Bên Kia Cửa Sổ của Anh Tú

Ngày đăng: 7/07/2016 09:05:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)
Xem,đọc lại những ảnh, những bài viết về ‘ Sài Gòn Xưa’, một kỷ niệm nho nhỏ nằm im trong tiềm thức bất chợt bùng lên, tại hẻm của đường Trần Quý Cáp/Sài Gòn, nơi trọ học những năm 1962-1965 với ba bạn cùng quê Vĩnh Long, tôi ghi lại cảm xúc thuở ấy trong ‘Bên Kia Cửa Sổ’, để nhớ về Trần Long Th, (xưa ở đường Gia Long), Lương V. K. (xưa ở đường Quận Nghĩa), Trần K. H. (xưa ở đường Lê Thái Tổ ), xin chia sẻ với trang nhà trong dịp Hè này:
0 anle
Bên Kia Cửa Sổ
Nhớ hẻm Sài Gòn cũ vấn vương
Sinh viên một thuở ngạt ngào hương
Bên kia cửa sổ nhà hàng xóm
Có “nhỏ” Bắc Kỳ rất dể thương !
Tuổi ngọc mắt nai dáng điệu đàng
Líu lo ca hát mỗi ngày sang
Gởi qua rèm sáo điều thầm kín
Ước vọng tình yêu dâng ngập tràn?
Cứ độ hè về lưu luyến ơi
‘Nỗi Buồn Hoa Phượng’ hát chơi vơi
Về quê… người trọ xa thành phố
Nhung nhớ mong chờ mỗi một nơi?
Ba tháng trôi qua lại gặp nhau
Vui mừng e ấp nụ cười chào
Thâm tâm có lắm điều thầm nghĩ
Không dám mở lời để gởi trao?
Kỷ niệm hè xưa như áng mây
Mờ mờ ảo ảo lững lờ bay
Nhưng còn in dấu trong tiềm thức
Thỉnh thoảng bùng lên trong phút giây.
Anh Tú
July 6, 2016

Có 16 bình luận về Bên Kia Cửa Sổ của Anh Tú

  1. vothilai nói:

    Bài thơ rất dễ thương,nếu cô Bắc Kỳ nào đó tình cờ đọc được bài thơ nầy chắc cô sẽ cảm động lắm đây .

    • Anh Tú nói:

      Chị vothilai ơi,

      Tâm tình cô Bắc Kỳ ngày ấy

      Chưa chắc hẳn đã là như vậy

      Tình cờ vào đây đọc bài này

      Tôi chắc bị rầy nhức cả tai!

      Cám ơn chị.

       

  2. My Nguyen nói:

    Thấp thoáng bên song nét trang đài

    Lối cũ giờ đây tóc thôi bay

    Ngày hè gợi nhớ bao kỷ niệm

    Một thuở học trò hoa bướm say!

    • Anh Tú nói:

       

      My Nguyễn ơi…

      Thời gian mài giũa cả trang đài

      Vật đổi sao dời cát bụi bay

      Hiện tại ta còn vui kỷ niệm

      Rồi đây tất cả ngủ vùi say.

      Cám ơn em.

       

  3. Hoài Thương nói:

    Ôi, đọc bài này của sư huynh làm đệ nhớ đến một thời đèn sách qúa huynh ơi.

    Còn đâu bên ngưỡng song thưa

    Còn đâu kỷ niệm năm xưa khuất tàn

    Hè nào vừa mới chớm sang

    Bên kia khung cửa có nàng đi xa

    Giờ đây dưới ánh trăng tà

    Tìm về quá khứ lòng ta thêm buồn.

    • Anh Tú nói:

       

      Hoài Thương mến,

      Kỷ niệm như áng mây bay

      Đã là qúa khứ buồn hoài ích chi

      Được dịp nhắc lại đôi khi

      Cảm tạ Thượng đế …những gì tặng ta.

      Anh Tú

       

  4. Phan Lương nói:

    Đọc bài thơ của anh Anh Tú ,bất chợt thấy lòng như chùng xuống .Một nổi nhớ không nguôi !

    Cái thời trọ học mãi còn vương

    Thương thương ,nhớ nhớ bạn chung trường

    Mỗi ngày hai lượt đi , về ấy

    Tim mãi thầm thì thắm thía thương

    • Anh Tú nói:

       

      Gởi cô em Phan Lương,

      Thương cứ thương…  để cho lòng chùng xuống

       

      Nhớ cứ nhớ … để hồn được không nguôi

       

      Chùng là ngọt và không nguôi là bùi

       

      Kỷ niệm ngọt bùi xin mãi là nguồn vui.

      Anh Tú

       

  5. Phong Tâm nói:

    Thiếu nữ sau rèm

    Cửa sổ nhà ai

    Phượng hè thắm ngõ

    Mơ ước…Và

    Chúc anh khoẻ, vui  AT ơi.

    • Anh Tú nói:

      Anh Phong Tâm ơi

      Hình dáng cử chỉ của cô Bắc Kỳ nho nhỏ  ngày ấy  là đề tài suy đoán cho vui của bốn đứa chúng tôi, chỉ là suy đoán tâm tình của cô- nên có dấu hỏi sau các đoạn thơ – tất cả đã là hoài niệm thân thương của tôi , anh Phong Tâm ạ. Nay lấy đó làm đề tài để viết, hi  hi.

      Vui khi thấy anh thường xuất hiện lại trên trang nhà. Mong anh cùng vui mãi với bè bạn ở đây.

  6. ANH KÍNH MẾN BÀI THƠ MANG NHIỀU HÌNH ẢNH CỦA THỜI SINH VIÊN LÃNG MẠNG VÀ VÀ DỄ THƯƠNG. CHỊ CŨNG LÀ NHÀ THƠ NÊN HIỂU VÀ THÔNG CẢM CHO ANH. THƠ LÀM TỪ CẢM CẢM XÚC BÀI THƠ MỚI HAY VÀ MỚI CÓ HỒN; NHƯNG CẢM XÚC ĐÓ CÓ THỂ MANG ĐẾN TỪ NHIỀU NGUỒN CHỈ CÓ NGƯỜI TRONG CUỘC MỚI HIỂU HẾT ĐƯỢC. CHÚC ANH LUÔN MẠNH KHỎE VÀ SÁNG TÁC KHỎE.

    • Anh Tú nói:

      Bác sĩ ơi!

      Mừng  SN của VCP ( thêm lần nữa) nhé.

      Cám ơn cmt của em. Về chuyện ” thơ thẩn “‘,  bx của anh bấy lâu đâu có nói gì khác hơn là bài này  dở ẹt, bài kia được  được. Câu bả thường nói đùa là ‘ không hiểu không hay’

      Nhân đây, dạo này em viết “lên tay” đấy. (Anh không phản hồi không hẳn là không đọc)

      Gởi thêm thơ tình của em cho trang nhà đi nhé để cho tròn câu ‘ thơ văn song toàn’

      Anh Tú

      Y

  7. …Cũng vào khoảng thời gian ấy (1961-1964) lúc còn học tại TTKTPT nay là Viện Kỹ Thuật Sài Gòn, tôi cũng có 2 năm ” kèm trẻ em tại tư gia” thật là khốn khổ vì… ” nhỏ” này hơi lớn tuổi, rất thông minh mà không chiu học toán , đòi học chữ ” yêu” thôi nên thầy đành ” bó tay”   chịu thất nghiệp đó Anh Tú ơi !

    • NHA nói:

      Nam dạy kèm cho nữ  thường gặp chuyện này, phải liên kết với cha/mẹ của đương sự nếu muốn duy trì “việc làm”. Dạo đó mình nhận dạy với điều kiện có “người lớn” giám sát; đương sự biết được thì phải học; vài hôm vào nề nếp thì không cần sự giám sát nữa. Hồi đó sao không cho tao biết … để chịu thất nghiệp. Nhưng có thiệt không đây…hi hi

      • Lúc đó biết mi ở đâu mà tìm. Dạy dân COCC, ta dạy 1 tuần/ đủ ăn 1 tháng ( cơm căn tin rẻ lắm)…Thế rồi đâu cũng vào đấy. Ăn thua mình gan và cố gắng thôi…Không chịu khó, tiền đâu có mà xài…Ngu sao bỏ! hi…hi…Dầu  sao cũng rất cám ơn mày đã góp ý giúp tao nhe.!

        • NHA nói:

          Nhắc chuyện đời xưa chợ́ góp ý gì nữa. bộ định tiếp tục ḍạy kèm sao bạn.

          Dạo đó tao dạy kèm được năm trăm, cộng với học bỗng một ngàn năm trăm, vị chi là hai ngàn. Tiền nhà trọ chung với cơm tháng là bảy trăm rưởi, còn bảy trăm rưởi cho sách vở, ăn sáng, xài vặt thoải mái.

          Như thế được một năm thôi, năm sau thi ra trường phải tập trung học cho mình.

           

Trả lời Hoài Thương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác