Thờ Chồng (7)
Như Ngọc cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn. Những ngày mưa rả rít, cô thường ngồi trên mép chiếc giường của 2 đứa con đang chơi môn gì đó, sáng chế bởi con bé Như Thuỷ giàu óc tưởng tượng. Như Ngọc lơ đãng nhìn ra sân đất sâm sấp nước, những giọt nước thưa thớt rớt xuống mặt nước keo bẫn tạo thành bong bóng lô nhô như nửa trái bóng bàn và tan vỡ rất mau. Liên tưởng câu hát đưa em, cô thường nghe lúc gia đình còn cư ngụ trong trại gia binh ở bên cạnh khu vực phi trường Trà Nóc:
“Trời mưa bong bóng phập phồng, em đi lấy chồng, để khổ cho anh”.
Lúc đó Như Ngọc hoàn toàn không biết cảm giác của người bị bỏ rơi. Bởi chung quanh cô luôn luôn có người thương yêu chìu chuộng và đeo đuổi quan tâm. Trong đó có vài anh chàng phi công trực thăng trong cư xá độc thân của sư đoàn 4 không quân. Chỗ nhà ở của họ liên ranh với đơn vị bảo vệ phi trường của ba Như Ngọc, phân biệt bằng một hàng rào kẽm gai tượng trưng và luôn luôn bỏ ngỏ.
Dòng đời trôi dạt cô đến ấp Trà Ngoa nầy thật nghiệt ngã. Chỉ hơn năm ra ngoài làm ăn, là bao khó khăn việc quán xuyến gia đình. Như Ngọc cố gắng chu toàn trách nhiệm làm mẹ của hai con nhỏ và bổn phận dâu con đối với bà mẹ chồng có sức khoẻ không tốt lắm. Đôi lúc cô tự nghĩ, làm thế nào mà một phụ nữ goá bụa như cô có thể gánh vác những trọng trách đó.
Ngoại trừ những chuyến hàng nhiều và quan trọng về giá cả, thì Như Ngọc phải tháp tùng tàu chở hàng hoặc đi xe đò lên Sài Gòn chờ sẵn, nhân dịp đó mà giao thiệp với các chỗ vựa làm ăn. Còn hầu như việc gởi giỏ cam quýt lên các vựa ở Sài Gòn mỗi chuyến hàng đều do chủ vựa quyết định giá thu mua, những chủ tàu chỉ là người trung gian và tín nhiệm giao nhận các toa vé.
Qua tết 1983, Như Ngọc đi xe đò lên Sài Gòn để thu tiền những chuyến hàng gởi lúc cận tết. Sáng hôm đó, Như Ngọc bước ra từ một vựa trái cây tại cảng cầu Ông Lãnh, vừa lúc một thanh niên bên ngoài bước vào. Lối đi hẹp giữa 2 hàng càn-xé khiến hai người phải đứng lại. Người thanh niên nhìn chầm chập mặt nàng rồi nói như reo:
– Cô là Như Ngọc, con của thiếu tá Hùng.
Vừa lúc nàng cũng chợt nhớ.
– Anh Thuận “tề thiên”?
– Nó đây, cô gọi tề thiên là trí nhớ còn khá tốt, chứ tôi cũng quên mất. Ba cô sao rồi, tôi gỡ gần 5 cuốn lịch ở trại Xuyên Mộc, vùng mật khu Mây Tào.
– Xin lỗi anh, em mừng quá buộc miệng vì nghe anh Hậu hay nhắc tên anh như vậy. Ba em ở Vĩnh Phú, má em về quê Đông Hà lâu rồi. Bà thăm nuôi ba đúng kỳ đều đặn.
– Hậu có đây không Ngọc, hiện giờ hai ông bà ở đâu.
– Hậu mất gần 2 năm rồi anh Thuận ơi. Em bây giờ sống với mẹ chồng và 2 con nhỏ ở Trà Ôn.
– Trời ơi! Nghe mà buồn muốn khóc. Tại sao Hậu mất. Ngày 1-5-75 tan hàng tại Trà Nóc. Tôi không thể quên sáng hôm đó. Tôi, Hậu, Quý “đơ”, Hùng “cọp”, cả bọn uống ly cà phê cuối cùng mà buồn như cha chết tại quán Sống Vang. Sau đó chia tay ai về nhà nấy, nghe Hậu nói nhà má nó ở gần cầu Cái Khế. Hôm trước tôi có gặp Quý “đơ”, lúc nầy chạy mánh ở chợ Kim Biên, nó hỏi thăm tôi có tin gì của Hậu hay không. Tụi nó mà biết tin Hậu, chắc là buồn lắm.
– Anh Hậu đi đêm trong ruộng bị rắn độc cắn mà không kịp chở ra bệnh viện. Phi công các anh hay có tên đệm nghe buồn cười quá. Anh Thuận bây giờ ở đâu, vợ con ra sao.
– Tháng 8 năm 74, sau đám cưới của Hậu và Ngọc khoảng 2 tháng. Gia đình tôi đến Cần Thơ tổ chức đám hỏi cho chúng tôi. Người hứa hôn là Anh, cô giáo rất xinh dạy ở Bình Thuỷ, quê ở Thới Lai. Chúng tôi hẹn ước chờ thời cuộc êm êm thì làm đám cưới. Chiến sự càng ngày càng nặng nề dẫn tới 30 tháng 4, tôi chưa kịp qua thăm nhà vợ thì có lệnh khăn gói trình diện. Trong trại cải tạo chưa giáp năm, má tôi cho hay em đã lấy chồng quan, cũng nghe nói gia đình em có nhiều thân nhân làm lớn lắm. Tôi ra trại ba năm nay, đầu tiên về nhà làm ruộng. May mắn có người quen bảo lãnh học khoá tài công, tôi mới được chân lái ghe mướn cho thằng em họ cũng gần 2 năm. Ngọc ở chợ Trà Ôn mà chỗ nào. Ngọc đến vựa nầy có việc gì vậy.
– Nhà má chồng ở ấp Trà Ngoa, xã Trà Côn. Em mua bán cam quýt các xã xung quanh nhà. Còn nhà anh ở đâu, anh Thuận.
– Tôi với Ngọc là láng giềng khác huyện, tính ra hai nhà cách nhau chừng năm cây số mà không biết. Ba má tôi ở Chợ Cũ, Tam Bình. Tôi lái ghe chở mật đường của thằng em đậu bến gần cầu Bót Hàn. Bữa nay ghe tui lên mật đường vừa xong, ghe đậu ở cảng mật Lê Quang Liêm. Tôi được người quen nhờ đến vựa nầy nhận dùm tiền hàng. Ngọc chờ tôi vô gặp bà chủ một tí, tôi trở ra mời Ngọc đi uống cà phê.
Ngọc cứ trằn trọc mãi, mùi mật đường lẩn quẩn trong khoang ghe và tiếng máy tàu rần rần phía dưới lưng khiến cô không ngủ được. Ý là hồi chiều, Thuận lên chợ mua chiếc gối và 2 cái mền chỉ mới tinh, một cái mền lót trên mặt sạp cho êm. Thuận cười cười nói tếu:
– Đêm nay tàu tụi tui có khách sang tạm trú, người phục vụ phải lo chu đáo. Ngọc cứ tự nhiên ngủ trong mui, hai thằng tui ngủ trên ca-bin để dễ kêu nhau thay tay lái tàu.
Hồi trưa, Ngọc định gởi nhờ tàu của Thuận số hàng mua về xài, rồi nàng sẽ ra xa cảng đi xe đò về. Vậy mà nghe Thuận mời một câu là nàng đổi ý ngay. Có thể niềm hâm mộ tư cách những người bạn của Hậu khiến Như Ngọc luôn an tâm.
Trong thao thức, cô nhớ lại quãng đời vui vẻ hạnh phúc xưa cũ. Năm 1973, Như Ngọc 18 tuổi, cô tú đẹp gái khiến bao nhiêu chàng phi công lén gỡ thấp rào kẽm gai, nhảy qua khu gia binh của tiểu đoàn Địa phương quân có nhiệm vụ bảo vệ vành đai an ninh phi trường. Đầu tiên thì có lẽ những anh chàng lính không quân lười biếng lội bộ lên câu lạc bộ của họ. Sau nầy họ rủ nhau qua rào để có dịp tò vè dê dỏm những bông hoa đẹp. Dĩ nhiên trong đó có sự thu hút của Như Ngọc.
(Còn tiếp)
Một Lúa
H
Đúng là trái đất tròn !
Thuận và Ngọc ,tình bạn xa cách lâu vậy mà khi gặp lại nhau mới biết hai nhà chỉ cách nhau hơn 5 cây số
Chắc là sắp có chuyện gì ko hay rùi đây ?????!
Phan Lương,
Thế nào mới đúng ý bạn, ghi ra thử xem. hihi
Câu chuyện đang lái qua hướng khác , thật hấp dẫn, nhớ xưa đọc báo, gặp những tiểu thuyết dài tập thế là không tiếc tiền mua báo, bây giờ khỏi mua báo nhưng phải chờ bao giờ tg cho đọc tiếp thì đọc vậy. Cảm ơn Một Lúa đã viết một tiểu thuyết dài tập đọc không biết chán vì rất hay.
Chị Hoa Đăng nhớ bỏ ống heo số tiền không mua báo nhé!
Rầu ! Mặt trận miền Tây … bắt đầu nhốn nháo !!!
Như Thuỳ,
Vậy là không còn yên tĩnh! hihi