Phước Long quê hương thứ hai của tôi (kỳ 2)

Ngày đăng: 25/07/2016 04:37:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (15)

Có truyền thuyết cho là ở miền Đông có 2 bà tiên, chị tên Bà Đen, còn em tên Bà Rá. Hai bà sau này hoá thành 2 ngọn núi: Núi Bà Đen ở Tây Ninh vì là hoá thân của chị nên cao hơn (gần 1.000m), trong khi núi Bà Rá ở Phước Long (PL) chỉ cao ngoài 900m.

nui ba ra                               Khu du lich núi Bà rá

Ngọn Bà Rá sừng sững đã làm choáng ngợp tâm trí tôi. Dù sống ở Phước Bình (gần hai năm trong cộng đồng nhỏ dưới dốc phi trường), hay ở thị xã PL (sau đó ba tôi được cấp nhà trong khu phố công chức), chỉ cần bước ra khỏi nhà là tôi có thể thấy núi. Khung cảnh hoang vu, vắng vẻ ban ngày, đêm tối tăm do không có đèn điện, cùng với tiếng kêu của thú rừng, cộng với trí tưởng tượng khi nghe kể những truyện như trại tù Bà Rá khi xưa không cần hàng rào vì ai đi vào rừng sâu là bị hổ ăn thịt… và nhất là sau này khi xem những truyện đường rừng làm tôi vừa sợ, vừa tò mò muốn biết, muốn khám phá.

Sau khi tôi lên PL sống được vài tháng, một buổi sáng, chú nhà kế bên đi làm muộn, khi đi có mang theo một vali to. Khoảng 9 – 10 giờ chị em tôi ra sân chơi mới thấy trước cửa nhà chú có những dấu tròn, to gần bắng cái chén ăn cơm và một bãi nước bọt. Mẹ tôi ra xem nói đó là những dấu chân hổ và bãi nước bọt của hổ. Con hổ đã ở đó khá lâu nên nước bọt mới nhểu thành bãi! Ba tôi lập tức thuê người làm hàng rào cao quanh nhà. Nhưng có người nói có những con hổ có thể vác con bò nặng 200 – 300kg mà vẫn có thể nhảy qua rào cao 2m! (Vác con bò 300kg nhảy qua rào cao 2m thì chưa chắc, nhưng mới đây, hổ ở khu du lịch Đại Nam, Bình Dương đã nhảy qua hàng rào cao hơn 2m.) Để giữ chân chị em tôi trong nhà, ba mua về thật nhiều sách, truyện. Thế là tôi làm quen với Những Tâm Hồn Cao Thượng, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Cậu Hoàng Con, Truyện Cổ Nước Nam… và cả Cổ Học Tinh Hoa. Một thời gian sau căn nhà kế bên được hai cô giáo sang lại (cô Liên và cô Định), và họ trở thành hàng xóm thân thiết của chúng tôi.

Ngay buổi chiều đầu tiên vào ở thị xã PL tôi đã phát hiện một việc lạ. Do căn nhà mới của gia đình mặt trước hướng gần thẳng về phía núi Bà Rá nên ngồi trong nhà cũng có thể nhìn thấy núi. Buổi chiều hôm ấy, khi mặt trời vừa xế là tôi thấy thấp thoáng trên núi có những đốm lửa. Càng về tối số đốm lửa trên núi càng nhiều, cao điểm là khoảng 9 giờ, sau đó những đốm lửa ít dần. Có người biết chuyện giải thích những đốm lửa ấy là do người Stiêng đốt khi khai thác dầu chai trên núi (có người gọi là dầu trai), nhưng không giải thích tại sao lúc hơn 9 giờ thì những đốm lửa ít đi và về thật khuya thì mất hẵn. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy bị ảnh hưởng nhiều bởi những truyện ma, truyện đường rừng đã khiến tôi nghĩ rằng những đốm lửa ấy là những con ma trơi phát ra ánh sáng và chúng bay được. Chiều tối ma bay lên núi tụ họp (!) rồi sau đó bay toả đi những nơi khác, vì thế sau 9 giờ những đốm sáng trên núi ít dần rồi mất. Sau này, khi đi học và có bạn nhà ở gần núi, tôi đã có dịp trèo lên … chân núi, và nhìn thấy cây dầu với cái bọng mà người Thượng đục trong thân cây để khai thác chai. Bọng được đục sâu vào vùng gỗ với đáy bọng phía trong sâu hơn phía ngoài vỏ. Dầu chai khi khô bít kín mạch khiến nhựa không tiết ra được. Buổi chiều, người Thượng dùng lửa đốt lớp dầu khô trên bề mặt bọng làm mạch trên thân cây dầu thông suốt và nhựa chai tiết ra. Nhựa chai lỏng tiết ra nhiều sẽ làm tắt lửa và chúng được giữ lại dưới đáy bọng. Sáng hôm sau dầu chai cô đặc lại làm tắc mạch, cây ngưng tiết nhựa, lúc ấy đồng bào Thượng đến lấy đi phần chai đặc, chỉ còn lại lớp mỏng chai khô trên bề mặt bọng, và sẽ bị đốt vào buổi chiều. Theo thời gian khai thác, bọng trên thân cây dầu ngày một to hơn cho đến lúc cây chết. Rất đơn giản.

Phước Long thuộc vùng cao nguyên, mùa nắng khô khan, bụi đỏ bay mù, trên mặt đất cỏ và cây bụi chết rụi. Mùa này người dân nghèo PL có nhiều nỗi lo: lo thiếu nước sử dụng và nhất là lo cháy nhà. Nhà cất cách nhau khá xa (vài ba mươi mét) nhưng vẫn bị cháy lây do mái lợp tranh, tàn tranh nhẹ, theo gió bay đi rất xa làm cháy lan. Thế là khi có đám cháy dù ở rất xa, cả xóm mái nhà đều không còn do phải tốc mái, ngừa bị cháy lan.

Mùa mưa cây, cỏ mọc xanh tốt che khuất làm núi rừng thêm phần âm u, bí ẩn. Ở PL có loại kiến rừng màu đen bóng, cơ thể to hơn kiến vàng, người dân gọi là kiến bù nhọt. Khi bị loại kiến này cắn, người bị cắn có cảm giác đau như điện giật, và cảm giác đau kéo dài. Người mới lên PL chưa có kinh nghiệm về loại kiến này khi mua gà, vịt về để dành hôm sau ăn sẽ cột gà, vịt cho đứng dưới đất, hôm sau quay lại chỉ còn thấy dây cột, lông và xương. Sau mưa, mối rừng bụng to bằng mút đủa, mọc cánh bay đầy, trẻ em Stiêng rượt bắt ăn. Cảnh này trông vui vui.

Mùa hè ve kêu ran, nhưng vào buổi tối (khoảng 7 – 8 giờ) ve rừng, to gấp chục lần ve thường, mới lên tiếng. Tiếng kêu của loài ve này to như tiếng còi của đò đi Đồng Phú, Hoà Khánh. Chúng làm tôi thêm nhớ quê hương Vĩnh Long. Vì có tiếng kêu to nên loại ve này rất dễ bắt. Chỉ cần có đèn pin để chiếu về hướng phát ra tiếng kêu là có thể thấy chúng. Hình như loài này bị thu hút bởi ánh sáng đèn, nên khi bị chiếu đèn chúng không bao giờ bay đi.

Mùa đông PL khá lạnh và nhiều sương mù. Loại sương mù ở đây rất dầy và thường ở sát mặt đất. Khi nhảy từ bên ngoài vào đám sương mù bạn có thể cảm nhận được “hạt” sương lạnh và ướt dính lên mặt (vùng nhạy cảm nhất còn ló ra bên ngoài quần áo) của mình. Lúc ấy, trên những tờ báo đã có in truyện tranh, tuy chỉ chừng chục tấm hình minh hoạ, bên dưới là nội dung truyện có liên quan, nhưng nó làm cho tờ báo có thêm nhiều đọc giả nhỏ tuổi. Hình như trẻ em thời nào cũng thích nhân vật Tề Thiên trong truyện Tây Du Ký. Thế là chúng tôi chọn nhảy vào những đám sương là là mặt đất tưởng tượng là đám mây, để còn ló được đầu ra, tay khum khum đặt trước trán, nghiên nghiên đầu quan sát, bắt chước cảnh Tề Thiên cân đẩu vân. Mà chúng tôi làm giống thật. Có những lần sương mù nhiều và dầy đến nỗi các lớp không học được do tối mờ và học sinh ngồi bên dưới không thấy rõ mặt cô, thầy. Trong trường hợp đó cô cho chúng tôi thi nhau đọc những bài học thuộc lòng, hay hát, chờ cho đến khi sương tan.

Sách, truyện chỉ giữ chân tôi ở nhà một thời gian còn khi tôi lớn hơn, đã đi học, có nhiều bạn hàng xóm, biết ra tiệm bà Sáu mua cho gia đình những món lặt vặt, lấy báo về  xem (chị ba tôi và tôi giành nhau đi lấy báo để được xem truyện hình trên báo trước, mẹ tôi phải giải quyết bằng cách chia ngày chẵn, lẻ), là tôi băt đầu tháp tùng các bạn đi chơi (một phần cũng do không có truyện mới, có mấy quyển đọc mãi gần thuộc lòng. Hết truyện để đọc thế là tôi đọc cả quyển Cổ Học Tinh Hoa, sau mấy trăm lần cầm lên rồi để xuống. Không biết tôi có tiếp thu được điều gì từ quyển sách ấy?) Chúng tôi thường đi ngược con dốc trước nhà để lên phi trường Phước Bình vì nơi ấy tương đối gần, có phi đạo lót vĩ sắt rộng rãi, sạch sẻ và có những vật rất lạ. Lúc ấy phi trường Phước Bình có khi cả tuần chẳng có chiếc máy bay nào bay đến, và cũng chẳng có bảo vệ nên chúng tôi mặc sức chơi. Vật lạ đầu tiên là cây sào cao hơn chục mét, phía trên có treo một vật, khi gió thổi căng, trông giống như cái gối ôm. Rãi rác quanh phi đạo là rất nhiều vật giống như chuồng chó, dài khoảng 2 mét, cũng có 2 mái, một bên sơn màu trắng, bên kia sơn màu đỏ, chổ cao nhất chỉ khoảng 4 tấc, tôi phải trườn mới vào bên dưới được. Sau này tôi được biết cây sào với cái gối ôm bên trên là dụng cụ chỉ hướng gió, còn những cái chuồng chó sơn trắng, đỏ là pa nô đánh dấu phi đạo. Thế là sau khi chạy chơi chán tôi chui vào nằm dưới pa nô ngắm dụng cụ chỉ hướng gió mơ mộng sau này sẽ làm phi công đi mây, về gió. (Cuối năm 1972 giấc mộng này suýt thành. Mọi tiêu chuẩn tôi đều đáp ứng tốt, trừ một tiêu chuẩn nhỏ nhưng nặng: trọng lượng. Lúc ấy tôi 18 tuổi, cao 1m66 [thời ấy là bảnh lắm] nhưng chỉ nặng có 48kg, thế là phải chia tay giấc mộng “cao, xa” ấy.)

Đi phi cơ mới thấy PL rừng núi trùng điệp. Rừng là nơi cách mạng đặt căn cứ. Ở PL có chiến khu D. Đây là nơi Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam đặt làm căn cứ. Lúc ấy do tôi còn nhỏ, và cũng do có chiến tranh, nên không có điều kiện đi vào rừng chơi. Đặc biệt rừng PL có nhiều tre, nhất là loại tre rừng có thân thật to (đường kính gốc có thể lớn hơn 15cm), người dân gọi là lồ ô, được khai thác rất nhiều.

Ở tỉnh PL có 2 vườn cao su lớn (phải nói rừng cao su mới đúng) là Thuận Lợi và Phú Riềng. Đồn điền cao su Thuận Lợi có khu nhà xưởng, văn phòng, nhà ở của chủ Tây với phi đạo riêng, đẹp như tranh. Đường đi từ Sài Gòn lên đến đây được trải nhựa, còn đường từ đồn điền Thuận Lợi trở lên thị xã PL trải đá đỏ. Người ta nói đó là do đồn điền bỏ tiền ra làm đường nhựa, tiện vận chuyển cao su về cảng Sài Gòn để lên tàu chở sang Pháp. Đoạn đường còn lại đến thị xã đầy ổ voi. Có người biết chuyện nói lúc làm đường, nhà thầu thi công gian dối. Gặp chỗ đất trủng thay vì đổ đất đá lấp hố, để đỡ tốn công và vật tư, họ cho công nhân kéo cành, nhánh cây (vốn có đầy ven đường) bỏ xuống đấy rồi đổ đất, đá chồng lên. Sau vài năm cành, nhánh cây mục nát ra và tạo ổ voi.

Đồn điền cao su Phú Riềng gần ngã ba Phú Riềng. Ngay tại ngã ba có bia kỷ niệm phong trào Phú Riềng Đỏ.

Tỉnh PL dạo ấy không có vườn cà phê lớn quy mô vài trăm mẫu tây, mà chỉ có những vườn nhỏ. Tôi “dị ứng” với vườn cà phê là do lúc mới lên, khi đi ngang một vườn cà phê thấy trái chín đỏ trên những cành sà sát đất, đã dại dột hái ăn. Cạp trái đầu thấy hơi ngọt bèn cạp tiếp trái thừ nhì thì bắt đầu cảm thấy buồn nôn, tiếp theo là chóng mặt, miệng chảy nước bọt… Kể từ đó tôi không bao giờ vào vườn cà phê.

Một địa điểm để cư dân PL mang thức ăn, nước uống đến picnic vào cuối tuần là Vườn điều. (Trái điều còn được gọi là trái điều lộn hột do bên dưới trái có cái hột. Gọi như vậy để phân biệt với cây điều có lá và trái giống như cây mận, vốn được trồng rất nhiều ở các tỉnh Nam bộ, và chúng ta vẫn hái lá điều để cuốn bánh xèo ăn. Sách Sinh Vật nói ở trái điều lộn hột, phần mà chúng ta ăn và vẫn gọi là trái thật ra là cuống trái phình to, còn trái thật chính là cái hột bên dưới.) Người biết chuyện nói Vườn điều là do tù nhân trại tù Bà Rá khi xưa trồng. Vườn điều nằm đối diện phi trường Phước Bình qua trục lộ chính nối liền quận Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long. Vườn rất rộng, với những cây điều cao hàng chục mét. Người ta để sẵn trong vườn thật nhiều sào tre để hái trái điều, vốn thường mọc trên cao. Trái điều khi chín có 2 màu, đỏ hay vàng. Sau nhiều lần vào vườn điều chơi gia đình chúng tôi tìm thấy một cây điều có quả chín màu trắng đục, ăn rất ngọt và nhất là không bị gắt cổ, ho. Chúng tôi gọi đó là cây điều “nếp”, do màu trắng đục giống như gạo nếp. Sau này tôi có để ý tìm trái điều “nếp” nhưng không thấy, và cũng không ai biết về giống điều có trái với đặc tính như vậy. Có thể đó là cây điều biến dị cho trái bạch tạng? Có lúc chính quyền cho đấu thầu khai thác hột ở Vườn điều. Người được quyền khai thác sẽ cắt cử người canh ở lối ra vào, và thu, giữ hột. Người vào Vườn điều chơi khi ra phải lặt hột để lại. Nhưng lượng hột thu được không bao nhiêu, sau này phải huỷ thầu.

Heo rừng hay vào Vườn điều có lẽ là để ăn hột. Heo rừng đến đâu, cọp, beo đến đó (để rình bắt heo rừng). Rừng PL có nhiều cây kơ-nia, người Kinh gọi là cây cầy. Có bản nhạc nhắc đến loại cây này là Dưới Bóng Cây Kơ-Nia. Đây là loại đại mộc có thể cao trên chục mét, trái có hình dáng và kích cỡ tương tự trái xoài cà lăm, nhưng phần thịt rất chát. Hột cầy cũng giống hột xoài, bên ngoài có lông nhưng khi hột khô, có thể cạy vỏ để ăn phần bên trong hột (2 tử diệp). Phần trong hột cầy có vị ngọt, bùi như của đậu phọng sống. Heo rừng rất thích ăn hột cầy. Gỗ cầy mang đi hầm cho than rất tốt, cháy đượm chỉ thua than đước.

Ty Canh nông PL có thành lập ven tỉnh lỵ một khu vườn mà dân địa phương gọi là Vườn Ươm Tổng Thống. Vườn được trồng toàn những loại cây ăn trái quý, hiếm. Ở tỉnh lúc ấy chắc không có người nào có mộng lớn như của Lã Bất Vi bên Trung quốc thời xưa, nên đúng ra phải nói là: Vườn Ươm (cho) Tổng Thống (ngự khi lên PL). Vườn ươm tổng thống có chị em sinh đôi là vườn Phước Lộc Thọ ở khu cầu Vòng, Vĩnh Long. Sau đảo chính tháng 11/1963 Vườn Ươm Tổng Thống bị bỏ hoang, người dân tha hồ vào vườn bứng những cây quý về trồng. Không biết số phận vườn Phước Lộc Thọ ở Vĩnh Long có khá hơn?

Ngày nghỉ, nếu không đi picnic Vườn điều, cư dân PL có thể vào thác Đức Mẹ hay thác Mơ chơi. Thác Đức Mẹ cách tỉnh lỵ khoảng 5km và nằm phía bên trái đường. Sở dĩ gọi “thác Đức Mẹ” là do ngay tại ngã 3 đường dẫn vào thác, giáo dân PL có xây tượng Đức Mẹ Maria tại đây. Lễ khánh thành tượng được Giám mục Ngô Đình Thục cất công từ Vĩnh Long lên chủ trì, cũng như làm lễ rửa tội và thụ giáo cho gia đình “tiểu thư” Phương Mai, cô bạn học xinh đẹp của tôi. Nằm phía bên tay phải và nhìn xuống thác Đức Mẹ là trường Trung học Nhất Linh. Trường có kiến trúc hình vòng cung, đẹp và độc đáo. Tôi đã học trường này. Đàng xa, sau lưng ngôi trường mang bút danh của nhà văn anh cả Tự Lực Văn Đoàn là núi Bà Rá. Không biết công trình này có còn tồn tại?truong nhat linh

Từ trường Nhất Linh đi thêm khoảng 3km là đến thác Mơ. Thác rất đẹp (người ta vẫn nói là đẹp như mơ mà) và hùng vĩ. Tại nơi thác tạo một vịnh nhỏ, nước chảy êm, chính quyền có cho làm một nhà bè (nhà nổi) khá to, kích thước 6 x 20m. Người ta đốn thật nhiều cây lồ ô (tre) rồi dùng dây mây cột chúng lại thành bè, sườn nhà cũng bằng lồ ô, mái lợp tranh; những vật liệu có sẵn quanh đó. Ai thích leo trèo đã có cái “chòi cu” cao 5 – 6 mét. Trèo lên đấy sẽ có tầm nhìn bao quát hơn về thác. Cách làm chòi rất đơn giản. Người ta đốn ngang một thân cây có đường kính thân và ở độ cao thích hợp (tôi nhớ đường kính thân cây khoảng 1m, độ cao khoảng 5m), sau đó làm một chòi nhỏ bên trên, đại khái hình ảnh giống như Chùa Một Cột. Thác Mơ hơi xa, nhưng picnic ở đây rất tuyệt. Người dân mang theo cơm nếp hay bánh mì, thịt gà rô ti, ai biết uống bia thì mang theo nhưng nhớ đựng bia trong giỏ lưới để có thể ngâm xuống nước cho lạnh. Nước trong vịnh êm nên bơi hay tắm an toàn. Sau khi đã tắm mát, được ăn no, uống thêm mấy chai bia rồi ngả lưng trên nhà bè nhấp nhô nhè nhẹ theo sóng nước, tai vang vọng tiếng ầm ầm của thác, đắm chìm trong bầu không khí mát rượi hơi nước, có nhiều người đã “đánh một giấc” cho đến chiều, khi thức dậy chỉ còn kịp cuốn gói ra về.

Thấy được tiềm năng thuỷ điện to lớn của thác Mơ, sau khi công trình (bồi thường chiến tranh) thuỷ điện Đa Nhim hoàn thành, chính quyền thời bấy giờ đã mời một số chuyên gia Nhật ở lại VN, cũng như giữ lại toàn bộ kỹ thuật viên người Việt đã tham gia công trình này để thực hiện công trình thuỷ điện thác Mơ. Tiếc là do chiến tranh, công trình phải bỏ dỡ đến tận sau ngày đất nước giải phóng. Trong một lần Tổng thống Ngô Đình Diệm lên thị sát thác Mơ, một người lính truyền tin hành quân đêm vượt thác chẳng may bị trượt chân. Nước chảy siết, máy truyền tin nặng, lại xảy ra trong đêm tối nên đồng đội không cứu được anh. Người ta cũng không tìm thấy xác của anh.

PL có nhiều suối, những con suối ven thị trấn Phước Bình là nơi người dân lui tới nườm nượp vào những ngày cuối tuần trong mùa khô, vừa đi chơi, vừa để tắm, giặt (Sau này khi gia đình tôi vào sống trong thị xã PL thì không còn phải đi tắm suối vì đã có nước máy). Đẹp nhất, theo tôi, là suối Nhà (máy chể biến) Mủ (cao su), nhưng tôi ấn tượng nhất là suối Đá, một con suối ven thị xã mà người dân thường đến đó chơi. Dạo ấy tôi có một người bạn học chung lớp, đồng hương Vĩnh Long và ở trong cùng khu phố. Tôi không nhớ tên bạn ấy, chỉ nhớ tên gọi ở nhà của bạn là Ba Tàu. Trong nhà bạn thứ ba và có lẽ khuôn mặt của bạn giống như của người Ba Tàu (Hoa). (Tôi còn nhớ thầy dạy Sử nói đó là cách nói vắn tắt của “người đi trên ba chiếc tàu, những quan lại nhà Minh chịu không nỗi sự áp bức của nhà Thanh nên tổ chức trốn đi bằng đường biển. Họ đi trên 3 chiếc tàu đến VN, được chúa Nguyễn cho lưu trú, và cũng vì thế họ còn được gọi là khách trú [người dân nói trại ra là cắc chú] hay còn gọi là người Minh [ly] hương. Ngày nay người ta gọi boatman và immigrant; chữ có khác nhưng vẫn cùng khái niệm.) Lúc ấy ông nội của bạn ở Vĩnh Long (hình như là Ba Càng) lên PL thăm con, cháu. Sau khi ăn cơm chiều, ông dắt mấy anh em của bạn đi suối Đá chơi vì suối cách nhà không xa, chưa đầy 2km. Có thể do bạn hay chơi trò trốn để người khác tìm nên khi dẫn đám cháu ra về ông không chú ý đến việc thiếu bạn. Tối đó khi chuẩn bị đi ngủ (đã hơn 9 giờ) cả nhà mới phát hiện thiếu, thế là mẹ bạn sang hỏi tôi, cũng như những nhà hàng xóm khác có thấy bạn? Không ai biết thêm gì, thế là ba mẹ bạn tri hô lên, nhờ hàng xóm giúp. Ba của bạn và gần chục người hàng xóm mang theo đèn pin đi đến suối Đá, nơi lúc chiều ông nội dẫn bạn đến. Đến nơi họ chia thành 2 nhóm, một nhóm đi ngược dòng suối, nhóm kia đi xuôi theo dòng để tìm bạn, vừa đi vừa gọi to tên. Họ đi như thế khoảng hơn 1 tiếng (giờ) thì phải quay về vì đã quá khuya. Tối hôm ấy trời lại đổ mưa kèm theo sấm, sét. Sáng hôm sau Tỉnh tổ chức đi tìm bạn với quy mô lớn, có cả Cảnh Sát. Họ tìm thấy bạn đã chết từ lâu do vỡ sọ. Có thể trong lúc đi lạc, hay do sấm sét, bạn hoảng sợ chạy và té đập đầu vào đá.

Sau này, khi chiến sự bùng nổ, cũng tại con dốc dẫn xuống suối Đá có 1 chiếc A-1H rớt. Dốc dẫn xuống suối Đá ở ngay đầu một phi đạo dài chưa đến kí lô mét dẫn thẳng đến toà Hành chính tỉnh, và chỉ phi cơ L-19 hay L-20 là có thể đáp xuống được phi đạo ngắn này, nhưng phải vào ban ngày vì ban đêm không có đèn chiếu sáng. Chiếc A-1H không biết bị thương ở chiến trường nào và có lẽ nhắm không thể bay về đến Biên Hoà nên bay quần quanh không phận tỉnh lỵ xin đáp. (Phi trường Phước Bình ban đêm không đáp được do không có đèn, mà cũng không an ninh.) Không biết thông tin, liên lạc thế nào mà phi cơ quần 8 – 9 vòng với tiếng máy rú thê thảm Tỉnh mới hiểu ý cho xe hơi chiếu đèn soi sáng phi đạo, phi công lập tức đáp, nhưng có thể do thiếu ánh sáng, phi công hạ thấp phi cơ quá sớm nên, vướng vào ngọn cây ven đường xuống suối. Phi cơ cháy, đạn còn lại trong phi cơ nổ… Người ta chỉ tìm thấy xương sọ của người phi công trong chiếc mủ bay.Ho long thuy

Ven thị xã PL có hồ Long Thuỷ. Hồ to hơn ao Bà Om ở Trà Vinh nhiều. Đây là hồ bán nhân tạo. Do PL là vùng cao, mùa khô thiếu nước sinh hoạt nên sau khi nghiên cứu, chính quyền cho xe ủi ủi đất đá chắn ngang một con suối nhỏ để tạo thành hồ Long Thuỷ. Khi tôi còn ở PL, chưa có đường vòng quanh hồ, và  ven hồ vẫn còn rừng.

Tôi vẫn mong có dịp quay lại Phước Long, nhìn lại núi Bà Rá, xem lại hồ Long Thuỷ, thác Đức Mẹ, thác Mơ, thăm lại những ngôi trường thân yêu: trường Phước Bình B, trường Phước Long, trường Nhất Linh. Nhất định.

Nguyễn Hoàng Long  ([email protected])

Hình 1 và 3 nguồn net, H2 của tác giả

 

Có 15 bình luận về Phước Long quê hương thứ hai của tôi (kỳ 2)

  1. Nguyễn Phú nói:

    Bạn nhớ rất chính xác các chi tiết về PL.Duy nhất cần điều chỉnh là chiếc oanh tạc cơ bị rớt ở đầu sân bay dã chiến ở tỉnh lỵ là AD 6 Skyraider- Sau này “được” dịch là :Ngựa trời.

     

    • Chào bạn,

      Cám ơn bạn đã đính chính. Đúng đó là chiếc Skyraider (Ăn cướp nhà trời) một chong chóng.

    • Chào anh Nguyễn Phú,

      Mình vừa tra Wikipedia. Chiếc phi cơ chúng ta cùng nói có nhiều phiên bản. Đầu tiên là AD-1, phiên bản cuối cùng là AD-7, nhưng kể từ năm 1962 dòng phi cơ này được đổi ký số thành A-1A cho đến A-1J. Tên gọi của chiếc này cũng rất nhiều, skyraider là tên gọi ở VN. Chào.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Mắt thì mờ, chữ trong iPhone thì nhỏ, nhưng vì bài viết hấp dẫn lôi cuốn quá, cố đọc một hơi … và chờ bài kế tiếp.

    • Tiếc quá chị Hạnh ơi, bao nhiêu gan, ruột (về Phước Long) đã móc ra sạch rồi. Có lẽ chị phải chờ cho đến khi Long đi đến một nơi mới, thí dụ như tân thế giới, để có thể trải nghiệm và cảm nhận rồi ghi lại. Chào.

  3. Anh Long thân mến !bài viết lần nầy đọc lại càng hấp dẫn hơn,em cũng từng nghe nói về núitrại tù trên ấy nhưng chưa đến.Nhửng huyền bí của núi rừng nghe rùng rợn quá…em muốn xem tiếp kỳ 3,đang chờ.

    • Chào cô hàng xóm. Đến đâu thì đến nhưng đừng đến trại tù! Báo cho cô tin vui: Bạn cùng lớp của anh, và ngồi học cạnh anh Mách, sau khi đọc mấy điều vớ vẩn anh viết trên trang nhà đã gửi email cho anh. Anh bạn ấy đang ở bên Mỹ. Anh hiện đang chờ một email từ bên trời Tây gửi về. Nếu nhận được anh sẽ lập tức viết phần 3 cho cô xem. Chào.

  4. Như Thuỳ nói:

    Trí nhớ của anh Hoàng Long thật là đáng nể  (và hình như đó là một trong những đặc điểm quan trọng để trở thành nhà văn) . Nhờ ký ức của anh về Phước Long, người chưa đến có thể hình dung khái quát về một vùng đất đã từng một thời “không yên tĩnh” …

    Cám ơn anh rất nhiều !

    • Nhà văn gì cô (?) Như Thuỳ ơi. Chẳng qua là tôi sớm sắm được cái máy vi tính nên lưu trữ được một số thông tin. Tiếc là bây giờ cỗ máy ấy già, xuống cấp rồi, còn bộ nhớ thì không lưu được cái mới do dung lượng thấp, đã bị đầy. Sao cô không cùng gia đình du lịch Phước Long? Nơi ấy bây giờ đẹp lắm, nhìn hồ Long Thuỷ trên ảnh đẹp hơn trong ký ức của tôi nhiều.  Chào cô.

  5. Thu Cúc nói:

    Anh Hoàng Long kể chuyện hay và hấp dẫn quá . Anh nhớ từng chi tiết , trí nhớ anh tài thât  .Bài viết liên quan chuyện xưa lôi cuốn lắm nên dù bài dài tôi vẫn căng mắt ra mà đọc .Cảm ơn tác giả .

    • Không dè bài viết của tôi có thể làm cho chị “căng mắt ra mà đọc”. Cũng như tôi đã trả lời cho chị Như Thuỳ bên trên, chẳng qua là tôi “sắm được cái máy vi tính” nên có thể ghi nhận lại một số thông tin. Tiếc là máy thuộc thế hệ xưa, bộ nhớ khả năng lưu trữ thấp, thông tin sắp dùng hết mà thông tin mới không nhập thêm được. Chờ đọc bài của chị. Chào.

  6. My Nguyen nói:

    Anh Hoàng Long thân mến! MN vẫn thường xuyên vào trang nhà nhưng có thói quen bài nào dài thì để đọc sau cùng vì phải mở máy tính, tăng cỡ chữ đọc cho không mõi mắt. Bài viết của anh thật hay, thật lôi cuốn. Dù anh nói nhờ những tư liệu lưu trữ trong máy tính nhưng theo MN cũng thật là đáng nể. Anh đã sắp xếp từng chi tiết nhỏ, hệ thống từng phần, khiến người đọc đã hình dung ra một Phước Long từ lúc hoang sơ, sáng ra còn thấy dấu chân hổ trên sân…đến một Phước Long ngày nay, có khu du lịch, có hồ Long Thủy đẹp xinh… Nghe mà muốn một lần được đến nơi này.

    À, có một chi tiết khá thú vị là ngày xưa giấc mộng làm phi công của anh sắp thành, chỉ vì “một tiêu chuẩn nhỏ nhưng nặng”: trọng lượng. Gặp anh ngày sinh nhật trang nhà, thấy anh vẫn gầy nhưng chắc có lẽ đã “nặng ký” hơn xưa nhiều. Mấy hôm nay buồn quá, đùa tí cho vui anh Long nhé! Chúc anh luôn khỏe và tiếp tục có những bài viết hay.

  7. Chào chị My Nguyen,

    Nếu phái nữ “chiều cao khiêm tốn” có thể kê tán, còn phái nam “nhẹ thể” như tôi thì không biết làm gì. không lẽ bỏ thêm cục tạ trong túi? Tôi rất buồn vì trong cuộc đời này tôi “nhẹ ký” quá. Tối qua tôi viết và gửi phản hồi cho chị, vừa “ký” phím enter một cái thì máy treo luôn, hôm nay phải viết lại.

    Sở dĩ tôi nói “nhỏ nhưng nặng” là có lý do. Trọng là nặng, cái nầy dễ hiểu, nhưng nhỏ là do khi đi khám sức khỏe tôi gặp ông bác sĩ trưởng bệnh xá trong trại Phi Long lại là hàng xóm. Tôi chỉ thấy ông ta được xe jeep đưa đón nhưng không biết là bác sĩ. Ông ta bảo tôi, “Phải chi chú mầy nặng được 50kg thì…” Chị thấy chưa? Nhỏ thôi, chỉ 2 kí lô gờ ram. Nhưng người ốm cũng có khi có lợi cho … Đùa tí chơi. Chào chị. Long

  8. My Nguyen nói:

    Anh Hoàng Long ơi! Nặng hay nhẹ miễn khỏe là tốt rồi. Sở dĩ MN có ấn tượng chuyện này vì ngày xưa MN có một người bạn khá thân, suýt chút nữa cũng được làm phi công, chỉ vì một chuyện nhỏ…mấy chiếc răng sâu. Hi hi… Nghe nói vậy hỏng biết có đúng không!

    • Đúng là mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn 9,5 là tiêu giấc mộng “cao, xa”! Đời vốn như truyện Tái Ông Thất Mã, biết đâu mà lường, và cũng vì thế mà bây giờ tôi mới ngồi đây khỏ phím đáp lời chị. Chào.

Trả lời Nguyễn Hoàng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác