần của mẹ và những công ơn, lời dạy dỗ khi còn thơ bé, mà có lẽ cho đến khi hắt hơi thở cuối, xuôi tay, cũng khó thể nào quên.

Là con gái út của một gia đình trung nông, nhiều người trong họ bảo thuở nhỏ mẹ sáng láng, nhưng chỉ được học vừa đủ để đọc. Đàn bà ngày xưa dù có đĩnh ngộ đến đâu cũng không được học đến nơi đến chốn.

Thế nhưng mẹ chính là người dạy dỗ “nếp nhà”. Bởi vì  trong thời buổi chiến tranh khốn khó, ba bận làm ăn, “thầy thì xa, mẹ lại gần”. Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu ca dao mộc mạc mà mẹ thuộc lòng. Lớn lên, mẹ dắt chúng tôi về quê ở Vĩnh Thạnh hay An Thái ăn giỗ, đưa chúng tôi đi chùa, còn những đêm trăng sáng mẹ rủ rỉ kể chuyện đời xưa rồi nhân đó giảng giải đạo lý ở đời. Lời mẹ dặn chỉ đơn giản trong những chuyện đời thường thế nhưng đến khi lớn tuổi nghiệm lại tôi vẫn thấy mình chưa học hết lời của mẹ.

 

Điều đầu tiên mẹ dạy các con phải đoàn kết, yêu thương và bảo bọc nhau. Tuyệt đối không dính líu đến cờ bạc, ngay cả việc ngồi xem mẹ cũng chẳng bằng lòng. Có lẽ vì thế mà chúng tôi hoàn toàn ngờ nghệch về các trò chơi này, nói chi đến việc ăn thua đen đỏ. Những bài học kế tiếp là đừng bao giờ lệ thuộc miếng ăn. Thức ăn, qua cổ họng là biến thành chất thải, việc gì mà tham? Miếng ăn làm mình khổ, đó là chưa nói đến những thứ ăn không lành mạnh, “ăn rồi làm sao lấy ra?”, “Bệnh tật, nhục nhã đều do ăn bẩn.” Lớn lên mẹ dặn, chỉ được ăn những thứ gì của mình làm ra hoặc mua được do đồng tiền mồ hôi nước mắt. Ăn lạm vào phần người khác là “ăn bẩn”; “ăn cắp tiền bá tánh” chẳng những thất đức mà còn gây hại cho sức khỏe và tinh thần. Miếng ăn cay đắng lắm, nếu kiếm ăn qua làm các việc trái đạo lý thì càng cay đắng bội phần. Không được gian dối. Không được làm chuyện gian lận rồi biện hộ vì lo cho gia đình. Anh em, con cháu có thể hưởng lợi nhưng chỉ người làm điều xấu là có tội. Quả báo nhãn tiền, nhiều kẻ thoát được lưới người nhưng lại không thoát lưới trời.

Mẹ tin ở luật nhân quả. Gieo và gặt thuận theo lẽ tự nhiên. Mẹ nói đó là “quy luật sắt của vũ trụ” nên không bao giờ nhầm lẫn.

Qua những chuyện kể, mẹ thường răn phải sống ngay thẳng. Đừng bao giờ lường gạt một ai. Phải biết tiết kiệm và sống dưới mức kiếm được. Và khi có điều kiện nên dành thì giờ và tiền bạc làm việc thiện.

Ngày còn bé, thời gia đình sung túc nhất, nhưng mẹ vẫn không cho phép tôi ăn không ngồi rồi. Khi các xe chở thuốc tây về, mẹ bảo tôi khuân các thùng thuốc sắp vào kho. Tuổi ham chơi, tôi phản đối thì bị mẹ nghiêm mặt: “ Con phải tập làm. Lỡ gặp bất trắc về sau thì phải biết tự đứng lên”. Ấm ức vì phải khuân vác, nhưng thâm tâm xem câu nói của mẹ là vô căn cứ. Nào ngờ, đời thay đổi, những những năm tháng khốn khó ở nước ngoài, từ 1975 bị cúp chuyển ngân, vừa đi làm để tự nuôi mình học nhưng tôi đã vươn lên, tốt nghiệp đại học với kết quả a pieni voti legali! (ưu hạng). Chính mẹ cũng ngạc nhiên khi biết tôi đã không bán và còn giữ sợi dây chuyền vàng có tượng Quán Thế Âm mà mẹ đã chú nguyện ở Chùa để tôi mang theo lúc lên đường du học hơn 10 năm trước.

 

Bằng ngôn ngữ đơn giản mẹ dạy đừng bao giờ mong chờ cuộc đời đối xử với các con sòng phẳng, nhưng không vì thế mà oán hờn, làm nhiễm độc tâm mình. Hãy bình tĩnh đón nhận mọi việc, niệm Phật đi, rồi tự khắc mình sẽ tìm được cách hóa giải.

Quan niệm đen trắng rạch ròi nên mẹ cực ghét thói ăn cháo đá bát, không ưa kẻ vô ơn bạc nghĩa, chịu ơn người rồi quên, có khi còn phản bội hay đặt điều nói xấu người ân.  Những kẻ ấy, mẹ nói : “khi có sự thì quỳ lạy vái van đủ kiểu, khi xong việc thì phủi tay”. Mẹ gọi sự vong ân là ác nghiệp, dặn các con đừng bao giờ quên những gì  người khác đã làm để giúp đỡ mình. Không ai bị bắt buộc, mọi việc họ giúp đều do từ tâm. Nhờ những lời dạy này mà anh em chúng tôi luôn nhắc mình phải sống trung thực.

 

Lớn lên, va chạm với đời tôi càng thấm thía lời mẹ và hiểu rằng kẻ vô ân là một “tên ăn quỵt” và là kẻ hèn hạ nhất: Tính cách tham lam, hay phản phúc nhưng đồng thời cũng là kẻ hay quỵ lụy và ngu xuẩn. Nó quen thói chiếm giữ niềm vui hay tiền bạc nhờ công sức và từ tâm của người khác nhưng chóng quên các điều người khác làm cho mình. Nó chỉ nhớ những điều người khác không giúp được nên đợi dịp là chì chiết, trách móc, mỉa mai.

Tôi chưa bao giờ thấy những người thông minh là những kẻ vô ơn!

Bằng những kinh nghiệm thực tế qua những lời lẽ mộc mạc, tôi nghĩ mẹ đã dạy các con cụ thể hơn các bà mẹ trí thức hiện đại. Thời này người ta hay nói dạy theo “kỹ năng”, làm các bà mẹ bị “tẩu hỏa nhập ma”, không biết dạy con theo các kiểu nào, Pháp, Đức,  Hà Lan, Nhật, Mỹ, Do Thái… nghe điếc cả tai, hoa cả mắt…

Bởi triết lý của mẹ là rút ra từ đời sống chứ không phải góp nhặt từ sách vở rồi áp lên cuộc sống.

                                                            &

Đêm cuối cùng con nằm bên mẹ. Chỉ còn đêm cuối cùng này nữa thôi và mẹ sẽ từ giã căn nhà này. Và con sẽ không còn cơ hội nào nằm bên mẹ nữa.

Hai người bạn thân thiết của gia đình, luật sư Dũng và bác sĩ Trị, vẫn còn thức và đang ngồi nói chuyện trước hiên. Lúc 23h, tưởng chẳng còn ai, thì bất ngờ có ba người, hai nam, một nữ, xin đến  xin thắp hương cho mẹ. Tôi ngạc nhiên vì không biết họ là ai nhưng chưa kịp hỏi thì họ nói là những người chạy xe ôm thường chở cụ đi chùa. Tôi nghe sống mũi mình cay cay.

Sau khi thành kính thắp nhang cho mẹ, mấy người bạn này cho biết là họ có mang theo đá lạnh và mấy lon bia, muốn mời tôi uống một ly. Ngồi nói chuyện một lát rồi họ xin về.

Dũng và Trị lúc này mới kê mấy chiếc ghế để ngả lưng, tôi bảo cả hai vào ngủ, nhưng cả hai nói “quen” rồi.

Đêm khuya. Đường phố vắng và chìm trong yên lặng. Chúng tôi tổ chức lễ tang cho mẹ trong yên tĩnh, không có những ban nhạc kèn trống ầm ĩ làm phiền lòng hàng xóm. Chỉ có tiếng tụng kinh từ chiếc máy mở vừa đủ nghe. Tôi và Nga, em gái nằm cạnh linh sàng, không ai ngủ được nhưng chẳng ai nói với ai lời nào. Mỗi người chỉ im lặng gặm nhấm nỗi đau riêng trong lòng mình.

Thỉnh thoảng tôi đứng dậy thắp nhang rồi bước đến nhìn mẹ qua tấm kính trên mặt áo quan. Nước mắt hoen mờ tôi thấy mẹ như đang thiếp ngủ. Những sợi khói nhang màu xám từ bàn thờ bay lên, phất phơ như tóc mẹ. Hơi thở của mẹ như vẫn đều đều theo tiếng chuông mõ nhịp nhàng. Mẹ vẫn nằm đây nhưng chỉ còn vài giờ nữa thôi, dù sau này có bay trăm nghìn dặm tôi sẽ không còn bao giờ thấy mẹ. Từ nay, tóc bạc đã lâu nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả những lời khuyên răn, trách mắng dù hằng năm có quay về, xúm xít đứng trước bàn thờ lung linh hương khói.

Trong cảm giác xót xa và đau buồn đó, tiếng chuông mõ đều đều dội lại trong lòng tôi. Có lúc tôi cảm giác là những đợt sóng âm linh thiêng kia cũng có thể là những bậc thang đưa đường, dắt mẹ lên cõi vô cùng. Tôi mơ hồ nhìn theo bóng mẹ, khuất dần, tà pháp y bồ tát giới lất phất trong gió chiều, lòng hồi tưởng những kỷ niệm của người còn đọng lại nơi trần thế, trong trái tim tôi…

Sau khi ba mất, sợ mẹ gục ngã vì nỗi đau quá lớn, chúng tôi đưa mẹ qua Ý và Úc cho khuây khỏa. Lần nào ở xứ người mẹ cũng quyên được một số tiền lớn để về cúng chùa hay làm việc thiện.

Hai hình ảnh cũ và mới hiện về trước mắt tôi như những bức tranh treo trong tâm tưởng và khó thể nào quên:

Sau 10 năm du học ở xứ người, tôi được phép về thăm nhà lần đầu vào tháng 8-1981. Tài sản gia đình lúc này gần như mất trắng. Có lẽ nhìn thấy sự lo lắng của tôi nhưng mẹ không nói gì. Một đêm, đang thiêm thiếp trong ưu tư thì bị mẹ đánh thức, mẹ  ra dấu bảo tôi im lặng và đi theo mẹ.

Cầm trên tay chiếc đèn hột vịt, tôi và mẹ mở cửa bước ra ngoài dưới ánh sáng mập mờ như hai bóng ma trơi. Đến gần chuồng heo, mẹ ngồi xuống, nhìn ước lượng, gang tay ra đo rồi bắt đầu đào. Tôi im lặng và nín thở quan sát. Dưới ánh đèn tù mù, tôi không thể nhìn thấy sự hồi hộp và ưu tư trong mắt mẹ. Lát sau mẹ cầm lấy gói nylon to bằng hai nắm tay “đây rồi”! Cẩn thận lấp đất lại, rồi bảo tôi theo vào nhà.

Vào phòng của Nga, lúc đó vừa sinh cháu Thảo chừng hơn tháng, mẹ khép cửa rồi mở túi. Sau mấy lần vải và nhựa, cuối cùng là một túi đựng vài chục chiếc nhẫn vàng và vài  sợi dây chuyền. “Còn nè”. Trời ơi! cả một đời ba mẹ tôi làm lụng, phát triển công ty dược, chắt chiu tiết kiệm…chìm nổi đều bị đời biến thành sương khói.. giờ còn lại một nhúm “khâu” mà mắt mẹ vui mừng! Điếng hồn. Tôi im lặng để định thần. Mãi lúc sau mới chợt hiểu rồi ồ khóc thành tiếng. Mẹ sợ tôi lo. Hành động ấy như ngầm bảo là cả nhà sẽ không đói đâu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, thôi mà…

Về sau Nga bảo là số vàng ấy mẹ giấu được, hay bán những vật dụng trong nhà như máy phát điện, bộ sa lông…để mua.

Tháng 9 -2014 vừa rồi tôi phải mổ mắt. Trước đó, mẹ gọi điện để nhắc tất cả con cháu cầu nguyện. Buổi sáng phẫu thuật, không yên, mẹ gọi điện rất nhiều lần. Đến khi mọi việc đã ổn mẹ mới yên lòng. Ngày hôm sau, thấy tôi chưa đi lại được, mẹ lấy taxi đến nhà thăm.Tôi xúc động hình dung một bà cụ 93 tuổi đang leo từng nấc thang đến tầng 2 chung cư để thăm con. Thái Bình Dương xem ra chỉ là một thứ ao hồ so với biển tình của mẹ.

Mẹ ơi ! Nếu có thể tóm tắt vài dòng về tính cách thì con sẽ nhớ về mẹ như thế này đây: “Mẹ là người đàn bà “thàng hậu” tiêu biểu của quê hương Bình Định: cứng rắn, kiên cường, nhân ái, từ tâm. Ý chí mãnh liệt và sẵn sàng dấn thân cho những điều mình xem là đúng… nhưng đồng thời cũng là người vô cùng nhạy cảm, tuy nghiêm khắc nhưng rộng lượng và sẵn sàng tha thứ.”

mẹ già                               ảnh minh họa, nguồn net

&

Viết thêm : Hơn 2 năm trước, tôi có mặt trong đám tang mẹ của bạn Vũ Thế Thành. Sau khi những bận bịu về lễ nghi đã hoàn tất, tôi đọc được tâm trạng của anh trong đoản văn “Đừng như tôi, còn ray rứt với những gì thiếu sót.”:

Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buột miệng “ Mẹ ở …” (… nhà, con đi làm đây!). Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi. Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang, rồi đi… ”

“Tôi thấm thía và cảm thấy ớn lạnh toàn thân! Giọng văn của Thành sắc và lạnh, cảm giác dồn dập  như đang chạy, gặp phải bức tường mà dừng không kịp. Mấy dấu chấm bỏ lửng sau hai chữ  “rồi đi”… giống như những giọt nước mắt của người vừa mất mẹ đang chảy lên trang viết…

Tôi thẫn thờ buông trang giấy. Cảm giác hụt hẫng, mất mát, thất vọng, tuyệt vọng, tiếc nuối cứ như những luồng khí lạnh đang lan toả toàn thân.

Đột nhiên tôi thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy lo sợ vì tôi còn mẹ ” (**)

 

Bây giờ thì cái ngày hãi hùng ấy đã đến, với tôi.

Tôi biết là từ nay, bất cứ lúc nào nhìn thấy những bà già gầy ốm, mặc áo tràng đi chùa lễ Phật, hay nghe cụ già nào nói một câu đôn hậu là tôi sẽ chạnh lòng nghĩ đến mẹ…rồi sẽ tủi thân vì cảm giác bơ vơ và lạc lõng như đứa trẻ mồ côi.

Mẹ ơi, mẹ sẽ về đâu?

Ngày mai. Ngày mai hình hài mẹ được an táng ở nghĩa trang nhưng linh hồn mẹ chắc không nằm trong lòng đất lạnh lẽo mà bay vút lên trời như một ánh sao. Và như thế đêm đêm chúng con sẽ nhìn lên trời để tìm mẹ.

Có người dĩ nhiên sẽ hỏi giữa triệu triệu vì sao, biết đâu mà tìm?

Dễ thôi!

Nhờ lần theo sự nối kết của sợi dây thiêng liêng bí ẩn mà những lúc cô độc và cần đến mẹ, các con có thể dõi theo và nhìn thấy mẹ giữa triệu triệu vì sao lấp lánh. Nhưng phép lạ ấy chỉ lướt qua trong một thoáng và bóng đêm lại sẽ phủ đầy vì đời không còn mẹ.

Rồi niềm đau ngân dài và vọng mãi trong tim, khó thể nào nguôi.

 

Trương Văn Dân

 

 

Có 9 bình luận về Về một ánh sao

  1. Một bài viết quá hay, quá cảm động; một bà mẹ Việt Nam tuyệt vời, một tấm tình tràn đầy, sâu đậm, chân thật của một người con viết về mẹ. Một món quà Vu Lan nhiều ý nghĩa cho những ai còn mẹ cũng như không còn mẹ. Cám ơn tác giả Trương Văn Dân.

    • Cảm ơn cô Lê Thân Hồng Khanh đã đọc “về một ánh sao” và chia sẻ ttam tình củ người con đem về nhớ me. May trên trời còn có những.. vì sao. Chúc cô và gia đình an vui trong mùa Vu Lan

  2. Hoành Châu nói:

    Ai đã từng đọc qua bài viết   ”  Về một ánh sao ” của Trương Văn Dân  cũng  đều thốt  lên” tác  giả  may  mắn   có được  người  mẹ  phúc đức , nhân hậu , bản lĩnh  , tuyệt  vời rất xứng đáng  là  người  con  PHẬT    ,,, cái   TUYỆT trong bài  viết  này  là tác  giả  lãnh  hội  đủ  nguồn  phước  đức  do  mẹ  mình   để  lại  , hiểu  thâm  sâu  ngọn nguồn   cái  đẹp  , cái    cống    hiến   hết  mình  của  mẹ   cho cuộc  đời  này  và   cho  đàn  cháu  con     mai  hậu     !!  “Sự rộng  lượng thường  vượt  ngưỡng chỉ  có     ở   các  đấng  Bồ Tát !! Bài viết  cực hấp   dẫn  làm   sống  dậy  Thuyết  Luân  Hồi và mang tính  giáo  dục  cao ! Cảm ơn tác giả .                  Hoành Châu  (Gia đình C   )

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc 2 bài của tác giả, thấy ngạc nhiên quá chừng, 1 bài thật sôi nổi, 1 bài nhẹ như khói sương…

  4. My Nguyen nói:

    Một bài viết thật tuyệt vời! Một người mẹ mẫu mực, rất đáng được mọi người ngưỡng mộ. Lối giáo dục con theo thuyết nhà Phật và những điều bình thường trong cuộc sống nhưng rất cao cả, thiết thực trong việc hình thành nhân cách những đứa con…

    Cảm ơn tác giả Trương Văn Dân về một bài viết vô cùng ý nghĩa trong mùa Vu Lan này.

  5. VOTHILAI nói:

    Anh Dân thân mến ! Anh đã cho chúng em thưởng thức một bài viết thật tuyệt vời, đọc  một lần, hai lần và hình dung hình ảnh một người mẹ Việt Nam với tấm lòng bao la như biển Thái Bình . Qua bài viết của anh , những ai còn mẹ  phải suy ngẫm về nổi lòng ,tình yêu thương trời biển của những người mẹ chúng ta.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác