Xứ Gốm Đen

Ngày đăng: 7/05/2016 03:11:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Cách nay hơn 10 năm! Một hôm có anh bạn đến thăm, anh ấy là Ba Nghĩa chủ một cơ sở sản xuất gốm đất nung, anh ấy nói với tôi rằng anh ấy từng nghe nói Miền Tây có một lò gốm chuyên sản xuất ra một dòng gốm đất nung có màu đen tuyền! Tôi nói cũng đã có nghe qua chuyện này! Thế rồi anh hỏi tôi có muốn đi tìm nơi đã làm ra loại gốm đen ấy không? Tôi gật đầu. Chiều đó anh đến nhà và đưa cho tôi một tập tiền, anh nói hãy cứ xem như một chuyến du lịch, đừng quá đặt nặng chuyện phải tìm cho ra nơi ấy! Tôi nói mặc dù không biết lò gốm ấy nằm ở tỉnh thành nào? Nhưng một khi mình quyết tìm ắt sẽ gặp được thôi! Tôi rất tự tin về việc đi tìm một địa chỉ nào đó dù có thật ít thông tin về địa chỉ ấy.
Sáng hôm sau chuẩn bị xong hành trang tôi liền lên đường, tôi thầm nghĩ có thể phải mất hàng tuần mới mong tìm ra nơi cần tìm. Dù rằng loại gốm đen này là thật sự hiện hữu chứ không phải là truyền thuyết như “Bến My Lăng” hay “Lá Diêu Bông” Nhưng với mười mấy tỉnh Đồng Bằng rộng lớn này thì biết đâu mà tìm? Vậy là trước tiên tôi dùng phép loại trừ. Tôi hình dung ra một số tỉnh không thể có dòng gốm đen tuyền này được sản sinh ra! Gốm được làm ra từ đất, miền Tây đa phần có lớp trầm tích phù sa rất dày, nhưng gốm thì phải được làm bằng chất sét mà thôi! Nhưng sét miền Tây chỉ làm ra gốm đất đỏ, gốm đen nhất thiết phải có những tố chất riêng biệt, một vài thành phần khoáng chất nào đó chẳng hạn như Mangan, Coban, Sắt hoà trộn một cách ngẫu nhiên từ lòng đất mới có thể tạo thành. Hoặc cũng có thể đất có hàm lượng than bùn rất cao, mà nếu gốm đen được làm ra từ chất đất này thì độ kết khối chắc chắn sẽ không cao! Bởi vì nhiệt độ cao đúng chuẩn sẽ khiến các tạp chất hữu cơ bị đốt cháy và rồi khi thành phẩm chúng cũng vẫn sẽ là gốm đất đỏ mà thôi!
Vừa chạy xe vừa miên man nghĩ ngợi, tôi chợt nghĩ nơi dừng chân đầu tiên có lẽ sẽ là An Giang! Vì nơi ấy có một vị hoạ sĩ già rất hay lang bạt, đó là hoạ sĩ Quốc Mỹ. Người đã khai sinh ra dòng tranh vỏ tràm ở Vĩnh Long vào cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Một người sống lâu năm thích đi đây đi đó hẳn sẽ nhiều trải nghiệm, hơn nữa lại là người say mê cái đẹp, biết đâu chú ấy có thể giúp mình có được ít nhiều thông tin!? Tới An Giang tôi hỏi thăm đường đến hội Văn Học Nghệ Thuật! Thì ra hội là một căn nhà phố trên một dãy phố lầu gần chợ. Hôm ấy là ngày chúa nhật nên cửa khoá im ỉm, thấy cửa khoá trái nên tôi cất tiếng gọi vọng vào trong trên tầng ba phía bên ngoài có mốt cái đầu thòng xuống hỏi anh tìm ai? Tôi nói muốn gặp anh để hỏi thăm chút chuyện, rất mong anh thông cảm vì tôi đã làm phiền, tôi hỏi nhà của hoạ sĩ Quốc Mỹ ở số mấy đường nào? Có lẽ do bị phá giấc ngủ nên anh trả lời có vẻ hơi cáu, nhà ổng tuốt trên Châu Đốc, tôi đã đến đó bao giờ đâu mà biết nhà ông ta số mấy đường nào?hinh gom

– Ủa! Tôi nghe nói chú ấy ở An Giang mà anh?

– Vậy Châu Đốc không là An Giang à? Tôi như ngớ ra, thì ra chú ấy ở tận Châu Đốc. Vậy là tôi bỏ ý định đi tìm chú ấy, lẽ nào phải đi quá xa để hỏi về một thông tin mà người được hỏi chưa chắc gì đã biết. Sực nhớ đến hoạ sĩ Thái Đắc Phong nên tôi hỏi thăm nơi ở của chú ấy, và tôi được chỉ đường đến khu cư xá nghệ sĩ. Đến đúng số nhà chú Thái Đắc Phong tôi thấy cổng rào khoá, nhà vắng tanh, bỗng đâu bên kia đường có một người đàn ông da ngâm đen, người đó hỏi tôi, này anh kia anh tìm ai? Dạ tôi tìm hoạ sĩ Phong

– Tôi là hoạ sĩ Phong nè! -Dạ không, tôi tìm hoạ sĩ Thái Đắc Phong

  • À, hôm nay chúa nhật nên ổng về Cần Thơ rồi, mà anh là gì của ổng vậy?
  • Tôi chỉ là đồng nghiệp, tôi ở Vĩnh Long, sẵn đi công chuyện nên tôi muốn ghé thăm chú ấy và hỏi thăm chút việc
  • Hầu hết anh em hoạ sĩ ở Miền Tây tôi đều quen biết, anh là hoạ sĩ ở Vĩnh Long sao tôi không biết anh?
  • Thì do tôi không tiếng tăm nên anh không biết đó thôi!

– Mà anh tên là gì? Sau khi nghe tôi nói tên anh ấy nói có biết tôi chuyên về dòng tranh xé dán (Collage) Anh ấy cho biết anh chuyên về điêu khắc, tượng Bác Tôn Đức Thắng ở An Giang là do anh ấy thực hiện, tên anh ấy là Thanh Phong (Phong Đen).
Chia tay anh ấy tôi chạy xe đi mà lòng đầy vô định! Bất chợt tôi thấy có con đường dẫn xuống một bến phà, tôi bèn rẽ xe xuống phà để sang sông, là phà An Hoà thì phải? Qua phà chạy thêm được một đoạn tôi gặp một tốp người chạy xe ôm đang ngồi chờ khách ở một ngã ba đường. Theo kinh nghiệm thì đây là một cơ hội tốt để hỏi thăm về một địa chỉ nào đó quanh vùng. –Mấy anh ơi làm ơn cho tôi hỏi, mấy anh đây có ai biết một lò gốm chuyên làm ra đồ gốm màu đen không? –Tôi biết! Có phải moi đất sét nặn phơi khô nung cho đen rồi đem bán không? –Phải rồi anh à! Nghe anh xe ôm nói biết mà tôi mừng như bắt được vàng. Theo hướng dẫn tôi chạy khoảng gần nửa giờ cộng với thêm vài lần hỏi thăm đường thì đến một nơi nhà cửa và dân cư thật thưa thớt! Ở đó có vài hộ người Khơ Me chuyên nặn cà ràng và nồi đất, nặn xong sản phẩm họ đem phơi thật khô rồi phủ lên một lớp rơm rạ dày và đốt, nên khi thành phẩm sẽ có màu luốc luốc chứ không thật đen (Tương tựa cách nung gốm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận) Vậy là xem như xôi hỏng bỏng không.
Quày xe trở ra đường cũ, vừa chạy tôi vừa thầm nghĩ mình thật giống Đông Ky Xốp, đã dở mà lại hay tìm việc khó, rồi sẽ có ngày kiệt lực mà thôi! Nhìn thấy bên kia đường có một tiệm cà phê cũ kỹ, tường váng rêu xanh, bên trong nội thất ám đầy khói. Tôi tin rằng nơi này cũng là một nơi lưu trữ nhiều thông tin lắm! Ngồi vào một bàn trống và gọi ly đá chanh, sau đó tôi hỏi, Thưa quý vị! Tôi nghe nói ở xứ mình có một lò gốm làm ra thứ gốm có màu đen, vậy trong quý vị đây có ai biết không? Nếu biết xin hãy chỉ giùm tôi sẽ rất biết ơn. Mọi người trong quán lao xao nhưng có vẻ không ai có thông tin về điều tôi vửa hỏi. Nhưng rồi như có phép lạ, một bác lớn tuổi có lẽ là chủ nhà, người đã khai sinh ra tiệm cà phê. Bác ấy nói –chú gặp may rồi! Thật ra thứ gốm đen mà chú vừa nói, nếu hỏi ở đây sẽ không ai có thể biết được đâu! Thời may nhà ông thông gia của tôi ở gần nơi có lò gốm đen đó nên tôi mới biết được đó thôi! Vì nó ở tận huyện Chợ Mới chớ có phải gần đây đâu mà chú hỏi.
Và rồi bác ấy chỉ đường cho tôi thật cặn kẽ, tưởng chừng như nhắm mắt tôi cũng có thể tìm đến được tận nơi! Mất hơn nửa tiếng chạy như bay tôi đã đến được nơi cần đến. Đó là một khu đất mặt tiền rộng độ vài mươi mét nhưng trông có vẻ rất sâu, phía trước bày la liệt những bồn nước bằng vật liệu Composite nên nếu không chú ý sẽ không nhận ra còn có một lò gốm nằm sâu bên trong.
Không vội, tôi vào một quán gần đó gọi nước uống và nghĩ cách tiếp cận với chủ nhân, cảm giác thật là hồi hộp! Còn nhớ khi còn bé có một hôm tôi cầm trên tay chiếc bình đất nung mà Ba tôi dùng để uống trà hằng ngày lên ngắm nghía, Tôi đã bị Ba rầy! Ba nói –Chiếc bình đó là bình Mạnh Thần rất quý hiếm, coi chừng vuột tay làm rớt là bị đánh đòn nha! Câu nói đó vô tình ám ảnh tôi hoài, ai đời chiếc ấm màu gan gà nhỏ như trái quýt lại là vật quý hiếm. Và như là duyên nợ với gốm đất nung, sau này lớn lên tôi có dịp tiếp cận với nhiều lò gốm đất đỏ. Lò đầu tiên là của nhóm anh Lê Triều Điển, chú Trọng Đông, sau đó là lò của anh Bùi Công Phiệt và rồi là lò của anh Sáu Hoà, anh Ba Nghĩa. Sau này Vĩnh Long lại có thêm thật nhiều lò gốm đất nung mọc lên, nhưng là làm ra loại gốm dùng để trang trí chứ không như gốm truyền thống. Để tạo ra hình dáng một sản phẩm gốm sẽ có vài cách thức như nặn bằng tay, rót, xoay, in. Quay lại câu chuyện đang kể, tôi lấy điện thoại gọi cho anh bạn và nói tôi đã gặp được chỗ làm gốm đen rồi, có lẽ chiều nay tôi sẽ về lại Vĩnh Long thôi, và nói anh ấy hãy chờ tin vui từ tôi.
Chạy đi mua vội ít quà, tôi quay lại và xin được gặp chủ nhân! Tiếp tôi là một người đàn ông trung niên có nét hiền lành và thân thiện, có lẽ anh hơn tôi vài tuổi, tên anh là Vũ Thuận. Như đã thân nhau tự bao giờ! Càng trò chuyện hai người càng tỏ ra hợp ý vô cùng, anh dắt tôi đi xem loanh quanh và đem ra nhiều thành phẩm để giới thiệu cùng tôi, anh còn kêu cô con gái có tên là Thy gói kỹ vài món mà anh muốn tặng cho tôi làm quà.
Vậy là không còn gì trọn vẹn hơn cho mục đích của một chuyến đi! Nai nịch lại hành trang thật cẩn thận, tôi hẹn với anh tuần sau tôi và anh Ba Nghĩa sẽ quay lại thăm anh.
Lên lưng ngựa có đôi cánh rộng, tôi bay nhanh dưới cái nắng chang chang giữa mùa hè mà nghe trong lòng cảm xúc như đan xen, vừa hân hoan vừa trầm tư vô kể! Thì ra gốm cũng có linh hồn như người, cũng do Tứ Đại hợp lại mà thành, chỉ những ai thật lòng với nó thì mới mong chạm được trái tim của nó mà thôi…
Vĩnh Long, Một khuya oi nồng
6-5-2016
Lâm Chiêu Đồng

Có 10 bình luận về Xứ Gốm Đen

  1. vothilai nói:

    Qua bài viết của anh chúng tôi mới biết loại gốm màu đen xuất xứ tận ở chợ Mới An Giang.Anh thật hay và có tâm hồn yêu  nghề gốm lắm mới bỏ công sức tim tòi như thế,thật là đáng ngưỡng mộ.

  2. Thy Cúc nói:

    Nghe anh kể , hành trình đi tìm loại sứ gốm đen cũng khá kỳ công . Chúc anh và người bạn có một chuyến đi thành công  ; Để có nhiều bài thơ hay ra đời và những bức tranh xé dán tuyệt mỹ .

    Ngô Thy Cúc

    • Lâm Chiêu Đồng nói:

      Cảm ơn chị Ngô Thy Cúc thật nhiều nha! Tôi vẫn hằng lầm lủi bước trên con đường mà tôi đã chọn chị à! Sẽ không quân tâm đích đến vì điều đó cũng không quan trọng với tôi, có lẽ tôi đang vạn lý độc hành đó chị ơi hihi

       

  3. Hoành Châu nói:

    Quyết chí là sẽ thành công . Chúc tác giả  và người bạn luôn vui  và thỏa  mãn   với ước  nguyện của  mình  !   Hoành Châu  (Gia đình C  )

  4. Lâm Chiêu Đồng nói:

    Mỗi người đều có tính cách riêng! Tính tôi thích đi, thích khám phá và thích gốm nữa chị Vothilai ơi! Ý nghĩa của cuộc đời của mỗi chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là những trải nghiệm được xâu kết lại mà thôi đúng không chị? Cảm ơn vì chị đã chia sẽ nha!

     

  5. Lâm Chiêu Đồng nói:

    Cảm ơn chị Hoành Châu! Đi tìm nơi đã làm ra thứ gốm đen cũng chỉ như đi để xả Stress mà thôi chị à! Tôi có làm ăn gì nữa đâu chị hihi, bức hoa đào có còn treo chỗ nữa không? Hôm nào chị rảnh mời chị ghé chỗ tôi uống trà nha!

  6. My Nguyen nói:

    Đọc bài viết của anh Lâm Chiêu Đồng về quá trình tìm được nơi làm gốm đen thật là thú vị! Đúng như anh nói, “chỉ những ai thật lòng với nó thì mới mong chạm được trái tim của nó”. Còn tôi, mong được xem những bài viết tiếp theo của anh có tính biên khảo, nghiên cứu độc đáo thế này. Xin cảm ơn anh.

    • Lâm Chiêu Đồng nói:

      Tính tôi thích được đi đây đó, thích tìm hiểu về mọi điều chung quanh chị My Nguyen à! Tôi cũng có sở thích hơi lạ là thích đi một mình, khi đi một mình tôi nhìn sự vật theo cách riêng của mình… sâu lắng và chiêm nghiệm. Cảm ơn chị My Nguyen nhiều nha!

  7. Lyhuong nói:

    Còn làm được những điều mình thích ,là tốt quá rồi Chiêu Đồng ạ,lại thưởng lãm cái đẹp của nghệ thuật ở mọi khía cạnh của cuộc sống ,quả là hạnh phúc lắm ,mình rất thích gốm ,nhưng để có một bình hoa làm từ đất đen thì khó quá.Thân mến.Lý hương G.Đ.C.

    • Lâm Chiêu Đồng nói:

      Tôi có nghe nói hiện nay trong nước cũng có nhiều cơ sở gốm nghiên cứu làm ra loại gốm đen chị Lyhuong à! Năm 2003 tôi và vợ có ghé vào một gian mỹ nghệ gốm ở Côn Minh (Thủ phủ của tỉnh Vân Nam) ở đó có bày bán gốm đen Ni Xi, dòng gốm có lịch sử vài ngàn năm vẫn lưu truyền đến tận bây giờ đó chị! Gốm đen làng Ni Xi có độ kết khối cao và thật tinh xảo, cầu chúc duyên may nào đó đẩy đưa để chỉ sở hữu một vài món gốm đen Ni Xi nhé!

Trả lời Lâm Chiêu Đồng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác