Con Nước Lớn Ròng (4)
Đoàn ghe đồng hành với chú Hai Thu nối nhau lướt xuôi theo trớn con nước lớn chảy ào ào từ vàm Cái Côn. Lúc họ vừa chèo qua cây cầu trên quốc lộ 1, thì chợ Ngã Bảy đã đỏ đèn nhóm họp ồn ào tấp nập trên bến dưới thuyền. Trời sáng dần, càng đi sâu xuống vùng đất Sóc Trăng, có nhiều bạn đường lần lượt rẽ ghe vào những nhánh sông con. Họ đi lẻ từng chiếc hay kết nhóm nhỏ chèo đến những xóm làng quen biết trước cho mỗi mục đích khác nhau. Còn trên kênh xáng thuỷ lộ chánh này, khi gặp dòng nước ngược tại đâu thì thì họ đậu nghỉ nơi đó để chờ dòng xuôi cho đoạn tới. Lúc bấy giờ số ghe cắm sào lác đác ước lượng chừng vài chục chiếc mà chú Hai không buồn đếm. Cảnh hợp tan không còn làm lòng chú phấn khích hay nao nao như những ngày đầu theo ghe ông bác vợ tập tành chèo chống xuôi ngược sông hồ, mưu sinh mọi cách để kiếm chút cơm gạo mang về nuôi sống vợ con. Chính ông bác nầy dạy chú Hai nghề thợ mộc trong những lúc rảnh rổi. Bác ấy thường khuyên thằng cháu rể, như lời tâm sự rất chí tình: “Mấy đứa con trai của bác, tụi nó ỷ mạnh khoẻ có sức thì đi cấy gặt, cày thuê cuốc mướn, đào đất tính khối, xốc vác bộp chộp. Còn thằng Hai mầy có thương tật cũ, ráng mà sở hữu một nghề cho giỏi để đở cực thân. Thời nào cũng nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Nắng chiều vàng rực trên mặt sông đầy. Những sợi khói nhỏ bốc lên nhè nhẹ phía mủi hoặc sau lái của những chiếc tam bản đang cắm sào cặp theo hai phía bờ kinh Xáng, nơi vừa qua chợ Ngã Năm một khoảng xa xa. Bà con dưỡng tay và lo cơm nước chờ con nước ròng đêm nay rút xuôi về hướng Cà Mau. Tiếng trò chuyện râm ran trên mặt sông, bà con kêu hú hỏi thăm hoặc hò hẹn chuyến về. Hoà theo tâm trạng vui vẻ của những người sắp đến mục tiêu, chú Hai Thu giải thích hành trình với thím trong bữa cơm chiều:
– Mình ngủ tại đây một giấc, chờ nước ròng tối nay tui chèo tà tà qua khỏi huyện Phước Long cho tới khi mãn đà chảy ở đâu thì mình neo xuồng ngủ tiếp ở đó cho hết con nước lớn. Tiếp tục chèo xuôi nửa con nước ròng sáng mai, khoảng 10 giờ là mình tới nhà vợ chồng thằng Bổn. Rồi đậu dưới bến sông chờ con nước lớn trưa mai để dẫn ghe vào đậu trong cái xẻo nhỏ phía sau vườn nhà nó.
Nuốt ba hột lưng lững bụng, chú Hai tựa lưng trên miếng gỗ sạp lái, chân dũi gát trên chiếc bàn máy may được bao che rất kỷ nằm trong lòng xuồng. Chú nhả khói thuốc lên bầu trời đêm mà không hề chú ý vầng trăng đêm nay có vẻ đầy đặn một chút. Chú mệt mỏi thiếp vào giấc ngủ ngon lành, không như những đêm như vầy thì chú thường thức giấc chập chờn để canh con nước. Chú choàng tỉnh khi nghe tiếng anh Bảy Tình nói nho nhỏ từ chiếc ghe cách hơn một vói tay.
– Hai Thu ơi! Thức dậy, nước lớn bắt đầu chảy yếu, còn chừng nửa tiếng mình nhổ sào. Vấn điếu thuốc rê làm vài hơi cho tỉnh, anh muốn hỏi chú cái nầy.
– Anh Bảy, hồi chiều thấy anh đậu trên kia, tui định dời ghe đậu gần nói chuyện chơi và gởi lời thăm chị Bảy ngon ăn, cháu bé chóng lớn. Tụi tui lu bu lo cho hai đứa nhỏ một hồi rồi quên tuốt. Chắc lâu lắm mới có dịp ghé Mỏ Cày nhậu suốt đêm với anh, buồn quá anh Bảy ơi!
– Hồi chiều tao thấy giàn giá ghe mầy, tao nghi nghi chưa dám hỏi. Lúc mới đỏ đèn, tao dời ghe xuống đậu sát bên thì mầy đã ngáy khò. Bộ chuyến nầy tính cuốn ‘nốp’ luôn phải không em. Cắm dùi chỗ nào để anh có dịp ghé chơi.
– Trên nầy đi xuống tới ngã tư Vĩnh Phú Tây, anh quẹo vô đường qua Giá Rai một khoảng chừng 500 mét thấy xóm đông lúm xúm phía mé sông bên tay mặt, anh ghé lên bờ hỏi nhà thằng Thất Bổn. Nó cũng thứ Bảy như anh, con thầy thuốc bắc mà không biết nghề lang gì ráo, xóm của nó sửa tên Bảy Bổn thành Thất Bổn. Nó nhỏ hơn tui 3 tuổi, Năm 1969, hai thằng tui cùng đơn vị ở tiểu khu Mỹ Tho. Ba tháng trước tui tình cờ gặp nó tại chợ Giá Rai, nó kéo tui và hai người bạn của nó tại chợ đó vô quán nhậu tưng bừng. Nó hỏi thăm hoàn cảnh gia đình tụi tui ra sao. Thằng Bổn vui vẻ tía lia như hồi đi lính: “Hồi anh bị trúng mìn, cả người máu me tả tơi như cái nùi giẻ, đơn vị mình ai cũng nghĩ là anh xí-lắc-léo. Anh lớn mạng, sống nhăn mà được đổi qua làm lính ‘hoàng gia’ gác cầu bắc, ngắm bà con đi qua lại. Còn may mắn cưới được chị chủ sạp trái cây có sẵn nghề khéo tay may vá. Anh nhớ không, có một lần anh kéo em về nhà, chị thấy em cầm bộ đồ nhà binh mới lãnh, chị đo ni và sửa dùm em bộ đồ trận đẹp quá trời. Em mặc bộ đồ đó đi phố chứ không dám mặc đi hành quân, sợ bị mìn như anh thì rách te tua uổng lắm. Anh ghé nhà tui một vài lần cho biết. Nếu anh chị quyết định về đây ở luôn, em dựng cho anh chị một nhà nhỏ kế bên em, che chái phía trước cho chị mở tiệm may gia đình. Dân xóm em lâu nay muốn may quần áo, họ phải ngồi đò máy gần 20 km để ra chợ Giá Rai. Anh chị dời xuống đây em cắt 5 công ruộng tặng không điều kiện cho anh, bảo đảm làm ra đủ lúa cho gia đình ăn giáp năm. Hết mùa ruộng thì anh xách cưa đục đi đóng sửa bàn ghế giường chõng vòng vòng trong xã. Nghề mộc anh giỏi, làm tới mùa đong lúa, không ai thiếu một xu. Chị mở tiệm may phục vụ bà con lối xóm, làm bây nhiêu ăn bây nhiêu vừa trông coi mấy nhỏ. Em không dám bảo đảm anh chị khá giả, nhưng bảo đảm không sợ thiếu ăn đói kém, thằng Bổn nầy đã hứa là phải làm cho đẹp mắt”
– Chỗ xa xôi thưa vắng nầy mà gặp lại anh em chí cốt, thiệt là “hữu duyên thiên lý”. Anh cũng muốn như em mà không được, còn đất cát, còn mồ mã ông bà. Đâu phải nói đi là đi như Hai Thu mầy và thằng em con nhà chú của anh, bây giờ hai vợ chồng và ba má vợ tụi nó cũng rất êm trời trèm trẹm.
– Tuy rằng Ba Tri là quê vợ, nhưng 4 năm nay tụi tui sống nhờ sự đùm bọc của bà con láng giềng. Nhất là bác Năm Thi và mấy anh chị nhà bác đã tận tình giúp đở. Nhưng ai cũng nghèo như nhau, nhiều khi quay mặt dấu giọt nước mắt thương cảm vì bất lực. Tui cũng không muốn lìa quê vợ xuống chi đến tận nơi nầy. Nhưng anh cũng biết rồi, quê mình khó làm ra hạt lúa. Có con đường lúa gạo nầy mà bây giờ các trạm tỉnh rất gắt gao, trạm kinh tế trung ương cũng về đóng chốt có luôn tàu sắt lẫn ca-nô, rồi địa phương nào cũng mọc trạm như nấm, mình lòn tránh né cở nào họ cũng chận tịch thu hết ráo. Đi kiếm ăn sanh tử mà trắng tay chèo ghe không về nhà, thiệt là không còn nước mắt. Hôm trước có mấy người trên vùng mình vượt trạm Ngã tư Cây Dương bị vướng sợi cáp họ kéo chận ngang sông làm chìm ghe, may mà có bà con vớt người được. Tới chợ Ngã Bảy lên bờ quyên tiền để đi xe đò về nhà. Nếu tai nạn đó xảy ra nửa đêm và gặp nước chảy xiết, dù là đàn ông lội giỏi cũng chết như chơi. Mình đi kiếm sự sống chứ đâu phải tìm cái chết, mà lâu lâu nghe tin có người mất tích hoài.
– Hồi nào tao nghe Hai Thu mầy nói xã cấp giấy cho hộ nghèo nào bị thất trắng mùa màng được mua gạo về ăn mà.
– Được vài lần đầu thôi anh, bà con xin nhiều quá thì xã không cấp nữa mà đẩy lên cấp huyện giải quyết khó hơn. Anh Bảy có tính gì cho sắp tới không?
– Tao thấy mà chán và sợ cái chiến thuật bà con mình áp dụng trong chuyến lên. Họ gom cả trăm ghe đậu trước trạm 5-3 trăm mét rồi chờ nước xuôi hè nhau hò hét cho đở sợ mà chèo bán sống bán chết vượt qua. Ghe nào xui bị móc sắt kéo vô, có khi tụi nó quạu lôi ghe luôn lên bờ. Cách đó chỉ ăn mấy keo đầu, vả lại lúc chen nhau đở dây cáp chun qua lụp chụp dễ chìm ghe. Hoặc lạng chạng dây cáp gạt gãy cột chèo hay văng người xuống sông nguy hiểm Hiện giờ thì tao coi chỗ nào dễ chui thì đi từng chặng đường ngắn. Mấy tháng nay tao bắt chước anh em cùng xóm, tụi tao lòn lách trong sông con như người địa phương, chở gạo được ra tới chợ Ngã Bảy là sang tay liền. Gom được chút vốn và nhắm bề ở nhà hết gạo thì chèo ghe không về tới miệt Cái Nhum-Vũng Liêm. Vùng đó mua gạo mắc hơn miệt dưới nầy, nhưng mình tìm rạch nhỏ trổ ra sông Cổ Chiên thì coi như an toàn tới nhà. Chứ bây giờ chở gạo từ Sóc Trăng-Bạc Liêu về trên mình chỉ còn 2-3 phần may mắn trót lọt, mà tới 7-8 phần thua sạch trắng tay.
– Anh Bảy đổi chiến thuật như vậy cũng phải. Vụ làm ăn mới của anh mất nhiều thì giờ mà an toàn hơn kiểu đi một lèo như lâu nay. Anh có dịp thì nhớ ghé thăm thằng em nầy. Hoặc gặp ai trong nhóm quen biết mình, anh nhắn với tụi nó là Hai Thu về ở chỗ đó.
– Ừ, tụi tao ghé thì phải có can đế và mồi màng linh đình hả Hai Thu.
– Hy vọng được gặp lại anh em trong hoàn cảnh như vậy.
– Anh Bảy chúc gia đình chú thím nhiều may mắn.
Ghịt xong điếu thuốc rê Cao Lãnh, chú Hai đứng dậy vươn vai ẹo qua vặn lại mấy cái. Thiếm Hai nghe tiếng ván sạp chạm nhau kèn kẹt và chiếc ghe có chút lắc lư bởi các cử động dù rất nhẹ nhàng của chú ở lái ghe. Từ trong mui, thím hỏi nhỏ nhẹ:
– Mình đi chưa anh, em nhổ cây sào trước mủi nghen.
– Nước chảy yếu thôi chứ chưa thiệt ròng. Ghe chưa trở đầu.
– Để em ra chèo thay tay, anh vô mui ngủ với hai đứa nhỏ. Em chèo thẳng theo sông như người ta, có gì lạ thì em kêu anh thức dậy.
– Được rồi, anh ngủ từ chiều đến giờ khoẻ lắm, em biết đường xá gì mà đổi tay. Em nằm trong mui với tụi nhỏ, ra vô tới lui làm chúng nó giật mình khóc um sùm như đêm qua.
Lát sau thì thím Hai nắm ngọn sào lắc lắc nhổ lên, thím đập nhè nhẹ phần gốc sào lên mặt nước cho sạch bùn trước khi gát nó nằm đúng chỗ vào 2 cái móc sắt treo cặp hông một phía be xuồng. Chú khởi động cặp chèo một cách máy móc, hai chân tới lui nhún nhẩy theo mỗi nhịp đẩy xuồng đi tới. Con kênh xáng rộng thênh thang, nước chảy dài thẳng băng và sóng gợn lăn tăn loang loáng dưới ánh sáng của con trăng đã nghiêng thấp phía trời tây.
Nằm trong mui ghe thật ấm, thím Hai Thu nhìn hai đứa con ngủ say sưa là lòng trào dâng niềm thương cảm. Không biết đời chúng phải cơ cực như chú thím mấy năm nay. Không biết cuộc sống của gia đình thím có đúng theo sự suy tính của chú Hai. Và mọi sự giúp đở của người bạn cũ có được trơn tru như những gì trong lá thư của anh ta mà chú Hai Thu mang về cho thím. Lời lẽ mộc mạc khiến bác Năm Thi đọc qua phải khen là thằng nầy tin tưởng được. Dù sao thì thím cũng lo âu cho một tương lai mù mờ đang đón chờ gia đình thím ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Đất lành chim đậu vững vàng, hay lại phải quay trở về Ba Tri tiếp tục trong sự đùm bọc của bà con thân tộc.
Một Lúa
H
Ủa ! Đang mãi thả hồn theo con nước lớn ròng từ Ngã Bày rồi qua miệt Gia Rai , Sóc Trăng ….Thương những phận đời trôi nổi trên sông nước …Vậy mà hết rồi sao ? Đọc bài viết của anh Môt Lúa thấy thích ghê .Tôi nhớ giong văn của Bình Nguyên Lôc , Sơn Nam và Phi Vân . Giọng văn miền Nam rất hiền , mộc mạc , hay lắm .
Bạn Thu Cúc,
Xin lỗi quên chữ (Còn tiếp) cuối bài. hihi
Bái phục trí nhớ “vô lượng” và lòng yêu thương “vô bờ” của sư huynh đối với quê hương sông nước. Phải da diết nghĩ tới, da diết nhớ về … như con nước lớn ròng xuôi chảy ngày đêm không ngơi nghỉ mới có thể miên man hết chiện nọ tới chiện kia về tình đất tình người phải không anh Một Lúa ơi ?!!!
Như Thuỳ bạn ui!
Không đến nỗi như vậy. Hàng ngày còn phải lo nợ nần trước mặt nữa. hihi
Theo con nước lớn ròng nên anh Một Lúa có rất nhiều điều để nói, thu hút mọi người theo từng con nước…Mong cho chú thiếm hai Thu được người bạn giúp đỡ, gặp “đất lành chim đậu”!
My Nguyễn,
Dà! Những năm đó, dân mình có rất nhiều luồng sóng thay đổi nơi cư trú. Bắc vào Nam. Nam ra Trung. Miệt trên về miệt dưới. Người đồng bằng lên vùng đất đỏ…
Thích đọc bài viết cúa anh Một Lúa kể về Miền Tây sông nước thật hấp dẫn. Anh có lối miêu tả cảnh rất sống động , từng chi tiết rất nhỏ
“Nắng chiều vàng rực ….hai bên bờ kinh xáng”
“…chú Hai tựa lưng trên miếng gỗ sạp lái….nằm trong lòng xuồng ”
“…Thím Hai nắm ngọn sào lắc lắc nhổ lên…”
với lối hành văn như vậy khiến người đọc cảm thấy như một bức tranh rất sống động hiện ra trước mắt .Thấy được cái cơ cực của những cuộc đời rày đây ,mai đó để tìm kiếm sinh nhai mà điển hình là vợ chồng của chú hai Thu phải đèo hai con nhỏ lênh đênh trên chiếc ghe chèo như vậy
Cảm thấy thương quá cuộc sống của cha ,mẹ mình ngày xưa cũng chịu thương chịu khó chèo ghe đi mua lúa về chà gạo bán ở chợ Cầu Mới .Rồi chiến tranh khốc liệt xảy ra đã cướp đi sinh mạng của họ ,để lại ba đứa con mồ côi phải sống nương nhờ tình thương của ông bà
hic hic ….
Phan Lương,
Không ngờ bạn trẻ cũng là nạn nhân chiến tranh. Chuyện buồn quá!
Đời có câu :<Nhứt sĩ nhì nông.
Hết gạo chạy dông
Nhất nông nhì sĩ.
Cái thời kì ấy mà nhiều cô giáo phải bám trụ ăn bo bo dạy học rồi bám luôn cái nghề nông, cô giáo thời ấy mất giá giống như câu nhất nông nhì sĩ.
Chị Hoa Đăng.
Bi vờ đã hết cơn bỉ cực rùi hén!
Cuộc sống càng cơ cực , làm con người ta càng cứng rắng, mạnh mẻ để đấu tranh, lăn lộn tìm miếng cơm manh áo , tội nghiệp quá anh nhỉ.
Bạn Hoài Thương,
Thời thế cũng đã làm cho một lớp nhân tài phải chạy xích lô, vá dép, bôm gas quẹt, vô mực viết bic… kiếm miếng ăn, hay vùi thân miền sơn lam chướng khí… Còn may mắn thì ngồi bó gối nghiền ngẫm một khoảng đời tươi đẹp hào hùng bổng trắng tay và vô dụng.
Vợ chồng chú thiếm hai Thu sẽ ra sao đây ? Cầu Trời cho chú thiếm được đổi đời ,cuộc sống đở cơ cực hơn , đang chờ phần 5 anh Một Lúa ơi !!!
Anh Thơ Huỳnh,
Dà, hy vọng chú thím Hai Thu được như vậy!
Anh một lúa không có sống nghề sông nước ,mà anh viết bài kỳ 4 nầy rất thực như anh đã từng trải qua.Thời ấy ai cũng rất khổ tội nghiệp vợ chồng anh Hai Thu quá hy vọng vợ chồng anh sẽ có cuộc sống tốt lành nơi vùng đất mới.Mong kỳ 5 anh sẽ cho tụi em biết vợ chồng anh Hai Thu có cuộc sống tốt hơn .
Bạn Lài Võ,
Nhà tui ở kế bờ sông
Tán dừa soi bóng, trái khô mất hoài! hihi
Ít nhiều cũng biết chuyện sóng nước. hihi