Con Nước Lớn Ròng ( kỳ 1) 

Ngày đăng: 26/06/2016 10:11:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)

“Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi/Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê!” Một đêm hè năm 1980. Trăng mồng mười treo chênh chếch, ánh sáng mờ soi trên khúc sông Mang Thít thẳng tấp trong tầm nhìn chú Hai Thu. Xuồng  qua khỏi chợ xã Ba Phố một đỗi.  Chú Hai xếp hai mái chèo để chúng gài chéo nhau sau lái, cách thức giúp  người chèo ngưng tay mà ghe vẫn nằm xuôi theo luồng chảy. Chú nhanh tay vấn điếu thuốc rê, phà một vài hơi khói toả lên trời đêm dịu mát. Vài phút ngơi tay, chú Hai Thu tiếp tục nắm hai guốc chèo kéo đẩy nhịp nhàng. Chiếc xuồng tiến băng băng  nhờ sức người và nương theo dòng nước  rút mạnh về hướng chợ huyện Trà Ôn. Đêm nay cũng như bao chuyến đi về của chú Hai trên một phần tuyến đường sông Sài Gòn- Cà Mau. Công trình nhân tạo kết hợp thiên nhiên, thuỷ lộ  mà các  chính quyền qua  nhiều thời đại đã thừa nhận như quốc kế dân  sinh và đặt  ngang  tầm chiến lược. Là trục xương sống, tiết kiệm thời gian cho những tàu thuyền, xà-lan đường sông có tải trọng từ vài  chục tấn đến vài  trăm tấn, chuyển vận lúa gạo than củi từ những vựa lúa miền Nam tiếp tế cho Sài Gòn, quan trọng  nhất là vào thời chiến.  Đó là những hiểu biết phổ thông mà  chú Hai đọc trên sách vở và báo chí  từ thuở còn là học sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu thuộc tỉnh lỵ Mỹ Tho, nơi chú được sinh ra và thường trú thời gian dài cho đến nửa  năm 1976.
Lưu  lạc theo dòng người dầm sương dãi nắng, chèo chống trong mưu cầu  sinh nhai. Chú Hai tuy buồn thương cảnh đời cơ cực, nhưng có chạm tay mắt thấy, mới ngưỡng mộ phương tiện lưu thông  tiện lợi mà bà con chung quanh chú đang thụ hưởng.  Qua lời  truyền tụng của những  người địa phương cao tuổi: Trong thời cai trị thuộc địa, các kỹ sư Pháp đã áp dụng các kỷ thuật trắc địa, bản đồ, các loại xáng cơ khí vét sâu lòng sông và xáng đào đất liền. Sự kết hợp hoàn hảo của trí tuệ và sức người  với  thực địa trời sanh. Thành công việc dẫn nước ngọt xả phèn đuổi mặn, tiêu vùng úng thuỷ, tưới vùng khô hạn. Mang phù sa phì nhiêu bồi đắp cho những vùng hạ lưu bao la của dòng sông Cửu, thay vì để nước tải  phù sa đổ  ra biển như bao năm  lập địa.

h1
Chiếc ghe của gia đình chú đang đồng hành trong đoàn gần  trăm chiếc xuồng tam bản nhỏ chèo tay. Hầu như chúng có hình dáng và kích cở thông dụng trong khoảng trọng tải tương đương từ 25 đến 30 giạ lúa. Ghe xuồng là phương tiện đi lại và chuyên chở cho  những khoảng ngắn trên sông rạch nhỏ hẹp  vùng nông thôn miền Nam vào những năm trước và sau chiến tranh. Bây giờ vì túng cùng mà người ta liều lĩnh dùng loại xuồng ghe nhỏ bé bằng sức đẩy của con người để  vượt ngang sông Tiền và sông Hậu, và đi xuyên suốt hành trình dài hơn trăm cây số như trường hợp của chú và bà con lối xóm cùng quê Ba Tri và các địa phương tương đương khác. Những  thách thức  mà chính  chú Hai là người đang nhập cuộc cũng  không  ngờ vượt qua nổi.
Mới hồi chiều lúc trời gần tắt nắng, đoàn ghe đậu nghỉ tại địa phương gọi là Giáp Nước thuộc liên ranh 2 xã khác huyện là Hoà Hiệp và Xuân Hiệp. Một đặc tính  của kênh Mang Thít là có 2 đầu sông. Phía vàm Cái Nhum, sông nhận nước từ Tiền Giang đổ xuống, phía vàm Trà Ôn thì nhận nước Hậu Giang chảy lên. Hai nguồn nước đó gặp nhau rồi quyến luyến xoay tròn tại ngã ba Giáp Nước thuộc huyện Tam Bình. Khi thuỷ triều bắt đầu  hạ xuống, cũng tại chỗ  giáp nước nầy diễn ra cảnh 2 dòng nước bịn rịn trước khi rời rả  chia tay. Sau đó dứt khoát đường ai nấy đi, một dòng quày quả trở ra sông Tiền, một dòng cuống quít tuôn về sông Hậu, để hoà nhập vào các nhánh Cửu Long đổ xuôi ra biển Đông.
Tranh thủ thời gian chờ con nước đổi chiều chảy  để rời bến xuôi dòng, thím Hai nấu buổi cơm chiều đơn giản với món khô cá lẹp kho tương hột và gừng non xắc lát  mà chú Hai ngán tận cổ.  Trong lúc thím Hai cẩn thận  tách lừa những miếng thịt mỏng dính trên thân khô chỉ dầy hơn chiếc lá, thím nhẹ nhàng trộn những lát cá khô vào chén cơm của hai đứa con gái nhỏ và giữ lại mớ xương vào chén của mình. Chú Hai lua vội tô cơm bới đúng lượng được chú thím ngầm ấn định, chú chuyển qua thói quen bập bập điếu thuốc rê quấn bằng giấy báo vò mềm vừa thay cặp dây quay chèo  thật chiến để khoảng gần nửa  đêm nay băng ngang sông Hậu. Một chỗ lo lắng nhất trong hành trình của dân ‘miệt trên’ là bắt buộc phải  vượt qua con sông cái có chiều ngang non 2 km, địa điểm từ vàm kinh xáng cù lao Mây thuộc tỉnh Vĩnh Long ngó qua vàm Cái Côn thuộc tỉnh Hậu Giang. Khoảng sông thường xảy ra những cơn giông gió bất chợt rất nguy hiểm trong những  thời điểm xế trưa đến chiều tối.
Vàm Cái Côn là miệng kênh xáng tải nguồn nước sông Hậu cho các phụ lưu chằng chịt của miền lung bàu sông rạch. Dòng chính của kênh đào nầy chảy ào ạt ngang chợ huyện Ngã Bảy thẳng xuống chợ Ngã Năm, thuỷ lộ liên  thông tới tận cùng  đất mủi mà bà con hay gọi chung cho cả vùng là ‘miệt dưới’. Hầu như ai đi ghe tuyến đường này cũng phải biết và nằm lòng thời gian tính  dòng chảy  lúc lớn hay ròng trong từng mùa nắng mưa và sức nước  hiền dữ mỗi khúc  sông. Cũng như họ  dần dần quen thuộc đặc sản  của các địa phương và những chợ búa lớn nhỏ  đóng dọc hai bên bờ của tuyến  hành trình.  Chú Hai và những người đồng hành thường dặn nhau không được  lơi tay ở đoạn quan trọng này. Họ phải ráng sức đi xuôi trên khúc sông Mang Thít lúc nước vực ròng cho đến cù lao Mây, cắm sào  nằm chờ nơi đó  và lựa thế băng ngang sông Hậu đúng thời điểm nước vừa ‘nhửng lớn’ chảy yếu, khi mà dòng nước Cữu Long đổ xuống từ thượng nguồn bị dội ngược lại lúc gặp  thuỷ triều ngoài các cửa biển dâng cao. Tình huống khiến khối nước mang đầy phù sa từ thượng nguồn không  có lối thoát, chúng tạo đủ  áp lực để tràn vào các nhánh sông lớn nhỏ đeo dọc  theo hai bờ như chân rít. Hiện tượng thuỷ triều dâng cao và hạ thấp, tương ứng với việc đổi chiều dòng chảy vô ra trên các sông con và kênh rạch mỗi ngày, dân quê gọi là nước lớn  nước ròng.
Đoàn ghe mà chú Hai Thu tụ hội chuyến nầy được gầy đoàn từ bờ bên kia sông cái Hàm Luông. Họ từ các địa phương Bến Tre, phần còn lại lần lượt  sáp  vào dọc theo hành trình là những người từ các vùng miền hạ lưu khác của các nhánh sông Tiền, gồm các làng xã từ Sa Đéc, Vĩnh Long  trải dài ra biển. Mỗi ghe thường có 2 hoặc 3 bạn đồng hành, và rất ít trường hợp đơn thân độc mã như chú Hai trong những lần  trước chuyến đi hôm đó. Bà con trang bị đơn hoặc cặp chèo phía  lái xuồng là sức đẩy chủ lực, một số ghe còn thêm một cây chèo ngắn hơn phía mủi, dùng phụ lực những lúc cần thiết. Đoàn ghe thô sơ có những chiếc mui hình nửa ống tròn hoặc hai miếng rèm phẳng hình chữ nhật dựng trên đầu những cây “cong” sườn ghe và chụm đầu lại như mái nhà, những chiếc mui tạm bợ đó thường  có chiều dài bằng 2 phần 3 hoặc phân nửa lòng ghe. Dù hình thức nào, những mui ghe sườn nan tre và lợp kín bằng những miếng lá dừa nước được chằm kết rất kỷ lưởng để che mưa nắng, chịu đựng dông gió. Đoàn người tha phương có cùng mục đích chống đói. Họ là bạn bè thân thuộc kết lại  từng nhóm, hoặc hoàn toàn xa lạ hay chỉ  mới biết nhau lúc đậu nghỉ. Thân hay sơ, người ta lúc nào  cũng dòm ngó lẫn nhau trong suốt hành trình, sẵn sàng ra tay  tương trợ.
Chiếc tam bản đóng bằng gỗ cây sao ‘vườn’ cuả chú thím Hai có  những miếng ván sạp rời, lót phần phẳng của đáy lườn rất chắc chắn. Chú còn làm thêm 2 miếng vạc tre nhỏ để dựng sát những cây cong đà ghe. Những nan tre giúp cho chiếc chiếu trải ngang ôm tròn lòng ghe như một cái tổ ấm cho thím và hai đứa con gái nhỏ. Trong mui ghe tối hù, vì thế không thấy những bao bọc có vẻ mềm mại như đựng quần áo đặt chồng lên nhau lủ khủ dùng để kê đầu lúc ngủ hoặc dựa lưng  lúc thức. Gần phía lái là chiếc bàn máy may hiệu Singer. Vật kỷ niệm mà chú Hai  mua tặng thím sau ngày cưới khi biết thím có nghề thợ may trước khi ra làm cô  chủ sạp trái cây ở bến phà Rạch Miễu. Chuyến đi lần nầy  không nhớ là thứ mấy cho riêng chú, nhưng hôm đó  có lý do rất đặc biệt ẩn kín  trong lương tâm hai người lớn. Duyên cớ của  sự có mặt lần đầu tiên của thím và hai đứa con nhỏ trong hành trình sông nước. Cũng như vì  sao chú chở theo chiếc bàn máy may là vật gia bảo cuối cùng của gia đình chú thím. Nó đang nằm dựng trên một bề hông xuôi theo lòng ghe và  được trùm kín  bằng loại ny-lon dầy đùng đục.  kiep-thuong-hồ-700x504
Ánh đèn lập loè của chợ Trà Ôn kéo chú Hai trở về thực tại. Chung quanh chú, bà con vẫn nhịp nhàng đẩy những mái chèo khuấy nước lấp lánh ánh trăng. Mỗi tay đứng chèo đều  biết cách phân  định khoảng cách trước sau trái phải để tránh va chạm.
Quen thuộc với bóng tối, họ tiến lù lù trong đêm mờ ảo.

(Còn tiếp)

Một Lúa

 

Có 16 bình luận về Con Nước Lớn Ròng ( kỳ 1) 

  1. KInh nghiệm và sự hiểu biết rành rọt các miền sông nước tây nam bộ, Một Lúa đã trình diễn ngoạn mục những nét sinh hoạt của người dân nơi đây rất thực tế và đã gợi nhớ trong tôi nhiều kỹ niệm…lững lờ theo từng con nước lớn  ròng…Đang nôn nao chờ Lúa viết tiếp đây…

    • Một Lúa nói:

      Huynh Phú Thạnh ui,

      Ở vùng sông nước Tam Bình cũng có chút vốn về nước lớn ròng, cây nào là cỏ, cây nào là lúa! hihihi

  2. Phan Lương nói:

    Ôi ! Đọc bài viết của anh Một Lúa ,bao kí ức của những năm tháng cuộc sống đầy khó khăn,cơ cực chợt ùa về

    Mùa hè năm 78 em cũng từng theo bà chị họ chèo ghe đi mua lúa về chà gạo bán ở chợ Cầu Mới.Cũng đã từng dòng ghe theo đoàn để qua sông Cái Côn đi Phụng Hiệp

    Không biết lúc đó có phải dòng theo đoàn ghe của chú Hai Thu không nửa

    Nhưng đi chỉ được vài chuyến thì bị tịch thu cả ghe lúa 20 giạ.Hai chị em chèo ghe không về mặt mày héo hắt.Lần đó đứt vốn luôn

    Hic hic

  3. My Nguyen nói:

    Qua bài viết, chứng tỏ anh Một Lúa rất am tường chuyện sông nước, đường đi nước bước trên sông với những địa danh quen thuộc, xa quê hương bao nhiêu năm anh vẫn nhớ. “Con Nước Lớn Ròng” với những cơ cực, rủi may chỉ mới bắt đầu. Chờ xem những tập tiếp theo, chắc là hấp dẫn lắm đây!

  4. Những chi tiết về địa lý, về đời sống thương hồ đã được tác giả sưu tầm và tìm kiếm kỹ càng trước khi dựng cốt truyện. Riêng điều này đã hứa hẹn một câu truyện thật hay mà chúng ta, đọc giả của trang nhà sẽ được thưởng thức trong những ngày sắp tới.

  5. Một Lúa nói:

    Chào cô Hồng Khanh,
    Việc trồng rau cũng khó khăn đối với Lúa cô à, nhưng em cố gắng thôi cô ơi!
    Điển cảm ơn sự khuyến khích của cô.

  6. vothilai nói:

    Đọc bài của anh Một Lúa làm em nhớ lại một thời chúng em cũng lênh đênh trên sông nước,bài viết anh diễn tả rất tỉ mỉ dẫn dắt người xem.Cũng nhờ lênh đênh trên sông nước mà em biết rất nhiều địa danh của các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng,Bãi Sào, Lao Dênh,Ngã Năm, Kinh Long Phụng,Ghềnh Hào và những kinh xáng xẻ như khu bàn cờ của những người Bắc di cư năm 1954 ở Thọại Sơn  Châu Đốc,mỗi đầu kinh có một nhà Thờ .Hồi nghe tuồng cải lương ông Hội Đồng Dư nghe nói Sóc Trăng,Bãi Sào không hình dung được ,nhưng đến một ngày chúng em đậu nghe ngủ tại chợ Bãi Sào,thời ấy chợ cũng còn hoang sơ được cái là ruộng cò bay thẳng cánh.Cuộc đời sống trên sông nước rất ư là khổ nhưng cũng có cái vui. Đúng như anh đã nói ”  Bìm Bịp kêu nước lớn ai ơi,Buôn bán không lời chèo chống mõi mê ”

    • Một Lúa nói:

      Bạn Lài Võ,

      Hồi xưa, Lúa cũng thích cuộc sống sông hồ gạo chợ nước sông. Nhưng đời không cho  tròn mơ ước. Không ngờ bạn từng trải như vậy, có dịp chia bớt kinh nghiệm nhé. hihi

  7. HOA đĂNG nói:

    Đi xa lại nhớ quê nhà
    Nhớ sông Măng Thít, nhớ phà…(cầu ) Mỹ Thạnh Trung…………!

  8. Đọc bài của anh, Long được biết thêm cái khổ của dân quê ta dạo ấy. Người ở thành phố có sung sướng gì! Bao nhiêu của cải đã bỏ ra chỉ để mong được trụ lại, được tồn tại. Có những điều, có những việc mà giờ nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao hồi ấy mình làm được.

    Rất may thời ấy đã qua rồi. Mong được đọc bài của anh để biết thêm về quê hương. Hy vọng ngày 10/7 này sẽ gặp anh. Chúc anh khoẻ. .

     

  9. Một Lúa nói:

    Anh Hoàng Long,

    Lâu lâu nhắc lại chuyện xưa, cảm thấy vui vui.

    Rất hân hạnh  nếu có dịp gặp bè bạn.

    Chúc anh và gia đình luôn vui khoẻ.

  10. NHA nói:

     

    -“Khi thuỷ triều bắt đầu  hạ xuống, cũng tại chỗ  giáp nước nầy diễn ra cảnh 2 dòng nước bịn rịn trước khi rời rả  chia tay. Sau đó dứt khoát đường ai nấy đi, một dòng quày quả trở ra sông Tiền, một dòng cuống quít tuôn về sông Hậu, …”Nhân cách hoá đến hay! Bịn rịn, rời rả mà lại quay quả, cuống quit!

    Rồi sẽ gặp nhau lại ở BIỂN ĐÔNG, hay nơi GIÁP NƯỚC  khi  tròn chu kỳ…

    -“…thím Hai nấu buổi cơm chiều đơn giản với món khô cá lẹp kho tương hột và gừng non xắc lát  mà chú Hai ngán tận cổ. “Có những bữa cơm như thế là qúa hạnh phúc mà còn bày đặt chê, thử hỏi những ai không may hiền thê đi vắng thì biết! Ngán tận cổ cũng rán mà ăn nhé chú Hai.

     

     -“Quen thuộc với bóng tối, họ tiến lù lù trong đêm mờ ảo.”Nói thế chớ họ có bí quyết để ghe xuồng không …lủi vào bờ (kể cả khi chèo bơi trong con rạch nhỏ) đó là họ liếc lên trời để lái ghe xuồng theo hướng của “đường trời” giới hạn bởi bóng hàng cây hai bên bờ.

    NHA

     

  11. Một Lúa nói:

    Huynh NHA,

    Tiều phu nói chuyện đốn củi quời cũng chán. Qua chuyện sông hồ hơi bị tréo chưn, hihi

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác