Con Nước Lớn Ròng (3)
Tại một vùng quê Ba Tri vào mùa hè năm 1976, nơi có những cơn mưa đầu mùa thật lớn và sấm sét một cách bất thường. Một buổi xế trưa trong căn nhà lá đơn sơ và cột kèo gỗ tạp có vẻ mong manh, hai đứa con của chú thím Hai Thu trùm mền kín người trên chiếc chõng tre. Chú thím ngồi trên mép giường trấn an, mà tụi nhỏ cũng khóc thét sau những loạt sấm vang trời. Mưa tuôn tầm tả như xối đẩm vào nỗi băn khoăn của một người mới dọn về sống nơi quê vợ. Cảnh ảm đạm cây cối dầy đặc hoang tàn sau chiến tranh và đường sá sình bùn lầy lội làm tăng thêm nhụt chí lòng chú Hai Thu.
Từ những ngày mới trở về quê xưa của thím, gia đình họ làm quen với ánh ánh đèn ống khói thuỷ tinh leo lét mỗi đêm. Nếu không có việc thì thổi đèn ngủ sớm để tiết kiệm dầu. Sáng ra khô ráo nắng lên còn đở, có bữa ngồi nhìn mưa chảy trên mái lá tuôn xuống sân đất lầy lội, chú Hai lan man nhớ về một thời bảnh bao nơi phố chợ nhộn nhịp đông vui. Cái thời tuy chú không giàu có, nhưng mỗi sáng điểm tâm bằng một dĩa cơm tấm hay một tô cháo lòng bên ly cà phê sữa bốc khói thơm lừng giữa chợ búa tỉnh lỵ nhộn nhịp đông vui.
Nhưng dù thế nào thì chú vẫn phải chấp nhận nơi nầy là chỗ dung thân. Suy nghĩ tận cùng, chú cố giấu thất vọng để làm vui lòng thím. Thím Hai có lẽ hiểu phần nào tâm trạng của một người sinh sống nơi phố thị từ nhỏ, thím gấp rút thuê người cưa đốn cây, sửa sang 4 công vườn xưa trồng dừa của ba má thím để lại, dọn đất đào mương sửa liếp cho thông thoáng và có chỗ cho chú Hai học hỏi bà con trồng cây ăn trái thích hợp với đất đai vùng nước lợ.
Mùa ruộng đầu tiên, chú Hai Thu theo anh em và mướn người phụ giúp canh tác năm công ruộng hương hoả phụ ấm, kết quả là thất thu thảm hại. Cả một vùng rộng lớn nhiều thôn xã, bao gồm vùng quê tổ tiên của thím Hai bị giặc châu chấu cắn phá kinh hoàng. Cho đến tuổi 30, chú Hai Thu mới thấm thía ý nghĩa câu ca dao “một hạt lúa vàng, chín hạt mồ hôi”. Muốn có gạo để ăn đến ngày giáp hạt, chú Hai được bà con dẫn dắt chèo ghe lén qua các địa phương khác mua lúa giá thật mắc chở về trữ. Mùa sau đó, các ban bệ nông nghiệp địa phương của chú lên kế hoạch xạ lúa thần nông ngắn ngày trên những thửa ruộng nào có thể chủ động được nguồn nước ngọt trên vùng cận duyên nầy. Nhưng điều mà họ không ngờ là có loại rầy nâu xuất hiện, chúng có khả năng kháng loại thuốc trừ sâu yếu nhách của hệ thống sản xuất quốc doanh. Tác hại của loại côn trùng sanh sôi cực nhanh và hút chất hết nhựa cây mà chúng đeo bám dầy đặc, gây cho ruộng lúa chưa trổ đồng đồng thì đã chết dần khô héo.
Rồi thiên nhiên như chưa chịu ngừng tay hành tội dân nghèo, trời giáng trận lụt vào mùa nước nổi năm 1978 như một đòn chí tử giáng xuống số phận những nông dân ‘hoạ vô đơn chí” đã ngất ngư vì đói kém như chú Hai. Năm đó mưa lớn liên miên phía thượng nguồn, lượng nước từ những triền cao vùng Vân Nam và Lào đổ xuống sông Cữu Long không đủ sức tải. Khối nước như vô tận phải tràn bờ, nhận chìm đất đai từ mãi tận bên Cam Bốt hình thành dòng lũ có bề ngang hàng chục km từ Đồng Tháp Mười đến Tịnh Biên tuôn xuống hạ nguồn. Trận lụt mà những người cao tuổi chưa từng thấy trong đời của họ. Dòng nước hung hãn đã nhận chìm làng mạc ruộng đồng, cuốn trôi hoa màu gia súc và một số sinh mạng quý giá của con người trên một diện tích khá rộng. Ảnh hưởng toàn phần hoặc một phần lãnh thổ các lưu vực châu thổ sông Tiền sông Hậu kéo dài ra tới biển Đông.
Cơn lụt lội kinh hoàng đi liền theo 2 mùa lúa bị nạn sâu rầy hoành hành trước đó trên những vùng rộng lớn. Nguyên nhân khiến số đông nông dân Bến Tre vì không kham đói kém mà tạm bỏ ruộng vườn của họ mà tuôn về ‘miệt dưới’, vùng đất trù phú và không bị ảnh hưởng trận lụt cuối năm 1978. Họ là những người mở đầu và lôi kéo dân miệt trên vào cuộc trường chinh cơm gạo khổng lồ. Hình ảnh hàng vạn người xuôi ngược trên một đoạn phía nam của thuỷ lộ liên tỉnh, ngày đêm đổ mồ hôi sôi con mắt tìm kế sinh nhai.
Tết Kỷ Mùi 1979 đến nhanh chóng và trôi qua trong thiếu thốn mọi thứ của phần lớn xã hội chứ không riêng cho gia đình chú Hai Thu. Bà con nơi vùng cận duyên khắc nghiệt nầy liên tục mấy năm thiên tai đói kém hành hạ. Nông dân chuyên nghiệp cha truyền con nối còn bó tay, sá gì dạng làm ruộng bất đắc dĩ như chú Hai, họ không còn hy vọng vào nông nghiệp sẽ mang đến cơm gạo nuôi sống gia đình. Thế rồi người nầy rỉ tai người kia, tin đồn và thực tế cho thấy những chiếc xuồng nhỏ chở lúa gạo chở về nhà nhà từ những chuyến đi miệt dưới. Lần lượt những người mạnh khoẻ đổ xô đi tìm cơm gạo nơi vùng đất cực nam mà nhiều người chưa từng bước đến.
Những ngày đầu tiên, chú Hai đi theo ghe của người bác vợ để tập tành chèo chống cho quen thuộc tuyến đường từ quê hương Bến Tre đến những vùng gần tận cùng đất mủi. Một hai chuyến như vậy, chú Hai nhận ra cảnh người đông ghe hẹp vì chuyến về phải cộ thêm thóc lúa của mỗi người. Và thêm một bất tiện khác là đến tìm xin việc làm mướn nơi đồng áng ở Sóc Trăng hay Bạc Liêu, người nầy xong việc thì phải ngồi không chờ người kia. Người bác vợ là ông Năm Thi cũng hiểu điều bất tiện cho sự dính chùm của họ, ông bác nầy kêu cho chú Hai cây sao mọc bên vườn nhà. Chú Hai chỉ cần xuất tiền mướn người hạ cây và máy cưa xẻ gỗ, bác Năm đích thân đóng chiếc tam bản cho chú Hai Thu và bắt đầu truyền nghề thợ mộc kể từ lúc đó.
Mỗi chuyến đi miệt dưới, chú Hai dù không để ý số lượng ghe xuồng của những người đồng cảnh bắt đầu từ các chặng nghỉ tay trên các huyện như Cái Nhum, Tam Bình, Trà Ôn. Nhưng khi chú trên sông thì trước mắt chú lúc nào cũng có hàng chục chiếc ghe, hoặc nhiều hơn mà không ai đếm xuể. Tất cả đều xuất xứ từ ‘miệt trên’. Họ kết từng nhóm lẻ 5-10 ghe hay hợp thành từng đoàn chừng vài chục, tốp chèo xuống, tốp chèo lên hối hả nương theo dòng chảy thuận hướng đi hoặc về trên tuyến sông liên tỉnh nầy. Họ có cảnh đời khác nhau nhưng có lẽ cùng hoàn cảnh nghèo túng như nhau. Và mục đích và thời hạn hành trình đổ xô đi ‘miệt dưới’ có lẽ cũng khác nhau chút ít. Người sẵn tiền thì xuống tìm đến vùng dư thừa lương thực để mua gạo và cá mắm giá rẻ chở về nuôi sống gia đình. Người không tiền mà có sức có nghề thì đến đó tìm chỗ làm thuê, đổi công nuôi thân ngày 3 bữa và tích cốc mang về nuôi vợ con có cái nuốt no bụng tạm thời. Lượng định nồi cơm khạp gạo mà độn thêm khoai sắn, kéo dài niềm hy vọng như chờ con chim trống tha mồi sau mỗi chuyến đi như trong trường hợp của chú Hai Thu.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Bài viết của anh ( phần 3 ) này gợi cho em bao nổi nhớ ,nùa nước lũ năm 78.Năm ấy em mới học lớp 10 .Từ nhà ra lộ để đến trường anh ba em phải chống xuồng trên ruộng để đưa ra lộ đá.Ai ngờ được đi trên lộ đá mà nước ngập tới gối.Vô tới trường ngồi dự buổi chào cờ và nghe sinh hoạt .Một ông Thầy phát hiện dưới chân em máu đang nhỏ giọt ,cứ tưởng em bị thương gì ,nên chạy lại hỏi.Em cũng giật mình,thì ra một con đĩa đeo ở chân hút máu no nó mới nhả ra.
Hi hi giờ nhớ lại còn lạnh cả xương sống.!
Sao hôù đó đĩa đeo mà khiong hay nhỉ ? Em lại tự hỏi mình rùi tự giải thích: chắc khi đó vì bị trễ giờ sinh hoạt dưới cờ ,lại ngồi ở hàng đầu nửa nên cái sợ trễ lớn hơn nên đã lấn át những nổi sợ hãy khác..
Nước ngập đồng, em đổi đường đi hướng khác
Còn tui thì bơi xuồng, không sợ ‘đẻo đia’! hihihi
Nước Ròng kéo dài làm người đọc thấy tâm hồn chùng xuống, trĩu nặng và đâm ra tự thân mâu thuẫn: Nửa muốn Nước Lớn, trôi quách đi, che khuất đi những gì đen tối, ưu sầu, những kỷ niệm muốn quên (nhưng chắc khó quên), nửa muốn Nước Ròng tiếp để biết thêm, để nhớ lại những chuyện cũ, nhớ lại một thời đã qua. Thôi thì chờ xem Nước (còn) Ròng đến đâu.
Anh Hoàng Long!
Nước lớn ròng nầy chỉ là hiện tượng sông rạch đầy vơi bình thường theo tiếng kêu của con chim bìm bịp thui, anh Hoàng Long ơi! hihihi
Đời người như con nước lớn ròng .Cam ơn tác giả đã kể lai những chuyện xưa mà tôi thích nghe , thích đoc , thích xem….Tôi thich nghe chuyện xưa , nhạc xưa , đọc sách xưa , ăn món ăn xưa ., nói chuyện với người xưa .Vì tôi cũng thuôc tuýp hoài cổ mất rồi .
Chào bạn Thu Cúc,
Dà, chắc là ‘ôn cố để tri tân’ hihi
Năm 1975, Tôi : Giã từ thị xã để về quê
Ngày đầu giải phóng nghèo xơ xác
Đồng rộng mênh mông lác đác nhà
Rồi năm 1978 thiên tai dồn dập nên
Cô giáo <bo bo> ngày hai bữa
Cá rau phải kiếm khắp đồng xa…
Nói để tg thấy rằng không phải chỉ có người Bến Tre hồi ấy khổ vì gạo mà những người làm nghề bán chữ như chúng tôi vẫn khổ vì đâu có gạo để mà ăn.
Chị Hoa Đăng,
Dà, nông dân chỉ thấy và nói chuyện của nông dân thui, đại tỷ ui!
Hiện tại – quá khứ đan xen
Đời người như con nước ròng rồi lại lớn . . .
Ngóng cổ thật dài … xem cuộc đời Hai Thu trôi nổi
Bác Một Lúa – nhà văn – câu giờ nhen!
Chị Nguyễn Thị Hạnh,
Trong truyện nầy có 2 nhân vật: bà ngoại và cháu cùng có tên Hạnh vì lý do riêng cốt truyện.
Xin phép chị cho nhân vật của truyện được chia sẻ cái tên rất đẹp và có ý nghĩa nầy nhé.
Cảm ơn chị theo dõi và bỏ qua sự trùng lập không cố ý nầy. ML
Con Nước Lớn Ròng phần 3 nói lên nỗi cơ cực của người nông dân vào năm 1978. Mà chỉ nông dân đâu, giáo viên chúng tôi cũng vất vả vô cùng. Chế độ 13 kg lương thực, 2 phần gạo, 1 phần bo bo. Nước lụt chống xuồng đi dạy, mà có biết bơi chèo gì đâu! Tối đến quơ đuốc đi dạy BDHV dưới ánh đèn dầu… Cũng cực khổ vô cùng anh Một Lúa ơi! Than nghèo kể khổ tạm đủ rồi, chờ xem cuộc sống của gia đình chú Hai Thu trong những ngày sắp tới, có khá hơn không !…
My Nguyên,
Mình chỉ dám nhìn những gì ngang tầm mắt thui.
Lề lộ trước nhà mình hơi rộng, anh tài xế lái xe công ở nhà đối diện hay đậu tạm chiếc xe 4 bánh phía lề trước nhà mình. Mỗi lần như vậy, muốn đi ra hay vô nhà, mình phải đi cắt xéo đường để tránh đi gần, nói chi là dám dòm ngó ông thần đó. hihi
Đọc qua bài này em lại nhớ về quá khứ, khoảng năm 1977-1978 những đoàn ghe, xuồng tam bản, v. v. Kết nói với nhau dập diều trên dòng sông Cổ Chiên , nhất là khi con nước chảy mạnh tuôn về phía biển .
Hoài Thương,
Lúc đó bạn trẻ mình đi trong dòng người đó mới dzui! hihi
Anh Một Lúa ơi ! Từ Tết đến giờ nhà nhiều việc bận nên khi rảnh chút đỉnh tạt vô trang nhà thấy bài dài không dám đọc vì sợ bị níu chưng níu cẳng … Mà đúng vậy thiệt ! Vô “Con nước lớn ròng” của anh là dứt không ra … (Hi!hi!) . Lâu nay NT cứ tưởng sau 30/4/1975 chỉ dân Trung cực khổ ăn toàn sắn lát với bo bo vì đất đói nghèo . Hoá ra dân Nam kề bên vựa lúa mà cũng lâm cảnh đó vì tai ương lụt lội và bao điều khác nữa … !
Như Thuỳ,
Thời đó tỉnh nầy và tỉnh kế bên ngỡ như thế giới khác. Chắc tại chưa có internet, wi-fi, mạng, fb, v…v. Những năm đó mà có internet thì cả huyện nghèo chỗ tui cũng chỉ có vài người sắm nổi đồ chơi.
Bài nằm trên trang, buồn buồn vui vui rảnh rảnh mở đọc. Thế cũng cảm ơn nhiều rồi. hihi
iCon Nước Lớn Ròng Phần 3,làm người xem rất xúc động nhớ mùa lũ năm 1978 khổ ơi là khổ ,lúc ấy em làm ở Công Ty Lương Thực mà cũng phai ăn bo bo .Dân chung đổ xô xuống miệt dưới mua lúa gạo,mà có mua được nhiều đâu,mỗi nguời chỉ được 1 hay 2 giạ gạo.Có một chuyến Mẹ em cũng theo những người cùng xóm xuống Bạc Liêu mua gạo,về tới Cần Thơ bị bắt, rồi bị trưng mua lại có mấy xu một ký mẹ nói mẹ lo quá bị lỗ vốn rồi.Lần đó không hiểu cô kế toán phết phẩy sai hay sao mà mẹ xuống phà ngồi đếm tiền sau thấy không bị lỗ mà còn lời,đúng là trong cái rủi có cái may và lần đó là lần cuối mẹ không dám đi nữa.Em sẽ tiếp tục xem Con nước lớn ròng kỳ 4 của anh đây.
Bạn Lài Võ,
Việc thu mua hàng “trôi nổi” đó chỉ áp dụng sau thời gian tịch thu thẳng vì tội chở lương thực trái phép, tương đương như loại hàng quốc cấm.