Áo trắng sân trường (P3)- Lê Ngọc Hân

Ngày đăng: 22/08/2016 06:52:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Tôi bước vào trường Lê Ngọc Hân với tâm trạng không vui. So với trường Tống Phước Hiệp, trường Lê Ngọc Hân nhỏ hơn nhiều; trên đầu nắng chang chang, dưới chân cát lạo xạo. Nhưng số phận ( tôi đành nghĩ đến hai chữ số phận ) không thể thay đổi được !

Anh chị tôi đã về Sài Gòn học Đại Học, dù sao ở Mỹ Tho cũng tiện đi về hơn là ở Vĩnh Long. Ngày đó từ Sài Gòn về Vĩnh Long còn phải qua Bắc Mỹ Thuận chờ Phà mất nhiều thời gian lắm . Gia đình chuyển về Mỹ Tho là sự tiện lợi lớn cho anh chị tôi. Còn tôi đang đối diện với kì thi Tú Tài 2 cuối năm học; rồi cũng sẽ đến ngày tôi phải về Sài Gòn học.

Mỹ Tho là thành phố lớn nên có hai trường công lập; Nguyễn Đình Chiểu dành cho nam sinh và Lê Ngọc Hân là trường nữ. Tôi ngồi chung bàn với Hồng, Lệ Dung và Bạch Tuyết. Dung và Tuyết là đôi bạn từ tiểu học lên, nên thân nhau lắm. Tôi thường đi chơi với Hồng. Hồng tánh như con trai, dù hiện giờ chúng tôi đã là thiếu nữ nhưng bạn ấy thường chạy chứ không đi. Hồng tánh vui vẻ, cười nói rất to, hình như bạn thoải mái với mọi vui buồn trong cuộc sống. Bàn trên có Phượng cũng hơi lẻ loi như tôi vì ba bạn chung bàn với Phượng là bộ ba rất tâm đắc. Vậy nên chúng tôi kết thành bộ ba Hương, Phượng, Hồng; khi nào Hồng chạy đi mất thì tôi và Phượng lại thủ thỉ với nhau.

Tôi được học Pháp Văn ( sinh ngữ 2 ) với cô Diệu Thông- hiệu trưởng trường Lê Ngọc Hân. Là Hiệu Trưởng mà cô rất dễ gần. Bao giờ cô cũng đến lớp với khuôn mặt tươi tắn và giảng bài với những câu nói dí dỏm rất vui. Cô đi tu nghiệp ở nước ngoài về nên thường kể chuyện cô đã gặp phải cho chúng tôi nghe. Có lẽ kinh nghiệm và sự hoạt bát của cô đã khiến trường chúng tôi được sự giúp đỡ nhiều từ bên toà Tỉnh.

Năm ấy cũng nhờ tài ngoại giao của cô Diệu Thông, trường chúng tôi đã có một buổi sáng Chủ Nhật được các ca sĩ nổi tiếng như: Khánh Ly, Ngọc Minh, Lan Ngọc xuống tận Mỹ Tho hát ở sân trường rồi được giao lưu với các cô ấy. Cô Hiệu Trưởng tuyệt vời! Chúng tôi thường nói với nhau như thế.

0 ao trang 1Hai môn Sử Địa và Anh Văn chúng tôi được học với cô rất hiền, có lẽ đây là năm cuối của tuổi học trò nên hai cô cho chúng tôi cảm giác thân thiện và thoải mái trong giờ học. Bạn nào chưa hiểu vấn đề gì cô đều giảng cho cả lớp cùng nghe và khuyến khích  chúng tôi đặt câu hỏi.

Vào giờ Toán và Lý Hoá thì khác, chúng tôi ngồi im thin thít, nhất là khi hai thày truy bài! Chúng tôi thường bảo nhau: “hai thày là đồng môn nên cách gọi đọc bài và chấm điểm y như nhau”. Thang điểm của thày chỉ có 18 hoặc 0, nhờ vậy mà phần lý thuyết của hai môn này được chúng tôi học kỹ lắm- ít ra cũng kéo được điểm học bài. Nhưng có bạn yếu bóng vía, thày chẳng đánh chẳng phạt mà lúc lên trả bài run lập cập. Thày quơ tay thế là đánh rơi luôn cả vở xuống đất; lúc đó thật buồn cười mà chẳng đứa nào dám hó hé! Thày ơi! Thày có biết nỗi lòng học trò không?

Triết là môn học mới mẻ và đáng sợ ở lớp 12.  Rất khó kiếm điểm ở môn Triết; các anh chị lớp trên đã nói như vậy! Nhưng sao khi vào học tôi lại thấy giờ Triết rất thú vị và có nhiều điều rất gần với đời sống. Tôi nghe thày giảng bài rồi về nhà đọc thêm những quyển sách thày dặn ( đọc sách là việc tôi rất thích mỗi khi có giờ rảnh ) là đủ để làm bài. Thật vậy, tôi thường được điểm cao trong môn học này. Đến một ngày, bạn cho tôi biết thày là người Vĩnh Long qua đây dạy. Tôi hơi buồn, không biết bạn nghĩ gì nhưng tôi ao ước giá thày đừng ở Vĩnh Long; giá tôi đừng từ Vĩnh Long chuyển về đây!

Ban A nên môn Sinh Vật cũng rất quan trọng; vì hệ số 4 lại chỉ cần học bài là được . Thật ra thì cũng khó nhớ! Bài học dài, hình vẽ nhiều và rắc rối! Nhưng sao qua lời giảng của thày chúng trở nên sinh động và dễ hiểu. Thày vẽ hình trên bảng rồi giảng từ từ theo từng nét vẽ; hết giờ, chúng tôi đã có một kiến thức rõ ràng, chỉ cần ôn lại vài lần là đã nhớ bài. Hồng cho tôi biết anh của Phượng là bạn của thày. Hèn chi tôi thấy thày hay nhìn về phía chúng tôi, có lẽ xem chúng tôi có chịu chú ý vào bài giảng không. Tết năm đó thày đến dự liên hoan và ngồi cùng chúng tôi suốt buổi. Phượng vui lắm, còn Hồng vẫn hay chạy đi chạy lại, thỉnh thoảng thày hỏi tôi vài câu. Tôi thấy thày thật gần gũi và giản dị.

Một năm học vất vả cũng gần kết thúc, ngày phát Thành Tích Biểu, tôi vừa giơ tay để cầm thì Hồng đã giật phắt lấy, tay cầm miệng nói: ” Để coi thày Sinh phê học bạ Hương thế nào”. Tôi hơi bực mình! Hồng lật ra xem, cười hì hì rồi đưa lại cho tôi. Lúc đó tôi thấy nét mặt Phượng không vui. Tôi chợt hiểu. Trong tâm, tôi vẫn quí thày như một người thày dạy giỏi tận tâm, thế thôi. Tôi muốn nói với Phượng một điều gì đó; nhưng nói gì bây giờ! Đầu óc tôi giờ cũng mít đặc !

Rồi tôi cũng sẽ ra đi, tôi sẽ về Sài Gòn để học Đại Học . Gia đình tôi như một gia đình du mục, sẽ rời bỏ thành phố Mỹ Tho một ngày nào đó. Nhiều lúc tôi tự hỏi : ” quê mình ở đâu ?” . Không có địa danh nào chính xác để tôi hài lòng với câu trả lời. Nhưng có điều chắc chắn tên những ngôi trường là điều tôi sẽ nói đến khi ai đó hỏi về tuổi thơ tôi .

Ngày xa trường, tôi đứng nhìn lần cuối trước khi quay đi- lòng bỗng ngậm ngùi! Những ngôi trường tôi đã trải qua một thời của tuổi hồn nhiên- đầy ắp niềm vui, cũng có nhiều nỗi lo, đôi khi nỗi buồn đã ghé vào cửa lớp- rồi sẽ qua đi, rồi sẽ phủ bụi thời gian nhưng sẽ chẳng khi nào chìm vào quên lãng.

Thiên Diệu Hương ( 2016 )

0 ao trang 2     H2

Có 8 bình luận về Áo trắng sân trường (P3)- Lê Ngọc Hân

  1. Bảy năm Trung học, Thiên Diệu Hương đã học tại ba trường trung học khác nhau- Trưng Vương, Tống Phước Hiệp và Lê Ngọc Hân. Ở đâu cũng đọng đầy kỷ niệm vui, buồn với bạn bè, với cô thầy. TD Hương đã chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm thời đi học của mình cùng những tấm ảnh đen trắng thật đẹp của một thời áo trắng sân trường.

    Cám ơn Thiên Diệu Hương và hy vọng sẽ còn được gặp em thường xuyên trên trang nhà qua các bài văn hoặc các bài thơ của em.

    Cô Hồng-Khanh

     

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Kỷ niệm về những ngôi trường thời trung học của Diệu Hương được em ghi lại vừa đủ, chọn lọc, tinh tế, đủ để người đọc hình dung về 1 cô bé dễ thương trong tà áo trắng, dù chuyển nhiều trường nhưng hoà nhập nhanh, theo kịp các bạn mới…

  3. Hoành Châu nói:

    H1, Hàng  đầu , số 2  từ  trái  sang

    Hình 2   THỨ 2  (  từ trái  sang  )
    Bạn còn  giữ  tấm ảnh chụp  chung   trước  thềm   nhà  của  bạn       ,,, năm   đệ  Tứ  không  ?    3 đứa  mình và bé CHI ( em trai  út  của  bạn  đấy  ) !Nhớ năm  Đệ  Tứ  , 3 đứa   ĐT , HC và TH  ngồi  bàn  đầu  , cô Hồng  Khanh  hỏi  bất  kỳ câu  nào  là  3  đứa  cùng  giơ  tay  một  loạt  ,,, cô  nhìn  chúng  mình  cười (  mình   nhớ   rất   rõ   nụ   cười   cô  lúc   ấy    !! ) ,,,, rồi  cô  gọi  các  bạn  khác   ! ,,,Đã  mấy  chục  năm   rồi ,không  tưởng  tượng  nỗi  !!

    Hoành Châu  (Gia dình  C  )

  4. Hoành Châu có cặp mắt tinh tường quá! Chi= Minh Nhật đã qua đời và đã hiến xác cho Đại Học Y khoa PNT . Hg đi chùa,học hỏi từ hồi anh Tuấn mất ,cũng mong được Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Chúc HC được nhiều sức khoẻ, vui và hạnh phúc. Gởi lời thăm các anh chị và các em trong gia đình Châu nhé.

  5. Cám ơn cô Hồng Khanh và chị Hạnh đã khuyến khích. Em rất cảm động với tình thân thương trong trang nhà. Em Thiên Diệu Hương

  6. My Nguyen nói:

    Chị Thiên Diệu Hương ơi! Ký ức của chị thật dồi dào, thật đẹp dưới những ngôi trường chị đã học qua. Em thì thời Trung học chỉ học mỗi ngôi trường TPH nhưng qua lời kể của chị, em bỗng thấy thân thương với tất cả những ngôi trường, những Thầy Cô và bạn bè của chị. Có lẽ đó là sự đồng cảm của những người cùng thời phải không chị? Em chúc chị luôn vui khỏe và tiếp tục có những bài viết hay…

  7. VOTHILAI nói:

    Chị Diệu Hương  thân mến ! Vậy là chị học chung chị Hoành Châu năm  đệ tứ,trên em một lớp.Nhìn  2 tấm hình chị gửi làm em nhớ quá thuở  ngày xưa,nón lá, tóc xỏa ngang vai,áo dài, thướt tha đến trường. Bây giờ học trò không còn hình ảnh như chúng mình.Thời học sinh của chị chuyển qua nhiều trường,nhưng nơi nào chị cũng có rất nhiều kỹ niệm đẹp .Chị có trí nhớ sâu sắc ,nơi nào chị cũng diễn tả tỉ mỉ , làm người đọc cảm thấy thân thương nhửng nơi chị đến.

    • Lài thân mến, cám ơn em đã đọc và ngắm hình. Kí ức của chị hầu như chỉ gắn liền với những ngôi trường đã học; còn những việc khác chị dở lắm! Cuộc sống của chị cũng có nhiều biến cố nhưng chị không muốn nghĩ nhiều về nó nữa. Già rồi coi như mình đang nghỉ hưu, sống bình thản nốt quãng đời còn lại.  Chị Thiên Diệu Hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác