MÔT NGÀY CŨNG NGHĨA THẦY TRÒ

Ngày đăng: 15/07/2016 06:51:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Nhân sinh nhật lần thứ tư của trang nhà, tôi xin viết mấy dòng sau dành cho anh NHA để gọi là  “Thầy trò còn được vui cùng ở một sân chơi”. Nhắc với anh những ngày anh đã dạy tôi ở Trường THBC Nguyễn Thông, Vĩnh Long ( tôi gọi anh bởi anh chỉ cho phép gọi vậy vào lúc này )

Năm học 1973 -1974 thầy Đặng Văn Tấn, hiệu trưởng BC Nguyễn Thông được điều động về làm Chánh sở Học chánh Vĩnh Long . Phụ tá cho thầy Tấn lúc ấy là thầy Nguyễn Ngọc Long . Thầy Tấn đi, cấp trên cử thầy Võ Văn Lạt  giáo sư của trường Tống Phước Hiệp về đảm nhận Hiệu trưởng . Thầy Nguyễn Thành Sơn làm Giám học .

Đến cuối năm 1974, thầy Nguyễn Ngọc Long từ Sở Học chánh về làm XLTV Hiệu trưởng trường BC Nguyễn Thông.

Thầy Long dạy thêm ba lớp 12 môn Lý – Hóa thay thầy Nguyễn Đức Thân được thuyên chuyển về Sài Gòn.

Tháng 3/1975 cấp trên  bổ nhiệm thầy Hồ Văn Chính ,Giáo sư Thủ Khoa Huân về làm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thông. Thầy Nguyễn Ngọc Long về lại Sở Học chánh, vì quá nhiều việc nên thầy không thể tiếp tục dạy Lý – Hóa cho ba lớp trước đây .

Thay vào chỗ trống nhà trường giới thiệu với chúng tôi thầy Nguyễn Hồng Ẩn ở quận Bình Minh về đảm trách . .. Vào lớp chúng tôi là vị giáo sư có dáng bụi bụi hình thể cao lớn miệng rộng, mặt vuông, mũi thẳng , chân mày ngang, đậm , giọng nói sang sảng, nhiều cậu trong lớp thì thầm nhau : – Tướng đàn ông ghê. Đẹp như Ceasar !

– Đẹp như Antony chứ mậy!( phim chiếu ở Vĩnh Long cuối năm 1974 )

–   Vậy mà đẹp gì ?! Một nữ sinh nào đó ở bàn trên quay xuống .

–  Thôi đi mẹ người ta đẹp kiểu đàn ông, hỏng ai như Romeo ” lại cái ” của mấy bà.

Học thêm tuần sau chúng tôi biết thầy Ẩn  là Hiệu trưởng trường Trung học Bình Minh qua dạy, không biết thầy có quan hệ trước đó với thầy Lương Văn Kiệt cũng như có tham gia dạy lớp đêm.

Có học lâu hơn với thầy Ẩn mới thấy cái đẹp đàn ông của thầy . Chẳng biết hơn  40 năm qua giọng nói có còn sang sảng như ngày nọ hay không.  Bọn chúng tôi thích nhất những hôm thầy mặc áo trắng ngắn tay, đứng cạnh bàn viết, tay chống nạnh nhìn vào sách vở, bất chợt thầy ngước lên mái tóc lòa xòa vắt ngang vầng trán rộng rất lãng tử . Mắt thầy nhìn xa vắng qua cửa sổ khi chờ chúng tôi ghi bài .

Thế rồi chúng tôi thi cuối năm sớm để lấy điểm vào học bạ nhanh ( lớp 6 đến lớp 11 đã được cho nghĩ từ trước rồi ) Dự định chương trình lớp 12  rút lại và chấm dứt vào giữa tháng 5 , nhưng ngày thống nhất đất nước đến sớm hơn…..

Viết những dòng này cho anh Ẩn bằng tâm tình người đồng hương , người học trò của năm xưa để biết rằng thầy trò ta hàng ngày vẫn còn sinh hoạt ở một điểm chung nhau : Trang nhà Tongphuochiệp-vinhlong.com

” Một ngày cũng nghĩa…..” phải không anh ?

Cầu Mới 10/7/2016

NGUYỄN GƯƠNG

0 le an 2           H

 

Có 9 bình luận về MÔT NGÀY CŨNG NGHĨA THẦY TRÒ

  1. Phan Lương nói:

    Ôi ! Ngưỡng mộ làm sao ! Tình đồng hương ,nghĩa Thầy trò qua 40 năm vẫn không hề phai nhạt.

    Thầy Ẩn dạy môn Lý – Hóa sao ?

    Thế mà Văn , thơ Thầy thật trau chuốt,

    Luôn để lại trong lòng người đọc niềm xúc cảm sâu lắng

    Thơ của Thầy luôn làm nguồn cảm hứng cho những ai thích đọc thơ và cảm họa

    Đọc bài viết của anh Gương em nghe lòng dâng lên một niềm kính trọng với người Thầy mà anh nhắc đến và với cả anh ,một tác giả đang dần chinh phục lòng người đọc

  2. NHA nói:

    Nguyễn Gương và quý bạn hữu,

    Hôm nay 7/15, Phi Rôm gọi đề cập đến  phản hồi của tôi  khi đang trực ở khách sạn nơi PR làm việc, có nói đã download  một bức ảnh cũ có hình của tôi trước 1975; tôi nghe nhưng không hỏi tới. Đâu ngờ ảnh này dùng minh họa cho bài viết trên.

    Bài viết này là một bất ngờ, quá bất ngờ khiến tôi ngẫn ngơ trước khi cảm động. Xem như là một món quà vô giá tặng cho một người chọn nghề “đưa đò”, đưa khách sang sông, xong mong gì gặp lại khách.  Đằng này bất ngờ gặp khách, khách tự nhắc chuyện ngày xưa và trao qùa cho lão đưa đò.

    Biết Nguyễn Gương ở Cầu Mới, một đia danh thân quen mà tôi đến với mẹ vaò khoảng 1946 và về sau … , em có nhắc rằng  em có học với tôi và gọi bằng thầy, tôi nói với Gương hãy xem nhau là  anh em đồng hương là được. Mừng lắm!

    Cám ơn tình cảm nồng ấm của em Nguyễn Gương dành cho tôi hôm nay.

    NHA

     

  3. Hoài Thương nói:

    Đọc qua bài này mình càng thán phục huynh NHA , xưa chuyên nghề lý hoá, thế mà thơ của huynh vẫn mượt mà , bóng loáng làm sao…chúc huynh vui tươi , mạnh khoẻ.

  4. Thu Cúc nói:

    Môt bài  văn , môt câu chuyên viết về tình nghĩa thầy trò thật nhiều cảm xúc . Tôi tự hào vì tôi là cưu hoc sinh TPH của quê hương Vĩnh Long .Môt vùng đất đươc mênh danh là “Địa linh Nhân Kiêt ” .Cám ơn anh Nguyễn Gương đã viết bài văn này .

  5. My Nguyen nói:

    Bài viết của anh Nguyễn Gương đã cho chúng ta một cảm nhận về tình thầy trò thật là sâu sắc. Hình ảnh người thầy đã hơn bốn mươi năm vẫn còn in trong trí nhớ học trò với nhiều ấn tượng đẹp, quả là rất sâu đậm. Qua bài viết này, MN cũng thầm ngưỡng mộ một thầy Ẩn vừa tài hoa vừa đẹp như một tài tử điện ảnh Antony! Chắc hẳn câu chuyện xưa này đã đi vào lòng thầy Ẩn và gây cảm xúc đến mọi người…

  6. Hoành Châu nói:

    Một người Thầy tài hoa  được ghi đậm trong trí nhớ học trò  dù đã bao năm xa cách ..Thầy dạy môn Khoa học tự nhiên mà văn thơ thật lã lướt ,  mượt  mà, thật đáng trân trọng  !
    Hoành Châu  (Gia đình C  )

  7. NHA nói:

    Ông gìa này cám ơn quý bạn hữu qúa khen.

    Biết : Có sinh có hoại. đời sống vô thường.

    Nhắc lại chuyện cũ khi ta còn có thể, cũng chỉ là cách tạo niềm vui cho nhau (thuốc bổ), thắt chặt thân tình…

     

     

  8. Như Thuỳ nói:

    Hồi ức của anh Nguyễn Gương về hình ảnh người thầy xưa chắc chắn sẽ khiến đại sư huynh NHA  nhiều đêm mất ngủ … !

    Than ôi, thời yến oanh dập dìu quanh ông thầy “men chuẩn” nay còn đâu ???

    (Hi!hi!)

    • NHA nói:

      -Ṃất ngủ sẳn rồi, thêm tí nữa cũng có sao đâu, mà mất ngủ vì tình cảm của em học sinh của anh ở Cầu Mới mà thôi.

      -“men chuẩn”: sao giống nói ai đó là ma men… (uống rượu chuẩn)!

      Cám ơn Như Thùy “bình loạn” hi hi

Trả lời NHA Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác