Bánh mì làm sao quên

Ngày đăng: 17/07/2016 10:59:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)

Sau khi đọc “Bài học từ người bán bánh mì…” của tác giả Mai Hương trên TTCT số 27, ngày 11-7-2010, anh Trần Ngọc Vui ở Hậu Giang đã kể những câu chuyện liên quan đến ổ bánh mì Việt mà anh biết.

0 banh mi 2 - Copy

Chỉ là chuyện bán bánh mì để mưu sinh, nếu chịu ngẫm suy thì quả đúng là chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học ý nhị cho cuộc sống. Dưới đây là những dòng tản mạn đã theo tôi suốt chiều dài 60km trên một chuyến xe đò khi “gặm nhấm” bài báo nói trên và nhớ về những tháng ngày xa xưa.

1. Tôi có một ông bạn làm báo đã lâu năm. Phải nói ngay ông ta là người ghiền bánh mì thịt hết sức kỳ lạ. Hầu như sáng nào ông cũng thưởng thức bánh mì thịt bên ly cà phê đen bốc khói. Ông từng nói với tôi: “Bánh mì thịt không nơi nào giống nơi nào. Ăn cho khoái khẩu, ăn không ngán thì chỉ có cách mua ở nhiều nơi khác nhau. Sài Gòn mênh mông, bánh mì thịt bao la, đúng không?”. Theo ông bạn tôi, sáng sớm ăn bánh mì thì người ta mới có thể thoải mái tay gặm tay giở báo, tức là vừa lo được cho bao tử vừa cập nhật được thông tin.

Có dạo tôi sinh sống ở TP.HCM. Chính ông bạn tôi đã mách bánh mì Như Lan ăn “đã” lắm. Tôi vẫn còn nhớ mình mua ổ bánh mì thịt Như Lan 7.000đ (trong ruột dày đặc đủ thứ: bơ, thịt nguội, giăm bông, giò lụa, patê…) vào một buổi sáng năm 2000. Lên tàu cánh ngầm TP.HCM – Vũng Tàu, ăn được nửa ổ là tôi đã cười thầm và tự nhủ “cho mày no tới trưa”. Đến Vũng Tàu vào quán cà phê, tôi vừa gặm nửa ổ còn lại vừa xem truyền hình trực tiếp khánh thành cầu Mỹ Thuận, một sự kiện lớn không chỉ của đồng bằng sông Cửu Long mà của cả nước.

Khi nghe tôi bảo là sao không viết báo hay viết sách về chuyện bánh mì thịt Sài Gòn, ông bạn vỗ vai tôi, cười phá lên và nói nhanh: “Ăn bánh mì mà viết cái gì cha nội?”.

2. Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, tôi có những ký ức khó phai mờ về bánh mì thịt của các bác người Hoa.

Đường Võ Thị Sáu, TP Cần Thơ hiện nay có tên là đường Pasteur trước năm 1975. Trên con đường rất ngắn này có một con hẻm nổi tiếng về các lò: lò tương, lò chao, lò bánh. Riêng với tôi, cái nhớ nhất là những ổ bánh mì thịt của đôi vợ chồng người Hoa. Bánh mì thịt nói chung thời đó là trong ruột phải có thịt, nước xốt, dưa chua, ớt, nước tương hay muối tiêu… Riêng bánh mì thịt của hai bác người Hoa này là không xịt nước tương, không rắc muối tiêu mà có “độc chiêu” trét tương lên thịt khìa. Đó là một loại tương có nét giống tương ăn phở bây giờ nhưng có vẻ đen hơn, mùi vị thơm ngon hơn.

Bạn tưởng tượng xem cái mùi vị thơm nồng hơi mặn của tương quyện vào thịt heo khìa mềm dính chút mỡ hơi lạt, dưa chua là củ cải trắng xắt dài vừa phải (chứ không phải là lát dẹp mỏng) giòn giòn chua chua và chút ớt đỏ bằm bên trong ổ bánh mì được nướng sơ qua trên bếp than! Nếu bạn được ăn một miếng từ ổ bánh mì thịt trét tương tôi vừa kể thì chắc chắn bạn sẽ không kìm lòng được. Thuở thiếu thời, tôi và những đứa bạn cùng xóm từng nhai ngấu nghiến những ổ bánh mì thịt trét tương vào những buổi chiều mưa rả rích, dù ăn không biết đã bao lần.

Suýt nữa tôi quên là tất cả từ tương, thịt khìa, dưa chua, ớt bằm đều được vợ chồng bác người Hoa chế biến theo công thức riêng tại gia. Bánh mì thì lấy từ lò Tân Tiến lừng danh một thời ở phố Cần, đó là loại bánh mì trông vàng đều đẹp mắt, giòn và không đặc ruột. Hằng ngày xe bánh mì thịt trét tương bắt đầu bán cho bà con trong xóm từ khoảng 3 giờ chiều, sau đó chừng nửa tiếng đồng hồ vợ chồng bác người Hoa đẩy xe ra chợ Cần Thơ tiếp tục bán bên bến sông Ninh Kiều hữu tình.

Ước gì vợ chồng bác người Hoa ấy còn sống để tôi có thể “tư vấn” xây dựng thương hiệu “Bánh mì tương Cần Thơ”. Nói chơi vậy thôi chứ tôi mà bày đặt “tư vấn” này nọ thì hổng chừng sẽ được nghe: “Bánh mì trét tương mà thương với hiệu gì hả nị?” (nị tiếng Quảng Đông nghĩa là mày, mậy). Có điều tôi thấy tiếc là công thức làm tương trét bánh mì quá đặc biệt đó chắc đã thất truyền!

3. “Cân thịt bán bánh mì” là câu chuyện kinh doanh khá ấn tượng về một ông lão người Hoa ở TP Cần Thơ. Lâu lắm rồi tôi không gặp lại ông, nhưng vẫn còn nhớ như in động tác cân thịt cẩn thận của ông: Trước tiên, một nhúm thịt được ông để lên chiếc cân nhỏ, kế tiếp là điều chỉnh lượng thêm hay bớt tùy theo giá tiền ổ bánh mì khách mua, sau đó mới gắp thịt đã cân vào trong ruột bánh mì và cuối cùng bổ sung dưa chua, gia vị.

Mua bánh mì của ông lão người Hoa rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi hỏi vì sao ông phải cân tỉ mỉ như thế. Tính cách của ông, phong cách buôn bán của ông đã quá đủ để phát đi thông điệp: Phàm làm việc gì dù lớn hay nhỏ, con người chúng ta cũng phải đảm bảo uy tín, tính chính xác và sự công bằng. Nói đơn giản hơn, ông lão người Hoa đã thu hút nhiều khách hàng, không chỉ từ chất lượng của ổ bánh mì mà còn từ chính cái tâm của ông.

4. Có lẽ từ trước năm 1975, bánh mì chan nước đã có ở các đô thị miền Nam, chủ yếu bán cho giới học sinh. Hồi học tiểu học vào thập niên 1970 ở TP Cần Thơ, thỉnh thoảng tôi có mua bánh mì chan nước ở khu vực Trường tiểu học Võ Tánh (nay là khu vực đường Trương Định). Với bánh mì chan nước này (giá chẳng hơn bánh mì không là bao), không phải chỉ có con em nhà nghèo mới mua mà con em nhà khá giả cũng khoái ăn.

Đã gọi là bánh mì chan nước thì đúng là chỉ có bánh mì với nước xốt và chút nước tương, nhưng cái hấp dẫn ở đây chính là mùi vị thơm ngọt không chỉ từ nước xốt mà còn từ những miếng hành phi bé xíu. Thời đó, người bán không chế biến hành phi bằng mỡ động vật đã sử dụng nhiều lần, cho nên học sinh chúng tôi chưa từng bị ngộ độc hay bị “Tào Tháo rượt”.

Nói đến bánh mì chan nước, tôi chợt nhớ đến chuyện một ông Tây sang Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái, sinh hoạt, ăn uống như người Việt Nam. Ông sáng chế cho riêng mình một món bánh mì “độc nhất vô nhị”: bánh mì chan nước… ba khía. Có lẽ, ông dùng nước từ món ba khía trộn với tỏi, ớt, đường, bột ngọt và chanh vắt, vốn rất đỗi quen thuộc với người dân miền Tây Nam bộ.

Tôi tự hỏi cơm ăn với ba khía rất “bắt” thì có lý gì mình không thử nước ba khía với bánh mì. Biết đâu chừng mình sẽ phát hiện ra cái “triết lý” ẩm thực gì đó vô cùng hấp dẫn! Còn bạn, bạn có muốn thử không?

5. Năm 1982, tôi bắt đầu nghề dạy học ở một trường cấp III thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng hiện nay (lúc đó thuộc tỉnh Hậu Giang). Một buổi sáng tôi ra chợ huyện uống cà phê như thường lệ thì có người mời dùng điểm tâm. Bữa điểm tâm bao gồm tô cháo nóng với mấy lát thịt heo, vài cục huyết nhỏ, giá sống, kèm theo ổ bánh mì chấm… cháo và một ly “xây chừng” (ly cà phê đen nhỏ). Mới sau chiến tranh, kinh tế cực kỳ khó khăn, nên ổ bánh mì nhỏ trước mắt tôi tất nhiên cũng khó khăn lắm mới được “ra đời”. Trông hình dạng nó “suy dinh dưỡng”, méo mó, mềm xèo, chỗ vàng vàng, chỗ trăng trắng!

Lương giáo viên những năm tháng đó đúng là “ba cọc ba đồng”.
Được bữa ăn sáng và uống cà phê như thế quá hạnh phúc. Bây giờ đi đâu, làm gì mà hễ thấy bánh mì là tôi lại nhớ cái món bánh mì chấm cháo – một bữa ăn đã từng cho tôi cảm giác no thật quý giá và ý nghĩa cách nay hơn 1/4 thế kỷ.

Biết nói gì nữa đây về “cơm tay cầm”, tên gọi khác nghe rất gần gũi và thân thương của bánh mì? Tôi chỉ còn biết thốt lên rằng bánh mì và đời thường luôn chứa chan bao kỷ niệm khó quên…

TRẦN NGỌC VUI 
(Cần Thơ – Hậu Giang, tháng 7-2010)

0 banh mi 3                     H1

0 banh mi 1       H2

H3

Có 16 bình luận về Bánh mì làm sao quên

  1. Thu Cúc nói:

    Tôi đã đoc bài này rất nhiều lần mà không thấy chán . Càng đọc tôi càng thấy thú vị vì lời văn dí dỏm của tác giả Trần Ngọc Vui .Tại sao cái món ăn bình dân đã để lai trong lòng tác giả một kỷ niêm khó quên như vậy? Đoc  bài bổng dưng tôi nhớ rất nhiều về những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi lúc tôi còn học tiểu hoc. Con nít ngày xưa không được cha mẹ cho tiền nhiều .Chỉ có 5 cắc thôi mà đòi mua môt ổ bánh mì chan nước .Mua bánh mì chan nước mà dặn người bán chan nước nhiều nhiều , để dưa chua nhiều nhiều ..Cái gì cũng đòi để nhiều nhiều .Khôn dễ sợ !  Tôi đoc bài báo này rồi tự nhiên tôi thèm  ăn bánh mì .Mà ăn bánh mì thấy ngon thât.  Tôi lai nhớ những món ăn me cho ăn lúc còn nhỏ . Đọc bài “Bánh mì làm sao quên ” của Trần Ngọc Vui tôi có cảm xúc viết “Bánh xèo thương nhớ “. Rất cảm ơn ban Trần Ngoc Vui đã cho tôi thưởng thức môt món ăn bình dị và độc đáo này : “Bánh mì làm sao quên !”.

  2. Neang Phi Rom nói:

    Sáng thức sớm đọc phản hồi của Thu Cúc, mà bụng đói cồn cào, bệnh ăn sao mà hay lây quá chừng, ở KS gần chổ tôi làm đi bộ băng qua lộ một chút thôi, trên đường Trần Hưng Đạo, cách ngã tư Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền khoảng 30 m có một xe  bán bánh mì bì, bánh mì xíu mại, rất ngon, một ổ chỉ có 12.000đ, người ta mua rất đông, có người chay xe đi làm hoac đưa con đi học ghé vào mua, nên bán chỉ từ 6g sáng đến 8g là bán sạch bách…chờ 6g sáng mình qua mua thôi. Còn bạn Hoành Hà cũng là chuyên gia ghiền ăn bánh mì bì, mỗi lần có đi chơi Vĩnh Long hay Lấp Vò, khởi hành sáng sớm ghé rước tôi, cứ nhắc hoài sợ mình quên “Phi Rom nhớ mua bánh mì bì nghen” gì chớ đãi bánh mì các bạn là khoái thôi, nhớ lắm chứ, rẻ chán vì  1 ổ chỉ có 12.000đ…hihi…ít hao…

    • Thu Cúc nói:

      Ồ ! Thì ra chị cũng mê bánh mì nữa à ? Tư tưởng lớn gặp nhau nữa rồi .Nghe TNV kể về bánh mì chấm cháo chị có thèm  không ? Em cũng thường hay ăn bánh mì chấm cháo ..Nó ngon sao mà dễ sợ chị Phi Rom ạ !

  3. NHA nói:

    Nhớ thuở năm, sáu,.. tuổi, ở Rạch Mương, Tân Long Hội, mỗi lần má tôi đi chợ về – thường là chợ Cầu Mới- chạy ra mừng: má có mua bánh mì cho con không?

    • Thu Cúc nói:

      Chào anh Nha ! Xem ra cũng có kỷ niệm với ổ bánh mì quá hé. Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ.Tôi quãng cáo cho “Bánh mì làm sao quên” vì bài báo đã cho tôi có cảm xúc viêt “Bánh xèo thương nhớ “. Kẻ không quên .Người thương nhớ . Cùng môt tâm hồn ăn uống . Cùng một tư tưởng nhỉ .? Tác giả là ban của tôi đó .

      • NHA nói:

        Tôi ngày nào cũng rảo vài lần trên trang nhà nên đọc ngay khi bài vừa posted . Cám ơn chị đã giới thiệu anh Trần Ngọc Vui, bạn của chị cũng là bạn của tôi, thậm chí tôi xem mọi người đều là bạn mình nếu được cho phép.

        Cần Thơ là nơi tôi đã ở nhiều năm …

  4. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay  nhận xét tinh tế ,,vế chiếc bánh mì trong mọi thời kỳ . Hoành Châu (Gia đình C  )

  5. Trần Ngọc Vui nói:

    Cảm ơn bạn Thu Cúc đã dành thời gian đọc bài “Bánh mì làm sao quên!” của tôi “rất nhiều lần mà không thấy chán”. Nhưng đọc hoài một bài báo chắc rồi cũng tới lúc phải ngán, phải không bạn! Tôi hy vọng, “Chuyện cũ” trên trang web tongphuochiep-vinhlong.com sẽ thu hút nhiều lượt bạn đọc hơn với nhiều bài viết mới phong phú, đậm tình quê hương. “Chuyện cũ” nào đâu cũ, vì xem ra khắc sâu trong trang mục này chính là những kỷ niệm không quên được – không chỉ về đề tài ẩm thực mà còn biết bao câu chuyện khác – làm cho mỗi người chúng ta luôn mang cảm giác dễ chịu khi thưởng thức chuyện cũ, kể lại chuyện cũ với bạn bè, con cháu và không “kìm lòng” được phải viết ra chuyện cũ. Không quên được điều gì đó, phải chăng nó vẫn chưa cũ dù đã rất xa xưa…

    Trân trọng cảm ơn trang nhà Tống Phước Hiệp Vĩnh Long đã dành không gian cho câu chuyện “cơm tay cầm”, vốn xuất hiện lâu lắm trên đất Việt nhưng hàng ngày đâu có bị người quên… “cầm tay”! 

    • Thu Cúc nói:

      Rất cám ơn tác giả góp cùng trang nhà một câu chuyện khó quên về ổ bánh mì Viêt làm tôi nhớ lai nhiều  kỷ niệm liên quan đến bánh mì .:

      Câu chuyện thứ nhất : Lúc ba tôi còn sống , chừng 1,2 tháng ba tôi khăn gói lên tp Hồ Chí Minh thăm tôi.Lân nào ông cũng dặn : Con đừng nấu món gì mất thời gian lắm.Con mua cho ba 2 ổ bánh mì ông Tạ (ngã ba ông Tạ)va mấy lạng giò lụa

      …Ba ăn ngon lành và thích thú lắm .

      Câu chuyên thứ 2 : Năm 1988 ,vợ chồng tôi đi CÔN ĐẢO .Lúc đó phương tiên đi Côn Đảo  còn hạn chế .Chỉ có tàu chở hàng nếu găp bão khoản 1 tháng mới có tàu chở hàng từ Vũng Tàu ra .Lần đó chúng tôi ra Côn Đảo bằng tàu chở than. Khi xuống ngồi trên tàu , tôi thấy người ta ban bánh mì ,tôi mua để ăn doc đường .Găp sóng gió nên không dám ăn .Đến sáng hôm sau tàu cặp bến .Có anh Chương(chu tich huyên CÔN ĐẢO) ra đón.Thây tôi cầm mấy ổ bánh mì anh ấy liền giật lấy nhai ngấu nghiến.Anh nói : Lâu rồi kg thấy tàu từ đất liền ra .Thèm bánh mì quá .!…..

  6. Thu Cúc nói:

    Nói thêm về thương  hiệu bánh mi Thái Hảo ở đường Đinh Tiên Hoàng ,phường 8 ,thành phố Vĩnh Long. Bánh mì Thái Hảo ăn rất ngon .Không biết bí quyết pha bột thế nào mà banh mì Thái Hảo vừa mềm ,gion và thơm .Banh  mì để đến ngày hôm sau ăn vẫn mềm chứ kg bị cứng. Bánh mì Thái Hảo vừa ra lò loáng môt chút là hết .Khách ăn bánh mì phải sắp hàng chờ .Đến khi có bánh ra lò , mỗi ng cầm một cái rỗ xúc bánh xí phần .Chứng kiến cảnh này tôi cũng vui lắm .Chủ lò Thái Hảo tên Lê thị Hương (hoc trò của tôi năm 1983).Nhăc bánh mì Vĩnh Long ,ai cũng nhớ bánh mì Thái Hảo .

  7. nguyễn thị Kiều Trinh nói:

    Ngày xưa, ai đi SG về cũng…vác bánh mì về biếu và cho gia đình. Qúy lắm! Nay không còn cảnh ấy nữa, nói ra các em nhỏ khó tin.

    7 tui thì không bao giờ thích ăn bánh mì có thương hiệu vì bởi…tiến tồn mà lại không khoái khẩu của 7 tui! 7 tui thích nhất là đi phụ đám cưới ở quê, lấy bánh mì vụn hoặc thừa quẹt với xà bần (không phải cát đá thừa trong xây cất đâu nhé) là hết xẩy, ý tương đương với tuyệt cú mèo!! 7 không tài nào lột tả nổi cái ngon “đã đời” của nó!

    Ngược xuôi theo dòng đời, 7 tui vẫn thèm món bánh mì không thương hiệu ấy! Thật là có chút chấm phết…dở hơi nhưng cùng chung tinh thần ghiền bánh mì mà lị! hehehe…

    Ngoài nickname “cơm tay cầm”, còn có nick khác là “thổi kèn”!

    Cám ơn bạn Ngọc Vui và các bạn khác đã đãi một chầu bánh mì xưa và nay!

    • Thu Cúc nói:

      Có 7 Kiêu Trinh vào phản hồi là vui lên rồi . Nghe 7 kể những khoái khẩu cũng “không giống ai” .Vây chung ta vào chung một group được rồi 7 hé .: Những sinh vật cao cấp quí hiếm . …

  8. Một Lúa nói:

    Tui sống nơi thành phố quê hương của món bánh mì kẹp thịt Philly Chesse Steak (Philly=Philadelphia) nổi tiếng trên  một số thành phố bờ đông từ Washington, DC. đến Boston,  Massachusetts. Và cũng có thời nhai ổ bánh mì kẹp thịt gốc Ý Hoagie trong các bữa ăn trưa. Nhưng phải công tâm nhìn nhận, khó có loại nào qua được bánh mì kẹp thịt

    của quê mình. hihi

    • Thu Cúc nói:
      • Cám ơn anh Một Lúa đã mời Trang nhà thưởng thức nhiều loại bánh mì trên thế giới . Cuối cùng anh kết luận : Khó có nơi nào qua được món bánh mì kẹp thịt ở quê hương mình .Anh nói hay lắm anh Môt Lúa ới ời !Hi hi.
  9. VothiLai nói:

    Anh Một  Lúa nói đúng ,không bánh mì nào bằng bánh mì quê nhà,em nhớ hồi học tiểu học mỗi ngày em đều ăn nửa ổ banh mì chan nước của bà Sáu Nhuộm gần trường mà không biết chán .Bánh mì chan nước thế thôi mà đến giờ không quên được hương vị của nó .Bánh mì tuyệt vời !

    • Thu Cúc nói:

      Tôi lai nhớ Vĩnh Long có bán bánh mì gà rất ngon . Có môt lần ban tôi mời tôi ăn bánh mì gà .( gà rô ti , thit xé nhỏ ,cho vào bánh mì nóng giòn , chan vào môt ít nước)Ôi chao ! Ngon phải biết .Tôi nhớ hình như xe bánh mì đó ở gần cầu Lộ hay Miếu Bảy Bà .Không biết bây giờ xe bánh mì đó có còn bán ở chỗ cũ hay chuyển đi nơi khác rồi .?Ai biết chỉ cho tôi với .

Trả lời Thu Cúc Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác